AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2002 - 2003

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2002 - 2003

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 19/2002/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2002                          
ủy ban nhân dân

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

trong mùa khô 2002 – 2003

 

Mùa khô 2001-2002, thời tiết khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng và thiệt hại rất cao. Toàn tỉnh đã xảy ra 176 vụ cháy rừng trên diện tích 858 ha, so với mùa khô 2000 - 2001 tăng 92 vụ với diện tích 524 ha. Các địa phương, các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng đã chủ động, tích cực thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) nên đã hạn chế được thiệt hại, chỉ có 245 ha rừng bị ảnh hưởng do cháy, gồm 109 ha rừng trồng và 136 ha rừng tự nhiên (trong đó phải trồng lại 47 ha và trồng dặm bổ sung mật độ 62 ha rừng non dưới 5 tuổi). Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thật sự chủ động trong tuần tra, trực gác và tổ chức chữa cháy.

Để chủ động thực hiện tốt công tác PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất nạn cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô 2002-2003, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các cấp, các ngành chức năng, các đơn vị quản lý rừng phải tập trung thực hiện một số biện pháp trọng tâm trong công tác PCCCR trong mùa khô 2002-2003, cụ thể là:

1.1. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, giáo dục pháp luật trong các cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học … về bảo vệ rừng, PCCCR để mọi người tự giác tham gia. Việc vận động tuyên truyền phải có nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm cụ thể và được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo sức thuyết phục; đặc biệt chú trọng hình thức vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ, PCCCR, xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng đến từng thôn, bản.

1.2. Công tác PCCCR phải được kết hợp chặt chẽ với việc kiểm tra truy quét những tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng mà lực lượng nòng cốt thực hiện là các đơn vị quản lý rừng, Kiểm lâm, các Ban lâm nghiệp xã, phường, thị trấn dưới sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia của nhân dân địa phương. Tăng cường các biện pháp quản lý giáo dục, thuyết phục các đối tượng thường xuyên có tác động đến rừng, những người sinh sống, hoạt động, đi lại trong và ven rừng để kiểm soát hữu hiệu nguồn sinh lửa. Khi thực hiện các giải pháp phòng cháy phải sử dụng lao động tại chỗ, kết hợp với việc xây dựng Tổ, Đội PCCCR quần chúng để vừa giải quyết việc làm, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm PCCCR trong nhân dân.

1.3. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra và phát hiện, chữa cháy rừng, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt để tổ chức chỉ đạo điều hành kịp thời, hiệu quả; Phối kết hợp tốt với lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, Ban lâm nghiệp xã, Kiểm lâm địa bàn để làm nòng cốt cho lực lượng quần chúng PCCCR, thường xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng trong phạm vi của địa phương, đơn vị. Khi cháy rừng xảy ra phải chủ động tổ chức chữa cháy bằng lực lượng tại chỗ trước khi có lực lượng hỗ trợ từ nơi khác đến.

1.4. Rà soát, củng cố Ban chỉ huy PCCCR các cấp, phân công cụ thể từng thành viên bám sát địa bàn, khu vực trọng điểm dễ cháy, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng và các đơn vị có liên quan thực hiện các cấp báo động PCCCR. Trong thời kỳ cao điểm cháy rừng, phải đảm bảo chế độ trực gác 24/24 để kịp thời phát hiện đám cháy và tổ chức chữa cháy rừng.

1.5. Tổ chức tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện việc thống kê, báo cáo kịp thời theo các chế độ quy định trong PCCCR, xử lý nghiêm các đối tượng gây cháy rừng, biểu dương khen thưởng kịp thời các trường hợp là quần chúng nhân dân tham gia tốt công tác PCCCR. Gắn công tác PCCCR với định canh định cư, giao, khoán, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để bảo vệ rừng, trồng rừng đảm bảo cho người dân thực sự có quyền lợi từ rừng để họ yên tâm bảo vệ, PCCCR.

2. Phân công trách nhiệm cho các ngành, địa phương, các đơn vị chức năng triển khai công việc cần thiết theo quy định của nhà nước và nội dung các vấn đề nêu trên, cụ thể là:

2.1. Chi cục Kiểm lâm là cơ quan thường trực về công tác PCCCR của Tỉnh, có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh tổ chức chỉ đạo công tác PCCCR; thực hiện tuyên truyền, vận động, dự báo cháy, các cấp báo động PCCCR, củng cố lực lượng chuyên trách chữa cháy rừng để sẵn sàng ứng cứu cho các đơn vị, địa phương khi cần thiết; Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và UBND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phương án, giải pháp và các quy định về PCCCR ở tất cả các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh, kịp thời phát hiện các vi phạm để chấn chỉnh và xử lý theo quy định; tổ chức thẩm định phương án PCCCR của các đơn vị quản lý rừng theo thẩm quyền được phân công; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến rừng, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ việc sử dụng lửa trong sản xuất nương rẫy. Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ dưới tán rừng thực hiện xử lý vật liệu cháy theo điểm 2.9 chỉ thị này.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gắn nội dung chỉ đạo công tác PCCCR với việc chỉ đạo tổ chức sản xuất nông-lâm nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phương án PCCCR ở các đơn vị quản lý rừng.

2.3. Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị phương án ứng cứu, bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền các cấp tham gia chữa cháy rừng; xử lý những tình huống khẩn cấp khi cháy lớn xảy ra, điều tra truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

2.4. Sở Tài chính vật giá cấp phát kinh phí kịp thời cho các đơn vị làm nhiệm vụ PCCCR và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí này.

2.5. Thanh tra tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ của mình phải kết hợp với việc thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các đơn vị liên quan về thực hiện công tác PCCCR ở địa phương, đơn vị mình.

2.6. Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế có kế hoạch bố trí phương tiện, dụng cụ y tế để tham gia chữa cháy, cấp cứu người bị nạn trong cháy rừng, tham gia chữa cháy rừng khi có lệnh huy động của người có thẩm quyền.

2.7. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện về công tác PCCCR ở địa phương mình; tổ chức tổng kết, đánh giá công tác PCCCR mùa khô 2001 - 2002 và triển khai phương án, kế hoạch PCCCR mùa khô 2002 - 2003; tổ chức phối hợp các lực lượng, đơn vị chức năng để từng ngành, từng cấp, từng đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ; chỉ đạo xây dựng phương án huy động lực lượng chữa cháy ở cấp huyện và các xã, phường, thị trấn nơi có rừng để ngăn chặn đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; đồng thời phối hợp các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra các hạng mục công trình PCCCR tại các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn.

Trong trường hợp cấp thiết, khi xảy ra cháy rừng trên diện rộng, Chủ tịch UBND các cấp có quyền quyết định huy động nghĩa vụ lao động công ích tại địa phương mình quản lý để tham gia chữa cháy theo điều 23,24 Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích ngày 03/9/1999.

Trên địa bàn thành phố Đà Lạt, UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện việc cắt dọn cỏ, rác ven các đường giao thông nội thi nhằm đảm bảo vừa giảm nguy cơ gây cháy, vừa sạch, đẹp đường phố.

2.8. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Lâm Đồng có chương trình, kế hoạch cụ thể để tăng cường thông tin tuyên truyền việc bảo vệ rừng, PCCCR, cung cấp thường xuyên, kịp thời tình hình diễn biến thời tiết khô hạn, các cấp báo động PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các địa phương, đơn vị, mọi người dân biết để chủ động đối phó các tình huống xấu có thể xảy ra. Các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội cần tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thuộc tổ chức mình tự giác thực hiện tốt các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR.

2.9. Ngay từ đầu mùa khô, các đơn vị Chủ rừng, kể cả các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, khoán, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp phải thực hiện đồng bộ các biện pháp vận động, tuyên truyền, quản lý các nguồn sinh lửa trong và ven rừng cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp phòng cháy, chủ động chữa cháy rừng. Các biện pháp trên đều có ý nghĩa quan trọng như nhau, không coi nhẹ biện pháp nào. Khi thực hiện các công trình phòng cháy, tuyệt đối không gây cháy rừng do xử lý vật liệu cháy không đảm bảo an toàn. Tăng cường thực hiện các giải pháp lâm sinh đối với rừng trồng sau giai đoạn chăm sóc để đảm bảo rừng trồng vừa sinh trưởng, phát triển tốt, vừa giảm vật liệu cháy dưới tán rừng. Trong khai thác lâm sản, phải giám sát chặt chẽ những đơn vị thi công về thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và an toàn phòng cháy, nếu đơn vị khai thác lâm sản nào gây cháy rừng thì phải xử lý nghiêm minh.

Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ dưới tán rừng, phải thực hiện việc gom dọn vật liệu cháy trong phạm vi khu rừng mình được thuê, khoán vào địa điểm thích hợp để đốt theo hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm, tuyệt đối không đốt dưới tán rừng gây mất mỹ quan.

2.10. Khi xảy ra cháy rừng, thủ trưởng các đơn vị Chủ rừng và Hạ trưởng Kiểm lâm phải trực tiếp điều hành, tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cáo chính quyền địa phương ở cơ sở huy động lực lượng tại chỗ, sử dụng phương tiện, dụng cụ để tham gia ngăn chặn, dập tắt đám cháy. Trường hợp đám cháy lan rộng, lực lượng chữa cháy ở địa phương không có khả năng khống chế được thì báo cáo lên UBND cấp trên và Chi cục kiểm lâm để tăng cường lực lượng.

Trong trường hợp đám cháy vượt khả năng khống chế trên địa bàn cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm báo cáo ngay về Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh để tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy của các đơn vị phối hợp tham gia, hỗ trợ ứng cứu, chữa cháy.

3. Các đơn vị Chủ rừng, Hạt Kiểm lâm phải thống kê, tổng hợp tình hình cháy rừng hàng ngày, báo cáo UBND huyện sở tại và Chi cục Kiểm lâm để theo dõi chỉ đạo. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh định kỳ vào thứ 5 hàng tuần và vào ngày 20 hàng tháng.

4. Công tác PCCCR là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong mùa khô đòi hỏi các địa phương, ngành chức năng, đơn vị chủ rừng phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đơn vị, ngành, địa phương nào thiếu tinh thần trách nhiệm để rừng bị cháy thì trước hết Thủ trưởng đơn vị, ngành và Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các đơn vị, các ngành, chính quyền các cấp phải nghiêm túc triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết. Giao Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtkctpcccrtmk20022003426