AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc tăng cường quản lý đất lâm nghiệp

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc tăng cường quản lý đất lâm nghiệp

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 14/1999/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 1999                          
ủy ban nhân dân

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

V/v tăng cường quản lý đất lâm nghiệp

 

Trong những năm qua, các địa phương , ngành, đơn vị chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý có hiệu quả diện tích đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; từng bước ngăn chặn các hành vi lấn chiếm rừng, đất rừng và đất quy hoạch để trồng rừng. Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương và với quy mô lớn nhưng chưa được kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Nhiều lâm trường, ban quản lý rừng không nắm chắc diện tích rừng và đất rừng do đơn vị quản lý, thiếu kiểm tra, phát hiện vi phạm, có trường hợp còn cho phép một số đối tượng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Chính quyền và cơ quan địa chính các cấp chưa tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp đã phát hiện, lập biên bản nên hiệu quả răn đe, giáo dục, ngăn chặn chưa cao. Nhiều địa phương còn thiếu rà soát, kiểm tra nên đã cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên đất đã quy hoạch cho lâm nghiệp, thậm chí còn cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp trên đất đang có rừng. Những tồn tại, yếu kém này tạo nên sự bất cập trong quản lý đất đai, gây khó khăn cho việc tổ chức trồng rừng, phát triển rừng trên diện tích đã quy hoạch.

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém nêu trên, thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, UBND tỉnh chỉ thị:

1/ Các địa phương, ngành, đơn vị chức năng tăng cường tổ chức vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng; không phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, mua bán, sang nhượng đất đai trái pháp luật.

2/ Tạm ngưng việc giải quyết các hồ sơ giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, nông - lâm kết hợp đối với các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân (trừ trường hợp đặc biệt UBND tỉnh sẽ có ý kiến riêng) để tiến hành quy hoạch bố trí lại dân cư, giao đất cho nông dân chưa có đất, đặc biệt là đồng bào dân tộc trong tỉnh sản xuất nông, lâm nghiệp.

3/ UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm:

a/ Tăng cường thực hiện quản lý đất đai trên địa phương mình, cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật không để dây dưa kéo dài làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước.

b/ Căn cứ vào kết quả phân định đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê chuẩn để có kế hoạch và phương án tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn cụ thể theo định hướng sau:

- Đối với những trường hợp lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép tiếp tục xử lý theo chỉ thị 01/CT-TU của tỉnh ủy và chỉ thị 22/CT-UB của UBND tỉnh gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để tổ chức trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp theo kế hoạch, quy hoạch.

- Thực hiện quản lý và sử dụng đất được phân định thành nông nghiệp nhưng hiện đang có rừng lồ ô, tre nứa, le tép, rừng gỗ nghèo kiệt theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2170/UB ngày 14/08/1998.

c/ Rà soát, chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để phát hiện và thu hồi ngay những trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trên đất đang có rừng, đất phân định cho lâm nghiệp.

4/ Các lâm trường, Ban quản lý rừng phải tổ chức quản lý tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, không để cho rừng bị chặt phá, đất rừng bị lấn chiếm; phải có kế hoạch, phương án cụ thể để tổ chức huy động vốn trồng rừng. Trước mắt, để nắm chắc diện tích đất chưa có rừng ở từng đơn vị, nhằm lập kế hoạch giao, khoán đất lâm nghiệp, các lâm trường, Ban quản lý rừng phải căn cứ vào bản đồ, diện tích được giao quản lý để kiểm kê trên thực tế hiện trạng đất lâm nghiệp do mình quản lý đã bị lấn chiếm và làm rõ:

- Diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp nhưng hiện dân đang lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; đặc biệt phải xác định riêng diện tích đã trồng cà phê.

- Tổng diện tích đất chưa có rừng được phân định để trồng rừng.

- Diện tích đất chưa có rừng thực tế không bị lấn chiếm, chưa trồng bất cứ loại cây gì, kể cả cây công nghiệp, cây nông nghiệp.

Các đơn vị báo cáo kết quả kiểm tra về UBND cấp huyện và Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trước ngày 05/06/1999( báo cáo phải do giám đốc Lâm trường, Trưởng Ban quản lý rừng ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác, không ủy quyền cho cấp phó).

5/ Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chỉ đạo, đôn đốc các lâm trường, các Ban quản lý rừng triển khai thực hiện điểm 4 đúng thời gian quy định và tổng hợp báo cáo hiện trạng đất lâm nghiệp chưa có rừng trên toàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các lâm trường, Ban quản lý rừng sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng rừng.

6/ Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Địa Chính, các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất hiện đang có rừng phân định thành đất nông nghiệp, định kỳ báo cáo UBND tỉnh; Đồng thời chỉ đạo các Hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các phòng Địa chính để tham mưu, giúp UBND cấp huyện sở tại trong việc xử lý, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp.

7/ Sở Địa chính có trách nhiệm chỉ đạo các phòng Địa chính rà soát lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để tham mưu cho UBND cấp huyện sở tại cấp giấy đúng đối tượng, không cấp giấy trùng lắp trên đất lâm nghiệp; tích cực tham mưu cho chính quyền xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, sang nhượng, mua bán đất đai trái pháp luật. Đồng thời xem xét lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp (kể cả các lâm trường, Ban quản lý rừng) đã đưa đất vào sử dụng đúng phạm vi ranh giới, đúng mục đích và phương án được duyệt.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các địa phương, ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh nghiêm túc tổ chức thực hiện, đặc biệt đối với điểm 4 Chỉ thị này, Giám đốc các lâm trường, Trưởng ban quản lý rừng phải thực hiện đúng nội dung và thời gian quy định, nếu có vướng mắc phải báo cáo UBND tỉnh để xem xét chỉ đạo./. 


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtcqlln262