AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành quy chế quản lý cây xanh thuộc phạm vi nội thị thành phố Đà Lạt

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành quy chế quản lý cây xanh thuộc phạm vi nội thị thành phố Đà Lạt

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 381/1998/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 1998                          
Uỷ BAN NHÂN DÂN

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc ban hành quy chế quản lý cây xanh thuộc phạm vi nội thị thành phố Đà Lạt

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12/8/1991 và Luật Bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993;

Xét đề nghị của UBND thành phố Đà Lạt tại văn bản số 724/CV-UB ngày 8/11/1997 về việc ban hành quy chế quản lý cây xanh Đà Lạt,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý cây xanh thuộc phạm vi nội thị thành phố Đà Lạt.

Điều 2: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành trong tỉnh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, giám đốc Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này kể từ ngày ký ban hành./.

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ

THUỘC PHẠM VI NỘI THỊ THÀNH PHỐ ĐÀLẠT

(Ban hành theo Quyết định số 381/1998/QĐ-UB

Ngày 14/02/1998 của UBND tỉnh Lâm Đồng).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

1. UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất quản lý Nhà nước đối với cây xanh đô thị thuộc phạm vi thành phố Đà Lạt và phân cấp cho UBND thành phố Đà Lạt trực tiếp quản lý Nhà nước theo quy chế này.

2. UBND thành phố Đà Lạt thực hiện quản lý Nhà nước đối với cây xanh đô thị thuộc phạm vi thành phố Đà Lạt theo quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, quy chế quản lý rừng đặc dụng, các quy định về quản lý đô thị, các quy định khác của Nhà nước có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Pháp luật quy định, theo sự phân công, phân cấp của UBND tỉnh Lâm Đồng và hướng dẫn của ngành chức năng.

3. Công ty Công viên hoa và cây xanh thành phố Đà Lạt là đơn vị được giao quản lý trực tiếp cây xanh đô thị thuộc phạm vi thành phố Đà Lạt, có nhiệm vụ giúp UBND thành phố Đà Lạt bảo vệ, phát triển và sử dụng có hiệu quả hệ thống cây xanh này.

Điều 2:

1. Cây xanh quy định tại quy chế này gồm:

Cây rừng tự nhiên hoặc rừng trồng bằng vốn Nhà nước, các loài cây lâu năm có giá trị về cảnh quan, môi trường mọc tự nhiên hoặc do con người trồng nhưng thuộc tài sản công cộng, các loài cây do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự trồng theo quy hoạch cây xanh tại các khu dân cư, đường phố không phân biệt trên đất đã giao cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân hay chưa giao trong phạm vi nội thị thành phố Đà Lạt.

Các loại cây, hoa, thảm cỏ được trồng tại các công viên, dọc đường phố, nơi công cộng để tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường thuộc nội thị thành phố Đà Lạt.

2. Các đối tượng cây xanh không thuộc phạm vi áp dụng của quy chế này gồm:

Các loại cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng lâm viên, Xí nghiệp giống lâm nghiệp Đà Lạt, Trung tâm nghiên cứu lâm sinh.

Các loại cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả hàng năm hay lâu năm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự trồng trong đất khuôn viên, đất thổ cư, đất vườn.

Cỏ dại phải phát quang, dọn vệ sinh hàng năm.

Điều 3:

1. Hệ thống cây xanh là đặc trưng tiêu biểu của thành phố Đà Lạt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái cho thành phố và vùng lân cận. Hệ thống cây xanh được coi là một bộ phận cơ sở hạ tầng của thành phố.

2. Việc quản lý, bảo vệ, sử dụng hệ thống cây xanh thành phố Đà Lạt phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, các quy định về quản lý đô thị, các quy định khác của Nhà nước có liên quan và quy định cụ thể tại quy chế này.

3. Mọi tổ chức có trụ sở tại thành phố Đà Lạt, hộ gia đình, cá nhân sống tại thành phố Đà Lạt, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Lạt đều phải có trách nhiệm bảo vệ cây xanh và thực hiện nghiêm túc những quy định tại quy chế này.

Điều 4: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư trồng, chăm sóc, cung ứng giống và cây con, tái tạo cây xanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng, các quy định khác của pháp luật và sự quản lý, giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật của Công ty công viên hoa và cây xanh thành phố Đà Lạt.

Điều 5: Quỹ bảo vệ và phát triển cây xanh thành phố Đà Lạt được lập từ các nguồn:

Ngân sách Nhà nước cấp.

Tiền bán lâm sản thu được qua chặt hạ cây xanh trên phạm vi nội thị thành phố Đà Lạt.

Do người được phép chặt hạ cây xanh nộp theo quy định.

Do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho, tặng.

UBND thành phố Đà Lạt thực hiện quản lý quỹ bảo vệ và phát triển cây xanh theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

 

Chương II

NỘI DUNG QUẢN LÝ CÂY XANH

Điều 6:

Cây xanh rải rác và tập trung trong phạm vi nội ô thành phố Đà Lạt phải được kiểm kê, lập bản đồ phạm vi ranh giới, bản đồ hiện trạng và phải có phương án quản lý, bảo vệ và phát triển. Đối với cây xanh tập trung có diện tích từ 0,5ha trở lên phải được cắm mốc cụ thể ngoài thực địa, cây xanh mọc rải rác phải được đánh số, lập bảng kê, lập hồ sơ quản lý.

Điều 7:

1. Tất cả cây xanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt nằm trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, nhà ở, của hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi lô đất (Kể cả nhà và đất do tổ chức nước ngoài thuê) đều phải được kiểm kê, lập hồ sơ giao trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị hoặc chủ hộ quản lý bảo vệ. Nếu để xảy ra việc chặt hạ trái phép, tác động xấu gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây xanh hoặc làm cây chết mà không phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời với chính quyền sở tại và cơ quan chức năng thì đơn vị, người được giao trách nhiệm quản lý phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và phải bị xử lý theo quy định. Khi có sự thay đổi người quản lý thì phải bàn giao cây xanh như bàn giao tài sản.

2. Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt là cơ quan thực hiện việc lập hồ sơ và trình UBND thành phố Đà Lạt giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ cây xanh cho thủ trưởng các đơn vị và chủ hộ, đồng thời kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ cây xanh đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn nội thị thành phố Đà Lạt.

Điều 8:

Nghiêm cấm mọi hành vi tuỳ tiện chặt hạ, phát đốt, tỉa cành, đẽo vỏ, đẽo gốc cây, lấn chiếm diện tích cây xanh, chăn thả gia súc trái phép, xả chất độc hại gây ô nhiễm môi trường sinh thái, khai thác tài nguyên khoáng sản gây thiệt hại cây xanh, làm công trình bao bọc xung quanh cây xanh, phá vỡ bồn cây, xây bưng bít xung quanh gốc cây... hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây xanh hoặc làm cây chết.

Điều 9:

Nghiêm cấm mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức khai thác dịch vụ, du lịch trái phép dưới tán cây gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây xanh và mỹ quan thành phố. Trường hợp có nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức khai thác dịch vụ, du lịch dưới tán cây xanh và rừng nội thị thì phải có phương án và biện pháp bảo vệ môi trường cây xanh, ý kiến thống nhất của Công ty công viên hoa và cây xanh Đà Lạt và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 10:

1. Việc phát triển, trồng mới cây xanh dọc đường phố, nơi công cộng, quảng trường, công viên, khu biệt thự, khu di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh phải theo quy hoạch. Đơn vị chủ đầu tư phải có phương án đảm bảo yêu cầu mỹ quan, vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến công trình hạ tầng dưới đất cũng như trên không và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mọi trường hợp quy hoạch chi tiết phát triển đô thị, xây dựng cơ bản trên thành phố Đà Lạt đều phải lập thiết kế trồng mới cây xanh theo quy hoạch phát triển cây xanh và chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện trồng cây theo thiết kế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 11:

Căn cứ quy hoạch tổng thể thành phố Đà Lạt đã được Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Đà Lạt lập quy hoạch phát triển cây xanh đô thị và phổ biến công khai để mọi người dân biết và thực hiện. Hàng năm, Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt có trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức trồng cây theo quy hoạch phát triển cây xanh đô thị được duyệt.

Điều 12: Giải quyết chặt hạ cây xanh đô thị.

1. Hàng năm, Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra lập hồ sơ cây chết khô, cây già cỗi có nguy cơ ngã đổ tại các khu vực công cộng, cơ quan, trường học, cây dọc đường phố... trình cấp thẩm quyền xem xét giải quyết cho phép chặt hạ, tỉa cành và tổ chức thi công chặt hạ sau khi được phép.

2. Trường hợp cây xanh do các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình được giao quản lý bị chết tự nhiên hoặc có nguy cơ ngã đổ, thì tổ chức, người được giao quản lý cây xanh báo cho Công ty công viên hoa và cây xanh Đà Lạt kiểm tra lập hồ sơ và tổ chức chặt hạ, tỉa cành. Xử lý cụ thể như sau:

Nếu tổ chức, người được giao quản lý cây xanh đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ cây xanh mà cây xanh bị chết hoặc có nguy cơ ngã đổ do tự nhiên thì Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt làm thủ tục và tổ chức chặt hạ, đồng thời trồng lại cây tại địa điểm chặt hạ phù hợp với quy hoạch cây xanh ở nơi đó.

Nếu tổ chức, người được giao quản lý cây xanh tự ý chặt hạ hoặc cố tình gây tác động làm cây chết, ngã đổ thì bị lập hồ sơ xử lý vi phạm, đồng thời bị buộc nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển cây xanh số tiền tương ứng với chi phí trồng và chăm sóc, bảo vệ 5 cây cùng loài cho đến khi có chiều cao 3 mét đối với 1 cây bị chết, bị chặt hạ để Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt tổ chức trồng lại cây theo quy hoạch.

3. Trường hợp chặt hạ cây để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công xây dựng công trình công cộng, chỉnh trang đô thị, mở rộng nâng cấp cơ sở hạ tầng như cấp thoát nước, điện, giao thông... thì phải có thiết kế trồng mới cây xanh kèm theo mới được xem xét giải quyết cho chặt hạ. Chi phí trồng cây được đưa vào dự toán công trình, việc trồng cây do đơn vị thi công công trình thực hiện theo sự hướng dẫn, kiểm tra của Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt. Nếu không trồng cây được thì chuyển chi phí trồng cây theo dự toán cho Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt thực hiện.

4. Trường hợp chặt hạ cây xanh để giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở của tư nhân, trụ sở cơ quan, các công trình khác thì người, tổ chức có nhu cầu xây dựng phải làm đơn xin chặt hạ cây nộp tại Công ty Công viên hoa và cây xanh để được xem xét giải quyết. Công ty Công viên hoa và cây xanh chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra cụ thể và lập thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép chặt hạ. Người tổ chức được phép chặt hạ phải chịu mọi chi phí chặt hạ và nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển cây xanh số tiền tương ứng với chi phí trồng và chăm sóc 5 cây cùng loài cho đến khi đạt chiều cao trên 3 mét đối với một cây được phép chặt hạ.

Điều 13: Xử lý lâm sản thu qua chặt hạ cây xanh.

Tất cả những sản phẩm thu qua chặt hạ đều do Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt thu hồi để tiêu thụ theo quy định. Số tiền bán sản phẩm sau khi nộp thuế theo quy định và chi trả chi phí chặt hạ, thu hồi (nếu có) đều phải nộp hết vào quỹ bảo vệ phát triển cây xanh và chỉ được sử dụng cho mục đích quản lý bảo vệ, phục hồi tái tạo cây xanh thành phố Đà Lạt.

Điều 14: Thẩm quyền cho phép chặt hạ cây xanh.

1. UBND thành phố Đà Lạt quyết định cho phép chặt hạ cây có nguy cơ ngã đổ trong mùa mưa bão, cây chết khô, cây sâu bệnh, già cỗi kém phát triển (được xác định bởi các ban, ngành chức năng) và chặt hạ cây để giải phóng mặt bằng thi công xây dựng công trình với số lượng dưới 3 cây cho mỗi công trình.

2. UBND tỉnh quyết định cho phép chặt hạ cây xanh đối với tất cả các trường hợp còn lại.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15: Kiểm tra vi phạm.

Nội dung kiểm tra, xử lý vi phạm bao gồm phát hiện các hành vi vi phạm quy chế quản lý cây xanh đô thị như chặt hạ, tỉa cành, ken cây trái phép, tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh nhằm mục đích quản lý, bảo vệ chặt chẽ số cây xanh hiện có.

UBND thành phố Đà Lạt có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm quy chế quản lý cây xanh thành phố Đà Lạt theo thẩm quyền.

Sở Xây dựng, Chi cục Kiểm lâm thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ cây xanh theo thẩm quyền được quy định tại các Nghị định 48/CP ngày 05/5/1997 và Nghị định 77/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ.

Điều 16: UBND các xã, phường có trách nhiệm phối hợp cùng Công ty Công viên hoa và cây xanh Đà Lạt tổ chức quản lý, bảo vệ cây xanh, đồng thời vận động nhân dân địa phương bảo vệ, trồng mới cây xanh và thực hiện việc giám sát, kiểm tra, phát hiện các hành vi xâm hại cây xanh đô thị, xử lý vi phạm hoặc chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Điều 17: Các đoàn thể, tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động các thành viên thuộc đoàn thể, tổ chức mình thực hiện tốt việc bảo vệ, trồng mới cây xanh gắn với việc thực hiện các phong trào xã hội khác

Điều 18: Khen thưởng, xử phạt.

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ phát triển cây xanh thì được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Tổ chức, cá nhân có hành vi gây tổn hại đến cây xanh, vi phạm những quy định tại quy chế này hoặc những quy định khác của Nhà nước thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.

Những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho phép hoặc tổ chức chặt hạ cây xanh trái quy định, gây thiệt hại cho cây xanh thì bị xử lý theo quy định.

Điều 19: Điều khoản thi hành.

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây của UBND tỉnh Lâm Đồng về quản lý, bảo vệ cây xanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt trái với quy chế này đều bãi bỏ./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhqcqlcxtpvnttpl547