AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành quy định cụ thể một số điểm về quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh để thực hiện Nghị định 91/CP của Chính phủ

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành quy định cụ thể một số điểm về quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh để thực hiện Nghị định 91/CP của Chính phủ

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 1070/1997/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 1997                          
UBND Tỉnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH PHÚ THỌ

Về việc ban hành quy định cụ thể một số điểm về

quản lý quy hoạch đô thi trên địa bàn tỉnh để thực hiện Nghị định 91/CP của Chính phủ

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 21/6/1994.

Căn cứ Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ, ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ và liên quan.

Theo đề nghị của ông giám đốc Sở Xây dựng.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:

Ban hành kèm theo quyết định này "Bản quy định cụ thể một số điểm về quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ"

Điều 2:

Quyết định này thay thế Quyết định số 1159/QĐ-UB ngày 19/6/1996 của UBNd tỉnh Vĩnh Phú và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Tư pháp, Sở Công nghiệp, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học công nghệ môi trường, UBND các huyện, thành, thị, UBND các xã, thị trấn, các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 

Quy định Cụ thể một số điểm về quản lý quy hoạch đô thị trên địa

bàn tỉnh Phú Thọ để thực hiện Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ

( Ban hành kèm theo QĐ số 1070/ QĐ-UB ngày 25/7/1997 của UBND tỉnh Phú Thọ)

I- Những quy định chung

1-Quy định này cụ thể một số điểm trong "Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị" ban hành kèm theo Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ.

Những nội dung về quản lý quy hoạch xây dựng đô thị không nêu trong bản quy định này phải thực hiện theo Nghị định 91/CP và các văn bản có liên quan của nhà nước đã ban hành.

2- Phạm vi áp dụng của bản quy định này bao gồm: Thành phố Việt trì, Thị xã Phú Thọ, các thị trấn, huyện lỵ, khu di tích lịch sử Đền Hùng và các khu du lịch.

Điều 2: Nội dung quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị bao gồm:

1-Ban hành các quy định về quản lý quy hoạch đô thị

2-Lập và xét duyệt các đồ án quy hoạch đô thị

3-Quản lý việc cải tạo và xây dựng các công trình trong đô thị theo quy hoạch được duyệt.

4-Bảo vệ cảnh quan và môi trường sống đô thị

5-Quản lý việc sử dụng và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị

6-Giải quyết tranh chấp, thanh tra và xử lý vi phạm những quy định về quản lý đô thị.

II- Những quy định cụ thể

Điều 3: Phân công quản lý cốt khống chế quy hoạch và cốt công trình:

1-Sở Xây dựng quản lý cốt khống chế toàn đô thị và cốt các công trình xây dựng trong đô thị (Nền công trình kiến trúc, cao độ công trình kỹ thuật).

Trên cơ sỏ cốt khống chế, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm cấp cốt xây dựng cho các công trình ( trừ nhà ở tư nhân tự xây), cùng với các nội dung khác của chứng chỉ quy hoạch theo mẫu 2, ban hành kèm theo Thông tư 24/BXD-KTQH ngày 16/12/1994 của Bộ Xây dựng.

2- Căn cứ cốt khống chế trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt và cốt công trình do Sở Xây dựng quy định trong giấy chứng chỉ quy hoạch, UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm quản lý thực hiện các cốt được giao thực địa.

3- Việc cấp cốt và quản lý thực hiện cốt công trình phải tuân thủ theo quy hoạch chi tiết được duyệt, đảm bảo hài hoà giữa các công trình lân cận và cảnh quan chung khu vực; đảm bảo thốnh nhất giữa các công trình cũ và mới xây dựng, giữa công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các công trình kiến trúc của đô thị.

Điều 4: Phân cấp và uỷ quyền cấp giấy phép cải tạo và xây dựng công trình trong đô thị.

1- Tuỳ mức độ phức tạp của công tình, mức vốn, tính chất vốn đầu tư hoặc vị trí xây dựng, mà chủ đầu tư lập hồ sơ xin cấp giấy phép đến Sở Xây dựng hoặc UBND thành phố, thị xã, huyện theo thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại khoản 2 của điều này.

2- Thẩm quyền cấp giấy phép cải tạo và xây dựng:

a)- Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy phép cải tạo và xây dựng các loại công trình như sau:

- Các công trình có vốn đầu tư nước ngoài theo phân cấp của Thủ tướng chính phủ.

- Các công trình nhóm B thuộc mọi nguồn vốn

- Các công trình tại khu di tích lịch sử Đền Hùng và các khu du lịch

- Các công trình của tôn giáo (sau khi có sự thoả thuận của UB MTTQ tỉnh)

- Các công trình mặt tiền trên đường phố loại 1,2 (trừ nhà ở tư nhân).

Các công trình trên do Sở Xây dựng thẩm định trình UBND tỉnh cấp phép. Riêng các công trình thuộc khu vực Đền Hùng phải có ý kiến thoả thuận của Sở Văn hoá thông tin thể thao trước khi trình.

Sở Xây dựng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ và kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép được cấp.

UBND các huyện, thành, thị cùng các bên liên quan tổ chức quản lý việc thực hiện đảm bảo đúng giấy phép.

b)- Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng trực tiếp cấp giấy phép cải tạo và xây dựng các công trình như sau:

- Các công trình thuộc nhóm C thuộc nhóm nguồn vốn (trừ công trình mặt tiền đường phố loại 1,2).

- Các công trình ven quốc lộ, tỉnh lộ qua đô thị và mặt tiền của đường trục chính của huyện lỵ, thị trấn (trừ công trình nhà ở tư nhân).

- Các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị.

- Các công trình tại các khu di tích văn hoá, lịch sử được công nhận, sau khi có sự thoả thuận của Sở Văn hoá thông tin thể thao (trừ công trình thuộc khu vực Đền Hùng và các khu du lịch).

-Các công trình tượng đài, biển quảng cáo thương mại, dịch vụ sau khi được phép của UBND các huyện, thành phố, thị xã, thị trấn sở tại và văn bản chấp thuận về nội dung của Sở Văn hoá thông tin - thể thao.

c)- Chủ tịch UBND tỉnh phân cấp cho Chủ tịch UBND thành phố Việt trì, Thị xã Phú thọ, Chủ tịch UBND huyện trưch tiép cấp giấy phép các công trình sau:

-Nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân

- Các dự án, công trình do UBND huyện, thành, thị quyết định đầu tư.

- Các công trình còn lại, ngoài các quy định tại điểm a,b khoản 2 của điều này

d)- đối với nhà ở tư nhân do chưa có điều kiện làm hoàn chỉnh theo thiết kế (thực hiện lầm dần), khi xin phép xây dựng phải nói rõ và cam đoan xây dựng đúng giấy phép được cấp, nếu sai sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Điều 5: Quản lý công trình giao thông đô thị

1- Việc quản lý công trình giao thông đô thị phải tuân theo Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ ban hành "Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị".

2- Sở giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành giao thông vận tải đối với đường quốc lộ được Bộ uỷ quyền quản lý và đường tỉnh lộ đi qua các đô thị; cấp giấy phép đào lòng đường, lề đường, vỉa hè để cải tạo, xây dựng các công trình dưới mặt đường vỉa hè và xây dựng các công trình trên cao ảnh hưởng đến các công trình giao thông thuộc phạm vi mình quản lý.

3- UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn quản lý các công trình giao thông còn lại (ngoài công trình do Sở Giao thông vận tải quản lý như đã nêu ở khoản 2 điều này); cấp phép đào lòng đường, vỉa hè để cải tạo, xây dựng các công trình dưới mặt đường, lề đường và trong không gian đường thuộc phạm vi mình quản lý.

4- Các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và vườn hoa, cây xanh được trồng và xây dựng trong phạm vi đường đô thị (kể cả đường quốc lộ, tỉnh lộ qua đô thị sau khi có sự thoả thuận của Sở Giao thông vận tải) đều do UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn quản lý toàn diện theo phân cấp.

Điều 6: Quản lý công trình cấp nước đô thị:

1-Sở xây dựng có trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước đối với nguồn nước sạch đã được cấp thẩm quyền cho phép khai thác, quản lý vành đai vệ sinh, bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm phục vụ các đô thị;chịu trách nhiệm cấp điểm đấu các đường trục cấp nước để phát triển tuyến hoặc rẽ nhánh theo thiết kế được duyệt và cấp giấy phép xây dựng tuyến theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 4 của bản quy định này.

2- Giao cho Công ty cấp nước tại các đô thị cấp điểm đấu các đường rẽ nhánh cho các hộ dùng nước theo thiết kế được duyệt.

3- UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn chịu trách nhiệm trực tiếp tổ trức quản lý việc thực hiện các điểm đấu và tuyến đường ống nói tại khoản 1 điều này thuộc các công trình cấp nước trên địa bàn mình.

Điều 7: Quản lý công trình thoát nước đô thị:

1- Căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt, Sở Xây dựng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, thị trấn có kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước đô thị thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành và địa bàn mình, phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đo thị đó. Nếu việc phát triển hệ thống thoát nước đô thị có liên quan đến ngành nông nghiệp thì phải quan hệ chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo tính hài hoà và đồng bộ.

2- Sở Xây dựng chịu trách nhiệm cấp các điểm đấu nối vào công trình thoát nước chung của đô thị theo thiết kế được duyệt và cấp giấy phép xây dựng các công trinh thoát nước đô thị.

Đối với nước thải của nhà máy, xí nghiệp, trước khi xin giấy phép đấu nối và hệ thống thoát nước chung của đô thị hoặc thoát ra sông, hồ, mương, máng phải được Sở Khoa học công nghệ môi trường xác nhận đảm bảo các quy định vệ sinh môi trường.

3-UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn đảm bảo tổ chức quản lý trực tiếp việc khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước thuộc địa bàn mình, đảm bảo quản lý việc xây dựng theo giấy phép, điểm đấu và tuyến được cấp.

Điều 8: Quản lý công trình cấp điện và chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin liên lạc đô thị:

1- Sở Công nghiệp và Bưu điện tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về điện và thông tin liên lạc trong các đô thị theo chức năng của mỗi cơ quan; Căn cứ vào quy hoạch đô thị được duyệt, lập các quy hoạch chuyên ngành để có kế hoạch phát triển mạng lưới cung cấp năng lượng và dịch vụ thông tin liên lạc cho các đô thị.

2- Sở Xây dựng chịu trách nhiệm cấp tuyến hệ thống điện chiếu sáng, điện năng lượng, tuyến thông tin liên lạc trong đô thị.

3- UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn đảm bảo tổ chức quản lý trực tiếp việc khai thác sử dụng hệ thống điện chiếu sáng đường phố, chiếu sáng công trình công cộng đô thị; trực tiếp quản lý việc thực hiện xây dựng công trình điện, thông tin liên lạc đúng tuyến và các nội dung khai thác theo giấy phép được cấp.

Điều 9: Quản lý, bảo vệ cảnh quan và môi trường đô thị:

1- Việc quản lý, bảo vệ cảnh quan và môi trường đô thị tuân theo sác điều thuộc chương IV của "Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị" ban hành kèm theo Nghị định 91/CP.

2- Khi lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các đô thị vùng đồi, núi hoặc nơi có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá... phải đặc biệt lưu ý tôn trọng hiện trạng, tận dụng ưu thế tự nhiên và nhân tạo có sẵn, tránh san lấp tuỳ tiện không theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, cấm chặt phá cây, làm ảnh hưởng đến cảnh quan và không gian kiến trúc của đô thị.

3- Đồ án quy hoạch đô thị phải được nghiên cứu phân khu chức năng rõ ràng, ưu tiên các khu dân cư, công trình phục vụ công cộng, trụ sở cơ quan... có môi trường vệ sinh tốt, xa các khu công nghiệp độc hại. Chỉ cho phép bố trí gần khu dân cư các loại nhà máy, xí nghiệp không gây ô nhiễm môi trường (như may mặc, lắp ráp điện tử...)

4- Việc bảo vệ cảnh quan và môi trường sống đô thị có quan hệ chặt chẽ với quản lý cao độ chung của đô thị, phải tuân theo điều 3 của bản quy định này.

5- UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý toàn diện cảnh quan, môi trường đô thị theo phân cấp, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử - văn hoá và môi trường đô thị của địa phương mình.

Điều 10: Quản lý và sử dụng đất đai đô thị:

1- Việc quản lý và sử dụng đất đai đô thị phải tuân theo những quy định của luật đất đai ban hành ngày 14/7/1993 và theo Nghị định số 88/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất đô thị.

2- UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý quỹ đất (không thuộc canh tác) đã quy hoạch nhưng chưa sử dụng trong đô thị; tuỳ từng chỗ có thể cho dân mượn canh tác ngắn ngày, hoặc tổ chức trồng cây xanh cải tạo môi trường và giữ đất. Những nơi đã bị lấn chiếm hoặc đã cho phép sử dụng tạm thời, UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn phải xử lý vi phạm và có biện pháp giải phóng đưa vào sử dụng đúng quy hoạch.

3-Việc quản lý đất dân cư hiện có trong quy hoạch đô thị, nhưng khu dân cư đó xây dựng trước khi có quy hoạch được duyệt: Giao cho UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn quản lý, không cho xây dựng thêm nhà ở kiên cố hoặc công trình khác khi chưa có quy hoạch chi tiết, hoặc trái quy hoạch chi tiết được duyệt. Nếu có nhu cầu xây dựng thì phải thực hiện theo trình tự: xây dựng quy hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó thực hiện các thủ tục giao đất xây dựng, cắm mốc giới, cấp giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành. Việc chủ công trình tự ý xây dựng không theo quy hoạch được duyệt ngay cả trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, đều là xây dựng bất hợp pháp và phải xử lý theo luật pháp Nhà nước.

4- Quản lý xây dựng nghĩa địa, nghĩa trang trong đô thị:

Đất sử dụng làm nghĩa trang, nghĩa địa phải được quy hoạch thành khu tập trung, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh và tiết kiệm đất.

Đối với các nghĩa trang, nghĩa địa đã có trước khi quy hoạch được duyệt mà không phù hợp với vị trí quy hoạch thì nghiêm cấm việc chôn cất mới (kể cả hung táng và cải táng) tại đó. UBND thành phố, thị xã, thị trấn, xã, phường sở tại có kế hoạch di dời mồ mả đã có về đúng vị trí nghĩa trang, nghĩa địa trong quy hoạch để trả lại đất xây dựng công trình khác theo quy hoạch hoặc trồng cây xanh giữ đất để cải tạo môi trường.

5-Quản lý đất nông nghiệp trong quy hoạch đô thị được duyệt: trong khi chưa xây dựng công trình thì các chủ sử dụng được canh tác bình thường. Khinhà nước có nhu cầu xây dựng, các chủ sử dụng đất phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định thu hồi của cấp có thẩm quyền, được đền bù thiệt hại theo quy định của nhà nước.

III - Phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện

Điều 11: UBND các cấp thực hiện quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quản lý sử dụng đất đô thị trên địa bàn mình. Cơ quan chuyên môn quản lý quy hoạch, nhà đất các cấp có trách nhiệm giúp UBND thực hiện có hiệu quả quyền quản lý đó.

- UBND thành phố, thị xã, huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp dưới thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo lên cấp trên xử lý đối với các tổ chức và cá nhân trên địa bàn về thực hiện các quy định quản lý quy hoạch đô thị theo đúng pháp luật; thực hiện cưỡng chế thi hành các quyết định xử lý vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, khai thác và sử dụng công trình trong đô thị theo pháp luật của Nhà nước.

- Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về quy hoạch đô thị, quản lý sử dụng đất đô thị theo phân cấp trên địa bàn đô thị mình; chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân biết và thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cấp trên, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, quản lý chặt chẽ xây dựng công trình theo giấy phép, bảo vệ cảnh quan và môi trường sống, quản lý sử dụng và khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Điều 12: Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng đô thị trên phạm vi toàn tỉnh: có trách nhiệm phối hợp với các sở quản lý chuyên ngành vừa hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ vừa kết hợp với UBND các cấp thực hiện quản lý có hiệu quả quy hoạch đô thị được duyệt, quản lý sử dụng đất đai đô thị và cùng với các sở chuyên ngành có liên quan chịu trách nhiệm về kết quả quản lý của ngành mình trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn, huyện lỵ.

Điều 13: Các cơ quan chức năng của UBND tỉnh, UBND các cấp chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị, quản lý sử dụng đất đô thị theo các quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 14: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh tổ chức thực hiện bản quy định này, phối hợp với UBND các cấp tổ chức phổ biến công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được duyệt để nhân dân biết thực hiện.

Trong quá trình thực hiện bản quy định này, nếu phát hiện những bất hợp lý, các ngành, các cấp phản ánh qua Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhqctmsvqlqhttbtthn91ccp741