AsianLII [Home] [Databases] [WorldLII] [Search] [Feedback] [Help]

The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online

You are here:  AsianLII >> Databases >> The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online >> 1.4.1. Những nguyên tắc cơ bản chung trong hoạt động xét xử các loại vụ án

[Table] [Database Search] [Name Search] [Previous Part] [Previous Section] [Next Section] [Next Part] [English] [Help]


 
1.4.1. Những nguyên tắc cơ bản chung trong hoạt động xét xử các loại vụ án


Văn bản quy phạm pháp luật
  • Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) (Điều 12)
  • Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) (Điều 129, 130, 131 và 133 )
  • Luật tổ chức TAND năm 2002 (Điều 4, 5, 6, 7, 8, 10 và Điều 11)
  • Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự năm 2002
  • BLTTHS (Điều 185)
  • BLTTHS (Điều 244)
  • BLTTHS (Điều 281)
  • BLTTDS (các điều 52, 53, 54)
  • Pháp lệnh TTGQCVAHC (Điều 15)

  • Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

    • Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (Điều 12 Hiến pháp năm 1992, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10).
    • Đây là nguyên tắc chỉ đạo, bao trùm nhất, được thể hiện trong tất cả các hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và trong hoạt động xét xử của Toà án nhân dân nói riêng. Trong hoạt động xét xử, để bảo đảm cho nguyên tắc này không bị vi phạm, đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, từ các quy định của pháp luật tố tụng đến các quy định của pháp luật về nội dung.
    • Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia, việc xét xử của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán (Điều 129 Hiến pháp năm 1992; Điều 4 Luật tổ chức Toà án nhân dân). Tuỳ từng loại vụ án cụ thể mà nguyên tắc này được quy định tại các điều luật tương ứng của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
    • Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán cần được hiểu là khi xét xử bất kỳ một vụ án nào thuộc thẩm quyền của Toà án mà có Hội thẩm tham gia, thì Hội thẩm và Thẩm phán có quyền ngang nhau trong việc giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án, không phân biệt vấn đề đó là về mặt tố tụng hay về mặt nội dung.
    • Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 130 Hiến pháp năm 1992; Điều 5 Luật tổ chức Toà án nhân dân). Nguyên tắc này được thể hiện ở các mặt sau đây:
      - Thứ nhất là khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm không bị ràng buộc bởi kết luận của Viện kiểm sát, không bị chi phối bởi ý kiến của nhau. Thẩm phán, Hội thẩm phải chịu trách nhiệm đối với ý kiến của mình về từng vấn đề của vụ án;
      - Thứ hai là Thẩm phán và Hội thẩm độc lập cũng có nghĩa là không một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm;
      - Cần chú ý là sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử phải gắn liền với việc tuân thủ pháp luật.
    • Toà án xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định (trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của các đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ) (Điều 131 Hiến pháp năm 1992; Điều 7 Luật tổ chức Toà án nhân dân).
    • Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số (Điều 131 Hiến pháp năm 1992; Điều 6 Luật tổ chức Toà án nhân dân).
      - Toà án xét xử tập thể có nghĩa là việc xét xử bất cứ một vụ án nào theo trình tự nào cũng do một Hội đồng thực hiện. Thành phần Hội đồng xét xử ở mỗi cấp xét xử đối với từng loại vụ án được quy định tại các điều tương ứng trong pháp luật tố tụng; cụ thể như sau:
      - Đối với vụ án hình sự: 
      + Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm (Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự);
      +  Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm (Điều 244 Bộ luật tố tụng hình sự);
      +  Thành phần giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 281 Bộ luật tố tụng hình sự).
      - Đối với vụ án dân sự (các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động):
      + Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm (Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự);
      + Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm (Điều 53 Bộ luật tố tụng dân sự);
      + Thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 54 Bộ luật tố tụng dân sự).
      - Đối với vụ án hành chính: thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm; thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm; thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 15 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính).
    • Toà án xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 8 Luật tổ chức Toà án nhân dân).
    • Toà án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Toà án (Điều 133 Hiến pháp năm 1992; Điều 10 Luật tổ chức Toà án nhân dân).
      Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng tại Toà án là tiếng Việt; do đó, trong trường hợp có người tham gia tố tụng không biết tiếng Việt thì cần phải có người phiên dịch.
    • Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử (Điều 11 Luật tổ chức Toà án nhân dân).