AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc thành lập Nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc thành lập Nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 117/2000/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2000                          
uỷ ban nhân dân

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc thành lập Nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Nghị định số 156/HĐBT ngày 17/12/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và quan hệ công tác của Văn phòng UBND cấp tỉnh;

Căn cứ văn bản số 664/CP-KTTH ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Nhà khách trực thuộc UBND tỉnh, thành phố;

Xét tờ trình số 142/VP-UB ngày 06/7/2000 của Văn phòng UBND tỉnh và đề nghị của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay thành lập Nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

Nhà khách UBND tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh để giao dịch.

Điều 2: Nhà khách UBND tỉnh có Giám đốc và từ 01 đến 02 Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc. Việc bổ nhiệm Giám đốc và các Phó Giám đốc do UBND tỉnh quyết định.

Điều 3: Quy chế tổ chức hoạt động và chế độ quản lý tài chính của Nhà khách UBND tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 4: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá tỉnh, Giám đốc Nhà khách UBND tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

CỦA NHÀ KHÁCH UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

(Ban hành kèm theo quyết định số 117/2000/QĐ-UB ngày 06/11/2000 của UBND tỉnh Lâm Đồng )

I. Chức năng nhiệm vụ:

1/ Nhà khách UBND tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh để giao dịch.

2/ Nhiệm vụ chủ yếu của Nhà khách UBND tỉnh là:

2.1/ Quản lý, bảo tồn, tôn tạo Dinh II và một số cơ sở khác được giao; Tổ chức phục vụ các hội nghị của Đảng, Nhà nước, các hội nghị quốc tế; các hoạt động đối nội, đối ngoại của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Văn phòng UBND tỉnh. Phục vụ tham quan, nghiên cứu cho khách trong và ngoài nước; Phục vụ ăn, nghỉ cho các cơ quan của Nhà nước theo yêu cầu của Chánh Văn phòng UBND tỉnh.

2.2/ Nhà khách UBND tỉnh được sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động để tổ chức các hoạt động dịch vụ có thu để trang trải các khoản chi thường xuyên của bộ máy; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước và Văn phòng UBND tỉnh. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm từng bước đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất của Nhà khách, nhằm không ngừng đáp ứng, nâng cao chất lượng phục vụ và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên chức.

II. Tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ làm việc của Nhà khách UBND tỉnh:

1/ Về tổ chức bộ máy:

a) Nhà khách UBND tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán thu chi theo kết quả kinh doanh dịch vụ, có một phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước .

b) Nhà khách UBND tỉnh có Giám đốc và từ 1 đến 2 Phó Giám đốc giúp việc. Công việc cụ thể của các phó Giám đốc do Giám đốc phân công.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh bổ nhiệm và miễn nhiệm Giám đốc theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh; Bổ nhiệm và miễn nhiệm Phó Giám đốc theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh và Giám đốc Nhà khách UBND tỉnh.

c) Các bộ phận trực thuộc nhà khách UBND tỉnh: Tùy theo tình hình nhiệm vụ cụ thể trong từng thời kỳ, Giám đốc Nhà khách quyết định thành lập các tổ nghiệp vụ chuyên môn nhằm đảm bảo hiệu quả các hoạt động của Nhà khách. Các tổ nghiệp vụ gồm:

Tổ Kế hoạch Tài vụ.

Tổ Nghiệp vụ hướng dẫn.

Tổ Hành chính - quản trị - tổ chức.

Giám đốc Nhà khách quy định chức năng, nhiệm vụ các tổ nghiệp vụ.

2/ Về biên chế:

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Nhà khách, Giám đốc nhà khách xác định số lượng lao động trực tiếp và gián tiếp của Nhà khách báo cáo với Chánh Văn phòng UBND tỉnh để thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tổng hợp vào kế hoạch biên chế cán bộ công chức hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.

Biên chế khung của Nhà khách gồm : Giám đốc và từ 1 đến 2 phó Giám đốc; Tổ nghiệp vụ hướng dẫn: 02 người; Tổ Hành chính Quản trị Tổ chức: 02 người; Tổ Kế hoạch tài vụ : 03 người.

Ngoài số biên chế được duyệt, theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, Giám đốc nhà khách được phép sử dụng một số lao động hợp đồng để bảo đảm hoạt động của đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Quỹ lương chi trả cho cán bộ, nhân viên nhà khách dưạ trên cơ sở thang, bảng lương quy định của nhà nước; Lương khoán trả cho lao động hợp đồng hoặc theo đơn giá tiền lương trên doanh số được Chánh Văn phòng UBND tỉnh phê duyệt.

Giám đốc Nhà khách căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận chuyên môn, và khả năng của từng người, phân công lao động hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ và bảo đảm quyền lợi của người lao động theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

3/ Chế độ làm việc

Nhà khách UBND tỉnh làm việc theo chế độ Thủ trưởng và Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính Phủ.

4/ Trách nhiệm của Giám đốc nhà khách UBND tỉnh:

a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chánh Văn phòng UBND tỉnh và trước tập thể lao động của Nhà khách UBND tỉnh về tất cả các hoạt động của Nhà khách .

b) Xây dựng kế hoạch phục vụ, kế hoạch thu-chi tài chính, lao động, tiền lương hàng năm trình Chánh Văn phòng UBND tỉnh phê duyệt.

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch, đánh giá tình hình thực hiện hàng quý, 6 tháng, 1 năm báo cáo Chánh Văn phòng UBND tỉnh (đồng gửi Sở Tài chính Vật giá). Đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh dịch vụ của đơn vị.

d) Công khai trước cán bộ, công nhân viên về các mặt hoạt động của Nhà khách gồm : Kế hoạch hoạt động, thu-chi tài chính, sửa chữa, mua sắm vật tư, tài sản, định giá các dịch vụ, kế hoạch lao động-tiền lương, tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, phương án tính lương, sử dụng quỹ phúc lợi-khen thưởng.

đ) Hàng năm lập kế hoạch xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản cố định của nhà khách. Được quyền quyết định sửa chữa, mua sắm công cụ lao động có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống.

Báo cáo với Chánh văn phòng phê duyệt việc mua sắm, sửa chữa tài sản cố định có giá trị từ trên 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng.

Đối với các công trình sửa chữa, mua sắm tài sản có giá trị trên 20 triệu đồng phải có phương án, dự toán trình Chánh Văn phòng UBND tỉnh và thực hiện các bước thủ tục như quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

e) Xây dựng trình quyết định biểu giá chuẩn cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ của Nhà khách báo cáo Chánh Văn phòng UBND tỉnh phê duyệt.

g) Đề xuất Chánh Văn phòng UBND tỉnh tuyển dụng, thuyên chuyển, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương đối với cán bộ trong biên chế được duyệt.

Quyết định Bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với các tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn của nhà khách sau khi được Chánh Văn phòng UBND tỉnh phê duyệt.

Ra hạn, thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với số nhân viên là lao động hợp đồng của Nhà khách theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

h) Trong quá trình thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình, Giám đốc Nhà khách có trách nhiệm liên hệ thường xuyên với Phòng Hành chính-Tổ chức và phòng Quản trị Tài vụ của Văn phòng UBND tỉnh để phối hợp giải quyết kịp thời, tại chỗ những vấn đề phát sinh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chức năng trong UBND tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

III. Chế độ quản lý tài chính:

Nhà khách UBND tỉnh thực hiện chế độ kế toán đơn vị Hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo theo quyết định số 999/QĐ-TC ngày 02/11/1996 của Bộ Tài chính và các văn bản bổ sung, trên nguyên tắc ngân sách nhà nước không hỗ trợ các hoạt động thường xuyên mà chỉ hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa lớn tài sản cố định.

Giám đốc Nhà khách UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về quản lý tài chính của Nhà khách UBND tỉnh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Tài chính Vật giá kiểm tra phê duyệt quyết toán tài chính hàng năm của Nhà khách UBND tỉnh.

1/ Tổ chức hạch toán kế toán và chế độ quản lý tài chính:

a) Tổ chức bộ máy kế toán; Hạch toán độc lập; sử dụng sổ sách, hóa đơn chứng từ kế toán; Lập và gửi báo cáo, quyết toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Hàng năm có nhiệm vụ lập dự toán thu chi tài chính và phần ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định, báo cáo Văn phòng UBND tỉnh để thống nhất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Lập báo cáo thực hiện kế hoạch, quyết toán thu-chi tài chính hàng quý, 6 tháng, 1 năm gửi Chánh Văn phòng UBND tỉnh (đồng gửi Sở Tài chính Vật giá tỉnh) theo đúng quy định về chế độ thống kê, kế toán hiện hành.

d) Đăng ký với Sở Tài chính Vật giá và Cục Thuế tỉnh để mua hoá đơn giá trị gia tăng và chứng từ kế toán phục vụ cho hoạt động của Nhà khách.

2/ Chế độ quản lý tài sản cố định:

Nhà khách quản lý và sử dụng tài sản cố định được Nhà nước giao theo chế độ quản lý tài sản đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp quy định tại quyết định số 351/TC/QĐ-CĐKT ngày 22/5/1997 của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào tình hình thực tế về tài sản cố định tại Nhà khách, nay quy định cụ thể như sau:

Mở sổ sách theo dõi tăng giảm tài sản cố định hàng năm theo quy định

Hạch toán hao mòn tài sản cố định theo quy định tại quyết định số 351/TC/QĐ-CĐKT ngày 22/5/1997 của Bộ Tài chính

Chi phí mua sắm, sửa chữa lớn và tái tạo tài sản cố định của Nhà khách được bảo đảm bằng nguồn ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt và nguồn trích khấu hao TSCĐ.

Chi phí mua sắm, sửa chữa nhỏ, vận hành bảo dưỡng thường xuyên được bảo đảm bằng nguồn quỹ phát triển sản xuất của Nhà khách.

3/ Nguồn tài chính của Nhà khách gồm:

Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp để mua sắm, tái tạo, sửa chữa lớn tài sản cố định theo dự toán được duyệt.

Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ của nhà khách

Thu khác (nếu có): Như thu hỗ trợ, viện trợ của các đơn vị, cá nhân; Thu lãi suất tiền gửi...

4/ Các khoản chi của Nhà khách gồm:

4.1 / Chi mua sắm, sửa chữa lớn; Mua các hiện vật cho bảo tàng bằng nguồn kinh phí do Nhà nước cấp và nguồn khấu hao TSCĐ theo dự toán được duyệt có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.

4.2/ Chi cho hoạt động kinh doanh dịch vụ của Nhà khách (ngoài mục 4.1) từ nguồn thu hoạt động kinh doanh dịch vụ của Nhà khách. Cụ thể như sau:

a) Tiền lương, phụ cấp lương cho cán bộ, công nhân viên; tiền công phải trả cho người lao động.

Do phải làm việc ngoài giờ, cho phép Nhà khách được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương không quá 1,5 lần so với mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định để làm phương án trả lương hoặc làm cơ sở khoán và tính đơn giá tiền lương (theo quy định tại văn bản số 664/CP-KTTH ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính Phủ về Hoạt động của Nhà khách trực thuộc UBND cấp tỉnh)

b) Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

c) Chi tiền điện, nước, điện thoại, dịch vụ thuê ngoài trực tiếp cho hoạt động của nhà khách .

d) Chi mua nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa.

e) Trích khấu hao tài sản cố định: Do nhiệm vụ chính của Nhà khách là phục vụ nhiệm vụ chính trị do UBND tỉnh giao, việc kinh doanh dịch vụ chỉ làm kết hợp, nên ấn định tỷ lệ trích khấu hao bằng 1% /năm trên tổng giá trị tài sản cố định được kiểm kê đánh giá tại thời điểm gần nhất. Nhà khách được giữ lại số tiền khấu hao cơ bản để bổ sung vào quỹ đầu tư xây dựng dùng mua sắm, sửa chữa lớn TSCĐ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên trên cơ sở tính toán được Chánh văn phòng UBND tỉnh phê duyệt.

f) Chi mua sắm, sửa chữa tài sản cố định có giá trị dưới 20 triệu đồng từ nguồn quỹ phát triển sản xuất.

g) Các khoản chi khác: khánh tiết, hoa hồng dẫn khách, in vé và tờ gấp, đào tạo, văn phòng phẩm... mức chi tối đa của khoản chi này trong 2 năm đầu (2000; 2001) không quá 7% trên tổng chi phí cho hoạt động kinh doanh dịch vụ (trừ giá mua vào của hàng hoá bán ra); Các năm sau đó không quá 5% trên tổng chi phí cho hoạt động kinh doanh dịch vụ (trừ giá mua vào của hàng hoá bán ra).

4.3 Các khoản nộp ngân sách Nhà nước :

Nhà khách UBND tỉnh phải đăng ký thuế với Cục Thuế để được cấp mã số thuế và nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Do chức năng nhiệm vụ chính của nhà khách là phục vụ nhiệm vụ chính trị của UBND tỉnh theo quy định tại mục 2.1 phần I Quy chế này và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 108/2000/TT-BTC ngày 27/10/2000; UBND tỉnh ấn định tỷ lệ khoán nộp thuế VAT và thuế thu nhhập doanh nghiệp đối với Nhà khách UBND tỉnh là 5% trên doanh thu (Trong đó thuế VAT 4%; thuế thu nhập doanh nghiệp 1%). Khi lập hoá đơn thu tiền thanh toán dịch vụ, Nhà khách phải ghi rõ giá chưa có thuế VAT và thuế VAT theo quy định.

5/ Thu nhập và phân phối Thu nhập của hoạt động kinh doanh dịch vụ

5.1 Thu nhập:

Thu nhập = Doanh thu - (chi phí hợp lý+ thuế VAT, thuế thu nhập DN )

5.2 Phân phối thu nhập:

Thu nhập thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của Nhà khách được phân phối như sau:

Lập quỹ phát triển kinh doanh dịch vụ: 35%

Còn lại 65% thu nhập được coi như 100% và sử dụng như sau:

Nộp cơ quan chủ quản (VP. UBND tỉnh) dùng để chi hỗ trợ tiền ăn trưa hàng tháng cho CB-CNVC của Văn phòng UBND tỉnh: 70%

Lập quỹ phúc lợi và khen thưởng của Nhà khách 30%. Trong đó :

Quỹ phúc lợi = 20% (dùng để chi hỗ trợ tiền ăn trưa hàng tháng cho CB-CNV Nhà khách).

Quỹ khen thưởng = 10%.

IV. Quản lý Nhà nước đối với Nhà khách UBND tỉnh:

Văn phòng UBND tỉnh thực hiện quyền quản lý của cơ quan chủ quản đối với Nhà khách UBND tỉnh và phân công các phòng ban trong Văn phòng thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1/ Phòng Hành chính-Tổ chức:

Thẩm định kế hoạch hàng năm về biên chế, lao động-tiền lương của Nhà khách trình Chánh Văn phòng phê duyệt.

Kiểm tra, thẩm định các nội dung quy định tại điểm 2;3;4.e phần II quy chế này.

Thẩm định phương án chia, khoán quỹ lương của Nhà khách(nếu có).

2/ Phòng Quản trị Tài vụ:

Hướng dẫn lập dự toán, nghiệp vụ kế toán tài vụ và báo cáo quyết toán đối với Nhà khách UBND tỉnh.

Tổng hợp quyết toán Nhà khách vào báo cáo quyết toán của Văn phòng UBND tỉnh. Thực hiện chuyển kinh phí ngân sách cấp cho nhà khách UBND tỉnh theo đúng tiến độ cấp phát của ngân sách Nhà nước.

Phối hợp cùng Cục Thuế kiểm tra quyết toán thuế và các khoản phải nộp ngân sách của Nhà khách.

Thẩm định, phân tích các báo cáo thực hiện kế hoạch và báo cáo tài chính của Nhà khách trình Chánh Văn phòng để tổng hợp gửi Sở Tài chính Vật giá phê duyệt quyết toán.

Thẩm định, kiểm tra việc chấp hành các chế độ chính sách thu chi tài chính và quyết toán tài chính của Nhà khách hàng quý, 6 tháng và 1 năm.

Phối hợp với Ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn Nhà khách lập thủ tục các dự án sửa chữa, mua sắm tài sản cố định có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên trình Chánh Văn phòng quyết định.

Tiếp nhận phần 50% Thu nhập của Nhà khách để chi hỗ trợ tiền ăn trưa cho cán bộ, công chức văn phòng UBND tỉnh. Hạch toán số kinh phí này vào quyết toán của Văn phòng UBND tỉnh.

3/ Mối quan hệ giữa Văn phòng UBND tỉnh với Ban Tổ chức Chính quyền, Sở Tài chính Vật giá và Cục Thuế trong việc quản lý các hoạt động của Nhà khách UBND tỉnh:

Quan hệ với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh:

Chánh Văn phòng UBND tỉnh trước khi phê duyệt kế hoạch về lao động tiền lương hàng năm của Nhà khách cần trao đổi thống nhất với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh đối với số lao động trong biên chế nhà nước.

Thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo Nhà khách trình UBND tỉnh quyết định

Quan hệ với Sở Tài chính Vật giá:

Chánh Văn phòng UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của Nhà khách và kiểm tra, đề nghị Sở Tài chính Vật giá phê duyệt dự toán và quyết toán tài chính của Nhà khách.

Quan hệ với Cục Thuế tỉnh:

Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Cục Thuế tỉnh trong việc kiểm tra, đôn đốc Nhà khách UBND tỉnh nộp và quyết toán thuế theo quy định.

V. Tổ chức thực hiện:

1/ Quy chế này được phổ biến đến toàn thể cán bộ, công nhân viên của Nhà khách UBND tỉnh và thực hiện từ ngày 01/01/2000.

2/ Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Nhà khách UBND tỉnh có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này.

3/ Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề bất hợp lý, Giám đốc Nhà khách UBND tỉnh kiến nghị Chánh Văn phòng trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế này cho phù hợp./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtlnkutl288