AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phú đến năm 2010

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phú đến năm 2010

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH VĨNH PHÚ
Số: 976/1996/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 1996                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚ

Về việc phê duyệt quy hoạch tổng

thể kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phú đến năm 2010

 

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚ

Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ban hành ngày 21/6/1994

Thực hiện chỉ thị 4937-ĐFI ngày 06/9/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của các tỉnh thành phố.

Căn cứ vào số 3684 /UB- VCL ngày 21/10/1995 của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước về việc thoả thuận phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hộitỉnh Vĩnh Phú

Căn cứ thông báo số 275 / TB-TU ngày 24/7/1995 của hội nghị Tỉnh uỷ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Vĩnh Phú đến năm 2010.

Xét tờ trình số: 716/ TT-KH ngày 15/12/1996 của Uỷ ban kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phú đến năm 2010.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Căn cứ vào nội dung Phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Phú đến 2010 với các nội dung chính tại văn bản đính kèm quyết định này.

Điều 2: Căn cứ vào nội dung phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh,các ông Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh tranh thủ phối hợp với các ngành Trung ương để từng bước triển khai trong các kỳ kế hoạch năm năm, hàng năm và các dự án cụ thể nhằm thực hiện những mục tiêu định hướng cơ bản trong quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh, nhanh chóng xây dựng Vĩnh Phú trở thành tỉnh phát triển ngang tầm với chung toàn quốc.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã căn cứ quyết định triển khai./.

 

Nội dung cơ bản quy hoạch tổng thể

kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Phú đến năm 2010

(Ban hành kèm theo quyết định số: 976/QĐ-UB ngày 23/5/1996 của chủ tịch Uỷ Ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú).

Mục tiêu cơ bản của quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến 2010 là tạo căn cứ cho việc hoạch định các chủ trương phát triển, các kế hoạch đầu tư và hợp tác, đoán trước cơ hội để vận dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển hoà nhịp với quá trình vận động mạnh mẽ của địa bàn trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước. Phương hướng quy hoạch đến năm 2010 được nghiên cứu toàn diện (cả tự nhiên kinh tế, xã hội, môi trường) nhưng tập trung vào những vấn đề then chốt, các khâu đột phá trọng điểm đầu tư , có những vấn đề được xem xét xa hơn và có vấn đề đặt ra được xem xet ngay trong thời kỳ đầu, nhất là giai đoạn 1996 - 2000.

PHẦN 1: ĐÁNH GIÁ CÁC NGUỒN LỰC VÀ THỰC TRẠNG KINH TẾ XÃ HỘI

I- Đánh giá các nguồn lực, lợi thế, hạn chế và thách thức

1) Vĩnh Phú có lợi thế về vị trí địa lý : Là cửa ngõ nối liền giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc, liền kề với tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh, gần sân bay quốc tế Nội Bài, là tỉnh có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng

2) Tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội.

Vĩnh Phú là tỉnh trung du có cả đồng bằng và miền núi. Tổng diện tích tự nhiên là 4.825km2, trong đó 3.287km2 là diện tích miền núi(68%) là tỉnh có lịch sử phát triển lâu đời nơi đất tổ Hùng Vương dựng nước, là cội nguồn dân tộc . Với các điều kiện về địa hình, khí hậu, đất đai, nguồn nước và dân cư tương đối đa dạng và phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế tổng hợp có cơ cấu đa dạng, với nhiều loại sản phẩm phong phú của cả đồng bằng trung du và miền núi.

- Đất đai tuy không tốt lắm nhưng còn khả năng khai thác để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; còn rất nhiều đất xây dựng, có thể hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung và phát triển đô thị với qui mô hàng ngàn ha ở dọc đường quốc lộ 2, thành phố Việt Trì, các thị xã và các huyện lị.

- Tài nguyên khoáng sản tuy không giàu, nhưng đa dạng và có loại mang ý nghĩa cả nước. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn và chất lượng tốt để phát triển công nghiệp như: Penspát, Cao lanh, đá vôi, Quắc zít, Tals, cát sỏi, nước khoáng, vật liệu xây dựng (kể cả vật liệu nhẹ).

- Có cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, công trình văn hoá gắn với nhiều lễ hội truyền thống như Tam đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Ao Châu, hang động Xuân Sơn, ngã 3 sông Việt trì, khu di tích lịch sử Đền Hùng. Số lượng và di tích lịch sử cao, là một trong những tỉnh có những điểm du lịch có khả năng thu hút nhiều khách du lịch.

- Tài nguyên nước(nước mặt, nước ngầm) tương đối dồi dào, phân bố tương đối đều, chất lượng tương đối tốt, đảm bảo đủ cung cấp cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

3) Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có:

- Hệ thống giao thông của tỉnh tương đối đồng bộ, có khả năng phát triển cả đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, hệ thống các nhà ga, bến xe, bến cảng có vai trò trung chuyển cho cả vùng 6 tỉnh phía Bắc với vùng tam giác phát triển(Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và đồng bằng sông Hồng. Hơn nữa Vĩnh Phú nằm tiếp giáp với sân bay Nội Bài rất thuận lợi cho giao lưu và tiếp cận các vùng xung quanh.

- Quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn đã sớm tạo cho Vĩnh Phú những cụm công nghiệp lớn tại Việt Trì - Phong Châu, Phú Thọ - Thanh Ba, Xuân Hoà - Mê Linh và Vĩnh Yên- Tam Đảo. Trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả vốn liên doanh và 100% vốn nước ngoài) đang hoạt động và đã được cấp giấy phép đầu tư, khả năng trong thời gian tới số xí nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ tăng nhanh. Đó là những tiền đề hết sức quan trọng, tạo điều kiện cho Vĩnh Phú đẩy nhanh phát triển kinh tế. Cùng với sự phát triển công nghiệp, Vĩnh Phú đã hình thành rõ nét vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến như; vùng chè, vùng nguyên liệu giấy sợi; đang hình thành vùng cây ăn quả, vùng mía và chăn nuôi để có nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến nông sản.

- Hệ thống mạng lưới điện quốc gia tương đối phát triển với các cấp điện áp 110kv, 35kv và tương lai 220kv, hệ thống điện trung áp, hạ áp và phụ tải, đây là nguồn lực rất quan trọng tạo tiền đề cho Vĩnh Phú phát triển.

- Vĩnh Phú có nhiều cơ sở nghiên cứu và thực nghiệm khoa học của Trung ương đóng trên địa bàn thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp,công nghiệp. Những cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi cho Vĩnh Phú nhanh chóng tiếp cận với phát triển khoa học kỹ thuật.

4) Dân số trung bình năm 1995: 2,3 triệu người, dân số thành thị chiếm xấp xỉ 8%(cả nước 20%). Mật độ dân số 468 người/km2.Tốc độ phát triển dân số 1,97%. Lao động trong độ tuổi có trên 1,1 triệu, trong đó cán bộ khoa học và công nhân kỹ thuật chiếm trên 8,5%. Dự báo đến năm 2010 Vĩnh Phú có khoảng 2,9 triệu dân, 1,6 triệu lao động, trong 15 năm tới phải tạo việc làm cho từ 45-48 vạn lao động. Trình độ dân trí tương đối khá, là một trong 6 tỉnh đầu tiên được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học.

5) Có thị trường rộng lớn từ thị trường địa phương, thị trường khu vực đến thị trường cả nước và thị trường quốc tế(trong đó có thị trường phía Nam Trung Quốc). Kinh tế xã hội trong quá trình phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển ngày càng lớn về các loại sản phẩm hàng hoá như: Nông sản chất lượng cao, đặc sản, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp kỹ nghệ cao, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm văn hoá truyền thống.

6) Mặt hạn chế:

- Cơ sở hạ tầng tiếp tục xuống cấp, trình độ trang bị và công nghệ lạc hậu, thiết bị già cỗi chiếm tới gần nửa (nhất là các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương).

- Tốc độ phát triển dân số còn cao, lao động thiếu công ăn việc làm còn lớn, nhu cầu về phát triển văn hoá, y tế, giáo dục và các vấn đề xã hội khác .... đang gây sức ép về nhiều mặt .

- Chưa cân bằng được ngân sách, Vĩnh Phú đang thiếu vốn trầm trọng để đầu tư phát triển.

- Thiếu kiến thức tiếp thị và kinh nghiệm quản lý, trình độ đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ quản lý kinh tế và quản lý Nhà nước còn thiếu và yếu. Lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp, ít công nhân lành nghề bậc cao

7) Những thách thức là

- Là một tỉnh có nguồn tài nguyên và lợi thế, song nếu không phát huy được thì sẽ có nguy cơ tụt hậu xa so với bình quân cả nước.

- Gần thủ đô Hà Nội vừa là lợi thế cũng vừa là thách thức. Sản phẩm của Vĩnh Phú muốn xâm nhập thị trường Hà Nội và thị trường ngoài tỉnh phải có sức cạnh tranh lớn và tiếp thị giỏi.

II- Thực trạng kinh tế-xã hội từ (1991-1995)

1)- Về kinh tế

1.1) Điểm xuất phát

- GDP(theo giá cố định năm 1989) tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 1991-1995 là 7,2%

- Tỷ lệ huy động ngân sách từ GDP 10%(kể cả ngân sách xã). Ngân sách còn thiếu hụt, năm 1994 Trung ương trợ cấp 49,4% tổng chi ngân sách.

- Giá trị xuất khẩu năm 1995 đạt 30 triệu USD, trong đó xuất khẩu địa phương và Trung ương trên địa bàn đạt 15 triệu USD. Bình quân đầu người đạt 13,02 USD bằng 22% so với mức bình quân toàn quốc và 27% so với vùng Bắc Bộ.

- GDP bình quân đầu người (mặt bằng giá năm 1994) năm 1994: 150USD/213USD bằng 70% so với mức trung bình của cả nước (theo giá FOB năm 1989 thì bình quân GDP đầu người của tỉnh là 204 USD/ 279 USD của toàn quốc).

Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây có khá hơn, nhưng so với cả nước Vĩnh Phú là tỉnh có điểm xuất phát thấp.

1.2) Cơ cấu kinh tế bước đầu đã chuyển dich theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ. Cơ cấu kinh tế (theo GDP giá thực tế): Nông lâm nghiệp- công nghiệp- xây dựng - dịch vụ năm 1990 là 54-19,2-26,8; năm 1995 là 42,85- 22,65-34,5%, trong khi đó cả nước có cơ cấu tương ứng là 34,6-27,4-38%.

Vĩnh Phú vẫn là một tỉnh nông lâm nghiệp, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đúng hướng nhưng còn chậm.

1.3) Thực trạng các ngành kinh tế.

- Nông lâm nghiệp năm 1991 -1995 phát triển với tóc độ tăng bình quân hàng năm là 5,75%. Cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi; cơ cấu ngành hiện nay trồng trọt 64,8%, chăn nuôi 35,2%. Tổng sản lượng lương thực 1995 đạt 578 ngàn tấn, tăng bình quân trong năm năm là 6,3%, nâng bình quân lương thực đầu người từ 206kg/người 1990 lên 250kg/người năm 1995.

Tuy vậy, cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả còn chiếm tỷ trọng nhỏ cả về diện tích và giá trị sản lượng.

- Diện tích đất có rừng 79,5 ngàn ha, trong đó 40,1 ngàn ha rừng tự nhiên, rừng trồng 36,0 ngàn ha, rừng phòng hộ đặc dụng 3,4 ngàn ha, đất lâm nghiệp chưa sử dụng khả năng còn rất lớn. Trong những năm gần đây bình quân mỗi năm trồng được 4,5 - 5 ngàn ha rừng (chủ yếu là rừng nguyên liệu), ngoài ra khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đặc dụng và trồng cây phân tán. Độ che phủ hiện có khoảng 16,5 - 17% so tổng diện tích tự nhiên, chiếm tỷ lệ 39,5% đất lâm nghiệp.

Diện tích mặt nước lớn: Có 3 con sông lớn, nhiều hồ chứa nước và sông suối nhỏ, sản lượng cá năm 1995 đạt 6,8 ngàn tấn, gần đây nuôi cá lồng trên sông suối phát triển. Nhìn chung nuôi trồng thủy sản chưa chiếm tỷ trọng lớn.

- Công nghiệp: Sản xuất công nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn chao đảo của thời kỳ đầu chuyển sang kinh tế thị trường. Một số doanh nghiệp đã được sắp xếp lại, đầu tư chiều sâu, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh đã đạt được mức tăng trưởng khá.

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1995 (giá 89) trên địa bàn đạt 556 tỷ, tốc đọ tăng bình quân hàng năm (91-95) là 14,4%, riêng quốc doanh địa phương tăng bình quân 15,5%, ngoài quốc doanh tăng bình quân 15,15%, công nghiệp 100% vốn nước ngoài năm 1995 tăng gần 2 lần so 1993.

Một số sản phẩm có tỷ trọng lớn như: Phân bón hóa học, giấy xenlulô, chè, vải, xi măng, gạch nung. Cơ cấu thành phần kinh tế theo khu vực quốc doanh - ngoài quốc doanh - công nghiệp 100% vốn nước ngoài 1995 là 71,3 - 18,2 - 10,5%.

Tuy vậy, công nghiệp - tiểu thủ cônog nghiệp và xây dựng, cơ cấu trong GDP còn thấp (22,4%), công nghiệp Trung ương và địa phương chưa thật sự gắn bó với nhau trong một cơ cấu thống nhất. Tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng lớn nhưng phát triển chưa ổn định, vốn ít, công nghệ chậm đổi mới, thực tế chư có xí nghiệp tư nhân nào có quy mô đáng kể. Các làng nghề, vùng nghề kỹ nghệ cao hầu như chưa có.

- Kinh tế du lịch: tiềm năng về tài nguyên du lịch lớn, nhưng chậm được khai thác, chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch để thu hút khách, cơ sở vật chất vừa thiếu vừa yếu kém, cán bộ có trình độ và kinh nghiệm trong hoạt động du lịch còn ít. Trong 3 năm 1991 - 1993 tổng số khách quốc tế là 53,6 ngàn người, khách trong nước là 184 ngàn người, số khách nghỉ lại khoảng 30%. Doanh thu hàng năm chỉ đạt 37 ngàn USD và khoảng 2 tỷ đồng.

- Hoạt động chính trị ngân hàng: có tiến bộ, đã cố gắng tận dụng nguồn thu, thực hiện tiết kiệm chi. Hoạt động tín dụng có nhiều đổi mới thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đời sống và sản xuất. Tuy vậy, tỷ lệ huy động vào ngân sách so GDP còn thấp(khoảng gần 10%, kể cả ngân sách xã) chưa cân bằng được thu chi ngân sách trên địa bàn.

1.4) Thực trạng về cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng

- Thuỷ lợi và đê điều: toàn tỉnh đã có công trình tưới cho 90% diện tích vùng đất lúa, trong đó đảm bảo tưới ổn định khoảng 60%, hệ thống tiêu đảm nhận khoảng 60 ngàn ha. Tuy vậy còn 7 ngàn ha lúa chưa có công trình tưới nước, 16-18 ngàn ha chưa có công trình tiêu.

- Đê điều: đã đảm bảo an toàn ở mức báo động 3, nhưng chất lượng còn sấu nên còn phải thường xuyên tiếp tục được tu bổ hàng năm.

- Về thông tin liên lạc: Đã có bước phát triển, mức độ tự động hoá đạt 100% mạng nối hạt trong tỉnh , số máy điện thoại tăng nhanh, lưu lượng đàm thoại đường dài tăng nhanh, nhất là đàm thoại quốc tế. số máy điện thoại /100 dân đạt 0,346 máy.

- Về điện: Điện năng tiêu thụ bình quân đầu người khoảng 176Kwh/năm, gần 63% số xã và gần 70% dân số được sử dụng điện. Hiện nay nguồn điện cấp đã ngang với phụ tải, lưới điện nhiều vùng được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh và chủ yếu nhằm mục đích tưới tiêu nước và công nghiệp, nên đã được quy hoạch bổ sung để từng bước tăng nguồn điện cấp, cải tạo lưới điện và đưa điện đến địa bàn dự kiến kinh tế sẽ phát triển.

- Về giao thông: có mạng lưới giao thông tương đối đồng bộ cả về đường bộ, đường thuỷ, cầu phà và có đường sắt quốc gia đi qua.Trên địa bàn tỉnh có 260 km đường quốc lộ, 414km đường tỉnh lộ, trên 1,1 ngàn km đường cấp huyện, 108km đường đô thị, 3700km đường nông thôn; 115km đường sắt chạy qua địa bàn Vĩnh Phú; Gần 200km đường sông trên các tuyến; Sông Hồng, Sông Lô, Sông Đà... Tuy vậy chất lượng đường bộ kém, xuống cấp nghiêm trọng, việc duy tu bảo dưỡng hàng năm chỉ là sửa chữa nhỏ. Đường sông nhiều đoạn bị cạn vào mùa khô , nên chỉ đảm bảo cho các đoàn tàu kéo xà lan trọng tải 360-400 tấn đến các cảng.

2) Phát triển xã hội: Về thu nhập và đời sống dân cư, ước tính GDP bình quân đầu người (1994)khoảng 150 USD nhờ đó đời sống được cải thiện , bộ mặt thành phố thị xã,thị trấn có đổi mới. Dân cư nông nghiệp ước tính GDP bình quân đầu người khoảng 90 USD, hộ giàu tăng thêm hộ nghèo đã giảm đi, nạn đói đã căn bản được giải quyết, bộ mặt nông thôn thay đổi một bước.

- Về giáo dục y tế và hưởng thụ văn hoá có tiến bộ. Đã phổ cập giáo dục cấp I, tỷ lệ người đi học so với dân số trên 24,2%. Mạng lưới y tế cơ sở căn bản đã được xây dựng, có 1,8 cán bộ y tế trên 1000 dân. Phần lớn số hộ dân cư được tiếp nhận thông tin qua hệ thống phát thanh truyền hình.

3) Đánh giá chung:

- Kinh tế Vĩnh Phú có bước tăng trưởng, công nghiệp đã vượt qua thời kỳ sa sút và có tăng, nông nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, sản xuất lương thực tăng nhanh và năm 1995 đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay. Các ngành dịch vụ phát triển khá.

- Cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp du lịch, dịch vụ, thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có xu hướng phát triển nhanh.

- Đi liền với phát triển kinh tế, các lĩnh vực đời sống xã hội cũng được phát triển một bước.

Tuy vậy Vĩnh Phú đang đứng trước những vấn đề lớn

+Lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng chưa được khai thác có hiệu quả

+Nền kinh tế tuy có bước phát triển nhưng chưa vững chắc và đang ở mức thấp so với cả nước.

+Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch chậm công nghiệp tỷ trọng còn thấp.

+Căn bản vẫn là một tỉnh nông lâm nghiệp, đặc biệt là sản phẩm hàng hoá chưa có khối lượng lớn và chất lượng còn thấp.

+Kết cấu hạ tầng cùng với đô thị còn chưa phát triển

+Kim ngạch xuất khẩu thấp

+Chưa cân bằng được ngân sách

- Xu hướng địa bàn trọng điểm Bắc Bộ sẽ phát triển mạnh, đồng bằng Sông Hồng trung du và miền núi phía Bắc cũng sẽ phát triển nhanh, khu vực Tây Nam Trung Quốc là một thị trường lớn, dân số đông, Vĩnh Phú sẽ tận dụng những cơ hội đó để phát triển.

PHẦN II: ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2010 CỦA TỈNH VĨNH PHÚ

I. Quan điểm phát triển

Xuất phát từ đặc điểm nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, xu hướng phát triển và những lợi thế về vị trí địa lý, quan điểm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Phú từ nay đến năm 2010 là:

1) Phát huy tinh thần chủ động, chống nguy cơ tụt hậu, chuyển hướng phát triển nhanh trên cơ sở khai thác những lợi thế tài nguyên của từng vùng, đi liền với đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tranh thủ thu hút vốn từ bên ngoài (bao gồm trong nước và ngoài nước)và hoà nhập với quá trình phát triển năng động của địa bàn trọng điểm Bắc Bộ, để tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao, sớm có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, nhằm biến đổi rõ rệt về cơ cấu kinh tế để đến năm 2000 có cơ cấu công nghiệp nông lâm nghiệp dịch vụ và hình thành cơ cấu kinh tế mới vào năm2010theo hướng dịch vụ công nghiệp nông lâm nghiệp. Tiến tới bằng mức trung bình cả nước.

2) Xây dựng nền kinh tế theo hướng từng bước hiện đại, trong đó nhanh chóng hiện đại các khâu, các lĩnh vực có điều kiện giữ vị trí then chốt, đồng thời lựa chọn quy mô vừa và nhỏ có thiết bị công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khả năng vốn. Không phân biệt kinh tế Trung ương, kinh tế địa phương trên lãnh thổ. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong tỉnh,ngoài tỉnh. Đối tác nước ngoài tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, phấn đấu cân bằng được ngân sách trước năm 2000.

3) Mở rông xuất nhập khẩu, trước hết là xuất khẩu tại chỗ (qua khách du lịch trong tỉnh và Hà Nội), trao đổi kinh tế liên vùng và hợp tác kinh tế liên doanh, đồng thời tìm kiếm thị trường, đẩy nhanh xuất khẩu ra nước ngoài, hạn chế nhập khẩu kết hợp sản xuất thay thế một số mặt hàng nhập khẩu.

4) Phát triển kinh tế phải lấy hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường sinh thái làm thước đo. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng đặc biệt đối với một tỉnh lấy kinh tế công nghiệp và dịch vụ du lịch làm ngành kinh tế chủ yếu vào năm 2000.

II Mục tiêu cơ bản

- Phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Năm 2000 đạt mức GDP bình quân đầu người (mặt bằng giá 94)tăng gấp 2,4 lần năm 1990 bằng 86% mức trung bình cả nước, năm 2010 tăng gấp 3,0 lần so với năm 2000 và bằng mức trung bình cả nước.

- Phát triển các khu công nghiệp tập chung, hình thành những trung tâm giao lưu hàng hoá và các khu trung tâm du lịch, trên cơ sở đó phát triển nhanh đô thị nhất là ở thành phố, thị xã. Mặt khác phát triển công nghiệp chế biến gắn liền với khu nguyên liệu, tạo mối giao lưu hàng hoá giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn, thực hiện xây dựng nông thôn mới, đồng thời mở mang các trung tâm ở các thị trấn, thị tứ và chợ nông thôn. Từ đó tạo ra hệ thống đô thị hoàn chỉnh.

- Cải tạo nâng cấp và xây dựng từng bước cơ sở hạ tâng về kỹ thuật và xã hội, trước hết tập trung vào điện, giao thông vận tải, thuỷ lợi và đê điều, thông tin liên lạc, bệnh viện, trường học, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội .Trước mắt từ nay đến năm 2000, ưu tiên phát triển công nghiệp, du lịch vùng nông nghiệp thâm canh, chuyên canh và làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

Xây dựng Vĩnh phú nhanh chóng trở thành trung tâm phát triển của các tỉnh trung du mìên núi giữa Đông bắc và Tây bắc.

Để thực hiện quan điểm phát triển và những mục tiêu tổng quát, quy hoach tổng thể kinh tế xã hội thời kỳ 1996-2010 được dự kiến bố trí như sau:

A) Về kinh tế

1) Tốc độ phát triển GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

- Tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 1996 - 2000 là 11-12% trong đó công nghiệp xây dựng tăng 15-17%, nông lâm nghiệp tăng 4,5% trở lên, dịch vụ tăng 16-18%. Thời kỳ 2000-2010 tốc độ tăng GDP bình quân từ 12% trở lên, trong đó công nghiệp xây dựng tăng 15% trở lên, nông nghiệp tăng 5% trở lên và dịch vụ tăng 15% trở lên.

- Đưa GDP bình quân đầu người (mặt bằng giá 94 đạt 290 USD vào năm 2000 bằng 86% trung bình cả nước . Đến năm 2010 đạt 880 USD bằng mức trung bình cả nước.

- Cơ cấu kinh tế năm 2000: nông lâm nghiệp - công nghiệp xây dựng -Dịch vụ là: 29,3 %-30,7%-40,0%- Năm 2010 cơ cấu tương ứng là : 14,1%-37,9%-48%.

2) Cân bằng được ngân sách vào những năm cuối của thời kỳ 1996-2000

Dự kiến tỷ lệ huy động vào ngân sách từ GDPsẽ tăng dần từ 1996, để có tốc độ tăng bình quân thu ngân sách 1996 - 2000) là 22-24%. Như vậy vào khoảng năm 1998 có khả năng cân bằng thu chi ngân sách từ nội bộ nền kinh tế của tỉnhvà những năm sau đó có tích luỹ đầu tư để phát triển, phấn đấu để có tỷ lệ huy động ngân sách GDPđạt 26% vào năm 2010.

3) Giá trị kim ngạch xuất khẩu: đạt tổng giá trị xuất khẩu khoảng 50 triệu USD vào năm 2000 trong đó địa phương và Trung ương trên địa bàn chiếm khoảng 50%; 220-240 triệu USD vào năm 2010. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu; Chè, chuối và sản phẩm từ chuối, rau quả, thịt cá giấy, vải và may mặc, thu ngoại tệ từ du lịch, các sản phẩm của xí nghiệp có vốn nước ngoài..

4) Lựa chọn trọng điểm đấu tư

Trọng điểm đầu tư trong thời gian tới là

- Đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, trước hết là đường quốc lộ vào các khu công nghiệp tập trung và du lịch

- Phát triển khu công nghiệp tập trung

- Phát triển khu du lịch

- Đầu tư công nghệ sinh học để phát triển nông lâm nghiệp, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến, giống cây con chất lượng để chuyển dịch cơ cấu nông thôn

_ Phát triển hạ tầng xã hội

- Tạo và phát triển đô thị, các thị trấn thị tứ

- Hình thành và phát huy tốt các trung tâm thương mại.

5) Định hướng phát triển các ngành kinh tế chủ yếu

5.1) Công nghiệp và các ngành tiểu thủ công nghiệp: Phát triển theo hướng kỹ thuậtvà công nghệ tiên tiến , quy mô thích hợp, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp để tạo mũi nhọn sau:

- Chế biến nông lâm sản thực phẩm tỷ trọng 44% năm 2000 và 43% năm 2010 với tốc độ tăng trưởng khoảng 14% từ nay đến năm 2000 và khoảng 15% thời kỳ 2001-2010.

- Các sản phẩm chế biến chủ yếu là: Giấy, mía đường, chè, rượu, mì chính, chuối, nước quả, bia và các sản phẩm chăn nuôi.

- Các sản phẩm nông sản thực phẩm khác chủ yếu là cải tiến công nghệ, kết hợp với mở rộng quy mô, phát triển công nghiệp chế biến nhỏ ở vùng nông thôn

- Xúc tiến tìm đối tác liên doanh chế biến rau quả, thịt, nước quả và chè.

- Công nghiệp sản xuất nguyên liệu và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng 21% năm 2000và 17% năm 2010, tốc độ tăng trưởng 15,2%từ nay đến 2000 và 15-16% giai đoạn 2001-2010. Sản phẩm chính gồm: Phân bón, ắc quy, trường thạch, cao lanh xút thương phẩm, xà phòng xi măng gạch men, sứ trang trí và sứ vệ sinh cao cấp, gạch xây có chất lượng cao, tấm lợp cho vùng nông thôn.

- Các ngành sản xuất công nghiệp tiêu dùng bao gồm: Các ngành giấy và bột giấy, dệt da, may mặc, cơ khí điện máy, lắp ráp ôtô, xe máy, phương tiện vận tải thuỷ bộ, hàng hoá tiêu dùng khác

- Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, hình thành các vùng nghề, làng nghề có sản phẩm kỹ nghệ cao, chất lượng tốt,hướng vào các sản phẩm: Mộc dân dụng, sành sứ, vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ, thủ công mỹ nghệ, chế biến và sơ chế nông lâm sản quy mô nhỏ, quy mô gia đình...góp phần thay đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn.

- Phát triển khu cụm công nghiệp tập trung

+ Phát triển 3 khu công nghiệptập chung; Việt Trì- Phong Châu, Tam Đảo - Vĩnh Yên, Xuân Hoà - Mê Linh.

Khu công nghiệp phía tây Bắc - Việt Trì (Việt Trì - Phong Châu) có tổng diện tích khoảng 350ha, trong đó có khu công nghiệp tập trung 250ha, đây là khu có điều kiện mở rộng, gần đường quốc lộ, gần cảng, gần ga, đã có hệ thống điện. Đất đai chủ yếu là đất đồi gò thấp, cấp thoát nước thuận tiện. Hướng bố trí công nghiệp chế biến, công nghiệp may, công nghiệp kỹ nghệ cao.

Khu công nghiệp tập trung Vĩnh Yên (Vĩnh Yên -Tam Đảo) có tổng diện tích khoảng 300-350ha, trong đó khu tập trung 150-180ha, phía Nam thị xã Vĩnh Yên, khu này cũng có khả năng mở rộng, gần sân bay Nội Bài, gần Hà Nội tiện đường giao thông, gần nguồn điện, đất chủ yếu là đồi gò thấp. Hướng bố trí khu công nghiệp sứ cao cấp, lắp giáp xe, sản xuất vệ tinh HONDA, TOYOTA.

Cụm công nghiệp Xuân Hoà - Mê Linh có tổng diện tích khoảng 400ha, trong đó có 50% là đồi đất, ngoài ra đất đồi rừng xen kẽ, có nhiều điểm có khả năng xây dựng khu công nghiệp tập trung, có diện tích từ 60-100ha. Đất đai thuận lợi, giáp sân bay quốc tế Nội Bài và Hà Nội, có vùng hồ Đại Lải là khu du lịch nghỉ ngơi. Hướng bố trí lắp ráp ô tô, xe máy, may mặc, chế biến thực phẩm.

Ngoài ra tiếp tục phát triển cụm công nghiệp đã có ở Việt Trì - Bãi Bằng - Lâm Thao; Xuân Hoà - Phúc Yên; khu Mê Linh tiếp giáp Hà Nội, khu công nghiệp Thanh Ba, Thanh Sơn. Đồng thời đẩy mạnh các công nghiệp vệ tinh xung quanh các khu công nghiệp này.

5.2. Nông - lâm nghiệp thuỷ sản

Phát triển nông lâm nghiệp theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hoá và nông nghiệp sạch. Thay đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với 3 vùng sinh thái, đảm bảo an toàn lương thực, tăng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến khuyến khích nông dân làm giàu thông qua việc khai thác sử dụng có hiệu quả đất đai áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra nguồn hàng hoá lớn có chất lượng. Đồng thời phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn nâng cao dân trí . Tỷ trọng ngành trồng trọt từ 68% năm 1995 xuống 63% năm 2000 và 58% năm 2010, ngành chăn nuôi từ 32,0% năm 1995 lên 27% năm 2000 và 42% năm 2010. Tỷ trọng giá trị cây lương thực từ 62,6 % năm hiện nay xuống 55% năm 2000và 42% năm 2010, rau quả tỷ trọng tương ứng là 10,2%-11%-185 cây thực phẩm .......

Sản xuất lương thực đạt 68 vạn tấn trở lên năm 2000 và khoảng 80 vạn tấn năm 2010. Rau quả hướng về xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ, cung cấp cho thi trường Hà Nội, sân bay Nội Bài các khu công nghiệp tập trung và các tỉnh phía Tây Bắc, trong đó: Khoai tây, cà chua, hành tây, cây ăn quả( chuối cam ...). Các cây công nghiệp phát triển là chè, cà phê và các cây công nghiệp ngắn ngày phấn đấu đến năm 2000 có tổng diện tích chè là 8 ngàn ha, trong đó cải tạo và thâm canh 7,4 ngàn ha chè hiện có để đạt sản lượng 35-36 ngàn tấn chè búp tươi, chế biến 6-6,5 tấn chè xuất khẩu và 2 ngàn tấn chè nội tiêu. Trồng 1,5-2 ngàn ha mía, Trồng 1000ha cà phê và 4000ha cây ăn quả khác.

Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hoá, đến năm 2000 cơ bản thực hiện sinh hoá đàn bò, tăng dần đàn lợn có tỷ lệ nạc cao, phát triển mạnh gia cầm, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nhất là các loại đặc sản.

Để thực hiện những định hướng trên cần

+ Làm tốt việc sản xuất và cung cấp giống cây trồng, vật nuôi theo hướng có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với công nghệ nông nghiệp sạch. Chú ý đến giống cây ăn quả, giống bò sinh hoá, bò sữa, giống gà công nghiệp (trứng gà thịt).

+ Tiếp tục thâm canh nông nghiệp kết hợp với mở rộng diện tích bằng tăng vụ đông (chú trọng trung du và miền núi).

+ Đổi mới công nghệ chế biến nông sản và hiện đại hoá các nhà máy chế biến nông sản

+ Chú ý mở mạnh hướng tăng trưởng nông nghiệp về phát triển rau quả sạch xuất khẩu (tại chỗ và nước ngoài).

Lâm nghiệp tiếp tục phủ xanh đất trống đồi trọc từng bước tăng độ che phủ , để năm 2010 đạt 29% so tổng diện tích tự nhiên, chiếm tỷ lệ 70% đất lâm nghiệp. Hướng phát triển là bảo vệ rừng khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, tu bổ cải tạo rừng và giữ hệ thống rừng phòng hộ ...

+ Làm giàu khoanh nuôi tái sinh 30 ngàn ha, xây dựng vườn rừng 15 ngàn ha, trồng rừng tập trung 61 ngàn ha, trong đó rừng nguyên liệu tập trung 40-45 ngàn ha. Trước mắt từ nay đến năm 2000 làm giàu và khoanh nuôi tái sinh 8.5 ngàn ha, xây dựng vườn rừng 6000 ha; trồng rừng 30.000 ha trong đó rừng nguyên liệu giấy là 15.000 ha; trồng 5.000 ha quế.

Để thực hiện mục tiêu này, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án chương trình 327, dự án rừng quốc gia Tam Đảo và các dự án khác.

5.3)- Kinh tế dịch vụ - du lịch:

Đưa tỷ trọng kinh tế du lịch năm 2000 chiếm 6% và 2010 chiếm 9,5% của tổng GDP. Tỷ trọng kinh tế du lịch so với khối dịch vụ chiếm 15% năm 2000 và 20% năm 2010. Sản phẩm du lịch Vĩnh Phú là du lịch tham quan, tìm hiểu nghiên cứu tự nhiên và lịch sử, du lịch nghỉ mát, thể thao, giải trí, nghỉ cuối tuần và hội nghị - hội thảo khoa học.

Mục tiêu đến năm 2000 là đón được khoảng 10 - 12 ngàn khách quốc tế và 0,8 -1,0 triệu khách trong nước (kể cả khách hội Đền Hùng), đến 2010 đón khoảng 25 ngàn khách quốc tế và 1,2 - 1,5 triệu khách trong nước.

Để thực hiện được định hướng trên cần:

+ Xây dựng các dự án khả thi, các điểm du lịch mang ý nghĩa của vùng như: Tam Đảo, Đại Lải, Đền Hùng, Ao Châu.

+ Xây dự án tiền khả thi cho các cụm du lịch Việt Trì - Đền Hùng; Vĩnh Yên - Tam Đảo - Tây Thiên; Mê Linh - Đại Lải. Hình thành các tuyến du lịch Vĩnh Yên - Tam Đảo - Tây Thiên - Đại Lải - Hai Bà; Việt Trì - Đền Hùng - Đoan Hùng; Việt Trì - Phú Thọ -Thanh Ba - Hạ Hòa và Việt Trì - Thanh Sơn.

6) Phát triển kinh tế lãnh thổ và đô thị hóa:

6.1) Trên cơ sở phát triển chuyên môn hóa để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của ba vùng: Đồng bằng, trung du, miền núi.

+Vùng đồng bằng phát triển theo hướng thâm canh sản xuất lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, xây dựng cánh đồng sạch, chăn nuôi lợn, gia cầm, cá; dịch vụ.

+ Vùng trung du phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến (mì chính, đường, giấy), hoa màu lương thực, chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch. Phát triển các vùng sinh thái gò đồi gắn với bảo vệ môi trường.

+ Vùng miền núi phát triển lâm nghiệp giữ rừng đầu nguồn, khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng, trồng rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi bò, công nghiệp khai khoáng.

6.2)- Về đô thị hoá: Xây dựng thành phố Việt Trì trở thành trung tâm kinh tế văn hoá xã hội, khoa học và kỹ thuật của tỉnh và của cả vùng. Các thị xã Vĩnh Yên, thị xã Phú Thọ, khu vực Mê Linh, các thị trấn huyện lỵ, các thị tứ ở các cụm tập trung và các trung tâm xã có điều kiện.

7)- Phát triển khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường:

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, lựa chọn công nghệ mới, nâng cao trình độ công nghệ cả về vật chất kỹ thuật và con người, tập trung vào ứng dụng công nghệ tiến bộ.

- Nâng cao năng lực quản lý và giám sát môi trường, nắm tình hình diễn biến và sự biến động môi trường ở các địa bàn trọng điểm, nghiên cứu các biện pháp để giảm tối thiểu ô nhiễm đối với vùng đang bị ô nhiễm, nghiên cứu các biện pháp tổng thể nhằm phấn đấu có môi trường trong sạch và phát triển bền vững.

8)- Về giao thông vận tải:

Cải tạo nâng cấp đường quốc lộ 2 và 4 làn xe, nâng cấp các tuyến đường đạt tiêu chuẩn C3, C4 miền núi: Đường 314 từ Cổ Tiết đi Hiền Lương đi Yên Bái phía hữu ngạn sông Hồng; đường Vĩnh Yên - Tân Trào; đường Vĩnh Yên - khu nghỉ mát Tam Đảo; các tuyến đường đến khu trọng điểm du lịch và một số tuyến tỉnh lộ. Tiếp tục xây dựng các cầu Trung Hà, Tứ Mỹ, Ngòi Vần, Bến Gạo, Lương Nha. Đảm bảo các phương tiện vượt sông, các bến phà quan trọng trên các tuyến giao thông ở thành phố Việt Trì để giải toả ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 2 do đường bộ và đường sắt cắt ngang nhiều lần gây nên. Hoàn thành việc xây dựng đường ô tô đến xã. Hoàn chỉnh cơ bản hệ thống cầu cống và cải tạo mặt đường giao thông nông thôn ở các tuyến chính, đảm bảo tải trọng H8, đạt cấp đường II, III cấp đường nông thôn. Chủ yếu là huy động các nguồn lực trong dân cư để từng bước thực hiện chương trình giao thông nông thôn. Phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, nâng cấp cảng Việt Trì và xây dựng một loại hình vận tải đường thuỷ, đường bộ, vận tải hàng hóa và hành khách đáp ứng như cầu vận chuyển cho sản xuất và đi lại của nhân dân.

8.2)- Phát triển năng lượng điện:

Phấn đấu đến năm 2000 số xã có điện đạt 80%, riêng vùng núi cao sẽ sử dụng thuỷ điện nhỏ. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống, tăng nhanh số xã được sử dụng điện theo mô hình điện khí hoá. Điện năng tiêu thụ bình quân đầu người đến năm 2000 đạt 290 KWh/người năm. Xây dựng biến áp nguồn tại Bãi Bằng và Đồng Xuân, phát triển trạm nguồn, củng cố và tăng cường tuyến trung áp, tiến tới cải tạo và chuyển đổi lưới điện 6KV - 10 KV lên lưới điện 22 35KV và triển khai điện khí hoá nông thôn những nơi có điều kiện.

8.3)- Về hệ thống cấp nước:

Nâng mức nước sinh hoạt bình quân đầu người khu vực đô thị lên 200 lít/ngày vào năm 2000 và khoảng 300 lít/ngày vào năm 2010. Nâng cấp các nhà máy nước Việt Trì, Phú Thọ, Vĩnh Yên và hệ thống nước khu cụm công nghiệp.

Từng bước xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, khu vực miền núi và đồng bào dân tộc.

8.4)- Thông tin - liên lạc:

Đến năm 2000 đạt 100% số xã có điện thoại, mật độ điện thoại đạt ít nhất 1 máy/100 dân. Tăng dung lượng tổng đài HOST (TDX - 1B) tại Việt Trì, xây dựng thêm 1 trạm HOST ở thị xã Phú Thọ và trạm RSS Vĩnh Yên các trung tâm huyện, thành thị và một số bưu cục 3, nâng tổng số toàn mạch 32 trạm vệ tinh có tuyến mạch và truyền dẫn số để thực hiện số hoá 100% mạng điện thoại toàn tỉnh. Mở rộng và phát triển cáp nội thị và các trung tâm huyện và các bưu cục 3. Phát triển các loại hình dịch vụ như: điện thoại di động, máy nhắn tin.

8.5)- Về thuỷ lợi và đê điều: Đến năm 2000 đảm bảo cung cấp nước tưới trên 90% diện tích đất lúa, trong đó diện tích tưới chủ động chiếm 79% (khoảng 55 ngàn ha mỗi vụ) và tưới kết hợp cho hoa màu vụ đông.

Tập trung khai thác năng lực các công trình hiện có, giải quyết nước cho vùng đồng bằng, phục vụ thâm canh, tập trung đầu tư chiều sâu, tạo các công trình đầu mối đồng bộ với kênh mương; phát triển các công trình thủy lợi nhỏ đồng thời xây dựng các công trình giải quyết tưới cho vùng ven Tản Đà, hữu sông Lô, ven sông Bứa và thượng lưu sông Thao. Củng cố hệ thống đập tập trung ở vùng đất giữa trung du và miền núi. Tu bổ và bảo vệ đê điều đảm bảo cho sản xuất và dân cư, tiến tới làm thủy lợi tưới tiêu vùng đồi.

9)- Về quan hệ sản xuất, chế độ sở hữu,cơ chế quản lý và chế độ phân phối gắn liền với nhau, phát huy các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội.

- Phát triển kinh tế quốc doanh để giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước, cùng với kinh tế HTX trở thành nền tảng và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế toàn tỉnh có quy mô thích hợp, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả kinh tế, gắn doanh nghiệp Nhà nước với việc phát triển vùng nguyên liệu tạo nên sự thống nhất gắn bó giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và xí nghiệp vệ tinh. Thực hiện việc cho thuê, nhượng bán, chuyển đổi sở hữu những doanh nghiệp không cần thiết, trong giai đoạn 1996-2000 triển khai làm thử cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, để triển khai mạnh những năm sau. Phát triển đa dạng những hình thức hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện cùng có lợi, quản lý dân chủ, thực hiện cơ chế quản lý. Mặt khác, tạo điều kiện môi trường thúc đẩy quá trình hợp tác sản xuất giữa các thành phần kinh tế, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã với nhau, các nhóm hộ, dần hình thành các hợp tác xã cổ phần. Nhà nước cần tăng cường chính sách hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết các khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, thông tin thị trường đối với kinh tế cá thể, đồng thời hướng dẫn họ từng bước đi vào hợp tác xã theo các nguyên tắc nêu trên. Khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật. Tạo môi trường thuận lợi hấp dẫn, phát triển đa dạng các hình thức liên doanh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

- Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao dộng và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời thực hiện phân phối trên cơ sở mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội .

B- Về phát triển xã hội:

1)- Mục tiêu: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2000 tỷ lệ phát triển dân số dưới 1,7% năm 2010 khoảng dưới 14% .

- Tiếp tục giữ vững mục tiêu phổ cập giáo dục toàn tỉnh , cơ bản phổ cập ở hai thành phố, thị xã , thị trấn, đồng bằng và vùng cận đô thị

- Phấn đấu không còn hộ đói, giảm hộ nghèo.

- Giải quyết cơ bản tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, nâng cao chế độ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân

- Phát triển xã hội gắn liền với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Định hướng phát triển xã hội.

- Giải quyết việc làm cho người lao động, dự tính đến năm 2000 tổng nguồn lao động vào khoảng 1,3 triệu người, chiếm khoảng 50 - 51% dân số. Như vậy mỗi năm tăng thêm khoảng 34 ngàn, chiếm tỷ lệ khoảng 3% số người trong độ tuổi lao động. Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu lao động toàn xã hội, cơ cấu lao động hiện nay: Nông lâm nghiệp 79,2% - Công nghiệp + xây dựng 8,6% - Dịch vụ 12,2%; đến năm 2000 cơ cấu tương ứng là 60 - 15 - 25%. Trong nông thôn theo cơ cấu nông nghiệp - phi nông nghiệp hiện nay là 77% - 23%, năm 2000 tương ứng là 66 - 34%.

- Về đời sống: đến năm 2000 trên cơ sở phát triển sản xuất, bảo đảm lương thực ổn định, hàng hoá tiêu dùng cung cấp cho nhân dân, nhất là nông dân, nhằm cải thiện rõ rệt điều kiện sống, trước hết là bữa ăn được cải thiện, nhà ở được ngói hoá cao thoáng, có nước sạch, có những tiện nghi chủ yếu. Phát triển kinh tế VAC cùng với kinh tế hộ nhằm nâng cao dinh dưỡng bữa ăn, góp phần chống suy dinh dưỡng trẻ em.

- Về giáo dục và đào tạo: Đến năm 2000, phổ cập giáo dục cấp 2, đối với các thành phố, thị xã, huyện đồng bằng ven đô thị và dần từng bước thực hiện ra các vùng khác. Nâng cao chất lượng giảng dạy các cấp học phổ thông, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, tiêu chuẩn hoá giáo viên, chú trọng đào tạo nhân tài. Phát triển hình thức giao dục dạy nghề truyền thống, nghề mới như: Điện dân dụng, sửa chữa phương tiện nghe nhìn, xây dựng. Từng bước nâng tỷ lệ cán bộ khoa học và công nhân kỹ thuật năm 2000 đạt 15 - 16% và 2010 đạt 29 - 30% so với lao động trong độ tuổi có khả năng lao động. Riêng khu vực nông nghiệp tỷ lệ lao động có kỹ thuật đạt từ 4,5 - 5% vào năm 2000 và 8 - 9% vào năm 2010 so với lao động nông nghiệp trong độ tuổi.

Đầu tư xây dựng đủ phòng học cho phổ thông cấp I, xây dựng nâng câp các trường phổ thông cấp II, III theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ngói hoá cấp I, II và nâng hoá cấp II, III. Chăm lo đời sống của đội ngũ giáo viên

- Về y tế: Coi trọng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao thể lực cho nhân dân, giảm hẳn tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn, đẩy mạnh công tác sinh đẻ có kế hoạch. Xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện có chất lượng cao. Chấn chỉnh hệ thống y tế cơ sở, nâng cấp các trạm xá xã, bổ sung đủ cán bộ cho tuyến cơ sở.

- Về văn hóa, thể dục thể thao: Thực hiện nếp sống văn hoá mới, văn minh trong xã hội cộng đồng, thực hiện gia đình văn hoá. Bảo vệ và nâng cao văn hoá dân tộc, dân gian. Phát triển các hình thức nghệ thuật, đặc biệt là văn hoá quần chúng, đảm bảo cho nhân dân được thưởng thức văn hoá nghệ thuật, nhất là vùng nông thôn. Phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở để đưa nhanh thông tin đến người dân.

Phát triển phong trào thể dục quần chúng, bồi dưỡng tiềm lực thể thao, để có nhiều vận động viên tha gia dự giải quốc gia mà địa phương có thế mạnh. Chú ý đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác văn hoá thể dục thể thao. - Thực hiện đầy đủ, đảm bảo các chế độ, chính sách xã hội, chăm lo đời sống các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh nặng, nhũng người có công với nước... có mức sống ngang mức trung bình của nhân dân địa phương.

c- những giải pháp cơ bản:

1- Cần thực hiện các chương trình và dự án ưu tiên trong công nghiệp nông lâm ngư nghiệp, du lịch, văn hoá xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.

Trước mắt trong thời kỳ 1996 - 2000 tập trung thực hiện các dự án về:

- Xây dựng dự án khu công nghiệp tập trung Việt Trì, Vĩnh Yên, Mê Linh.

- Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp: Chè, cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi, vùng nguyên liệu

- Phát triển du lịch: Tam Đảo, Đại Lải, Đền Hùng

- Xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, giao thông, nước sạch, thông tin liên lạc, thuỷ lợi.

- Cải tạo môi trường ở khu cụm công nghiệp và vùng du lịch

- Phát triển nguồn nhân lực.

2- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công nhân kỹ thuật. Trên cơ sở phân loại để sử dụng có hiệu quả số cán bộ và công nhân kỹ thuật hiện có, đồng thời có kế hoạch đào tạo lại lực lượng này.

- Tổ chức đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật bao gồm các nhà quản lý (kể cả quản lý Nhà nước, các nhà doanh nghiệp, tài chính, gân hàng, thương mại du lịch và đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Đảm bảo cơ cấu giữa cán bộ đại học và công nhân kỹ thụât.

- Tổ chức các hình thức thích hợp để phổ cập nghề cho người lao động, nhất là lực lượng trong nông lâm nghiệp có trình độ văn hoá để đủ sức tiếp thu kỹ thuật mới.

- Tạo điều kiện để phát triển thị trường lao động trên cơ sở làm cho người lao động hiểu bộ luật lao động, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể để người lao động dễ tìm việc làm, tạo được việc và tăng sức cạnh tranh; khuyến khích người có tay nghề truyền thống và tay nghề cao truyền cho lực lượng lao động trẻ.

- Khuyến khích lao động trẻ có tài phát huy sức lực trí lực của mình để phát triển sản xuất và thu hút được nhiều lao động giải quyết việc làm.

- Chuẩn bị tốt lực lượng lao động có tay nghề cao, trình độ quản lý giỏi, tiếp thu nhanh đủ sức tiếp thu kỹ thuật mới công nghệ cao để đảm trách nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

3) Giải quyết tốt vấn đề thu hút vốn: Dự tính vốn đầu tư giai đoạn 1996 - 2000 trên địa bàn khoảng 8 ngàn tỷ đồng. Bình quân mỗi năm trên 1.500 tỷ đồng trong đó đầu tư cho hạ tầng khoảng 40%.

Thời kỳ 1996 - 2000 cần thực hiện:

+ Khai thác tốt có hiệu quả nguồn vốn bằng lao động và tiềm năng đất đai hiện có trong dân cư là biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế. Phát triển rộng rãi hình thức đầu tư "Nhà nước và nhân dân cùng làm"

+ Huy động vốn trong tỉnh vào đầu tư phát triển: khoảng 1,2 - 1,5 ngàn tỷ đồng (bao gồm ngân sách địa phương, các thành phần kinh tế và của dân tự đầu tư).

+ Vốn ngân sách (qua Bộ, qua tỉnh và chương trình): 1,7 - 1,8 ngàn tỷ đồng.

+ Còn khoảng ít nhất 5.000 tỷ đồng cần thu hút vốn bằng các hình thức kêu gọi từ nước ngoài.

Dự tính tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2001 - 2010 vào khoảng 40 - 42 ngàn tỷ đồng, trong đó đầu tư hạ tầng vào khoảng 45 - 46%.

4) Phát triển mạnh thị trường hàng hoá và dịch vụ, thực hiện giao lưu hàng hoá thông suốt, tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh lành mạnh đi liền với tăng cường hợp tác.

Thực hiện tốt chính sách bán, cho thuê quyền sử dụng đất ở các điểm công nghiệp du lịch, đô thị theo quy hoạch để tạo vốn và huy động vốn của nhân dân vào xây dựng các cơ sở kinh doanh.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvpdqhttktxhtvpn2010529