AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc hiệu chỉnh một số nội dung thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc hiệu chỉnh một số nội dung thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020

Thuộc tính

Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 40/2003/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2003                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc hiệu chỉnh một số nội dung thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;

Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp (công văn số 4505/CV-KHĐT ngày 13 tháng 11 năm 2002), ý kiến thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước về các Dự án đầu tư (công văn số 19/TĐNN ngày 29 tháng 01 năm 2003); ý kiến của các Bộ, các ngành liên quan về việc hiệu chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020.

 

QUYẾT ĐỊNH::

Điều 1. Hiệu chỉnh một số nội dung thuộc Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch điện V hiệu chỉnh), sau đây:

1. Về nhu cầu phụ tải: năm 2005: 48,5-53,0 tỷ kWh; năm 2010: 88,5-93 tỷ kWh.

2. Về phát triển nguồn điện:

Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư khác có liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn điện và lưới điện; nâng cấp các nguồn điện hiện có; đổi mới phương thức vận hành và quản lý đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm.

Danh mục các công trình nguồn điện do Tổng công ty Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư nêu tại Phụ lục 1 (kèm theo).

Danh mục các công trình nguồn điện do các doanh nghiệp không thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư nêu tại Phụ lục 2 (kèm theo).

Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo hình thức Công ty cổ phần trong đó Tổng công ty nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với các dự án điện sử dụng than ở khu vực Quảng Ninh, các dự án thuỷ điện có công suất khoảng 100 MW.

Bộ Công nghiệp sớm ban hành giá mua điện và thông báo danh mục cụ thể các dự án để các doanh nghiệp không thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam tham gia.

Công suất, địa điểm và thời gian xây dựng các công trình nguồn điện sẽ được cấp có thẩm quyền quyết định trước khi Chủ đầu tư phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của từng dự án cụ thể.

3. Về phát triển lưới điện:

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lưới điện cao thế, cụ thể là các dự án đường dây 500 kv Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm; Plâycu - Phú Lâm; Plâycu - Dốc Sỏi - Đà Nẵng - Hà Tĩnh - Thường Tín theo tiến độ đề ra.

Các dự án lưới điện hiệu chỉnh (xem danh mục tại Phụ lục 3).

4. Về nguồn vốn đầu tư:

Tổng công ty Điện lực Việt Nam được huy động mọi nguồn vốn để đầu tư các công trình nguồn và lưới điện theo cơ chế tự vay, tự trả (vay vốn ODA, vay vốn tín dụng trong và ngoài nước, vay tín dụng xuất khẩu của người cung cấp thiết bị, vay vốn thiết bị trả bằng hàng, phát hành trái phiếu, vốn góp cổ phần); tiếp tục thực hiện cơ chế Trung ương, địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm để phát triển lưới điện nông thôn.

Khuyến khích các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện phân phối theo các hình thức đầu tư: nhà máy điện độc lập (IPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), liên doanh, Công ty cổ phần.

5. Về một số cơ chế chính sách:

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, cho phép Tổng công ty Điện lực Việt Nam bỏ qua bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án nguồn điện và lưới điện đã được ghi tại các Phụ lục của Quyết định này.

Cho phép Tổng công ty Điện lực Việt Nam được chỉ định cơ quan tư vấn trong nước làm tư vấn chính đối với các dự án nguồn điện và lưới điện. Những vấn đề phức tạp được ký hợp đồng thuê cơ quan tư vấn nước ngoài trợ giúp.

Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách cho đầu tư nguồn và lưới điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa; cấp vốn cho các nguồn năng lượng tại chỗ không có lưới điện quốc gia; tách hoạt động công ích ra khỏi sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Các Ngân hàng thương mại được phép cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam vay vượt 15% vốn tự có của ngân hàng để đầu tư các công trình điện nếu xét thấy có hiệu quả và sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư khác giải quyết việc đền bù, tái định cư liên quan đến các dự án nguồn điện và lưới điện theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các nội dung khác thực hiện theo Quyết định số 95/2001/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thủ trưởng các Bộ, các ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Đã ký)
 
 
Phan Văn Khải


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvhcmsndtqhptlvng20012010cxtvn2020799