AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc thực hiện Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ ban hành qui chế tổ chức tiếp công dân

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc thực hiện Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ ban hành qui chế tổ chức tiếp công dân

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 41/1997/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 1997                          
Uỷ ban nhân dân

CHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc thực hiện Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của

Chính phủ ban hành qui chế tổ chức tiếp công dân

 

Ngày 15/1/1993, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 18/TTg và ngày 25/1/1995 có Chỉ thị 64/TTg về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Thực hiện chỉ thị trên, trong thời gian qua các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng tăng cường và đẩy mạnh công tác tiếp dân và giải quyết các nguyện vọng của công dân nên đã tạo được sự chuyển biến tốt trong công tác này. Tuy nhiên, công tác tiếp dân nói chung vẫn còn nhiều tồn tại, làm giảm hiệu quả của công tác này. Nguyên nhân là do lãnh đạo của các cấp, các ngành chưa nhận thức đúng đắn về công tác tiếp dân, chưa xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc xây dựng chính quyền, trong việc bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nên lãnh đạo một số cấp, ngành chưa quan tâm làm tốt công tác này.

Ngày 7/8/1997, Chính phủ có Nghị định 89/CP ban hành qui chế tổ chức tiếp dân. Đây là một văn bản quan trọng, thể chế hoá tinh thần Nghị quyết TW 3, xác định trách nhiệm pháp lý của Thủ trưởng các ngành, các cấp về công tác tiếp dân. Để triển khai Nghị định trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị cho Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các ngành thực hiện một số nội dung sau đây :

1. Tổ chức tuyên truyền sâu, rộng tới toàn thể cán bộ lãnh đạo, cán bộ, viên chức học tập và phổ biến trên báo, đài địa phương cho nhân dân về nội dung nghị định 89/CP. Qua đợt tuyên truyền phải giúp cho CBCNV, nhân dân nắm được ý nghĩa chính trị của công tác tiếp dân trong tình hình hiện nay, các qui định về quyền hạn, trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp của cán bộ tiếp dân và các qui định về quyền và nghĩa vụ của công dân theo Nghị định 89/CP.

2. Chấn chỉnh lại công tác tiếp dân theo đúng qui định tại Nghị định 89/CP cụ thể :

- Về bố trí nơi tiếp dân :

* Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt phải có nhà tiếp dân riêng ở vị trí thuận tiện, khang trang, lịch sự bảo đảm các điều kiện vật chất như phòng đợi, phòng tiếp, bàn ghế, nước uống cho công dân tại nơi tiếp. Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết ngày, giờ tiếp, nội quy tiếp dân, đồng thời phải niêm yết qui trình, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo theo đúng thủ tục của pháp luật qui định.

* Đối với các sở, ban, ngành ngoài việc tiếp dân để giải quyết công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan do các phòng ban đảm nhiệm, phải bố trí nơi tiếp dân riêng theo qui định của Nghị định 89/CP. Nếu chưa bố trí được phòng tiếp dân riêng, phải tiếp tại phòng làm việc của thanh tra ngành, thì cũng phải bảo đảm các điều kiện vật chất phục vụ công tác tiếp dân.

* Đối với UBND các xã, phường, bố trí tiếp dân tại trụ sở và cũng phải bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác tiếp dân.

- Về lịch tiếp dân và trách nhiệm tiếp dân :

Nhà tiếp dân của các cấp và các ngành phải mở cửa hàng ngày, có cán bộ trực tiếp dân và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt phải trực tiếp tiếp dân tại nhà tiếp dân của cấp mình ít nhất mỗi tháng 1 lần. Đối với các huyện có nhiều đơn thư phản ánh như Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt phải tổ chức tiếp ít nhất ba lần trong tháng. Trong những ngày tiếp dân mời đại diện TT HĐND, Cấp uỷ, Thủ trưởng các phòng, Ban liên quan cùng dự nếu cần thiết. Riêng chủ tịch UBND phải trực tiếp tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tuỳ theo tình hình ngành mình bố trí ít nhất một ngày trong tháng để tổ chức tiếp dân.

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ngoài tiếp dân giải quyết công việc chính quyền hàng ngày phải bố trí ít nhất hai buổi trong một tuần để tổ chức tiếp dân theo Nghị định 89/CP.

- các ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt phải bố trí một cán bộ tiếp dân chuyên trách, có nhiệm vụ trực tiếp tiếp dân hàng ngày tại trụ sở nhà tiếp dân để làm các nhiệm vụ qui định tại chương III Qui chế đã qui định, biên chế thuộc VP UBND hoặc thuộc cơ quan thanh tra. Chọn những cán bộ am hiểu pháp luật, am hiểu đường lối chính sách của Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt, Thủ trưởng các ngành căn cứ vào các qui định của qui chế của Chính phủ để xây dựng nội quy. Nội quy này phải niêm yết tại trụ sở tiếp dân.

3. Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt khi nhận được đơn khiếu tố của công dân thuộc thẩm quyền phải xem xét, kết luận ra quyết định giải quyết và trả lời cho công dân theo đúng qui định của pháp luật và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

- Khi nhận đơn phản ánh, kiến nghị do HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, HĐTD tỉnh và các ngành chức năng chuyển đến phải xem xét giải quyết và báo cáo cho cơ quan đã chuyển đơn đến.

- Khi UBND các cấp và các cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân thì UBND cấp dưới, các cơ quan, bộ phận liên quan phải nghiêm túc và khẩn trương thi hành, nếu có vướng mắc thì phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết.

4. Định kỳ 3 tháng 1 lần, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt phải báo cáo tình hình công tác tiếp dân và kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo của cấp, ngành mình gửi Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời gửi Chánh thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo cấp trên.

5. Giao cho Chánh thanh tra tỉnh giúp cho UBND tỉnh dự thảo qui chế phối hợp tiếp dân của TTTU, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng để ban hành trong quí 4/1997.

6. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các sở, ban, ngành, từ nay đến ngày 31/12/1997 phải tổ chức thực hiện các Quyết định và Thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh về giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến cấp mình, ngành mình. Nếu có gì khó khăn vướng mắc không tổ chức thực hiện được thì phải có văn bản báo cáo để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvthn89n781997ccpbhqctctcd470