AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý, bảo vệ, sử dụng những kết quả Điều tra khảo sát - Đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý, bảo vệ, sử dụng những kết quả Điều tra khảo sát - Đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 35/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1997                          
UBND Tỉnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHÚ THỌ

Về việc tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý, bảo vệ, sử dụng

những kết quả Điều tra khảo sát - Đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

 

Thực hiện chủ trương của Nhà nước và kế hoạch của Tổng cục Địa chính, từ năm 1991 công tác Điều tra khảo sát - Đo đạc lập bản đồ địa chính đã triển khai trên một số địa bàn trong tỉnh. Kết quả đến nay đã đo vẽ và lập xong bản đồ địa chính huyện Đoan Hùng, Phong Châu, Thành phố Việt Trì. Khối lượng đã đo vẽ được là 68.950 ha, chiếm 19,9% tổng diện tích đất đai toàn tỉnh. Với các tỷ lệ bản đồ được thành lập gồm 1/5000, 1/2000, 1/1000, 1/1500. Các đơn vị còn lại sẽ được đo vẽ tiếp trong những năm tới. Nhìn chung kết quả và chất lượng sản phẩm đảm bảo đúng quy trình, quy phạm và đạt độ tin cậy cao, đáp ứng kịp thời cho việc lập hồ sơ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giúp UBND các cấp thực hiện quyền quản lý Nhà nước về đất đai, phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng sản phẩm và công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng các kết quả đo dạc, bản đồ địa chính. Cụ thể là:

- Một số đơn vị, cơ quan, tổ chức và người sử dụng đất chưa tạo điều kiện, thậm chí còn gây khó khăn, làm cản trở trong quá trình đo vẽ lập bản đồ địa chính, có trường hợp xúc phạm đến người đang thi hành nhiệm vụ.

- Một số cột tiêu, mốc địa giới hành chính, mốc đo đạc đã chôn chặt trên thực địa bị đào bới, phá huỷ, di chuyển hoặc bị mất.

- Mặt bằng hiện trạng đất đai luôn biến động, nhưng công tác chỉnh lý, bổ sung tài liệu, số liệu, bản đồ chưa thường xuyên, không kịp thời, dẫn đến sản phẩm bản đồ nhanh lạc hậu.

- Một số địa phương có kinh phí, đã tự tổ chức làm (hoặc thuê) đo vẽ bản đồ địa chính, không báo cáo cơ quan có chức năng quản lý nên số liệu, bản đồ làm ra chất lượng kém, không đúng quy trình, quy phạm, không thống nhất hệ toạ độ, độ cao, gây lãng phí công, của và làm khó khăn cho việc sử dụng những sản phẩm đo đạc sau này.

- Việc khai thác, cung ứng và sử dụng những kết quả đo đạc còn nhiều trường hợp chưa có hiệu quả, chưa đúng nguyên tắc; công tác quản lý tài liệu, số liệu, bản đồ chưa chặt chẽ, chưa thống nhất một khối.

Để khắc phục những tồn tại trên và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đo đạc lập bản đồ địa chính, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về đất đai trong tình hình mới, tăng cường việc quản lý, sử dụng có hiệu quả những sản phẩm đo đạc, phục vụ thiết thực cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ thị:

1- Cơ quan Địa chính từ Tỉnh, Huyện đến các Xã, Phường, Thị trấn cần phát huy tốt hơn nữa chức năng tham mưu giúp UBND các cấp thực hiện quyền quản lý Nhà nước về đất đai. Có nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo công tác đo đạc lập bản đồ địa chính theo kế hoạch được giao. Đôn đốc tiến độ, giám sát thi công, kiểm tra nghiệm thu sản phẩm, tiếp nhận những kết quả đo đạc, cập nhật, lưu trữ và cung cấp tài liệu, số liệu, bản đồ cho các nhu cầu sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước UBND về kỹ thuật, chất lượng các loại tài liệu, số liệu, bản đồ của ngành.

2- Kinh phí để đo đạc lập bản đồ địa chính có nhiều nguồn, nếu Xã, Phường, Thị trấn và các tổ chức sử dụng đất tự làm (hoặc thuê), phải đăng ký kế hoạch với phòng Địa chính, phòng Địa chính có trách nhiệm báo cáo UBND Huyện, Thành, Thị và Sở Địa chính, khi Sở Địa chính đồng ý mới được thi công.

- Các đơn vị tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải có đủ tư cách pháp nhân, có giấy phép hành nghề đo đạc bản đồ do cấp có thẩm quyền cấp. Kết quả đo vẽ phải đúng quy trình, quy phạm hiện hành và phải được ngành Địa chính kiểm tra nghiệm thu theo quy định của Tổng cục Địa chính.

- Toàn bộ sản phẩm đo đạc sau khi đã được Sở Địa chính kiểm tra nghiệm thu, phải giao nộp bản gốc về Sở Địa chính để thống nhất quản lý, lưu trữ và cung cấp sử dụng theo quy định.

- Đơn giá hợp đồng đo đạc lập bản đồ địa chính theo sự thoả thuận giữa các bên nhưng không được vượt quá khung giá quy định của Tổng cục Địa chính và của UBND tỉnh.

3- Các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, đơn vị vũ trang, hộ gia đình và người sử dụng đất phải tự xác định rõ ranh giới và đánh dấu mốc giới (bằng sơn hoặc cọc) trên hiện trạng thửa đất mình đang quản lý sử dụng và phải chịu trách nhiệm về vị trí các đường ranh giới, các điểm mốc giới đó. Khi đơn vị thi công tiến hành đo đạc, người sử dụng đất phải chỉ dẫn chính xác ranh giới đã xác định cho đơn vị thi công kiểm tra và đo vẽ lập bản đồ. Khi xây dựng công trình, nếu có san ủi mặt bằng chủ công trình phải báo với cơ quan Địa chính để xem xét trong khu vực đó có chôn đặt dấu mốc gì không, nếu có phải lập phương án đền bù di chuyển theo quy định. Khi tiến hành lập hồ sơ địa chính, người sử dụng đất có trách nhiệm đến kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất, phải ký vào đơn và biên bản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Các tổ chức và người sử dụng đất phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ các đơn vị thi công tiến hành điều tra khảo sát, đo đạc lập bản đồ, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất. Cấm mọi hành vi chống đối, làm cản trở, gây khó khăn, phá hoại tài sản, phát ngôn vô tổ chức hoặc xúc phạm đến người đang thi hành nhiệm vụ.

- Khi đơn vị thi công có yêu cầu phát quang những chướng ngại vật là cây cối, hoa màu làm che khuất hướng ngắm đo vẽ, chủ sử dụng đất và UBND Xã, Phường, Thị trấn phải tạo điều kiện giúp đỡ trong việc phát quang để đảm bảo thông hướng. Nếu phải đền bù thiệt hại thì đơn vị thi công chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Nhà nước.

- Tổ chức hoặc cá nhân nếu có thắc mắc, kiến nghị thì làm đơn gửi UBND Xã, Phường, Thị trấn, cơ quan Địa chính xem xét giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

4- UBND Huyện, Thành, Thị có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đến các Xã, Phường, Thị trấn theo kế hoạch và hướng dẫn của Sở Địa chính.

- UBND các Xã, Phường, Thị trấn tổ chức thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của UBND Huyện, Thành, Thị và ngành Địa chính, cần làm tốt việc phổ biến, quán triệt chủ trương, mục đích yêu cầu của việc đo đạc lập bản đồ địa chính đến mọi người dân biết trước khi thi công và phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đo đạc trong khi thực hiện tại địa phương mình.

5- UBND các Huyện, Thành, Thị, UBND các Xã, Phường, Thị trấn, các cấp, các ngành, các đơn vị vũ trang, cơ quan, xí nghiệp, tổ chức đoàn thể và mọi công dân phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ những kết quả Điều tra khảo sát - Đo đạc bản đồ và các mốc địa giới hành chính, mốc độ cao, mốc toạ độ địa chính đã được chôn chặt trên thực địa. Khi phát hiện thấy bị đào bới, phá huỷ, di chuyển hoặc mất phải làm rõ nguyên nhân, báo cáo kịp thời bằng văn bản về UBND tỉnh và Sở Địa chính để có biện pháp khắc phục.

- Nghiêm cấm mọi hành vi đào bới, phá huỷ, di chuyển các mốc địa giới hành chính, mốc đo đạc ở thực địa. Mọi vi phạm sẽ bị xử lý theo nghị định 04/CP, ngày 10/01/1997 của Chính phủ về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai"

- Không được sao chụp, in ấn, phát hành những tài liệu, số liệu, bản đồ và các kết quả đo đạc khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

- Khi mặt bằng thực địa bị thay đổi, cán bộ Địa chính Xã, Phường, Thị trấn phải chỉnh lý, bổ sung, sửa chữa. Đồng thời báo cáo UBND và phòng Địa chính Huyện, Thành, Thị bằng văn bản, hàng năm phải tổng hợp báo cáo biến động đất đai về Sở Địa chính.

6- UBND tỉnh giao cho Sở Địa chính hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này. Các cơ quan Báo, Đài phát thanh, truyền hình và các ngành chức năng của tỉnh chủ động phối hợp với Sở Địa chính có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến đến mọi người hiểu về luật đất đai, các chủ trương chính sách của Nhà nước trong công tác quản lý sử dụng đất và đo đạc bản đồ để mọi người nghiêm chỉnh chấp hành và có ý thức quản lý, bảo vệ, sử dụng tốt những kết quả đo đạc và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công làm nhiệm vụ. Đồng thời phải có biện pháp tích cực để ngăn chặn và xử lý những vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất và đo đạc bản đồ.

Chủ tịch UBND Huyện, Thành, Thị , Giám đốc các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND Xã, Phường, Thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị vũ trang, cơ quan, xí nghiệp, các chủ sử dụng đất và các đơn vị đo dạc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm tổ chức thi hành chỉ thị này./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtcctcthvqlbvsdnkqtkslbctbtpt848