AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 58/2003/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2003                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-UB, ngày 21-01-2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc chuyển Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận vào trực thuộc Sở Công nghiệp tỉnh Ninh Thuận;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 137/TTr-SCN, ngày 16-4-2003 và ý kiến trình của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận - gồm 03 chương, 09 điều.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định trước đây về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận trái với Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Trưởng Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.



QUY ĐỊNH

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận

(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2003/QĐ-UB, ngày 16-5-2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Thuận (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) là cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp làm chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý các Cụm công nghiệp của tỉnh. Ban quản lý là cơ quan trực thuộc Sở và chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Công nghiệp; đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực.

Ban quản lý có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.

Trụ sở của Ban quản lý đặt tại thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Nhiệm vụ của Ban quản lý:

2.1. Làm chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong các Cụm công nghiệp;

a) Làm chủ đầu tư theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ về các dự án, công trình do Ủy ban nhân dân tỉnh giao; đôn đốc, kiểm tra việc triển khai xây dựng các dự án, công trình theo đúng thiết kế - dự toán, đúng tiến độ. Đảm bảo đưa dự án, công trình của Cụm công nghiệp vào hoạt động một cách đồng bộ, hiệu quả.

b) Tổ chức xây dựng, ký kết các hợp đồng thực hiện công tác quy hoạch các Cụm công nghiệp tỉnh, bao gồm: Dự án quy hoạch các Cụm công nghiệp; quy hoạch bố trí ngành nghề phù hợp điều kiện và đặc điểm từng Cụm công nghiệp; quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư, nhà ở cho công nhân lao động tại các Cụm công nghiệp.

2.2. Quản lý các Cụm công nghiệp, Ban quản lý có nhiệm vụ:

a) Tham mưu về chính sách ưu đãi đầu tư và xây dựng giá đất, giá cho thuê mặt bằng trong các Cụm công nghiệp để trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; Ban quản lý phối hợp với các ngành chức năng giới thiệu, vận động và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các Cụm công nghiệp.

b) Quản lý và khai thác có hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng, các hoạt động dịch vụ trong các Cụm công nghiệp.

c) Làm đầu mối tiếp nhận đơn thuê đất; giới thiệu, thỏa thuận địa điểm và lập thủ tục trình các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định hiện hành. Trong quá trình thực hiện nếu vướng mắc, Ban quản lý đề xuất phương án tiếp nhận, giải quyết thủ tục phù hợp điều kiện thực tế trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư trong các Cụm công nghiệp: Tiến độ đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh, các giấy phép liên quan đến ngành nghề sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật.

2.3. Thông tin, báo cáo:

a) Xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban quản lý các Cụm công nghiệp định kỳ hằng tháng, quý, năm; sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện, tình hình hoạt động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở công nghiệp và các ngành có liên quan.

Điều 3. Quyền hạn của Ban quản lý:

3.1. Tổ chức bộ máy hoạt động, quản lý cán bộ công chức, sử dụng tài sản cơ quan có hiệu quả nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

3.2. Tổ chức quản lý các Cụm công nghiệp theo quy hoạch, thỏa thuận vị trí, diện tích, bàn giao mặt bằng cho các chủ dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư vào các Cụm công nghiệp.

3.3. Quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhằm khai thác hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng và các dịch vụ trong các Cụm công nghiệp.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY, ĐỊNH BIÊN LAO ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NHÂN SỰ

Điều 4. Tổ chức bộ máy, định biên lao động, kinh phí hoạt động của Ban quản lý gồm có:

4.1. Tổ chức bộ máy của Ban quản lý:

a) Lãnh đạo Ban quản lý:

a1) 01 (một) Trưởng ban quản lý.

a2) Giúp việc cho Trưởng ban quản lý có 01 (một) Phó Trưởng ban quản lý.

b) Các bộ phận chuyên môn thuộc Ban quản lý:

b1) Phòng Tổ chức - Hành chính.

b2) Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật.

4.2. Định biên lao động của Ban quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ hằng năm trên cơ sở khối lượng công việc và nhiệm vụ của Ban quản lý.

4.3. Kinh phí hoạt động của Ban quản lý do ngân sách của tỉnh cấp và nguồn quản lý các dự án theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quản lý nhân sự của Ban quản lý:

5.1. Trưởng Ban quản lý chịu trách nhiệm về các hoạt động của Ban quản lý và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, theo quy trình, thủ tục phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của tỉnh.

5.2. Phó Trưởng Ban quản lý thực hiện một số nhiệm vụ của Ban quản lý do Trưởng Ban quản lý phân công và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, theo quy trình, thủ tục phân cấp quản lý cán bộ hiện hành của tỉnh.

5.3. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Ban quản lý do Trưởng Ban quản lý quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Công nghiệp.

5.4. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với nhân sự của Ban quản lý theo quy định của pháp luật, quy định của Chính phủ và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

5.5. Lao động hợp đồng: Căn cứ vào nhu cầu công việc, quy mô hoạt động và nguồn thu của đơn vị. Trưởng Ban quản lý được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, cơ cấu chức danh để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý - sau khi có ý kiến thống nhất của Giám đốc Sở Công nghiệp.


Chương III

QUAN HỆ CÔNG TÁC, CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM

Điều 6. Quan hệ công tác:

6.1. Định kỳ hằng tháng, quý, năm Ban quản lý có trách nhiệm báo cáo chương trình, kế hoạch công tác; tình hình thực hiện nhiệm vụ, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất biện pháp giải quyết để Sở Công nghiệp xem xét chỉ đạo hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết.

6.2. Ban quản lý được quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quy định này.

6.3. Ban quản lý làm đầu mối giải quyết những phát sinh, vướng mắc trong quá trình xây dựng dự án, thi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp, các dự án công trình liên quan; giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư vào các Cụm công nghiệp của các nhà đầu tư.

Điều 7. Chế độ, trách nhiệm:

7.1. Ban quản lý chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quản lý các Cụm công nghiệp theo quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung các vấn đề liên quan đến việc quản lý các Cụm công nghiệp.

7.2. Những yêu cầu của cá nhân, tổ chức gửi đến Ban quản lý phải được trả lời hoặc giải quyết từ 03 - 05 ngày (từ ngày tiếp nhận hồ sơ), những vấn đề phát sinh liên quan đến Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các Sở, ban ngành khác thì tham mưu giải quyết từ 06 - 08 ngày.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN BAN HÀNH

Điều 8. Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm căn cứ Quy định này ban hành Quy chế hoạt động của Ban quản lý và hướng dẫn Ban quản lý hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm tổng hợp và thống nhất với Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

UBND TỈNH NINH THUẬN


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvqcnnvqhtcbmvmqhctcbqlcccntnt838