AsianLII [Home] [Databases] [WorldLII] [Search] [Feedback] [Help]

The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online

You are here:  AsianLII >> Databases >> The Supreme People's Court of Vietnam: Benchbook Online >> 1.3.1. Hiểu và thực hiện quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà.

[Table] [Database Search] [Name Search] [Previous Part] [Previous Section] [Next Section] [Next Part] [English] [Help]


 
1.3.1. Hiểu và thực hiện quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà.


Văn bản quy phạm pháp luật
  • BLTTHS (Điều 185)
  • BLTTHS (Điều 187)
  • BLTTHS (Điều 189)
  • BLTTHS (Các điều 190,191, 192, 193)
  • BLTTHS (Điều 200)
  • BLTTHS (Điều 307)
  • BLHS (Khoản 2 Điều 93)
  • Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5-11-2004 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 04/2004) (mục 2 Phần II)
  • BLTTHS (Chương XVIII)

  • Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

    Cần hiểu và thực hiện đúng các quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà quy định tại Chương XVIII BLTTHS và hướng dẫn tại phần II Nghị quyết số 04/2004. Đặc biệt cần chú ý các vấn đề sau đây:

    • Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm quy định tại Điều 185 và Điều 307 BLTTHS. Đối với vụ án mà các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử bắt buộc gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Cần chú ý là khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình, chứ không phải trong điều luật đó có quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Ví dụ: nếu bị cáo bị truy tố theo khoản 2 Điều 93 BLHS thì thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.
    • Sự có mặt của bị cáo, của kiểm sát viên và của những người tham gia tố tụng khác quy định tại các điều 187, 189, 190,191, 192 và 193 BLTTHS để khi có người vắng mặt, thì quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.
    • Việc giám sát bị cáo tại phiên toà quy định tại Điều 188 BLTTHS và hướng dẫn tại mục 1 phần II Nghị quyết số 04/2004. Thẩm phán- Chủ toạ phiên toà cần phải chú ý đến việc giám sát bị cáo khi Hội đồng xét xử tạm nghỉ hoặc vào phòng nghị án thảo luận thông qua các quyết định, bản án. Cụ thể trước khi Hội đồng xét xử tạm nghỉ hoặc và phòng nghị án tuỳ từng trường hợp mà tuyên bố như sau:
      - Đối với bị cáo đang bị tạm giam, thì phải tuyên bố: “Giao bị cáo đang bị tạm giam cho những người có nhiệm vụ dẫn giải giám sát trong thời gian Hội đồng xét xử tạm nghỉ (hoặc trong thời gian Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận);
      - Đối với bị cáo không bị tạm giam thì phải tuyên bố: “Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt khi Hội đồng xét xử trở lại phòng xử án. Nếu vắng mặt không có lý do chính đáng và không được phép của Chủ toạ phiên toà thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung hoặc tuyên án vắng mặt bị cáo”.
    • Giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 196 và hướng dẫn tại mục 2 Phần II Nghị quyết số 04/2004. Toà án có thể xét xử:
      - Theo khoản nặng hơn hoặc khoản nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật (tiểu mục 12.1 mục 2 Phần II Nghị quyết số 04/2004);
      - Về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II Nghị quyết số 04/2004 để xác định tội nào Toà án sẽ xử bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố hay không? Nếu không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục này thì Toà án không được xét xử bị cáo về tội khác nặng hơn so với tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, cho dù có đủ căn cứ;
      - Về tội nhẹ nhất trong các tội mà Viện kiểm sát truy tố hoặc về tội nhẹ hơn tất cả các tội mà Viện kiểm sát truy tố đối với tất cả các hành vi phạm tội, trong trường hợp Viện kiểm sát truy tố bị cáo về nhiều tội đối với nhiều hành vi phạm tội (tiểu mục 2.3 mục 2 Phần II Nghị quyết số 04/2004).
    • Nếu xét thấy có thể xét xử bị cáo theo một trong các trường hợp trên đây, cần tuân thủ quy định của BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần Hội đồng xét xử và về việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.
    • Cần thực hiện đầy đủ những yêu cầu đối với biên bản phiên toà quy định tại Điều 200 BLTTHS và hướng dẫn tại mục 3 Phần II Nghị quyết số 04/2004;