AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý và công chức Nhà nước

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý và công chức Nhà nước

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 12/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1995                          
Uỷ ban nhân dân

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH LÂM ĐỒNG

***

Số: 12 /CT-UB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------------------------

Đàlạt, ngày 17 tháng 4 năm 1995

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho

cán bộ quản lý và công chức Nhà nước

Công cuộc đổi mới và chính sách mở cửa của nước ta hiện nay, ngày càng đòi hỏi cán bộ quản lý và công chức Nhà nước phải không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ để tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiếp thu kinh nghiệm quản lý hiện đại và giải quyết các mối quan hệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thực tế cho thấy, trình độ ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của số đông cán bộ quản lý và công chức Nhà nước trong tỉnh ta đa số còn yếu. Điều đó làm hạn chế khả năng tiếp xúc giao dịch, làm việc với người nước ngoài, hạn chế kết quả tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm của thế giới. Hiện nay việc nâng cao trình độ ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) cho cán bộ quản lý và công chức Nhà nước là một yêu cầu rất cấp bách.

Thực hiện chỉ thị số 422/TTg ngày 15/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý và công chức Nhà nước, UBND tỉnh chỉ thị:

1/ Khuyến khích và qui thành trách nhiệm đối với tất cả cán bộ quản lý và công chức Nhà nước đặc biệt đối với cán bộ quản lý trung cao cấp, các công chức Nhà nước trong diện có yêu cầu chuẩn hóa theo chức danh về trình độ ngoại ngữ đều phải học ngoại ngữ để đạt chuẩn và nâng cao hơn nữa trình độ của mình trên mức hiện có. Cán bộ quản lý và công chức Nhà nước được sử dụng một phần thời gian hợp lý trong giờ hành chính để học ngoại ngữ. Một số cán bộ chủ chốt, chuyên viên ở các ngành cần thiết được tổ chức học tập trung về ngoại ngữ ở các Trung tâm dạy ngoại ngữ sở Giáo dục và Đào tạo, trường đào tạo-bồi dưỡng cán bộ tỉnh, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức, sở Y tế ... Phấn đấu đến hết năm 1997 có thể sử dụng ngoại ngữ (chủyếu là tiếng Anh) để tự giao dịch và nghiên cứu tài liệu trong phạm vi chuyên môn của mình.

2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch , lập danh sách cán bộ quản lý, chuyên viên có yêu cầu phải học ngoại ngữ báo cáo tổ chức chính quyền để tổng hợp, phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng dành riêng cho cán bộ quản lý đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và động viên cán bộ, công chức của mình học tập ngoại ngữ dưới mọi hình thức.

Ban Tổ chức chính quyền chịu trách nhiệm tổng hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý và công chức Nhà nước của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố; Theo dõi việc triển khai thực hiện kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu, chiêu sinh đối tượng là cán bộ quản lý công chức Nhà nước trong diện có yêu cầu cần thiết phải học ngoại ngữ. Các đối tượng khác thì phân cấp và hướng dẫn cho các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện.

3/ Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra đánh giá, bảo đảm lực lượng giảng viên, nội dung chương trình, giáo trình, bổ trợ tích cực các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ của các sở, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại chức, trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh và các chi nhánh ở các địa phương được cho phép thành lập. Trước mắt cần triển khai các Trung tâm ngoại ngữ ở các đơn vị trực thuộc tỉnh để bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý học tập trung, mỗi khóa từ 4 đến 6 tháng. Tích cực chuẩn bị để có thể mở những lớp học tập trung trong quí II năm 1995.

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án và có kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, sớm thực hiện việc phủ kín và nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông để thực sự trở thành một môn học bắt buộc từ cấp trung học cơ sở, Trung học chuyên ban, đồng thời khuyến khích việc thí điểm dạy ngoại ngữ từ bậc tiểu học ở những nơi có đủ điều kiện.

4/ Kinh phí cho hoạt động này lấy từ ngân sách hàng năm dành cho đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý và công chức Nhà nước. UBKH và sở Tài Chính chịu trách nhiệm cân đối và cấp phát kinh phí cho sự nghiệp này.

5/ UBND tỉnh giao cho Ban Tổ chức chính quyền, sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra các sở, ban, ngành các huyện, thị, thành phố thực hiện chỉ thị này, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh biết để chỉ đạo kịp thời. Thủ trưởng các đơn vị cần quán triệt nội dung của chỉ thị này trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức. Các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi và động viên phong trào học tập ngoại ngữ trong phạm vi toàn tỉnh.

Yêu cầu các giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chỉ thị này một cách nghiêm túc./-

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký và đóng dấu)

PHẠM VĂN TÁM


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvtcbdnnccbqlvccnn389