AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc Tăng cường, kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thân

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc Tăng cường, kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thân

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 38/2003/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2003                          

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH NINH THUẬN
Về việc Tăng cường, kiểm tra, kiểm soát

 và bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thân

 

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại văn bản 5604/VPCP-KTTH ngày 14/11/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc bình ổn thị trường trong nước; căn cứ công văn số 5212/BCĐ-TW ngày 12/11/2003 của Ban chỉ đạo 127 Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện các nội dung sau:

 

I. Chuẩn bị hàng hóa và tổ chức thị trường:

1/ Sở Thương mại Du lịch, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung thực hiện: Theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm 2003 và Tết Nguyên đán năm 2004, kịp thời đề xuất để có biện pháp bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt quan tâm đến đồng bào sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và các vùng bị thiệt hại do đợt lũ vừa qua.

Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế  chuẩn bị đủ lượng hàng và đa dạng các mặt hàng để phục vụ trong dịp cuối năm 2003 và Tết Nguyên đán 2004 . Có kế hoạch đưa hàng hóa phục vụ Tết đến vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông đi lại khó khăn; tăng cường các điểm bán hàng lưu động, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đột biến giá cả trong thời gian hiện nay.

2/ Tổ chức sắp xếp, bố trí các chợ trong những ngày kinh doanh phục vụ Tết hợp lý, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện mua bán thuận lợi và an toàn cho nhân dân. Thực hiện tốt các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

3/ Tổ chức và hình thành các điểm chợ Tết, các điểm vui xuân trên địa bàn thị xã và các huyện để phục vụ nhân dân mua sắm vui chơi trước và trong Tết.

II. Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại:

1/ Công tác chống vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu và gian lận thương mại: tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung công văn số 5212/BCĐ-TW ngày 12/11/2003 của Ban chỉ đạo Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước Tết Nguyên đán và đầu năm 2004.

Tăng cường công tác phối kết hợp chặt chẽ trong khâu trinh sát, nắm tình hình để rà soát, xác định các đối tượng, các tụ điểm, các tuyến và địa bàn trọng điểm, các tổ chức, đường dây buôn lậu, nơi kinh doanh hàng hóa cấm, hàng trốn thuế, hàng gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát 17 mặt hàng nhập khẩu qui định phải dán tem, tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển, buôn bán các mặt hàng như: Pháo (kể cả các loại pháo biến tướng), đồ chơi kích động bạo lực, thuốc nổ, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, vải ngoại, quần áo may sẵn, nước giải khát, đường, bánh kẹo, mỹ phẩm, hoa quả tươi, vv...

Tổ chức triển khai, đặt cân kiểm định để người tiêu dùng tự kiểm tra việc cân, đong tại các chợ.

2/ Công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng:

Các lực lượng chức năng tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trước tết Nguyên đán như: Rượu, bia, nước giải khát, bánh mức kẹo, nước mắm, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, vv..., bảo đảm việc mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết an toàn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ngăn chặn kịp thời việc lưu thông các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng trên thị trường.

3/ Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại trên thị trường:

Tập trung kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xử lý các hành vi vi phạm Quy chế ghi nhãn hàng hóa ban hành theo Quyết định số 178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các mặt hàng cần tập trung kiểm tra là thực phẩm đóng gói, thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống, bánh mức kẹo, nước mắm, thuốc tân dược,vv...

III. Tổ chức triển khai thực hiện của các ngành, lực lượng chức năng:

1/ Sở Thương mại – Du lịch: Phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các thành phần kinh tế xây dựng kế hoạch chuẩn bị đủ lực lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán; có kế hoạch ưu tiên và phương thức phục vụ hàng Tết cho các nơi ở vùng sâu, vùng xa và vùng giao thông đi lại khó khăn, vùng bị lũ lụt vừa qua.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo và tổ chức sắp xếp các chợ, bố trí nơi buôn bán hàng tết đảm bảo an toàn giao thông, thông thoáng, văn minh, bảo đảm thuận lợi cho nhân dân mua sắm.

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể tổ chức kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường, cơ sở sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc kiểm tra phải chú ý đến đặc điểm và diễn biến tình hình của từng địa bàn, khu vực và từng luồng hàng để xác định rõ ngành hàng và đối tượng cần phải tập trung kiểm tra, tránh việc kiểm tra tràn lan làm xáo động, gây mất ổn định thị trường, tạo sự thông thoáng cho việc giao lưu hàng hóa hợp pháp.

2/ Sở Tài chính: Phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán giá theo niêm yết. Triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 09/2003/CT-BTC ngày 12/12/2003 về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thân.

3/ Sở Y tế: Tập trung chỉ đạo lực lượng ngành tổ chức triển khai kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm hạn chế đến mức tối đa các trường hợp ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Xử lý kịp thời các dịch bệnh phát sinh sau lũ lụt, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

4/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo lực lượng ngành tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, kịp thời xử lý, chấn chỉnh các cơ sở vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép. Tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật đã được cơ quan chức năng cấm sử dụng trong trồng trọt, thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

5/ Công an tỉnh: Tập trung điều tra, phát hiện và xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại liên quan đến nhiều địa bàn. Phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các lực lượng khác trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, hàng trốn thuế trên khâu lưu thông; trấn áp những phần tử chống người thi hành công vụ. Tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, tàng trữ, kinh doanh bán và đốt pháo.

6/ Sở Văn hóa thông tin: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục rộng rãi đến quần chúng nhân dân không buôn bán, vận chuyển pháo, thuốc nổ và đồ chơi kích động bạo lực. Vận động quần chúng nhân dân kịp thời báo tin đến các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp buôn lậu và gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng mất phẩm chất, các trường hợp sản xuất, vận chuyển, buôn bán pháo, đồ chơi kích động bạo lực, các trường hợp đốt pháo, vv...

7/ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Căn cứ đặc điểm tình hình của từng địa phương, tập trung xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc nêu trên.

Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, đề nghị các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các lực lượng chức năng báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết. Giao cho Sở Thương mại Du lịch có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này.

UBND TỈNH NINH THUẬN
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
 
Nguyễn Hữu Ánh


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtcktksvbttttvstngt755