AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo dục thành phố Hải Phòng

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo dục thành phố Hải Phòng

Thuộc tính

Lược đồ

UBND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Số: 144/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2000                          
144, ngày 24 tháng 01 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo dục thành phố Hải Phòng

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở mỗi cấp ngày 25/6/1996;

Theo đề nghị của Đại hội Giáo dục thành phố Hải Phòng lần thứ nhất họp ngày 02/4/1999,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo dục thành phố Hải Phòng do Ban chấp hành Hội đồng Giáo dục thành phố lần thứ nhất thông qua ngày 25/12/1999.

Điều 2: Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Ban, Ngành thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã và các ông (bà) trong Ban chấp hành Hội đồng Giáo dục thành phố Hải Phòng căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo dục thành phố Hải Phòng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 144/1999/QĐ-UB ngày 24/01/2000)

 

Chương I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Điều 1: Chức năng của Hội đồng Giáo dục:

Hội đồng Giáo dục thành phố Hải Phòng do Đại hội Giáo dục thành phố bầu ra dưới sự là lãnh đạo của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố để chỉ đạo cuộc vận động xã hội hoá giáo dục và thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Giáo dục thành phố.

Điều 2: Hội đồng Giáo dục có nhiệm vụ:

1. Tổ chức, động viên mọi tầng lớp nhân dân xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thuận lợi cho việc giáo dục và đào tạo học sinh.

2. Huy động mọi nguồn lực của xã hội, của nhân dân đóng góp cùng với nhà trường xây dựng cơ sở vật chất trường học, cải thiện điều kiện dạy và học, chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, xây dựng Quỹ hỗ trợ giáo dục, Quỹ khuyến học nhằm phát huy truyền thống hiếu học trong nhân dân địa phương.

3. Tham mưu với chính quyền động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục địa phương, đồng thời đề nghị xem xét, xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm những quy định của địa phương, pháp luật của Nhà nước về giáo dục-đào tạo, vi phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của giáo viên và học sinh, vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Giáo dục, nhằm tạo dư luận xã hội tích cực cho giáo dục và đào tạo.

Điều 3: Hội đồng Giáo dục có quyền hạn:

1. Giám sát, kiểm tra các cơ quan Nhà nước, các tập thể lao động, các tổ chức kinh tế xã hội và nhân dân địa phương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của chính quyền địa phương về giáo dục và đào tạo và thực hiện Nghị quyết của Đại hội Giáo dục thành phố.

2. Yêu cầu các cấp quản lý ngành giáo dục, các trường học ở địa phương trả lời những vấn đề Hội đồng cần tìm hiểu về giáo dục-đào tạo, hợp tác với các trường học tổ chức, quản lý và giáo dục học sinh trên địa bàn dân cư.

3. Cùng với Uỷ ban nhân dân các cấp và cơ quan quản lý giáo dục kiểm tra việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hỗ trợ giáo dục, các nguồn thu ngoài ngân sách trong nhà trường, theo Nghị quyết của Đại hội Giáo dục và quy định của Nhà nước.

 

Chương II

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC

Điều 4:

Thành phần của Hội đồng Giáo dục thành phố gồm có: Đại diện cấp uỷ Đảng, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, ngành Giáo dục và Công đoàn ngành Giáo dục và đào tạo, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học, các ngành Văn hoá, Thông tin, Công an, Y tế, Thể dục thể thao, Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan đoàn thể Nhà nước, các cá nhân có uy tín và có khả năng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục.

Điều 5: Các thành viên của Hội đồng Giáo dục là những người có uy tín, có trách nhiệm, có hiểu biết và nhiệt tình với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Điều 6: Hội đồng Giáo dục do Đại hội Giáo dục bầu ra bằng hình thức hiệp thương biểu quyết tại Đại hội Thường vụ Hội đồng do Ban chấp hành bầu ra. Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng do Uỷ ban nhân dân bầu ra. Uỷ ban nhân dân thành phố ra Quyết định công nhận, bãi miễn và cho thôi nhiệm vụ hoặc bổ sung thành viên của Hội đồng.

Nhiệm kỳ của Hội đồng Giáo dục là 5 năm. Ban chấp hành Hội đồng Giáo dục có 49 Uỷ viên. Ban Thường vụ có 9 Uỷ viên.

Các thành viên Hội đồng Giáo dục thành phố có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Chủ tịch Hội đồng: Là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố.

Là lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại các Điều 1, 2, 3 Chương I Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo dục thành phố;

Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng;

Duyệt nội dung các vấn đề đưa ra thảo luận tại Hội đồng;

Phân công các thành viên chuẩn bị và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng.

2. Các Phó Chủ tịch Hội đồng:

Giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc là lãnh đạo hoạt động của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về phần công việc được phân công phụ trách.

Giúp Chủ tịch Hội đồng điều phối các hoạt động của Hội đồng theo sự uỷ nhiệm của Chủ tịch Hội đồng, chỉ đạo các thành viên Hội đồng chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng và báo cáo Chủ tịch Hội đồng trước khi họp.

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thay Chủ tịch Hội đồng khi vắng mặt.

3. Thư ký Hội đồng:

Giúp Chủ tịch Hội đồng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng;

Giúp Chủ tịch Hội đồng chuẩn bị các kỳ họp của Thường vụ và Hội đồng Giáo dục;

Làm công tác văn phòng của Hội đồng.

4. Thường vụ Hội đồng: Gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký Hội đồng và một số thành viên là đại biểu các cơ quan: Ban Tổ chức chính quyền, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá.

Ban Thường vụ Hội đồng thay mặt Ban chấp hành Hội đồng giữa hai kỳ họp của Hội đồng; có các nhiệm vụ sau:

Nghiên cứu những kiến nghị của các Ban trong Hội đồng;

Quan hệ với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cá nhân có liên quan đến hoạt động của Hội đồng;

Hướng dẫn các tổ chức của Hội đồng hoạt động.

5. Thường trực Hội đồng: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng hợp thành Ban Thường trực của Hội đồng Giáo dục có trách nhiệm xem xét và đôn đốc công việc của Hội đồng, chủ động nắm tình hình về giáo dục thuộc phạm vi phụ trách, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp để phát triển giáo dục ở địa phương.

Điều 7: Hội đồng Giáo dục họp một năm hai kỳ. Kỳ thứ nhất vào tháng 6, kỳ thứ hai vào dịp hết học kỳ một của năm học để kiểm điểm tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, của Hội đồng Giáo dục, các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục. Khi cần thiết, Hội đồng Giáo dục có thể họp bất thường theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng.

Điều 8: Các thành viên của Hội đồng Giáo dục hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Các khoản chi phí cho hoạt động của Hội đồng được trích từ sự đóng góp của các tập thể, cá nhân và một phần ở ngân sách các cấp.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9:

Quy chế này áp dụng cho Hội đồng Giáo dục cấp thành phố và có hiệu lực từ ngày ký.

Thủ trưởng các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm tham mưu cho cấp Uỷ, Uỷ ban nhân dân và Hội đồng Giáo dục các cấp thi hành Quyết định này./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhqctcvhchgdtphp465