AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc đẩy mạnh thực hiện đề án Tổ chức trồng rừng và chính sách huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc đẩy mạnh thực hiện đề án Tổ chức trồng rừng và chính sách huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 56/1998/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1998                          
ủy ban nhân dân

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

V/v Đẩy mạnh thực hiện đề án Tổ chức trồng rừng và

chính sách huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

 

Thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, huy động được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, UBND tỉnh đã ban hành đề án " Tổ chức trồng rừng và huy động vốn trồng rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng". Sau gần 1 năm tổ chức thực hiện đề án, các ngành, địa phương, đơn vị chức năng trong tỉnh đã có quan tâm, nhưng kết qủa còn hạn chế. Việc tổ chức, tuyên truyền chủ trương, đề án đến tòan thể nhân dân còn yếu nên nhiều người chưa hiểu được chính sách. Việc triển khai kế hoạch trồng rừng năm 1998 chưa có chuyển biến đáng kể mà vẫn theo hình thức cũ: Ngân sách đầu tư thông qua các đơn vị Nhà nước là chủ yếu, người trồng rừng chỉ là người làm thuê nên chưa gắn bó trách nhiệm của họ đối với rừng trồng, các hộ gia đình, cá nhân, các thành phần kinh tế tự bỏ vốn để trồng rừng còn rất ít.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tiếp tục thực hiện việc huy động vốn trồng rừng đạt kết qủa tốt, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Các cấp, các ngành nhất là các cơ quan, đơn vị trong ngành lâm nghiệp, UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt tiếp tục tổ chức hướng dẫn, quán triệt làm cho cán bộ, đảng viên trong ngành lâm nghiệp và nhân dân trong tỉnh hiểu rõ về chủ trương đổi mới cơ chế chính sách và huy động vốn trồng rừng của tỉnh để mọi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ và tham gia thực hiện tốt công tác này.

2. Đẩy mạnh công tác giao, khóan đất lâm nghiệp theo hướng ưu tiên cho cá nhân, hộ gia đình tại địa phương, gắn với việc quy hoạch từng lọai rừng, từng khu vực, giống cây trồng, cơ cấu rừng trồng hợp lý và quy hoạch xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng.

3. Trong thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm, ngân sách Nhà nước chỉ ưu tiên đầu tư cho trồng rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ. Đối với rừng sản xuất, các lâm trường phải có đề án, giải pháp huy động vốn trồng rừng bằng các hình thức vay vốn, khoán đất cho dân, liên doanh liên kết trồng rừng; Nhà nước không cấp vốn trồng rừng cho đối tượng rừng này. ưu tiên dành qũy đất chưa có rừng ở đối tượng rừng sản xuất, khu phòng hộ ít xung yếu để đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy thông qua ký kết hợp đồng trồng rừng, giao đất cho Tổng công ty giấy Việt Nam, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu giấy ổn định, có năng suất cao gắn với tổ chức chế biến bột giấy tại chỗ.

4. Đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh nhằm đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tận dụng ưu thế tự nhiên để giảm chi phí trồng rừng. Giải pháp này phải được xác định cụ thể ở từng hiện trường, từng tiểu khu rừng để tổ chức thực hiện có hiệu qủa.

5. Giao các địa phương, các ngành, đơn vị chức năng thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

5.1 UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt khẩn trương lập, quy hoạch kế hoạch giao đất lâm nghiệp cho cấp xã quản lý bảo vệ rừng, giao đất không có rừng cho nhân dân trồng rừng. Kế hoạch, quy hoạch này phải được phổ biến rộng rãi trong nhân dân để mọi người biết và tham gia thực hiện.

5.2. Chi cục kiểm lâm:

- Rà xét lại các quy định của UBND tỉnh về giao, khoán đất lâm nghiệp để tham mưu UBND tỉnh cải tiến các thủ tục giao, khoán đất lâm nghiệp đảm bảo đúng pháp luật nhưng không gây khó khăn cho người nhận đất trồng rừng.

- Chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ngành liên quan nghiên cứu dự thảo quy định một số biện pháp, chính sách cụ thể cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của người được giao, khoán đất lâm nghiệp theo hướng cho phép người nhận đất trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng được sử dụng một tỷ lệ đất thích hợp vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông lâm kết hợp cũng như được hưởng một phần giá trị lâm sản từ vệ sinh rừng, tỉa thưa rừng và khai thác lâm sản phụ.

5.3. Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn:

- Xác định cụ thể qũy đất trống đồi núi trọc có khả năng trồng rừng để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng, khoanh định các khu vực trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp ở từng lọai rừng trên từng địa bàn cụ thể cũng như xác định mục đích trồng rừng như kinh doanh nguyên liệu giấy, kinh doanh gỗ, củi, các lọai lâm sản khác. chỉ đạo các lâm trường, ban quản lý rừng xác định cụ thể từng địa điểm trồng rừng ở từng tiểu khu rừng, thôn, xã để cùng với UBND các cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch trồng rừng dài hạn và từng năm.

- Chỉ đạo tổ chức tốt công tác khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, chỉ thực hiện trồng rừng trên đất trống cây bụi không có khả năng phục hồi thành rừng. Khảo sát các khu vực có thảm thực vật tuy chưa đủ tiêu chuẩn phân lọai thành rừng nhưng có khả năng phục hồi thành rừng để đưa vào kế hoạch khoanh nuôi tái sinh, làm giàu rừng hàng năm.

- Trong chỉ đạo công tác trồng rừng bằng vốn ngân sách, ngay từ cuối năm 1998 phải xác định rõ địa điểm, diện tích, phương pháp tiến hành để hướng dẫn phân bổ chỉ tiêu, nguồn vốn cho phù hợp, gắn công tác trồng rừng với quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm cho việc đầu tư trồng rừng bằng vốn ngân sách đạt hiệu qủa cao nhất. Chỉ thẩm định thiết kế, dự toán trồng rừng bằng vốn ngân sách đối với những trường hợp trồng rừng ở rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Đối với trồng rừng ở rừng sản xuất, phải theo dõi, chỉ đạo các lâm trường, Ban quản lý rừng huy động các nguồn vốn khác để thực hiện.

Phối hợp với Sở Công nghiệp xây dựng, hoàn thiện đề án xây dựng các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp, đặc biệt là sản phẩm rừng trồng như liên kết với các nhà máy giấy trong nước để tiêu thụ nguyên liệu giấy, xây dựng các cơ sở chế biến bột giấy tại tỉnh, xây dựng các cơ sở chế biến gỗ thành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ... để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Tổ chức chỉ đạo tốt việc trồng rừng nguyên liệu giấy theo nội dung đã thỏa thuận giữa UBND tỉnh với Tổng Công ty giấy Việt Nam. Thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu, đất đai, loài cây để Tổng Công ty giấy Việt Nam đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy thông qua nhận đất, ký kết hợp đồng với các chủ rừng ở đối tượng rừng sản xuất và rừng phòng hộ ít xung yếu. Chỉ đạo các chủ rừng thực hiện kế hoạch trồng rừng theo phương án của Tổng công ty giấy Việt Nam, đảm bảo có đủ diện tích tiếp nhận vốn đầu tư hàng năm của Tổng Công ty giấy Việt Nam.

- Nghiên cứu bổ sung cơ cấu loài cây trồng có giá trị kinh tế cao ( kể cả cây công nghiệp lâu năm, cây ăn qủa, các lọai cây đặc sản, cây làm thuốc... có tán che tốt) để hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, khoán cho thuê đất lâm nghiệp trồng rừng với tỷ lệ hợp lý, phù hợp với quy hoạch, từng bước hình thành những vùng sản xuất, chuyên canh, tập trung, vừa phù hợp với điều kiện lập địa, vừa phải gắn với phát triển công nghiệp chế biến và nhu cầu của thị trường.

5.4. Các lâm trường, ban quản lý rừng:

- Căn cứ quy hoạch đất đai, lọai rừng, loài cây để xây dựng phương án khóan đất lâm nghiệp cho nhân dân địa phương trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp trong địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện phương án đó sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện việc tiếp nhận vốn đầu tư và hợp đồng trồng rừng với Tổng Công ty giấy Việt Nam thông qua Công ty nguyên liệu giấy Đồng Nai theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Các lâm trường phải xây dựng phương án, giải pháp thu hút, huy động vốn trong nhân dân để tổ chức trồng rừng trên đất chưa có rừng ở rừng sản xuất và được phép kinh doanh rừng sau khi trồng bằng vốn huy động theo quy định.

5.5. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, khóan, cho thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp phải nhanh chóng đưa đất vào sử dụng theo đúng phương án, kế hoạch được duyệt . Đơn vị, cá nhân nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng phương án, kế hoạch hoặc lợi dụng nhận đất lâm nghiệp chiếm giữ đất, sang nhượng, trồng cây công nghiệp sẽ bị thu hồi lại một phần hoặc tòan bộ diện tích được giao, khóan, cho thuê.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu bổ sung một số chính sách hỗ trợ đầu tư cho nhân dân nghèo, đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn trồng rừng trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các địa phương, ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh tổ chức thực hiện ngay để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 1999, nếu có vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./. 


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvmthtctrvcshvtrtbtl714