AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc triển khai thực hiện đề án "đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp"

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc triển khai thực hiện đề án "đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp"

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 58/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1997                          
Uỷ BAN NHÂN DÂN

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc triển khai thực hiện đề án

"Đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp"

Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 1991 - 1996 tỉnh ta đã bổ sung nhiều cơ chế chính sách tương đối phù hợp và đã tạo được chuyển biến tiến bộ trong công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng hiện có, các lâm trường đã từng bước tổ chức lại theo hướng lâm nghiệp xã hội và khép kín theo địa bàn từng huyện, hình thành các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để thực hiện quản lý theo quy chế, mục đích sử dụng từng loại rừng; phân định tương đối cụ thể giữa chức năng quản lý bảo vệ, phát triển vốn rừng với chức năng sản xuất kinh doanh nghề rừng, từng bước sắp xếp thu hẹp dần các đơn vị sản xuất kinh doanh nghề rừng, tổ chức đấu thầu, đấu giá trong khai thác gỗ, bán cây đứng nhằm tăng thu cho ngân sách, tập trung nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý và phát triển rừng, đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, từ đó đã hạn chế được nạn phá rừng, bảo vệ và phát triển được vốn rừng hiện có.

Tuy đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung, công tác tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Nạn phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn ở mức nghiêm trọng, diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh, mỗi năm có hàng chục ngàn mét khối gỗ và nhiều loại lâm sản khác bị khai thác trái phép, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở những vùng rừng giáp ranh.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ, hợp lý về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Về phía tỉnh ta, tuy có thực hiện một bước đổi mới về cơ chế chính sách và tổ chức lại các lâm trường nhưng về cơ bản chưa phát huy được sức mạnh làm chủ của nhân dân; chưa gắn chặt giữa quyền lợi và trách nhiệm của công dân và các thành phần kinh tế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, người dân chỉ là người làm thuê trong từng thời gian, từng công việc cụ thể nên chưa có trách nhiệm, chưa tự giác tham gia công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng.

Để khắc phục những tồn tại yếu kém, những hạn chế bất cập nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo thực hiện đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp; UBND tỉnh đã ban hành đề án "Đổi mới tổ chức và cơ chế chính sách quản lý ngành lâm nghiệp" kèm theo Quyết định số 1857/QĐ-UB ngày 06 tháng 12 năm 1997.

Để triển khai thực hiện đồng bộ, có kết quả đề án đã ban hành đáp ứng với yêu cầu chấn chỉnh, sắp xếp lại tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng, các đơn vị phải thực hiện ngay những nội dung công việc sau đây:

1. Phải nghiên cứu quán triệt nội dung đề án; thực hiện tốt quan điểm kiên quyết chuyển đổi theo hướng xã hội hoá nghề rừng với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa quản lý ngành và vùng lãnh thổ; Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về lâm nghiệp từ tỉnh xuống đến tận xã phường; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân phát huy tinh thần làm chủ trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống ở từng địa phương.

2. Để thực hiện tốt đề án, thành lập bộ phận giúp việc cho UBND các cấp như sau:

cấp tỉnh, giao Ban Tổ chức chính quyền tỉnh phối hợp các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm phó ban trực, lãnh đạo Ban Tổ chức chính quyền tỉnh làm phó ban, thành viên gồm: lãnh đạo các ngành; Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính vật giá, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Chi cục Kiểm lâm và lãnh đạo ban kinh tế Tỉnh uỷ.

các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; UBND cấp huyện quyết định thành lập tổ công tác thực hiện đề án do một Phó chủ tịch làm Tổ trưởng, Trưởng phòng kinh tế hoặc trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nếu có) là tổ phó, thành viên gồm lãnh đạo Hạt kiểm lâm, phòng Tài chính kế hoạch, phòng Địa chính, Giám đốc các lâm trường, Trưởng các Ban quản lý rừng, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp xã trực thuộc.

3. Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính vật giá, Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, Sở Kế hoạch - Đầu tư xây dựng quy chế hoạt động của Ban quản lý rừng trực thuộc huyện, thành phố, thị xã trong đó cần làm rõ về hệ thống tổ chức, biên chế, quỹ lương từ huyện, thành phố đến xã, phường; xác định mối quan hệ của các ban quản lý rừng, lâm trường với huyện, thị xã, thành phố, với xã phường và các ngành chức năng của tỉnh để phát huy được vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, các ngành và quyền làm chủ thật sự của nhân dân, các thành phần kinh tế, thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ giữ vững và phát triển vốn rừng, đẩy nhanh tốc độ trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc bằng vốn của các thành phần kinh tế và vốn ngân sách Nhà nước đầu tư. Việc này phải hoàn thành trước 31/12/1997.

4. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Chuẩn bị các tài liệu liên quan để tổ chức phổ biến nội dung đề án và tập huấn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, đơn vị có liên quan về tổ chức thực hiện đề án vào cuối tháng 12/1997. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để làm tốt công tác thông tin tuyên truyền phổ biến đề án này.

b) Tổ chức đánh giá để rút kinh nghiệm kịp thời việc tổ chức xây dựng thí điểm mô hình hoạt động lâm trường công ích ở lâm trường Di Linh và Lộc Bắc để có cơ sở mở rộng loại hình hoạt động lâm trường công ích ở Lâm Đồng.

c) Phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh lập các thủ tục trình UBND tỉnh quyết định chuyển đổi hoạt động các ban quản lý rừng, lâm trường như sau:

Chuyển các Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Lâm Hà, Tà Năng (Đại Ninh) cho UBND cấp huyện sở tại quản lý.

Chuyển các lâm trường Lạc Dương, Nam Ban thành Ban quản lý rừng phòng hộ và giao UBND cấp huyện sở tại quản lý.

Chuyển các lâm trường Đơn Dương, Lán Tranh, Tân Thượng, Bảo Lộc thành ban quản lý rừng và giao UBND cấp huyện sở tại quản lý.

Chuyển các Lâm trường Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lộc Bắc, Bảo Thuận, Di Linh, Tam Hiệp, Đức Trọng thành Lâm trường hoạt động công ích.

d) Hướng dẫn Xí nghiệp quy hoạch thiết kế lâm nghiệp lập phương án chuyển thành doanh nghiệp công ích trình UBND tỉnh (thông qua Ban Tổ chức chính quyền tỉnh) xem xét quyết định.

e) Tiếp tục nghiên cứu các điều kiện cần thiết để trình UBND tỉnh tổ chức thí điểm một vài Lâm trường làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với quy mô hợp lý.

g) Tiếp tục nghiên cứu quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản và khẩn trương quy hoạch sắp xếp lại các cơ sở chế biến lâm sản quy mô nhỏ được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân cấp cấp phép hành nghề.

5. Các ngành chức năng khi xét duyệt kế hoạch, kinh phí hoạt động của các Ban quản lý rừng trực thuộc UBND cấp huyện, phải gắn với việc xét duyệt kế hoạch, kinh phí hàng năm của UBND cấp huyện có liên quan để UBND cấp huyện điều hành hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của địa phương. Đối với các Ban quản lý rừng chuyển về cấp huyện đã được xét duyệt kế hoạch, kinh phí phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 1997 - 1998, các ngành chức năng cấp phát kinh phí thông qua UBND cấp huyện.

6. Sau khi chuyển giao các Ban quản lý rừng, lâm trường về trực thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp huyện phải triển khai ngay việc quản lý toàn diện về tổ chức, bộ máy, kế hoạch, kinh phí hoạt động; đồng thời lập kế hoạch giao đất lâm nghiệp cho nhân dân địa phương quản lý, sử dụng theo nội dung đề án và những quy định của Nhà nước có liên quan và tổ chức thực hiện kế hoạch đó./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtkthmtcvcccsqlnln520