AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc thực hiện Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc thực hiện Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 16/2001/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2001                          
ủy ban nhân dân

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc thực hiện Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại

Ngày 02/02/2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại. Nghị quyết đã đề ra quan điểm, chính sách lâu dài và các chính sách cụ thể để phát triển kinh tế trang trại.

Đối với tỉnh ta, hình thức tổ chức sản xuất kinh tế trang trại phát triển tương đối mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đóng góp một phần đáng kể vào tổng sản phẩm xã hội trong tỉnh. Toàn tỉnh đã có 4.803 trang trại gia đình (theo tiêu chí địa phương), 19 dự án đầu tư có vốn nước ngoài tổ chức theo hình thức sản xuất trang trại, 23 trang trại của các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Mức thu nhập bình quân đạt 50,4 triệu đồng/trang trại, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích bằng 1,76 lần so với kinh tế hộ hoặc hình thức sản xuất khác trong nông nghiệp, các trang trại nông nghiệp có các loại cây trồng có tỷ suất hàng hoá cáo hơn mức trung bình các trang trại trong toàn quốc. Tuy chỉ chiếm 3,06% số hộ và 7,84% diện tích đất nông nghiệp nhưng giá trị thu nhập sản phẩm nông nghiệp chiếm 13,8% giá trị GDP nông nghiệp toàn tỉnh, giải quyết được 5.500 lao động nhàn rỗi và hơn 1,2 triệu ngày công lao động thời vụ.

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên nhưng qua nghiên cứu, điều tra khảo sát, mô hình kinh tế trang trại trong tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Do chạy theo lợi ích cục bộ, nhiều trang trại của các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH còn bao chiếm đất, sản xuất quảng canh, áp dụng hình thức trang trại uỷ thác nên kinh doanh không hiệu quả.

Kinh tế trang trại còn phát triển tự phát, thiếu quy hoạch vững chắc nên chưa chọn lựa cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, gây mất vốn, mất thời cơ về giá cả, thị trường.

Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế trang trại còn nhiều vấn đề chưa sát thực tế như tiêu chí trang trại, khung giá đất ... làm hạn chế quá trình giải ngân của các ngân hàng thương mại đối với kinh tế trang trại.

Toàn tỉnh chỉ có 370 trang trại (trong tổng số 4.803 trang trại hiện có) đạt các tiêu chí tại thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê nên nhiều trang trại không được hưởng các chính sách ưu đãi do Chính phủ ban hành.

Để thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế trang trại trong tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức và chỉ đạo việc lập quy hoạch phát triển trang trại trong tỉnh (theo hướng dẫn tại thông tư số 61/2000/TT/BNN-KH ngày 06/6/2000 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cho tổ chức thực hiện trong những năm tới.

Căn cứ tình hình thực tế và tiêu chí tại địa phương để thống nhất cùng Cục Thống kê kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê xem xét sửa đổi tiêu chí trang trại để tạo điều kiện cho các trang trại trong tỉnh đều được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc, các Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Địa chính các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt tổ chức thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y, đẩy mạnh giao, khoán, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp, khuyến khích phát triển thuỷ lợi vừa và nhỏ nhằm phát triển mô hình trang trại bền vững; tích cực mở rộng đầu tư phát triển vườn ươm để cung cấp cây giống nông nghiệp, lâm nghiệp cho các trang trại theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng đề án mở rộng đầu tư vốn vay và thực hiện các giải pháp cho vay vốn phát triển kinh tế trang trại trên cơ sở áp dụng linh hoạt quyết định số 1123/QĐ-NHNN1 ngày 22/9/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng đối với kinh tế trang trại. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn, Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tốt chỉ thị số 34/1999/CT-UB ngày 23/8/1999 của UBND tỉnh về chính sách tín dụng thực hiện phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó chú trọng công tác phối hợp, phân công trách nhiệm giữa huyện, xã với Ngân hàng thương mại đối với vốn vay của chủ trang trại.

3. Cơ quan Địa chính đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại và hộ nông dân. Đối với các trang trại của doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH và trang trại uỷ thác, Sở Địa chính phải kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng đất trước khi trình UBND tỉnh xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Sở Thương mại chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường nông sản để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nông dân và doanh nghiệp biết, hướng dẫn các trang trại liên kết với các cơ sở chế biến và hợp tác xã, doanh nghiệp Nhà nước để ký kết các hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận và tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

5. Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chế biến nông lâm sản đồng bộ và đáp ứng nhu cầu, hướng dẫn thực hiện tốt một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn theo quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cho kinh tế trang trại phát triển bền vững.

6. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm:

Công bố quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quỹ đất chưa sử dụng, quỹ đất có nhu cầu cho thuê của địa phương, niêm yết công khai các nội dung trên tại trụ sở UBND cấp huyện, xã để các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đăng ký thuê sử dụng lập trang trại.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể ở địa phương để xem xét giao cho cấp xã, hợp tác xã, doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng phát triển kinh tế trang trại theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất; thường xuyên tuyên truyền để các chủ trang trại biết và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thuế, sử dụng lao động, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự xã hội...

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các phòng ban chức năng tăng cường các biện pháp giúp đỡ các chủ trang trại trong xây dựng dự án sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các trang trại được hưởng các ưu đãi theo quy định.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phải báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) để được giải quyết, tháo gỡ kịp thời./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvthnq032000ccpvkttt489