AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương học đường

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương học đường

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 18/2003/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2003                          

CHỈ THỊ SỐ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương học đường

Trong những năm gần đây Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy, tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, về các giải pháp kiềm chế gia tăng tiến tới giảm dần tai nạn giao thông.

Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 33-CT, ngày 08-12-1998, về việc tổ chức phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong các trường học, Chỉ thị số 05/2003/CT, ngày 27-01-2003, về việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm chặn đứng và đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Sau một thời gian triển khai và tích cực thực hiện, công tác phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong các trường học, phòng chống ma túy và bảo vệ an toàn trật tự giao thông ở tỉnh ta đã đạt được một số kết quả nhất định. Vào ngày 28-3-2003 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức và chủ trì hội nghị bàn biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương học đường.

Tuy nhiên, kết quả đạt được theo yêu cầu còn chưa cao, các hành vi vi phạm kỷ luật kỷ cương học đường đang có chiều hướng gia tăng, lại diễn biến phức tạp hơn, đã làm đau lòng, nhức nhối, gây ra sự phản ứng và bất bình trong nhân dân và phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục đào tạo của các nhà trường. Để chấn chỉnh tình trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện công tác giữ gìn kỷ luật kỷ cương học đường, đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, thực hiện công tác giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông có hiệu quả trong nhà trường. Trong công tác thi đua hằng năm, Sở GD - ĐT phải đưa nội dung thi đua giữ gìn kỷ luật kỷ cương trường học vào công tác thi đua của nhà trường.

b) Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, với chính quyền và công an địa phương trong công tác phòng chống tội phạm, công tác giáo dục thanh, thiếu niên ý thức giữ gìn trật tự an ninh xã hội, xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm tại khu vực trường đóng.

c) Chỉ đạo các Phòng GD - ĐT, các trường học, các cơ sở giáo dục:

Chủ động soát xét, chấn chỉnh nâng cao chất lượng dạy và học môn chính trị, giáo dục công dân, đạo đức, pháp luật và các quy định về bảo vệ an ninh trật tự theo chương trình nội và ngoại khóa. Tích cực, chủ động tổ chức các hình thức ngoại khóa về tình hình an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, trật tự an toàn xã hội; duy trì việc tổ chức các hình thức hưởng ứng như: Tuyên truyền cổ động, mít tinh, lễ ký cam kết, giao ước thi đua, thi tìm hiểu trong học sinh và đội ngũ nhà giáo; lập và duy trì hòm thư tố giác tội phạm, hòm thư giúp bạn v.v… Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tiến hành tổ chức sơ, tổng kết khen chê kịp thời; thực hiện nghiêm túc chế độ thỉnh thị, báo cáo đầy đủ thông tin và tình hình của cơ sở.

Kiện toàn, củng cố mạng lưới làm công tác phòng chống tội phạm; củng cố, trang bị phương tiện và tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng hỗ trợ công tác bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm tại cơ sở.

Các trường học, các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình, với chính quyền, công an địa phương tăng cường công tác quản lý học sinh trong giờ học và ngoài giờ học. Giáo viên chủ nhiệm, giám thị, bảo vệ trường nêu cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần "Tất cả vì học sinh", cộng đồng trách nhiệm, tích cực tham gia xây dựng kỷ cương, nền nếp trong nhà trường. Tiến hành rà soát, phân loại đạo đức, hành vi vi phạm của học sinh để có biện pháp theo dõi, giáo dục. Đối với học sinh có biểu hiện vi phạm, nhà trường phải có kế hoạch ngăn chặn giáo dục ngay từ đầu, không để phát triển thêm gây hậu quả không tốt tới trật tự chung. Những hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức, nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan chủ quản và cơ quan an ninh, có biện pháp để trấn áp và xử lý kịp thời.

2. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo công an huyện, thị, xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, phân công, tổ chức theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện và đề xuất những giải pháp hiệu quả trong việc răn đe giáo dục những băng nhóm tội phạm trong và ngoài nhà trường, những băng nhóm thường tổ chức đua xe trái phép.

b) Phối hợp Sở GD - ĐT yêu cầu công an địa phương và các Phòng GD - ĐT, các trường học duy trì thường xuyên, hiệu quả các buổi họp giao ban để nắm vững từng đối tượng học sinh cá biệt, các thanh thiếu niên hư hỏng, các hàng quán trong vùng thường lôi kéo, rủ rê học sinh vi phạm pháp luật.

c) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng cá nhân, tổ chức, đơn vị có thành tích trong công tác phát hiện, khống chế, giáo dục, cải tạo những học sinh nghiện ma túy, những học sinh tham gia băng nhóm tội phạm.

3. Ban Tổ chức chính quyền:

Chủ trì phối hợp với Sở GD - ĐT hướng dẫn hoạt động cho đội ngũ giám thị các trường học đảm bảo tốt công tác giữ gìn kỷ luật kỷ cương trong trường học.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Khẩn trương đưa trường nghề vào hoạt động và có đề án thành lập hệ thống cơ sở dạy nghề ở các huyện thị để thu hút một phần học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo nghề, góp phần phân luồng học sinh trong tỉnh.

b) Chủ động phối hợp để làm tốt công tác định hướng và giáo dục nghề nghiệp cho lứa tuổi thanh, thiếu niên trong tỉnh để các em có thể chọn cho mình một nghề phù hợp với yêu cầu của xã hội.

5. Sở Văn hóa - Thông tin; Đài Phát thanh - Truyền hình; Báo Ninh Thuận:

a) Ngành Văn hóa Thông tin chủ trì phối hợp với các ngành liên quan để kiểm tra chặt chẽ, xử lý kịp thời và kiên quyết nghiêm cấm các loại văn hóa phẩm có nội dung kích động bạo lực, đặc biệt đối với các văn hóa phẩm dành cho thanh thiếu niên.

b) Phối hợp với Công an tỉnh, Sở GD - ĐT thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung phòng chống vi phạm kỷ luật kỷ cương học đường, các kiến thức về ma túy, về luật lệ giao thông…

c) Gắn tiêu chí gia đình không có con em là học sinh vi phạm kỷ luật kỷ cương học đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông vào tiêu chuẩn công nhận gia đình, làng xóm, cơ quan, khu phố văn hóa và các danh hiệu thi đua khác.

6. Sở Y tế; Sở Tư pháp:

a) Phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo cử những cán bộ nhiệt tình, có chuyên môn cao để báo cáo ngoại khóa về tuyên truyền phổ biến pháp luật, về tác hại và cách phòng chống ma túy,… tại các trường học, các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

b) Phối hợp các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về thủ tục tiến hành xét nghiệm đối tượng bị tình nghi nghiện ma túy.

7. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã:

a) Chỉ đạo UBND xã phường và công an địa phương tham gia phối hợp đồng bộ với các nhà trường trên địa bàn trong công tác phòng chống hành vi vi phạm pháp luật của học sinh, nhất là việc duy trì, phát huy hiệu quả của các buổi giao ban định kỳ, trao đổi thông tin, thống nhất hình thức và mức độ xử lý v.v…

b) Chỉ đạo công an huyện, thị tiến hành điều tra, lên danh sách từng đối tượng là thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng, nghiện ma túy đã lôi kéo, cấu kết với học sinh, gây rối quậy phá làm mất trật tự an ninh trường học, đua xe trái phép, trấn lột học sinh, chọc ghẹo nữ sinh… để có kế hoạch quản lý, giáo dục và xử lý nghiêm.

c) Phát động và tổ chức phong trào huy động nhân dân trong địa bàn và các đoàn thể làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, cải tạo các đối tượng vi phạm pháp luật. Tổ chức cho các đối tượng này kiểm điểm, cam kết từ bỏ những hành vi quậy phá, gây rối,… trước nhân dân ở địa bàn dân cư.

d) Nắm chắc và có biện pháp giải quyết, xử lý nghiêm đối với các tụ điểm là những hàng quán gần trường học có biểu hiện lôi kéo học sinh vào con đường vi phạm pháp luật hoặc hút chích ma túy. Tập trung giải quyết dứt điểm các hành vi bạo lực, tụ tập băng nhóm, trộm cắp, chích hút, làm trong sạch địa bàn, tạo điều kiện cho các trường học làm tốt công tác giáo dục đào tạo.

8. Đề nghị mặt trận và các hội đoàn thể:

a) Tăng cường mối quan hệ phối hợp thường xuyên đồng bộ, chặt chẽ với ngành Giáo dục - Đào tạo, Công an và chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục, tham gia phát hiện những hành vi, đối tượng gây rối làm mất trật tự, kỷ luật kỷ cương học đường.

b) Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đưa công tác phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trong nhà trường vào chương trình hành động và kế hoạch hằng quý, hằng tháng và xem đây là một trọng điểm của công tác Đoàn, Đội. Triển khai thực hiện chương trình hành động thiết thực để hoạt động đoàn, đội thực sự góp phần giúp các học sinh sinh viên xây dựng tốt mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong xã hội trong việc quyết tâm đấu tranh giữ gìn kỷ luật, kỷ cương học đường.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học,… làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tốt cuộc vận động toàn dân tham gia phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong các trường học, giáo dục và cảm hóa có hiệu quả những thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Giao Sở Giáo dục - Đạo tạo, Công an tỉnh chủ động phối hợp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

UBND TỈNH NINH THUẬN


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtcccklkch281