AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành quy định cơ chế chính sách phát triển ngân sách xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành quy định cơ chế chính sách phát triển ngân sách xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 31/2001/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2001                          
Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Về việc ban hành quy định cơ chế

chính sách phát triển ngân sách xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND (sửa đổi) Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20/3/1996; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ngân sách số 06/1998/QH10 ngày 20/5/1998;

Căn cứ Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc nâng cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước; Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 87/CP.

Căn cứ Thông tư 118/2000/TT-BTC ngày 22/12/2000 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá Nghệ An,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định cơ chế chính sách phát triển ngân sách xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2001. Những quy định của UBND tỉnh trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGÂN SÁCH XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2001/QĐ-UB

ngày 30/3/2001 của UBND tỉnh Nghệ An)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản quy định này quy định một số cơ chế, chính sách phát triển ngân sách xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm khuyến khích các xã, phường, thị trấn phát huy tính chủ động, tích cực khai thác tối đa nội lực, tăng cường công tác thu ngân sách quản lý và sử dụng ngân sách xã có hiệu quả phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, tiến tới cân đối thu chi ngân sách và có kết dư ngày càng tăng.

Điều 2: Việc quản lý, xây dựng và phát triển ngân sách xã được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ngân sách Nhà nước, Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước, Nghị định 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 87/CP, Thông tư 118/2000/TT-BTC ngày 22/12/2000 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, phường, thị trấn, các văn bản pháp luật của Nhà nước và những quy định cụ thể tại văn bản này.

Điều 3: Phạm vi áp dụng.

Bản quy định này được áp dụng cho tất cả các xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là xã) trong tỉnh.

 

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Phân cấp các nguồn thu ở xã.

Để chủ động ngân sách cho cấp xã, UBND tỉnh quy định phân cấp nguồn thu ngân sách xã ổn định 3 năm (2001-2003) như sau:

1. Các khoản thu phân cấp 100% cho các ngân sách xã hưởng:

- Thuế môn bài thu từ các hộ kinh doanh từ bậc 4-6, kể cả thu khoán.

- Các khoản phí, lệ phí quy định thu vào ngân sách xã;

- Chênh lệch thu lớn hơn chi từ các hoạt động sự nghiệp kinh tế có thu của xã;

- Thu đấu thầu, khoán từ quỹ công ích 5% và hoa lợi công sản do xã quản lý;

- Các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân gồm: Các khoản đóng góp theo pháp luật quy định, các khoản đóng góp trên nguyên tắc tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý và các khoản đóng góp tự nguyện khác.

- Các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân cho xã;

- Thu kết dư ngân sách năm trước;

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;

2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % với ngân sách cấp trên:

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

- Thuế nhà đất;

- Tiền sử dụng đất;

- Thuế chuyển quyền sử dụng đất;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh;

- Thuế tài nguyên (trừ tài nguyên rừng);

- Lệ phí trước bạ nhà đất;

Tỷ lệ % phân chia cụ thể các nguồn thu trên đây cho ngân sách xã do UBND tỉnh quy định phù hợp với ngân sách từng năm.

3. Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên:

- Thu bổ sung cân đối ngân sách;

- Thu bổ sung có mục tiêu (nếu có).

Điều 5: Cơ chế khuyến khích tăng thu và đầu tư phát triển nguồn thu.

1. Để khuyến khích các xã phấn đấu tăng thu ngân sách, UBND tỉnh quyết định toàn bộ phần thu vượt dự toán ngân sách được để lại 100% cho ngân sách xã để bổ sung kinh phí chi ngân sách và giành cho đầu tư trên địa bàn theo tỷ lệ như sau:

a. Trích 50% trên số tiền thu vượt để bổ sung chi thường xuyên. Trong đó giành 5% thưởng cho cán bộ thu, 25% bổ sung sinh hoạt phí cho cán bộ xã theo Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn (số trích này không quá 6 tháng sinh hoạt phí theo mức đã quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP, 20% chi thường xuyên khác.

b. 50% còn lại dùng để chi đầu tư phát triển nguồn thu và đầu tư cho sự nghiệp phúc lợi công cộng.

2. UBND tỉnh tiếp tục duy trì cơ chế đầu tư trở lại tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các xã xây dựng kênh mương nội đồng, đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn theo mức 50% đối với các xã miền núi: 40% đối với các xã đồng bằng, phường, thị trấn.

3. Tập trung mọi nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu: Vốn 773, vốn xóa đói giảm nghèo và cả vốn vay tín dụng ngân hàng để đầu tư khai thác trực tiếp đối với hoa lợi công sản, đất công ích, ao hồ, đầm, bãi bồi, bờ sông, gò đồi do xã quản lý (hoặc tổ chức đấu thầu, khoán thu theo mùa vụ). Huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư phát triển thủ công nghiệp, dịch vụ, hình thành những làng nghề, xóm nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân và nguồn đóng góp cho ngân sách xã.

4. Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ nông thôn, thị trấn, thị tứ và tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để mở rộng giao lưu buôn bán hàng hóa phụ vụ tốt đời sống của nhân dân và tăng nguồn thu cho ngân sách xã bằng nguồn huy động đóng góp của nhân dân, nguồn vốn được phân cấp. Đối với các xã vùng núi cao và các xã đặc biệt khó khăn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần.

Điều 6: Tổ chức thu ngân sách.

1. Đối với các khoản thu thuế, các khoản mang tính chất thuế (thuế môn bài, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa sản xuất trong nước như: vàng mã, hàng mã, bài lá, kinh doanh mát xa, karaoke thuộc lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh), trên cơ sở lập bộ thuế, mức thu thuế, chính quyền cấp xã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để đội thuế phường, xã trực tiếp thu vào ngân sách theo tháng và kỳ thu hoạch.

2. Đối với các khoản thu từ phí, lệ phí theo chế độ, thu từ sử dụng quỹ đất công ích, hoa lợi công sản giao cho Ban Tài chính các xã tổ chức thu theo hình thức công khai, đấu thầu, khoán gọn theo mùa vụ hoặc xã tự đứng ra tổ chức sản xuất thu hoa lợi. Xã không được đấu thầu, thu khoán một lần trong nhiều năm gây ảnh hưởng đến nguồn cân đối chi thường xuyên hàng năm của xã.

3. Đối với các khoản thu viện trợ, bổ sung của ngân sách của cấp trên, các khoản huy động đóng góp của nhân dân bằng tiền, bằng hiện vật và ngày công lao động, giao trách nhiệm cho Ban Tài chính xã đảm nhận. Riêng khoản thu huy động đóng góp của nhân dân phải có mục tiêu cụ thể thực hiện theo Thông tư số 29/1999/TT-BTC ngày 19/3/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của nhân dân, Thông tư số 85/1999/BTC ngày 07/7/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng.

4. Đối với các hoạt động sinh lời từ các loại tài sản của xã hoặc các tài sản Nhà nước giao cho xã quản lý (đất công ích 5%, đầm, ao hồ, đến bãi) và các hoạt động sự nghiệp do UBND xã trực tiếp đứng ra tổ chức thực hiện và quản lý theo chế độ quy định không phản ánh toàn bộ hoạt động thu, chi vào ngân sách xã chỉ phản ánh phần chênh lệch thu lớn hơn chi vào ngân sách xã.

5. Tất cả các khoản thu đều phải nộp vào ngân sách hoặc phản ánh vào nguồn thu ngân sách. Nghiêm cấm các xã để nguồn thu ngoài ngân sách để chi tiêu.

6. Đối với các hoạt động tài chính khác ở xã:

a. Những khoản đóng góp của dân do xóm, khối, bản, tổ dân phố đứng ra huy động để sử dụng vào đúng mục đích cụ thể phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng thôn bản không phản ánh vào ngân sách xã nhưng việc huy động chỉ được thực hiện sau khi có sự thống nhất của người dân về chủ trương, mức huy động và phải báo cáo Chủ tịch UBND xã. Các tổ chức đứng ra huy động phải công khai kết quả thu và sử dụng các khoản đóng góp với dân theo Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 01/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành quy định chế thực hiện dân chủ ở xã.

b. Các quỹ công chuyên dùng (quỹ công ích, an ninh quốc phòng, phòng chống bão lụt, đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ trẻ thơ) không phản ánh vào ngân sách xã nhưng phải hạch toán kế toán riêng và quản lý theo quy chế quản lý tài chính của Nhà nước đối với từng quỹ và quyết định của HĐND xã.

c. Đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã, tín dụng nhân dân, Ban Tài chính xã phải kiểm tra, giám sát giúp chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theu quy định của pháp luật.

Điều 7: Phân cấp nhiệm vụ chi và điều hành chi ngân sách xã.

1. Phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách xã.

a. Chi thường xuyên:

- Chi công tác xã hội (hưu, 130 và 111, cứu tế xã hội, thăm hỏi các gia đình chính sách và công tác xã hội khác).

- Chi hỗ trợ sự nghiệp giáo dục (bổ túc văn hóa, nhà trẻ, mẫu giáo);

- Chi hỗ trợ sự nghiệp y tế (mua sắm trang bị hoặc đồ dùng chuyên môn phục vụ khám chữa bệnh phòng bệnh và sự nghiệp y tế khác);

- Chi hỗ trợ hoạt động văn hóa thông tin, thể dục, thể thao, truyền thanh do xã tổ chức;

- Chi hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sự nghiệp kinh tế (khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách xã);

- Chi quản lý sửa chữa, cải tạo các công trình phúc lợi, các công trình hạ tầng cơ sở do xã quản lý (trường học, trạm y tế, nhà trẻ,lớp mẫu giáo, nhà văn hóa, đài tưởng niệm...);

- Chi các hoạt động của cơ quan, Nhà nước, Đảng, Hội đồng nhana dân, các đoàn thể quần chúng (các khoản chi sinh hoạt phí, phụ cấp, phúc lợi, chi văn phòng, mua sắm sửa chữa các chi khác);

- Chi đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho cán bộ xã và các đối tượng khác theo chế độ hiện hành.

- Chi cho công tác dân quân tự vệ, trật tự an toàn xã hội;

- Các khoản chi khác theo quy định;

- Chi dự phòng;

b. Chi đầu tư phát triển: Chi đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo sự phân cấp của tỉnh từ nguồn ngân sách và nguồn huy động đóng góp rên nguyên tắc tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

2. Điều hành chi ngân sách xã:

a. Chi ngân sách xã phải đảm bảo nguyên tắc chi không vượt quá nguồn thu quy định, kể cả số bổ sung từ ngân sách cấp trên nếu có.

b. Thực hiện chi ngân sách xã phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ, định mức tiêu chuẩn, đùng dự toán được duyệt và đúng chủ tịch UBND xã hoặc người được ủy quyền chuẩn chi. Cấp xã không được tùy tiện ban hành các chế độ chi trái với quy định chung của Nhà nước.

c. Thực hiện nghiêm túc chủ trương thực hành tiết kiệm, chông lãng phí trong quản lý và điều hành ngân sách xã theo đúng pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Nhà nước. Quyết định số 1229/1998/QĐ-UB ngày 07/9/1998 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 8: Thực hiện công khai hóa thu chi ngân sách.

1. Việc thu, chi ngân sách xã được thực hiện công khai theo quy định tại Nghị định số 29/1998/BĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành quy chế dân chủ ở xã; Quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế công khai tài chính đối với NSNN các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các doanh nghiệp Nhà nước các quỹ có nguồn thu từ các khoản đóng góp của nhân dân.

2. Nội dung, hình thức, thời điểm công khai thực hiện theo các Thông tư hướng dẫn số 188/1998/TT-BTC ngày 30/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy chế công khai tài chính về ngân sách Nhà nước.

Điều 9: Tổ chức bộ máy Ban Tài chính xã.

UBND xã có Ban Tài chính giúp UBND thực hiện quản lý tài chính ngân sách xã theo quy định của Nhà nước và sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan tài chính cấp trên.

1. Bộ máy Ban Tài chính xã gồm có:

- Một trưởng ban là ủy viên UBND xã phụ trách công tác tài chính, có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND xã tổ chức thực hiện công tác quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã.

- Một phụ trách kế toán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ (tối thiểu phải có trình độ sơ cấp tài chính đối với các xã miền núi, trung cấp đối với các vùng khác) có nhiệm vụ giúp trưởng Ban Tài chính trực tiếp quản lý hoạt động thu chi ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác ở xã, thực hiện công tác kế toán, quyết toán ngân sách xã. Riêng những xã có số thu ngân sách tại địa bàn (không tính số trợ cấp) từ 500 triệu đồng/năm trở lên được bố trí 2 kế toán (1 kế toán thu - 1 kế toán chi).

- Một thủ quỹ (hoặc có thể một cán bộ xã kiêm nhiệm).

2. Nhiệm vụ của Ban Tài chính xã.

a. Xây dựng dự toán ngân sách xã theo hướng dẫn của cơ quan tài chính cấp trên, trình UBND xã xem xét để trình HĐND xã quyết định.

b. Thực hiện việc quản lý thu, chi và quyết toán ngân sách xã theo dự toán đã được Quyết định, quản lý tài sản công tại xã theo quy định của Nhà nước.

c. Tham mưu, giúp UBND xã trong việc khai thác mọi nguồn thu trên địa bàn, bảo đảm cho các hoạt động tài chính, ngân sách của xã lành mạnh và theo đúng quy định của Nhà nước.

d. Kiểm tra về tài chính, ngân sách theo hướng dẫn của cơ quan tài chính cấp trên.

e. Báo cáo về tài chính, ngân sách theo đúng quy định.

3. Quy trình tuyển chọn và chế độ đối với từng chức danh của Ban Tài chính xã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 99-LT ngày 19/5/1998 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm kế toán ngân sách xã do Chủ tịch UBND cấp huyện Quyết định theo đề nghị của Chủ tịch UBND xã và ý kiến bằng văn bản của Trưởng phòng tài chính cấp huyện.

Điều 10: Công tác đào tạo kế toán ngân sách xã.

1. Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh soát xét lại đội ngũ kế toán ngân sách hiện tại giao cho UBND huyện thay thế những kế toán Sở Nông nghiệp và PTNT xã không đủ điều kiện bổ nhiệm theo quy định Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 99-LT ngày 19/5/1998 của Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Căn cứ kết quả theo dõi, kiểm tra về tình hình sử dụng và chất lượng đội ngũ cán bộ, căn cứ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các huyện. Sở Tài chính - Vật giá tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm giao chỉ tiêu và phân bổ ngân sách đào tạo để thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ kế toán, chủ tài khoản ngân sách xã.

2. Cán bộ kế toán xã được cử đi học theo quy hoạch nguồn cán bộ, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ được hưởng chế độ theo Quyết định số 63/1999/QĐUB ngày 23/6/1999 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định chế độ khuyến khích người học và quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức trên địa bàn tỉnh.

Điều 11: Khen thưởng và kỷ luật.

Các xã, cá nhân có thành tích trong việc nuôi dưỡng nguồn thu, khai thác nguồn thu và có những sáng kiến trong việc xây dựng và phát triển ngân sách xã không ngừng tăng thu cho ngân sách xã thì được xét khen thưởng theo quy định.

2. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định của quyết định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12:

1. Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước, trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện bản quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhqcccsptnsxtbtna561