AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành qui định tạm thời quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành qui định tạm thời quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH BẮC NINH
Số: 79/1998/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1998                          
QUYếT ĐịNH

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BẮC NINH

Về việc ban hành qui định tạm thời quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

 

UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 852/TTg ngày 28/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập một số tổ chức ở địa phương. Thông tư liên bộ Công nghiệp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ số 18/LB-TT ngày 29/6/1996 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư số 01/TT-TCCB ngày 02/6/1996 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về điện cho Sở Công nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp -TTCN,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Qui định tạm thời quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2: Quyết định này được thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Giám đốc Sở Công nghiệp -TTCN, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các cơ quan Trung ương, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUI ĐỊNH TẠM THỜI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/1998/QĐ-UB

ngày 6/10/1998 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

 

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Điện năng là hàng hoá kinh doanh có điều kiện, quá trình sản xuất và sử dụng xảy ra đồng thời liên quan chặt chẽ với nhau, là loại vật tư kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế quốc dân, có vị trí quan trọng tăng cường an ninh quốc phòng, an toàn xã hội và đời sống nhân dân. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ công trình điện, chấp hành nghiêm chỉnh mọi qui định của Nhà nước về công tác quản lý điện. Nhằm mục đích cung ứng và sử dụng điện an toàn, ổn định, chất lượng, hiệu quả.

Điều 2: Nội dung quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh bao gồm:

1. Công tác quy hoạch về điện.

2. Công tác giám sát điện năng.

3. Quản lý và phát triển các dạng năng lượng mới.

4. Thanh tra an toàn về điện.

5. Quản lý điện nông thôn.

Điều 3:

1. UBND tỉnh giao cho Sở Công nghiệp -TTCN thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như qui định tại điều 2.

2. Các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế (gọi tắt là các doanh nghiệp), các tổ chức, cá nhân có liên quan đến cung ứng và sử dụng điện thuộc địa bàn tỉnh đều chịu sự quản lý Nhà nước về điện của Sở công nghiệp - TTCN.

Điều 4: UBND huyện, thị xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn huyện, thị xã gồm:

1. Tham gia xây dựng quy hoạch về điện thuộc địa bàn huyện, thị xã.

2. Đề xuất ứng dụng các dạng năng lượng mới.

3. Kiểm tra việc chấp hành các qui định về quản lý điện trên địa bàn.

4. Kiểm tra việc thực hiện các qui định về an toàn điện thuộc địa bàn huyện, thị xã.

Sở Công nghiệp hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các nội dung trên.

Điều 5: Bản qui định này qui định nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

 

Chương II

QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐIỆN

Điều 6: Lập quy hoạch về điện:

Căn cứ vào tổng sơ đồ lưới điện toàn quốc và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Sở Công nghiệp có trách nhiệm lập quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện của tỉnh cho từng giai đoạn, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời có trách nhiệm quản lý thực hiện, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Điều 7: Quản lý thực hiện quy hoạch:

1. Việc cải tạo và phát triển lưới điện phải tuân thủ theo qui hoạch đã được phê duyệt.

2. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án công trình điện phải có ý kiến thoả thuận của Sở Công nghiệp về quy hoạch trước khi trình các cấp có thẩm quyền.

Điều 8:

1. Quản lý chất lượng công trình điện được thực hiện theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành của Nhà nước và Quyết định số 140/UB ngày 7/6/1997 của UBND tỉnh.

2. Sở Công nghiệp tổ chức bộ phận quản lý chất lượng xây dựng công trình điện trên địa bàn tỉnh, thực hiện giám định xây dựng điện thuộc dự án đầu tư nhóm C.

3. Nghiệm thu công trình:

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức kịp thời công tác nghiệm thu khối lượng và chất lượng từng bộ phận, hạng mục công trình xây dựng hoàn thành. Tham gia nghiệm thu cùng với chủ đầu tư có:

Đại diện của Tổ chức tư vấn thiết kế.

Đại diện của Tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị (nếu có).

Đại diện của doanh nghiệp nhận thầu chính xây dựng.

Đại diện cơ quan giám định chất lượng công trình điện (theo phân cấp).

Đại diện doanh nghiệp cung ứng điện.

Đại diện quản lý sử dụng vận hành.

Điều 9: Cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng chuyên ngành về điện thực hiện theo Quyết định số 500/BXD-CSXD ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và hướng dẫn số 95/CV-KHĐT ngày 11/1/1997 của Bộ Công nghiệp. Cụ thể như sau:

1. Đối với chứng chỉ hành nghề xây dựng đường dây và trạm biến thế từ 35KV trở xuống, Sở Công nghiệp thẩm định năng lực và có ý kiến thoả thuận bằng văn bản để Sở Xây dựng trình UBND tỉnh duyệt cấp.

2. Đối với các chứng chỉ hành nghề xây dựng đường dây và trạm biến thế trên 35KV, Sở Công nghiệp tiếp nhận, kiểm, tra hồ sơ và báo cáo Bộ Công nghiệp.

 

Chương III

GIÁM SÁT ĐIỆN NĂNG

Điều 10: Giám sát điện năng (GSĐN) là công tác thanh tra, xử lý của Nhà nước về kỹ thuật, kinh tế, pháp chế trong việc cung ứng và sử dụng điện đối với tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong cả nước trên cơ sở chủ trương, chính sách, chế độ, điều lệ hiện hành của Nhà nước và hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa 2 chủ thể hợp đồng.

Điều 11: UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp trong việc kiểm tra các đơn vị cung ứng và sử dụng điện, phối hợp với ngành điện trong công tác bảo vệ các công trình, thiết bị điện và hành lang an toàn lưới điện cao áp, có biện pháp ngăn chặn các hiện tượng phá hoại, lấy cắp điện hoặc sử dụng điện trái phép.

Điều 12: Sở Công nghiệp thực hiện công tác giám sát điện năng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 402/QĐ-TCCB ngày 14/3/1997 và Hướng dẫn số 65/KTAT ngày 24/5/1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Kiểm tra việc chấp hành các chế độ, chính sách, qui định của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện.

2. Kiểm tra việc cung ứng điện an toàn, ổn định, bảo đảm chất lượng và số lượng điện năng theo hợp đồng mua bán điện, kiểm tra việc thực hiện đóng cắt điện theo kế hoạch.

3. Hướng dẫn các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng điện hợp lý, an toàn, tiết kiệm. Phổ biến những kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để áp dụng, đồng thời kiểm tra phát hiện những thiếu sót, yêu cầu các hộ vi phạm có biện pháp khắc phục.

4. Hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị sử dụng điện trong tỉnh, xây dựng định mức tiêu thụ điện năng cho một đơn vị sản phẩm.

5. Giải quyết các vụ tranh chấp trong việc vi phạm điều lệ, chủ trương, chính sách của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện khi có yêu cầu.

6. Kiểm tra các thiết bị và công trình điện của hộ sử dụng điện về tình trạng kỹ thuật, vận hành an toàn theo các quy trình, quy phạm kỹ thuật điện hiện hành.

7. Thông báo cho Điện lực tỉnh các hộ dùng điện được ưu tiên và kiểm tra việc đảm bảo cung ứng điện liên tục, an toàn ổn định cho các hộ này.

8. Kiến nghị với cấp trên về việc sửa đổi, bổ sung các qui định, điều lệ ... phù hợp với tình hình cung ứng và sử dụng điện cho từng thời kỳ. Báo cáo công tác giám sát điện năng hàng quý, năm lên cơ quan cấp trên theo qui định.

Điều 13: Giám sát viên giám sát điện năng có các nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm sau:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tất cả các đơn vị cung ứng và sử dụng điện.

b) Yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cung ứng và sử dụng điện chấp hành nghiêm chỉnh chế độ chính sách, quy định về cung ứng và sử dụng điện, chuyển biên bản đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

c) Kiểm tra hộp sử dụng điện về việc thi hành các biện pháp tiết kiệm điện đã đề ra, nhắc nhở các trường hợp sử dụng điện lãng phí, lập biên bản đối với các trường hợp tái phạm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

d) Thẩm định các hồ sơ khiếu nại, tranh chấp hợp đồng giữa bên mua và bên bán điện, trình Sở Công nghiệp xem xét giải quyết.

2. Trách nhiệm:

Giám sát viên phải chịu trách nhiệm về sự đúng đắn của các yêu cầu, kiến nghị do mình đề ra, về việc lạm dụng, quyền hạn, quyết định sai trái tuỳ tiện, về việc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các trường hợp nói trên nếu thiếu vi phạm, tuỳ theo mức độ có thể bị xử lý hành chính, thu thẻ giám sát viên. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý theo pháp luật. Các giám sát viên làm việc có hiệu quả, có sáng kiến cải tiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xem xét khen thưởng theo qui định.

Điều 14: Xử lý vi phạm, tranh chấp trong cung ứng và sử dụng điện:

1. Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng điện và Hội đồng xử lý vi phạm sử dụng điện được thành lập tại Sở Công nghiệp theo hướng dẫn số 65/KTAT ngày 24/5/1997 của Bộ Công nghiệp.

2. Cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm là Điều lệ cung ứng và sử dụng điện, các văn bản hiện hành của Nhà nước.

3. Các tranh chấp thuộc các khu vực quản lý điện nông thôn trước hết các bên tự hoà giải. Trường hợp không thoả thuận được thì đề nghị về Phòng Công nghiệp-TTCN hoặc Nông nghiệp-TTCN trình UBND huyện xem xét giải quyết. Nếu thấy chưa thoả đáng thì có quyền gửi đơn kiến nghị về Sở Công nghiệp xem xét giải quyết.

4. Các trường hợp tranh chấp với ngành điện, hồ sơ phải gửi về Sở Công nghiệp-TTCN xem xét xử lý. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ mà áp dụng các hình thức truy thu bồi thường, cắt điện theo qui định hiện hành của Nhà nước. Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, Sở Công nghiệp-TTCN lập hồ sơ đề nghị xử lý theo pháp luật.

 

Chương IV

THANH TRA AN TOÀN ĐIỆN

Điều 15: Sở Công nghiệp thực hiện công tác thanh tra an toàn điện theo Thông tư hướng dẫn số 02/TT-KTAT ngày 21/3/1997 của Bộ Công nghiệp với các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức kiểm tra hoặc tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn sử dụng điện trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hoặc tình trạng nguy hiểm, đe doạ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Đoàn kiểm tra có quyền kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đình chỉ ngay các hoạt động đó.

2. Tham gia thẩm định các giải pháp kỹ thuật an toàn và tham gia nghiệm thu về kỹ thuật an toàn điện theo qui định đối với các công trình xây dựng điện trong phạm vi quản lý của địa phương.

3. Tham gia điều tra các sự cố, tai nạn điện trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và tai nạn về điện trong nhân dân trên địa bàn tỉnh.

4. Biên soạn các tài liệu hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật qui trình quy phạm về kỹ thuật an toàn điện trong phạm vi tỉnh. Tham gia đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, quy phạm về kỹ thuật an toàn điện.

5. Tổ chức bồi dưỡng huấn luyện, sát hạch kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kỹ thuật an toàn điện, cấp giấy chứng nhận cho cán bộ an toàn của các huyện, thị xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc quyền quản lý của tỉnh, cấp thẻ an toàn cho công nhân, nhân viên quản lý vận hành điện ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức quản lý điện nông thôn trong phạm vi huyện, thị xã.

6. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về an toàn sử dụng điện, làm tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 70/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và là thường trực của Ban chỉ đạo.

7. Theo dõi, tổng hợp về sự cố, tai nạn điện, lập báo cáo định kỳ ( 6 tháng, năm) báo cáo nhanh đối với các sự cố nghiêm trọng, tai nạn chết người về Cục KTGSKTATCN- Bộ Công nghiệp.

Điều 16: Điện lực tỉnh có trách nhiệm chấp hành các qui định về an toàn điện và chịu sự kiểm tra giám sát của Sở Công nghiệp.

Sở Công nghiệp phối hợp với Điện lực tỉnh tổ chức hướng dẫn tuyên truyền về an toàn sử dụng điện trong nhân dân.

Điều 17: Tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (kể cả các doanh nghiệp điện lực), Phòng Công nghiệp-TTCN (hoặc Nông nghiệp-TTCN) các huyện, thị xã thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (6 tháng, năm) báo cáo nhanh về Sở Công nghiệp các sự cố và tai nạn theo qui định.

 

Chương V

QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC DẠNG NĂNG LƯỢNG MỚI

Điều 18: Các dạng năng lượng: Khí sinh học, năng lượng mặt trời, năng lượng gió... đang được nghiên cứu và ứng dụng trên một số địa phương trong nước. Tuy phạm vi lĩnh vực ứng dụng còn ít nhưng có tác dụng hỗ trợ, thay thế các dạng năng lượng truyền thống: Năng lượng điện, dầu khí, than đá... ở những nơi cần thiết. Vì vậy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh việc quản lý và phát triển các dạng năng lượng nói trên cần được quan tâm đúng mức.

Điều 19: Sở Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý và phát triển các dạng năng lượng mới với các nhiệm vụ sau:

1. Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiến hành lập quy hoạch nghiên cứu triển khai và ứng dụng các dạng năng lượng mới trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc đề xuất những chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới vào sản xuất và đời sống.

3. Tham gia xét duyệt các đề án, luận chứng có liên quan đến công tác quản lý và phát triển các dạng năng lượng mới. Tổ chức nghiên cứu, triển khai ứng dụng các đề tài, đề án nói trên vào thực tiễn.

 

Chương VI

ĐIỆN NÔNG THÔN

Điều 20:

1. Hệ thống lưới điện do địa phương đầu tư và xây dựng được cung cấp từ nguồn của Tổng Công ty điện lực Việt Nam, cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân thuộc khu vực nông thôn gọi tắt là lưới điện nông thôn.

2. ở những nơi mà Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chưa kịp tiếp nhận lưới điện và quản lý bán điện đến hộ dân thì việc quản lý và bán điện tại các nơi này vẫn duy trì mô hình hiện có và phải thực hiện theo các qui định hiện hành của Nhà nước.

Điều 21:

1. Khuyến khích thành lập các tổ chức quản lý kinh doanh bán lẻ điện nông thôn theo mô hình các doanh nghiệp: HTX, Công ty, XN điện nước... tại các xã, thị trấn. Các tổ chức này được phép huy động vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc tiếp nhận cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn hiện có trên địa bàn xã, phường, thị trấn, được mua theo giá bán buôn điện năng từ nguồn của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và bán đến hộ dân theo giá không vượt giá trần do Sở Tài chính-Vật giá duyệt.

2. Việc tiếp nhận bàn giao hệ thống điện được thực hiện theo nguyên tắc ghi tăng, giảm vốn. Bên tiếp nhận có trách nhiệm hoàn trả khấu hao cho Chủ tài sản theo qui định hiện hành.

3. Sở Công nghiệp phối hợp với Sở Tài chính-Vật giá và các bên có liên quan xác định giá trị tài sản hiện có trước khi các bên làm thủ tục bàn giao.

Điều 22: Các tổ chức nói tại Điều 21 có nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Ký hợp đồng mua buôn điện sinh hoạt nông thôn và tổ chức quản lý bán lẻ đến hộ gia đình.

2. Quản lý vận hành lưới điện theo đúng qui trình quy phạm của ngành điện.

3. Sửa chữa, bảo dưỡng và cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện hiện có, đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng điện của nhân dân trên địa bàn.

4. Phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi chế độ qui định của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện cũng như các nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với Ngành điện.

Điều 23: Giấy phép hành nghề kinh doanh điện nông thôn:

1. Các tổ chức nói tại Điều 21 thực hiện kinh doanh bán lẻ điện nông thôn phải có giấy phép hành nghề kinh doanh điện nông thôn.

2. UBND tỉnh uỷ quyền cho Sở Công nghiệp -TTCN cấp giấy phép hành nghề kinh doanh điện nông thôn.

Sở Công nghiệp qui định mẫu và nội dung ghi trong giấy phép.

Điều 24: Sở Công nghiệp-TTCN có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, chỉ đạo thành lập các tổ chức kinh doanh điện nông thôn; phối hợp với Điện lực tỉnh qui định trách nhiệm quyền hạn cho các tổ chức này.

 

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25: Các ông: Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ quản lý Nhà nước về điện cho các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo Qui định.

Kinh phí phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh do ngân sách Nhà nước cấp hàng năm.

Điều 26: Bản qui định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành và được áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh. Các qui định quản lý Nhà nước về điện trước đây trái với Qui định này đều bãi bỏ.

Điều 27: Giám đốc Sở Công nghiệp-TTCN chịu trách nhiệm tổ chức triển khai chỉ đạo thực hiện Qui định quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Công nghiệp để nghiên cứu tổng hợp trình UBND tỉnh và Bộ Công nghiệp xem xét, giải quyết./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhqttqlnnvtbtbn505