AsianLII [Home] [Databases] [WorldLII] [Search] [Feedback] [Help]

The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online

You are here:  AsianLII >> Databases >> The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online >> 2.1. Xem xét tính hợp pháp của kháng cáo, kháng nghị

[Table] [Database Search] [Name Search] [Previous Part] [Previous Section] [Next Section] [Next Part] [English] [Help]


 
2.1. Xem xét tính hợp pháp của kháng cáo, kháng nghị


Văn bản quy phạm pháp luật
  • BLTTHS (các điều 231, 232, 234, 239)
  • Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 05/2005) (các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Phần I)

  • Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

    • Xác định chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn kháng cáo của mỗi loại chủ thể đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Để xác định đúng cần căn cứ vào Điều 231 BLTTHS; hướng dẫn tại mục 1 Phần I Nghị quyết số 05/2005. Cần chú ý quyền kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại.
    • Xác định quyền kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 232 BLTTHS. Về nguyên tắc chung Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, cần phân biệt kháng nghị đối với quyết định nào của Toà án cấp sơ thẩm mới được xem xét ở Toà án cấp phúc thẩm. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 05/2005.
    • Kiểm tra thủ tục kháng cáo đã hợp lệ hay chưa.
    • Việc nhận kháng cáo và xử lý  kháng cáo chủ yếu được thực hiện tại Toà án cấp sơ thẩm. Cần nghiên cứu hướng dẫn tại mục 3 Phần I Nghị quyết số 05/2005 để kiểm tra việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Toà án cấp sơ thẩm đã đúng và đầy đủ hay chưa để có quyết định tương ứng phù hợp.
    • Khi Toà án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo và các tài liệu chứng cứ kèm theo (nếu có) thì phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành các công việc theo thủ tục chung.
    • Kiểm tra kháng cáo, kháng nghị có làm đúng trong thời hạn quy định tại Điều 234 và Điều 239 BLTTHS hay không? Để kết luận đúng, cần phải xác định đúng thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị và ngày kháng cáo theo hướng dẫn tại mục 4 Phần I Nghị quyết số 05/2005.
    • Xem xét kháng cáo quá hạn.
      - Khi có kháng cáo quá hạn, thì Toà án cấp phúc thẩm phải thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Việc xét lý do kháng cáo quá hạn phải được thực hiện trước khi mở phiên toà;
      - Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng, tức là trong trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định. Ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, bị tai nạn phải nằm viện điều trị;
      - Để xét kháng cáo quá hạn đúng quy định tại Điều 235 BLTTHS cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại mục 5 Phần I Nghị quyết số 05/2005;
      - Quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn phải làm đúng theo mẫu số 01c và Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn phải làm đúng theo mẫu số 01d (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).
    • Kiểm tra Toà án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ việc thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị hay chưa? Để kết luận đúng phải căn cứ vào Điều 236 BLTTHS và hướng dẫn trong mục 6 Phần I Nghị quyết số 05/2005.
    • Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị phải làm đúng theo mẫu số 01đ (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).
    • Xử lý việc bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị, việc rút kháng cáo, kháng nghị và để xử lý đúng việc rút kháng cáo, kháng nghị, ngoài việc căn cứ vào Điều 238 BLTTHS, cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại mục 7 Phần I Nghị quyết số 05/2005.
    • Thông báo việc rút kháng cáo, kháng nghị phải làm đúng theo mẫu số 01e (ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2005).