AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 13/2002/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2002                          

CHỈ THỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

 

Từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15-8-1998 về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, đã có sự chuyển biến tích cực, tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lắp đã được hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Tuy nhiên hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn thiếu sót như kiểm tra không có quyết định của thủ trưởng có thẩm quyền, kiểm tra kết thúc nhưng không gửi kết luận kiểm tra cho doanh nghiệp; sự phối hợp của các cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra thiếu chặt chẽ, vì vậy vẫn còn gây một số khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp.

Để tiếp tục thực hiện nghiêm, đúng nội dung Nghị định số 61/1998/NĐ-CP, Chỉ thị 22/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp phải nhận thức công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành luật tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhằm mục đích giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở sản xuất kinh doanh.

Cơ sở sản xuất kinh doanh qui định trong chỉ thị này bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, kể cả cá nhân và nhóm kinh doanh quy định tại Nghị định 66/HĐBT ngày 02-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đều gọi là doanh nghiệp.

2. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm quán triệt sâu sắc trong các lực lượng có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của mình về quan điểm, mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra là nhằm phát hiện những sơ hở của chính sách, pháp luật trong việc quản lý doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp thấy được những thiếu sót trong việc chấp hành pháp luật, tháo gỡ khó khăn để làm ăn có hiệu quả. Vì vậy trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra và doanh nghiệp, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ nhằm phát huy hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

3. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các Sở, ngành, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; làm tốt chức năng đầu mối, tổng hợp chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, huyện, thị, loại bỏ sự trùng lắp về nội dung thanh tra, kiểm tra, thể hiện sự phối hợp của các ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra ngay từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch trước khi trình UBNT tỉnh phê duyệt.

4. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đều phải có văn bản quyết định của cấp có thẩm quyền theo luật định. Kết quả việc thanh tra, kiềm tra phải được kết luận bằng văn bản và tổ chức công bố công khai cho cán bộ, công chức đơn vị được thanh tra, kiểm tra biết (theo hình thức đại diện hoặc toàn thể, phù hợp với yêu cầu giáo dục việc chấp hành pháp luật). Những ý kiến của đơn vị được thanh tra, kiểm tra phải ghi chép đúng, đủ. Biên bản công bố kết luận thanh tra phải có chữ ký của đại diện đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

5. Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng cảnh sát tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động để nắm tình hình thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, trong trường hợp cần trực tiếp kiểm tra tại doanh nghiệp, phải có quyết định của Thủ trường cơ quan Công an có thẩm quyền theo qui định tại Nghị định 61/1998/NĐ-CP; Quyết định thanh tra, kiểm tra phải ghi rõ nội dung, thời điểm kiểm tra và thời gian tiến hành thanh tra, khi thanh tra, kiểm tra kết thúc phải có kết luận thông qua doanh nghiệp như đã nêu tại mục 4 của Chỉ thị này.

6. Từ nay các doanh nghiệp có quyền từ chối các cuộc thanh tra, kiểm tra mà không có quyết định của thủ trưởng có thẩm quyền, được quyền kiến nghị khi thấy việc thanh tra, kiểm tra không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đúng pháp luật; đồng thời phải cần tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ; các cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp tự thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật, để tự chấn chỉnh, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.

7. Giao Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm xử lý giải quyết việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp giữa các đoàn thanh tra do thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị quyết định thành lập.

8. Những cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mà không có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tự ý mở rộng phạm vi nội dung thanh tra, kiểm tra, sử dụng các loại giấy tờ không hợp pháp hoặc vi phạm các qui định khác về thủ tục, trình tự thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh giao cho Chánh Thanh tra xem xét quyết định tạm đình chỉ và báo cáo UBND tỉnh.

9. Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, UBND các huyện, thị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan có liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi trên Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh./.

 

UBND TỈNH NINH THUẬN


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvccctttktdn379