AsianLII [Home] [Databases] [WorldLII] [Search] [Feedback] [Help]

The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online

You are here:  AsianLII >> Databases >> The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online >> 8.1.4. Xác định một số tình tiết định khung tăng nặng

[Table] [Database Search] [Name Search] [Previous Part] [Previous Section] [Next Section] [Next Part] [English] [Help]


 
8.1.4. Xác định một số tình tiết định khung tăng nặng


Văn bản quy phạm pháp luật
  • BLHS (Điều 133)
  • Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25.12.2001 của Toà án nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp (trong mục này viết tắt là TTLT số 02/2001) (Phần II)

  • Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

    • Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”
      - “Vũ khí” là một trong các loại vũ khí được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12-08-1996 của Chính phủ);
      - “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công;
         + Về công cụ, dụng cụ
           Ví dụ: dao phay, các loại dao sắc, nhọn…..
         + Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
           Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…..
         + Về vật có sẵn trong tự nhiên
      Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng và chắc, thanh sắt…….
      - “Thủ đoạn nguy hiểm” là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như dùng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi môtô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản…
    • Thẩm phán xem xét lại trường hợp phạm tội mà gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 30% thì áp dụng điểm đ khoản 2; nếu tỷ lệ từ 31% đến 60% thì áp dụng điểm a khoản 3 và tỷ lệ từ 61% trở lên hoặc làm chết người thì áp dụng điểm a khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự.
    • Lưu ý: vì tỷ lệ thương tật phải căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan chuyên môn. Nếu không có bản kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì không xác định được tỷ lệ thương tật; do đó không được áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng trên đây.
    • “Giá trị tài sản bị cướp”.
      - Cần xác định đúng giá trị tài sản bị cướp để áp dụng đúng khung hình phạt;
      - Để xác định đúng giá trị tài sản bị cướp cần căn cứ vào hướng dẫn tại Phần II TTLT số 02/2001. Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội cho rằng người bị hại khai giá trị như vậy là không đúng thực tế tức là có tranh chấp về giá trị tài sản thì phải xác định giá trị tài sản như sau:
         + Giá trị tài sản bị cướp xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị chiếm đoạt;
         + Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi phạm tội có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xác định tội phạm. Ví dụ: A thấy một người vừa nhận 100 triệu đồng từ kho bạc bỏ vào túi liền đi theo và lợi dụng lúc vắng người đã dùng vũ lực cướp tiền thì bị bắt giữ. Tuy nhiên khi cướp được túi đựng tiền thì chỉ có 200 ngàn đồng, do 100 triệu đồng người nhận tiền đã cất vào chỗ khác. Mặc dù số tiền cướp được chỉ có 200 ngàn đồng. Song trong trường hợp này, A phải bị truy tố, xét xử theo điểm e khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự vì tài sản A có ý định chiếm đoạt là 100 triệu đồng.
         + Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi phạm tội có ý định cướp tài sản, nhưng không quan tâm đến giá trị tài sản, chiếm đoạt bất kỳ tài sản gì, được bao nhiêu cũng lấy, thì lấy giá thị trường của tài sản bị chiếm đoạt tại địa phương vào thời điểm xảy ra tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự.
         + Để xác định đúng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp người phạm tội đã đem bán nên không thu hồi được, cơ quan điều tra cần lấy lời khai của những người biết về tài sản này để xác định đó là tài sản gì; nhãn mác của tài sản đó như thế nào; giá trị tài sản đó theo thời giá thực tế tại địa phương vào thời điểm tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu; tài sản đó còn bao nhiêu phần trăm… để trên cơ sở đó có kết luận cuối cùng về giá trị tài sản bị xâm phạm.