AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc tiếp tục thực hiện đổi mới tổ chức, cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp và huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc tiếp tục thực hiện đổi mới tổ chức, cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp và huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 30/1999/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 1999                          
ủy ban nhân dân

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc tiếp tục thực hiện đổi mới tổ chức, cơ chế chính sách

quản lý ngành lâm nghiệp và huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh

 

Nhằm sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý ngành lâm nghiệp đáp ứng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, kinh doanh sản xuất lâm nghiệp trong tình hình mới, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, UBND tỉnh đã ban hành đề án "Đổi mới tổ chức và cơ chế, chính sách quản lý ngành lâm nghiệp" và đề án "Tổ chức trồng rừng và huy động vốn trồng rừng". Đồng thời, để chỉ đạo việc triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị số 58/CT-UB ngày 08/12/1997 về việc triển khai thực hiện đề án "Đổi mới tổ chức và cơ chế, chính sách quản lý ngành lâm nghiệp" và chỉ thị số 56/1998/CT-UB ngày 01/12/1998 về việc đẩy mạnh thực hiện đề án "Tổ chức trồng rừng và huy động vốn trồng rừng".

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng trong tỉnh đã cố gắng triển khai thực hiện các đề án và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra, quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều tồn tại, thiếu sót.

Để tiếp tục thực hiện có kết quả "Đổi mới tổ chức, cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp và huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh" theo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy tại văn bản số 186/KL-TU ngày 18/6/1999; UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh tổ chức thực hiện những công tác sau đây:

1/ Đẩy mạnh tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến sâu rộng hơn nữa trong các cấp chính quyền, đoàn thể quần chúng nội dung kết luận số 64, 78, 186/KL-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như các đề án, Chỉ thị của UBND tỉnh về "Đổi mới tổ chức, cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp và huy động vốn trồng rừng", làm cho các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế-xã hội và nhân dân địa phương, nhất là trong cán bộ, công nhân viên chức ngành lâm nghiệp và những người làm nghề rừng hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ trong thực hiện các chủ trương này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ đó tự giác, phấn khởi và yên tâm thực hiện.

2/ UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đàlạt và các ngành chức năng phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của cấp mình, ngành mình theo nội dung Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị số 26/1999/CT-UB ngày 06/7/1999 của UBND tỉnh. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt chỉ đạo các lâm trường, Ban quản lý rừng nghiêm túc thực hiện đưa cán bộ lâm nghiệp gắn với xã, phường, thị trấn; đồng thời phải phân công, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong nhiệm vụ quản lý rừng và đất lâm nghiệp ở địa phương. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt phải tổ chức rà soát lại việc thực hiện phương án trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp đối với các hộ gia đình, cá nhân mà cấp mình đã giao đất trước kia. Kiên quyết thu hồi đất đối với những trường hợp không quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng theo phương án được duyệt hoặc lợi dụng việc nhận đất trồng rừng để mua bán, sang nhượng đất đai trái phép. Đồng thời phải kiểm tra xác định cụ thể quĩ đất trống hiện có ở địa phương để lập qui hoạch, kế hoạch để thực hiện giao đất cho nhân dân địa phương trồng rừng ổn định lâu dài.

3/ Giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm, Ban Tổ chức chính quyền và các ngành có liên quan rà soát những nội dung văn bản về đổi mới tổ chức, cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp và huy động vốn trồng rừng do UBND tỉnh ban hành trước đây để trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa hợp lý cũng như tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo, cụ thể hóa những chính sách, chủ trương, qui định của Nhà nước mới ban hành liên quan đến lĩnh vực này nhằm đảm bảo thống nhất quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức sản xuất kinh doanh nghề rừng trên cơ sở phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước về chuyên ngành và lãnh thổ.

Rà soát, kiểm tra lại việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng của các Ban quản lý rừng, lâm trường trong tỉnh; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những đơn vị yếu kém trong công tác này. Tiến hành kiểm tra tất cả các trường hợp do lâm trường, Ban quản lý rừng giao khoán đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ để đánh giá rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện, đồng thời qua đó kịp thời phát hiện các trường hợp không thực hiện trồng rừng, lợi dụng việc khoán đất để trồng cây công nghiệp, sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp hoặc tổ chức sang nhượng, mua bán đất đai trái phép để chỉ đạo các lâm trường, Ban quản lý rừng chấm dứt việc thực hiện hợp đồng khoán; đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nêu trên.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh ban hành các qui định về đổi mới trồng rừng, kiên quyết chuyển từ hình thức Nhà nước cấp vốn ngân sách cho các lâm trường, Ban quản lý rừng trực tiếp tổ chức trồng rừng sang hướng thông qua Ban quản lý, các lâm trường kết hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn để giao khoán hoặc cho vay trực tiếp đến hộ gia đình để nhân dân trực tiếp trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc quản lý cây trồng cho đến khi khép tán hoặc thành thục. Trước mắt, trong thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 1999 bằng vốn ngân sách Nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo các lâm trường, Ban quản lý rừng giao khoán cho hộ gia đình để nhân dân tổ chức trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, chăm sóc quản lý bảo vệ cho đến khi rừng khép tán, không thuê mướn nhân dân trồng rừng từng công đoạn mà không gắn trách nhiệm bảo vệ rừng lâu dài như hình thức trước đây.

Tiếp tục thực hiện kiểm kê rừng và xác định vốn tài nguyên rừng để bàn giao vốn rừng chính thức cho lâm trường sản xuất kinh doanh Bảo Lâm trong năm 1999 để đơn vị hoạt động theo cơ chế mới từ năm 2000. Chủ trì cùng các ngành chức năng nghiên cứu trình UBND tỉnh hình thành thêm một số vài lâm trường kinh doanh thực hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Khẩn trương cùng UBND huyện Đạ Huoai xây dựng thí điểm cơ chế khoán cho dân quản lý bảo vệ một số loại rừng phù hợp mà mức hưởng thụ của người giữ rừng được trích từ lợi nhuận khai thác hàng năm hoặc hưởng một tỷ lệ thích hợp từ mức tăng trưởng hàng năm của rừng, trước hết áp dụng đối với rừng lồ ô, mum, tre nứa để trình UBND tỉnh xem xét ban hành cho thực hiện.

 

Tổ chức thanh tra việc trồng rừng bằng vốn ngân sách Nhà nước trong những năm qua để đánh giá kết quả, qua đó rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo và tổ chức trồng rừng bằng vốn ngân sách trong những năm tới đạt kết quả tốt hơn, khắc phục những tồn tại, yếu kém nhất là tình trạng trồng rừng nhưng không chăm sóc quản lý, bảo vệ tốt để cho rừng chết, bị cháy, bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không xác định và xử lý trách nhiệm thích đáng đơn vị trồng rừng.

4/ Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ và xây dựng, phát triển vốn rừng; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở, thôn bản để phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, tạo thành phong trào tòan dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng.

Tổ chức họat động kiểm lâm thực sự gắn rừng, gắn dân và chính quyền cấp cơ sở, đưa kiểm lâm viên về họat động trên địa bàn xã, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đất rừng.

Chủ trì, phối hợp cùng UBND huyện Lâm Hà, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sơ kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm Ban Lâm nghiệp xã để rút kinh nghiệm, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 8 năm 1999 nhằm triển khai trên toàn tỉnh.

5/ Sở Địa chính tổ chức thanh tra việc trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp của các tổ chức, Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân được giao đất để kịp thời phát hiện các trường hợp không tổ chức sản xuất theo phương án được duyệt, để cho đất bị lấn chiếm, lợi dụng việc giao đất để trồng cây công nghiệp, mua bán, sang nhượng đất đai trái phép. Đối với các trường hợp này, Sở Địa chính lập thủ tục trình UBND tỉnh quyết định thu hồi lại đất đã giao.

6/ Các lâm trường, Ban quản lý rừng phải trên cơ sở diện tích đất trống do mình quản lý, có kế hoạch huy động vốn để trồng rừng, giao khoán cho nhân dân địa phương tự tổ chức trồng rừng. Các đơn vị này phải tổ chức đưa cán bộ lâm nghiệp do mình quản lý về địa bàn xã để hoạt động, vừa trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng ở cơ sở, vừa giúp UBND cấp xã tổ chức cho nhân dân sản xuất lâm nghiệp. Danh sách cán bộ lâm nghiệp đưa về xã, lâm trường, Ban quản lý phải báo cáo về UBND cấp huyện sở tại và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, kiểm tra. Định kỳ hàng tháng, giám đốc lâm trường, Trưởng Ban quản lý rừng phải giao ban với UBND cấp xã để phối hợp tổ chức quản lý bảo vệ rừng, tổ chức cho dân sản xuất lâm nghiệp.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này, định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./. 


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvttthmtccccsqlnlnvhvtrtbt785