AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành Quy định phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị vơí ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển trong đầu tư phát triển bằng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành Quy định phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị vơí ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển trong đầu tư phát triển bằng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 36/2001/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2001                          
Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An số 36/2001/QĐ-UB ngày 26 tháng 4 năm 2001 về việc ban hành Quy định phối hợp giữa các cấp, cá

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Về việc ban hành Quy định phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị vơí ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển trong đầu tư phát triển bằng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tháng 12/1997 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/1998;

Căn cứ Nghị định 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo; Nghị định 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch đảm bảo; Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về đảm bảo tiền vay của các tổ chức tín dụng;

Xét đề nghị của ông Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An tại Tờ trình 112/TTr.NH ngày 09/4/2001 và ý kiến của Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Nghệ An tại Công văn 65/HTPT-CV ngày 24/4/2001,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị với Ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển trong đầu tư phát triển bằng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh, Chi nhánh Quỹ HTPT tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY ĐỊNH PHỐI HỢP GIỮA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, CÁC ĐƠN VỊ VỚI NGÂN HÀNG VÀ QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRONG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BẰNG VỐN TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2001/QĐ-UB ngày 26 tháng 4 năm 2001 của UBND tỉnh Nghệ An)

 

Chương I

Quy định chung

Điều 1: Mối quan hệ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong đầu tư phát triển bằng vốn tín dụng với các tổ chức tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển trong quy định này được căn cứ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Các cơ quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển bằng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2: Việc phối hợp thực hiện theo kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm, của từng dự án hoặc khoản vay và theo các quy trình từ khảo sát, lập dự án đến thẩm định, xét duyệt dự án, đầu tư vốn và thu hồi vốn, nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, khả năng đảm bảo tiền vay, và thu hồi vốn vay.

Quan hệ giữa chủ đầu tư và các tổ chức cho vay (các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Cổ phần, Quỹ tín dụng nhân dân, Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Nghệ An), các tổ chức bảo lãnh (Ngân hàng thương mại, Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Nghệ An, Quỹ bảo lãnh của Tỉnh), các tổ chức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư (Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Nghệ An, Sở Tài chính - Vật giá) được thực hiện theo các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và tuân thủ các quy định về thủ tục của Nhà nước.

 

Chương II

Quy định cụ thể

 

Mục I: Phối hợp trong khâu lập dự án, thẩm định và Quyết định cho vay

Điều 3: Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công nghiệp, Giao thông Vận tải, Thương mại, Du lịch,... và UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể lập kế hoạch vay vốn tín dụng đầu tư phát triển; thông báo ngay quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, của ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh (đối với ngành) và trực tiếp cho các tổ chức tín dụng (đối với các huyện, thành phố, thị xã) hoặc với Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh (trường hợp vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển), Ngân hàng Nhà nước tỉnh phổ biến cho các Ngân hàng Thương mại biết và có kế hoạch, định hướng đầu tư tín dụng.

Điều 4: Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế theo ngành, hướng dẫn giúp đỡ các đơn vị trực thuộc mọi thành phần kinh tế thuộc phạm vi mình quản lý, tiến hành lập dự án đầu tư (tiền khả thi, khả thi) để triển khai thực hiện; đồng thời thông báo cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các tổ chức tín dụng và quỹ hỗ trợ phát triển các dự án đang xây dựng để các tổ chức này chủ động phối hợp với các chủ đầu tư ngay từ khâu lập dự án.

Các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển phải thường xuyên liên hệ các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, nắm bắt kịp thời mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch dự án phát triển kinh tế tại địa phương, chủ động bố trí cán bộ tham gia vào quá trình lập dự án, khi dự án đã lập xong phải khẩn trương thẩm định dự án để đầu tư tín dụng. Có trách nhiệm phối hợp với các sở hướng dẫn đơn vị lập kế hoạch trả nợ, định kỳ hạn nợ phù hợp đảm bảo thu hồi vốn đúng hạn.

Điều 5: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở chủ quản và cơ quan có chức năng triển khai nghiêm túc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 12/2001/CT-UB ngày 19 tháng 3 năm 2001 của UBND tỉnh về các giải pháp nâng cao năng lực và thẩm định dự án đầu tư.

Sở Xây dựng và các Sở có liên quan chỉ đạo để nâng cao năng lực của các cơ quan tư vấn đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư đảm bảo chất lượng, khi thẩm định ít phải chỉnh sửa, đặc biệt quan tâm các phương án tài chính, phương án vay và trả nợ.

Điều 6: Đối với các dự án có vay vốn tín dụng Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với dự án tỉnh phê duyệt), Phòng kế hoạch trực thuộc UBND cấp huyện (đối với dự án phân cấp phê duyệt cho cấp huyện) có trách nhiệm chủ trì thẩm định dự án đầu tư, tuỳ theo tính chất của từng dự án, mời các tổ chức cho vay, bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tham gia thẩm định để có kế hoạch cân đối vốn, chủ động đầu tư cho các dự án khi được phê duyệt.

Điều 7: Sau khi nhận được Quyết định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền, các tổ chức cho vay, bảo lãnh và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hướng dẫn các chủ đầu tư lập hồ sơ thủ tục vay vốn, hồ sơ bảo lãnh tín dụng, hồ sơ hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và thực hiện các quy trình nghiệp vụ cho vay, bảo lãnh,... tạo điều kiện để các chủ dự án vay vốn kịp thời triển khai thực hiện dự án theo tiến độ kế hoạch. Đối với các dự án có nhu cầu vốn lớn, các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển cần hợp vốn cho vay.

Điều 8: Sở Tài chính - Vật giá và Cục Thống kê chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các sở, ngành, Hội đồng liên minh các HTX và doanh nghiệp NQD tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, HTX) thực hiện nghiêm túc pháp lệnh kế toán thống kê, để xác định tình hình tài chính doanh nghiệp chính xác, tạo điều kiện cho các tổ chức cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đúng hạn.

Mục II: Phối hợp trong bảo đảm tiền vay

Điều 9: Để tạo điều kiện cho các dự án thực hiện bảo đảm tiền vay bằng quyền sử dụng đất, Sở Địa chính và UBND cấp huyện có trách nhiệm đẩy nhanh quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

Sở Tài chính - Vật giá và UBND các huyện, thành, thị xây dựng giá đất trình UBND tỉnh Quyết định để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có đủ điều kiện thế chấp tài sản vay vốn.

Điều 10: Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm tư vấn xác định giá trị tài sản đảm bảo tiền vay cho tất cả các doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình thoả thuận vay vốn ngân hàng.

Điều 11: Sở Địa chính thực hiện nhiệm vụ đăng ký giao dịch đảm bảo đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bên đảm bảo là các tổ chức. UBND cấp xã có trách nhiệm đăng ký giao dịch đảm bảo đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bên đảm bảo là hộ gia đình và cá nhân.

Mục III: Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển trong bảo đảm vốn vay, cho vay và đôn đốc, kiểm tra việc trả nợ.

Điều 12: Các tổ chức tín dụng, Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo các chính sách, chế độ của Nhà nước, không được gây khó khăn, phiền hà, không được hạn chế mức vay trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Trường hợp dự án khẳng định rõ hiệu quả, bảo đảm khả năng trả nợ mà chủ đầu tư không đủ tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định thì các tổ chức tín dụng cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện cho vay không có tài sản đảm bảo theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Nếu Ngân hàng thấy dự án khả thi nhưng không đủ điều kiện đảm bảo vay vốn, chủ đầu tư chưa đủ tín nhiệm để cho vay thì Ngân hàng thông báo ngay bằng văn bản cho chủ dự án để yêu cầu bên thứ ba bảo lãnh.

Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh cho các chủ dự án vay vốn của các tổ chức tín dụng. Đối với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, nếu chủ đầu tư không đủ điều kiện để Quỹ hỗ trợ phát triển bảo lãnh, thì UBND tỉnh xem xét bảo lãnh theo Quyết định số 28/2001/QĐ-UB ngày 27/3/2001 của UBND tỉnh Nghệ An.

Điều 13: Để khuyến khích các chủ đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tận dụng mọi nguồn vốn tự có để đầu tư phát triển sản xuất, những dự án chủ đầu tư đã đầu tư đúng trình tự các hạng mục và đạt đến 50% hạn mức đầu tư được các sở hoặc UBND huyện, thành , thị xác nhận, Ngân hàng xem xét đủ điều kiện thế chấp thì chấp nhận sử dụng giá trị đã đầu tư để làm thế chấp và cho vay tiếp để hoàn chỉnh dự án.

Các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh áp dụng biện pháp đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay để đầu tư vốn cho chủ dự án mở rộng sản xuất kinh doanh.

Điều 14: UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay thương mại cho các dự án trong những năm đầu, khi dự án đang triển khai chưa đưa vào sử dụng; cấp bổ sung vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy năng lực của dự án.

Điều 15: Khi dự án được triển khai thực hiện, đi vào hoạt động, các sở , ban , ngành chức năng nhất là sở chủ quản phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc, giúp đỡ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có dự án thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Điều 16: Các huyện, thành phố, thị xã có doanh nghiệp, chủ dự án có nợ quá hạn lớn thì UBND huyện, thị, thành phải lập ban chỉ đạo thu hồi nợ và xử lý nợ do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, các thành viên: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức cho vay hoặc bảo lãnh. Ban có nhiệm vụ xử lý thu hồi nợ quá hạn và xử lý tài sản đảm bảo nợ vay hoặc tài sản đảm bảo bảo lãnh.

Điều 17: Trường hợp dự án không bảo đảm tiến độ trả nợ các sở chủ quản đầu tư cần áp dụng các biện pháp hoặc đề xuất với UBND tỉnh áp dụng các biện pháp cần thiết (thay cán bộ, hỗ trợ tài chính hỗ trợ tìm thị trường...) để dự án hoạt động có hiệu quả, bảo đảm trả nợ. Nếu vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng mà chủ đầu tư chưa trả được nợ vay theo cam kết, thì Ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ và thực hiện giãn nợ theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ khoanh nợ, xoá nợ theo đúng quy định hiện hành.

Điều 18: Các cơ quan Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức tín dụng xử lý nghiêm minh những trường hợp có nợ lớn mà cố tình chây ỳ không trả nợ, nhất là số nợ có liên quan đến vụ án đã được toà án tuyên xử, thu hồi tài sản bảo đảm nợ vay cho tổ chức tín dụng bán thu hồi nợ. Cơ quan thi hành án cấp huyện phải có biện pháp tích cực đảm bảo thi hành án thu hồi vốn cho các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức bảo lãnh.

 

Chương III

Điều khoản thi hành

Điều 19: Ngân hàng Nhà nước tỉnh có trách nhiệm quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng theo quy định của Nhà nước và tổ chức các tổ chức tín dụng huy động vốn để cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; phối hợp với Chi nhánh quỹ hỗ trợ phát triển Nghệ An trong việc hợp vốn cho vay, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá trong việc bảo lãnh tín dụng sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và cấp bù chênh lệch lãi suất theo cơ chế chính sách của tỉnh.

Điều 20: Những cơ quan, đơn vị, chủ dự án, cá nhân có thành tích thực hiện tốt các quy định về tín dụng đầu tư phát triển sẽ được xem xét khen thưởng; nếu gây khó khăn, phiền hà, cản trở trong việc thực hiện các quy định về tín dụng đầu tư phát triển và Quy định này phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 21: Định kỳ 6 tháng UBND tỉnh chủ trì họp với các ngành, các tổ chức tín dụng, bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển và các nội dung của Quy định này./.

 

 


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhqphgcccncvvnhvqhtptttptbvtdtbtna1073