AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Bác Ái đến năm 2010

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Bác Ái đến năm 2010

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 57/2003/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2003                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

huyện Bác Ái đến năm 2010

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến 2010;

Căn cứ Văn bản số 7689 BKH/CLPT ngày 06-01-1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung, quy trình xây dựng và tổ chức phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành đến năm 2010;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái tại Tờ trình số 189/TTr ngày 12 tháng 9 năm 2002 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 179/SKHĐT ngày 19 tháng 3 năm 2003.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bác Ái đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

I - Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát: Huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt nhất các tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng cơ cấu kinh tế Nông - Lâm - Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ; Phấn đấu nhanh chóng vượt qua trình trạng kém phát triển, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Giữ vững quốc phòng an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Về kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đến năm 2010 đạt 13 - 14%, trong đó giai đoạn 2002 - 2005 đạt 8 - 9% và đến năm 2010 đạt 14 -15%.

Đến năm 2010 tổng giá trị sản xuất gấp 3,1 lần, thu nhập bình quân đầu người gấp 2,6% so năm 2001.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

Đến năm 2005: Nông nghiệp chiếm 76,5%, Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp chiếm 5,2%; Dịch vụ chiếm 18,3%.

Đến năm 2010: Nông nghiệp chiếm 73,5%, Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp chiếm 6,5%; Dịch vụ chiếm 20,0%.

Về xã hội:

Tốc độ tăng dân số tự nhiện 1,7 - 1,8%, quy mô dân số đến năm 2010 đạt 22 - 23 ngàn người.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 30% vào năm 2005 và 15 - 17% đến năm 2010.

Đến năm 2010 tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sạch 60 - 70%.

Tiếp tục thực hiện công tác phổ cập tiểu học và xóa mù, chống tái mù, cơ bản hoàn thành công tác phổ cập THCS vào năm 2010.

II. Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực chủ yếu:

1. Nông lâm nghiệp:

a) Nông nghiệp:

Phát triển có trọng tâm các loại cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của huyện. Tập trung vào những loại cây trồng có giá trị kinh tế như Lúa, Bắp, Mía, Bông vải, Điều... phát triển mạnh chăn nuôi Bò, Dê, Cừu dưới tán rừng theo hướng kinh tế trang trại.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đến năm 2010 tăng bình quân 11 - 12%;

Cơ cấu ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp và chăn nuôi. Đến năm 2005 cơ cấu ngành trồng trọt chiếm 75 - 76% và 70 - 71% vào năm 2010, cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm 24 - 25% năm 2005 và 29 - 30% vào năm 2010.

Hướng bố trí cụ thể như sau:

Trồng trọt: Đến năm 2010 diện tích trồng Lúa 1.500 - 2000 ha. Cây Bông vải 2.000 ha, cây Mía 1.000 ha, cây Thuốc lá 300 ha, cây Mỳ 500 ha, cây Điều khoảng 1.000 ha.

Chăn nuôi: Đến năm 2010 đàn Bò 8.500 - 10.000 con, đàn Dê, Cừu  2.000 - 3.000 con, đàn Heo 4.500 - 5.000 con.

b) Lâm nghiệp:

Tập trung bảo vệ rừng đầu nguồn, nhất là rừng đầu nguồn Phước Bình, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và trồng rừng tập trung trên diện tích đất trồng đồi núi trọc, phát triển các mô hình trang trại nông lâm kết hợp vừa đảm bảo phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vừa tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc.

Hàng năm giao khoán bảo vệ rừng 10.000 ha, khoanh nuôi tái sinh khoảng 9.500 ha, trồng mới 150 - 200 ha rừng tập trung và cây phân tán; nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên trên 70% vào năm 2010; Khai thác gỗ từ rừng tự nhiên mỗi năm khoảng 1.000m3 đảm bảo phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh.

2. Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp:

Khôi phục và phát triển những ngành nghề truyền thống như đan lát mây tre, cơ khí gia dụng, chế biến lương thực, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất nước đá, đồng thời phát triển thêm một số ngành nghề mới như chế biến nông sản, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng... nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút lao động của địa phương.

Phát triển vùng nguyên liệu Mỳ để giai đoạn 2006 - 2010 xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mỳ có công suất khoảng 10 - 15 tấn/ngày. Thu hút vốn đầu tư để từng bước hình thành cụm công nghiệp tại khu vực Mã Tiền - Phước Tiến.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp 18 - 19%.

3. Các ngành Thương mại, Dịch vụ, Du lịch:

Đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ nhất là thương mại miền núi để thúc đẩy sản xuất phát triển; mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ nhất là các dịch vụ cho sản xuất và du lịch; phấn đấu đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ 15 - 16%.

Thương mại: Xây dựng theo quy hoạch mạng lưới các chợ nhất là các chợ tại trung tâm cụm xã, các khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa; Phát triển thương mại miền núi để cung ứng vật tư cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nhân dân; Hình thành trung tâm thương mại tại thị trấn Phước Đại.

Dịch vụ vận tải: Mở rộng các tuyến vận chuyển hàng hóa, hành khách đến các xã, phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách của nhân dân; Xây dựng bến xe trung tâm huyện tại Phước Đại, mở rộng thêm các tuyến đến các huyện trong tỉnh và các thành phố: Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh...

Du lịch: Phát triển du lịch phải gắn với việc khai thác tiềm năng và lợi thế nhất là du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử; Xây dựng các điểm du lịch gắn với các Tour du lịch như tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bình, hồ Sông Sắt, bẫy đá Pi Năng Tắc... gắn với các lễ hội của đồng bào Raglai tạo nên các Tour du lịch khép kín của cả tỉnh.

4. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng:

Thủy lợi: Đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, khởi công xây dựng hoàn thành hồ Sông Sắt; Xúc tiến công tác chuẩn bị đầu tư hồ Trà Co, hồ Sông Cái, hồ Phước Trung để có thể khởi công sau năm 2010.

Giao thông: Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các tuyến đường nối liền từ trung tâm huyện đến các xã như tuyến Phước Trung - Phước Chính, Phước Hòa - Phước Tân; Huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã; Đến năm 2010 đảm bảo 100% số xã có đường ô tô về trung tâm huyện.

Điện: Phát triển hệ thống mạng lưới điện đến các thôn, bản, hỗ trợ để tăng nhanh số hộ sử dụng điện để đến năm 2005 có 60 - 70% và năm 2010 có 90% số hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia.

Cấp thoát nước: Xây dựng nhà máy cấp nước tại thị trấn Phước Đại, xây dựng mới hệ thống nước tự chảy cung cấp nước sạch cho các xã theo chương trình nước sạch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2005 có 45% - 50% và đến năm 2010 đạt 60 - 70% số hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Phát triển mạng bưu chính viễn thông: Xây dựng bưu cục tại trung tâm huyện và các trung tâm cụm xã, nâng cấp thiết bị và nhân lực các điểm bưu điện văn hóa xã để đến năm 2010 đạt 5 máy/100 dân.

5. Phát triển dân số và nguồn lao động:

Thực hiện có hiệu quả công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình nhằm hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới mức 1,8%; Quy mô dân số vào năm 2010 là 22 - 23 ngàn người.

Nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; Phấn đấu đến năm 2010 giảm tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng xuống mức còn dưới 20%. Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo để đến năm 2010 tỷ lệ hộ đói nghèo còn dưới 15 - 17%.

6. Giáo dục và đào tạo:

Hình thành hệ thống giáo dục toàn diện từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và dạy nghề; Thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục, đa dạng hóa các hình thức và nguồn vốn đầu tư để phát triển giáo dục.

Đến năm 2010 xây dựng đủ hệ thống trường tiểu học và xây dựng thêm 1 - 2 trường phổ thông cơ sở, 01 trường trung học phổ thông, tăng cường cơ sở vật chất cho trường Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc: Đẩy mạnh công tác xóa mù và chống tái mù; Cơ bản hoàn thành công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010.

Xây dựng Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của huyện, đáp ứng yêu cầu đào tạo hướng nghiệp trong địa bàn.

7. Y tế và bảo vệ sức khỏe: Phấn đấu đến năm 2010 đạt các chỉ tiêu về y tế và sức khỏa như sau:

100% xã có trạm y tế, một số thôn ở xã miền núi có phân trạm y tế; Xây dựng thêm 1 - 2 phòng khám khu vực ở các điểm đông dân cư và xa trung tâm huyện.

100% trạm y tế xã có bác sĩ về công tác, có nữ hộ sinh trung học, dược tá và y học cổ truyền.

Thanh toán cơ bản các dịch bệnh ở miền núi như sốt rét, bướu cổ, phong cùi…, duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em đạt trên 96%.

Hơn 80% dân số được bảo vệ Lao và giảm nguy cơ nhiễm Lao hàng năm xuống dưới 5%, chủ động phòng ngừa nguy cơ bệnh AIDS.

Xây dựng Trung tâm Y tế huyện với trang thiết bị hiện đại và nâng cấp trang thiết bị các trạm xá xã.

8. Văn hóa thông tin, thể dục thể thao:

Văn hóa thông tin:

Phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thể thao, đến năm 2010 có 100% số xã có làng văn hóa, 60 - 70% số thôn bản được công nhận là thông văn hóa.

Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa các dân tôc, nhất là các di tích lịch sử cách mạng và các lễ hội truyền thống.

Xây dựng các cơ sở vật chất cho ngành Văn hóa Thông tin như trung tâm văn hóa thể thao, đài tưởng niệm, công viên... để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân.

Thể dục thể thao:

Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, trước hết là các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho việc phát động phong trào toàn dân tham gia.

Tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Thể thao, xây dựng sân vận động huyện; Hỗ trợ các xã đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa thể thao xã.

III. Định hướng phát triển vùng và lãnh thổ:

1. Quy hoạch phát triển mạng lưới thị trấn thị tứ và các khu dân cư mới:

Xây dựng thị trấn Phước Đại thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của huyện.

Xây dựng các trung tâm cụm xã Phước Hòa - Phuớc Bình, Phước Tân - Phước Tiến, Phước Trung - Phước Chính để hình thành thị tứ sau năm 2010.

2. Định hướng phát triển các tiểu vùng.

Phát triển các ngành Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ ở thị trấn Phước Đại và các xã dọc quốc lộ 27B.

Hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ tại các trung tâm cụm xã để phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

IV - Định hướng phát triển các đơn vị hành chính:

Dự kiến đến năm 2010 toàn huyện có 01 thị trấn Phước Đại và 13 xã trên cơ sở tách các xã có quy mô diện tích, dân số lớn như xã Phước Bình, Phước Thành, Phước Đại..., xem xét điều chỉnh địa giới hành chính một số xã giáp huyện Ninh Hải để thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế.

V - An ninh quốc phòng:

Các dự án kinh tế quan trọng phải gắn giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng; Tăng cường củng cố, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện để phát triển kinh tế ngày càng bền vững.

(Có báo cáo quy hoạch chi tiết, các bản đồ, danh mục các dự án ưu tiên và các giải pháp thực hiện quy hoạch kèm theo Quyết định này).

Điều 2.

Tổ chức thực hiện:

1. Căn cứ mục tiêu và nhiêm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu đã được xác định trong quy hoạch tổng thể, Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái có trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung quy hoạch vào các kế hoạch 5 năm và hàng năm của huyện; Xây dựng các dự án để tìm nguồn vốn đầu tư phát triển.

2. Thường xuyên rà soát, cập nhật để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch.

3. Phổ biến cho các cấp, các ngành và nhân dân hiểu rõ Quy họach tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện, để cùng tham gia quản lý và thực hiện tốt quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

UBND TỈNH NINH THUẬN


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvpdqhttptktxhhbn2010600