AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan Tư pháp tỉnh Hà Tây

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan Tư pháp tỉnh Hà Tây

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH HÀ TÂY
Số: 33/2002/CT-UB-NC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2002                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY

Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan Tư pháp tỉnh Hà Tây

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21/6/1994;

Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản;

Căn cứ Nghị định số l04/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam.

Căn cứ Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực;

Căn cứ Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách và Thông tư liên tịch số 52/TTPL/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 của Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 12/TTCB ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương;

Xét đề nghị của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tại Công văn số 657/TCCQ ngày 11 tháng 7 năm 2002 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan Tư pháp tỉnh Hà Tây,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan Tư pháp tỉnh Hà Tây.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hà Tây, Giám đốc Sở Tư pháp, các cơ quan có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan Tư pháp tỉnh Hà Tây

(Ban hành kèm theo Quyết định số 971/2002/QĐ-UB ngày 19/7/2002

của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây).

A. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Sở tư pháp tỉnh Hà Tây:

I. Chức năng:

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây thực hiện quản lý Nhà nước về công tác tư pháp và chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

II. Nhiệm vụ:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh:

a. Chủ trì việc soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

b. Được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ nhiệm xem xét và có ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan khác của Uỷ ban nhân dân soạn thảo trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thi hành.

c. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án Luật, Pháp lệnh theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

d. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh về nghiệp vụ trong việc rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.

2. Quản lý Toà án nhân dân các huyện, thị xã về mặt tổ chức theo sự phân cấp của Bộ Tư pháp.

3. Quản lý công tác thi hành án dân sự theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; Nghị định số 30/CP của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành"án dân sự và chấp hành viên và sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

4. Quản lý tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật theo quy định của Bộ Tư pháp.

5. Quản lý các hoạt động công chứng chứng thực, giám định tư pháp theo quy định của Bộ Tư pháp; chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện một số công tác hộ tịch thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật dài hạn và ngắn hạn ở địa phương, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan tổ chức có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường học.

7. Bồi dưỡng kiến thức pháp lý và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp địa phương.

8. Chỉ đạo và tổng kết hoạt động hoà giải trong phạm vi tỉnh.

9. Thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

10. Quản lý tổ chức, hoạt động của Trung tâm trọng tài kinh tế địa phương.

11. Quản lý Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và quản lý về nghiệp vụ các tổ chức kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản.

12. Tiếp nhận, xem xét và đề nghị việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

13. Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

III. Tổ chức biên chế.

a. Tổ chức gồm có:

Giám đốc và các Phó giám đốc.

Các Phòng chức năng:

1. Phòng hành chính, tổng hợp.

2. Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật.

3. Phòng Quản lý Toà án nhân dân cấp huyện và cơ quan Thi hành án dân sự.

4. Phòng Quản lý công chứng, chứng thực, giám định tư pháp, hộ tịch, lý lịch tư pháp, luật sư, quốc tịch...

5. Thanh tra.

Các đơn vi hành chính, sư nghiệp, sư nghiệp có thu trực thuộc Sở:

1. Phòng Công chứng số I.

2. Phòng Công chứng số II.

3. Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Hà Tây.

4. Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.

5. Phòng Thi hành án dân sự.

b. Biên chế của Sở Tư pháp được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao hàng năm theo nhiệm vụ và kế hoạch chung của tỉnh.

B. Chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Phòng Tư pháp huyện, thi xã:

a. Chức năng:

Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện quản lý Nhà nước về công việc tư pháp trong phạm vi huyện - thị xã và chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp.

b. Nhiệm vụ:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân quản lý thống nhất việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân huyện - thị xã:

Soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân;

Được Uỷ ban nhân dân uỷ nhiệm xem xét và có ý kiến về mặt pháp lý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan khác của Uỷ ban nhân dân soạn thảo, trước khi trình Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã ban hành;

Thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân ban hành;

Tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh, theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện - thị xã và của Sở Tư pháp;

2. Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương tổ chức và kiểm tra hoạt động thi hành án của Đội thi hành án dân sự.

3. Quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ công tác hộ tịch, quản lý tư pháp và thống kê tư pháp.

4. Giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện một số hành vi công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

5. Hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ đạo hoạt động của các tổ hoà giải.

6. Tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong nhà trường.

c. Tổ chức, biên chế:

Biên chế của Phòng Tư pháp được Uỷ ban nhân dần tỉnh giao trong tổng biên chế hành chính của huyện, thị xã.

C. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn:

a. Chức năng:

Ban tư pháp xã, phường, thị trấn là cơ quan chuyên môn của UBND xã, phường, thị trấn, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của phòng Tư pháp

 

b. Nhiệm vụ:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý Nhà nước về các công việc Tư pháp.

2. Giúp UBND xã, phường, thị trấn soạn thảo ban hành các Quyết định, chỉ thị để thi hành các Quyết định, Chỉ thị của UBND huyện - thị xã

3. Thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

4. Thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch, quản lý lý lịch Tư pháp và thống kê tư pháp.

5. Hướng dẫn quản lý hoạt động của các tổ hoà giải.

6. Tổ chức phối hợp việc thi hành án ở địa phương theo sự chỉ đạo của đội thi hành án.

c. Tổ chức:

Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn do một phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách./.

UBND TỈNH HÀ TÂY
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
 
Đỗ Văn Toan


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvqcnnvqhvtcccqtptht578