AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 96/2000/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2000                          
Uỷ ban nhân dân

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 05/2000/CT-TTg

ngày 01/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/03/2000 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý;

Theo đề nghị của giám đốc Sở Tư Pháp Lâm Đồng tại tờ trình số 258/TT-TP ngày 24 tháng 8 năm 2000,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý.

Điều 2: Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 05/2000/CT-TTG NGÀY 01/3/2000

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

(Ban hành kèm theo quyết định số 96 /2000/QĐ-UB ngày 06 tháng 9 năm 2000 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Trợ giúp pháp lý miễn phí là một chủ trương lớn của Nhà nước nhằm thể chế hóa Nghị quyết BCH Trung ương Đảng lần thứ 3 (khoá VIII) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng tư vấn pháp luật miễn phí. Công tác trợ giúp pháp lý miễn phí là một bộ phận quan trọng trong chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo về pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhằm tăng cường kỷ cương phép nước và thực hiện công bằng xã hội.

Đối với Lâm Đồng là tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là số hộ đói nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới chiếm tỷ trọng đáng kể. Vì vậy, một bộ phận nhân dân chưa có điều kiện tiếp cận với pháp luật, chưa hiểu biết pháp luật nên thực tế đã có không ít những vi phạm đáng tiếc xảy ra hoặc người dân phải chịu thiệt thòi khi không thể tự mình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp mà nguyên nhân chủ yếu là do không hiểu biết pháp luật.

Thực hiện Quyết định số 734/CT-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý, ngày 07/10/1997, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định số 1501/QĐ-UB thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng. Qua hơn 2 năm hoạt động, với sự nỗ lực và sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp, công tác trợ giúp pháp lý miễn phí đã được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và có hiệu quả, bước đầu đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên đội ngũ chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý nhìn chung còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về kỹ năng trợ giúp, việc mở rộng hơn nữa các hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý và xây dựng tổ chức mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cơ sở còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hữu quan trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện hoạt động trợ giúp chưa chặt chẽ và chưa thành cơ chế cụ thể, thường xuyên, do vậy chưa phát huy hết tác dụng của công tác này trong thực tế.

Thực hiện Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh như sau:

A- Mục đích yêu cầu:

1/- Quán triệt sâu sắc quan điểm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, xác định rõ đây là trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân nhằm mục đích bảo vệ pháp chế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và giúp công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình , coi đây là một bộ phận quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường kỷ cương phép nước và thực hiện công bằng xã hội.

2/- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, đáp ứng yêu cầu đa dạng và ngày một tăng của nhân dân. Khẳng định vai trò nòng cốt của Nhà nước đối với việc giúp đỡ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời thu hút sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức và cộng đồng trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

B- Nội dung biện pháp triển khai thực hiện:

I/- Kiện toàn tổ chức và cơ sở vật chất của Trung tâm trợ giúp pháp lý:

1- Về tổ chức và xây dựng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ:

Tiếp tục kiện toàn và ổn định tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên viên của trung tâm trợ giúp pháp lý có phẩm chất, đạo đức, có năng lực chuyên sâu về từng lĩnh vực trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tăng cường xây dựng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở các Sở, ban, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội - nghề nghiệp và ở các địa phương. Đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên ở xã, phường, thị trấn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, bảo đảm mỗi một lĩnh vực trợ giúp pháp lý có ít nhất từ 4 đến 5 cộng tác viên đảm nhiệm, mỗi xã có ít nhất từ l đến 2 cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Thành lập và kiện toàn các tổ trợ giúp pháp lý ở các ngành và ở các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Xây dựng và mở rộng các địa điểm thực hiện trợ giúp pháp lý ở các Phòng Tư pháp, các Ban Tư pháp và ở các điểm Bưu điện - Văn hóa xã để hàng ngày trực tiếp trợ giúp pháp lý cho nhân dân ở địa bàn cư trú.

Tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, đất đai, nhà ở, lao động, hôn nhân gia đình và về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp thực tiễn. Chú trọng việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, phục vụ nhân dân tận tụy, giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong trợ giúp pháp lý của chuyên viên và cộng tác viên.

2- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động.

Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý, cũng như chế độ bồi dưỡng cho cộng tác viên, tiến tới cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật miễn phí cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp, bảo đảm phương tiện và kinh phí đáp ứng cho nhu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, nhất là ở những xã nghèo và ở vùng sâu, vùng xa, ở các địa bàn trọng điểm

Sử dụng các cơ sở vật chất hiện có tại các Phòng Tư pháp, các Tổ chức Nhà nước khác và các Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn và các điểm Bưu điện - Văn hoá xã để các Tổ trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp một cách thuận lợi.

II/- Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý:

1- Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, khảo sát và tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân, nói chung và đối tượng được trợ giúp nói riêng, tổ chức biên soạn, phát hành các tờ gấp, tờ rơi pháp luật (bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc ít người) về các lĩnh vực chủ yếu có liên quan trực tiếp đến vướng mắc trong đời sống hàng ngày để cung cấp cho các đối tượng và cho cán bộ, nhân dân, nhất là cho cán bộ pháp lý cơ sở, tổ hòa giải để hướng dẫn, giải đáp cho nhân dân ở địa bàn; tiếp tục phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền phổ biến về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng nếp sống pháp luật trong cán bộ, nhân dân.

2- Đẩy mạnh và thường xuyên thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý cụ thể như giải đáp pháp luật, tư vấn pháp luật, hướng dẫn, soạn thảo, góp ý kiến cho đơn từ, văn bản liên quan đến quyền nghĩa vụ công dân, hướng dẫn những thủ tục cần thiết và cung cấp địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, mời Luật sư hoặc cử cộng tác viên tham gia đại diện bào chữa trong các hoạt động tư pháp hoặc tham gia trong các hoạt động thương lượng, ký kết, hòa giải trước các cơ quan, tổ chức cá nhân về các vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của đối tượng trợ giúp pháp lý.

3- Triển khai thực hiện thường xuyên các hình thức trợ giúp bằng miệng, văn bản, thư tín, điện thoại ở trụ sở Trung tâm trợ giúp, Chi nhánh, ở các Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp và ở các điểm Bưu điện - Văn hoá xã, đặc biệt mở rộng hình thức trợ giúp pháp lý trên Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình và nhất là ở các Đài Phát thanh – Truyền hình huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thiết lập các chuyên trang, chuyên mục và chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí định kỳ thường xuyên trên Báo, Đài.

4- Tiếp tục tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động trên toàn địa bàn tỉnh và đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm thường có tranh chấp xảy ra, ở 35 xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các xã nghèo trong tỉnh, gắn với chương trình cấp phát và đăng ký hộ tịch (khai sinh, kết hôn) miễn phí cho các đối tượng trợ giúp pháp lý. Chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp phải đi vào các thôn, buôn, làng nắm vững phong tục tập quán, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có sự trợ giúp pháp lý phù hợp theo phương châm "nếu nhân dân không biết hoặc chưa biết đến trợ giúp pháp lý thì trợ giúp pháp lý phải tìm đến nhân dân, không thụ động ngồi chờ". Đặc biệt phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng, các tổ hòa giải ở cơ sở khảo sát, rà soát, thống kê các nhu cầu vướng mắc pháp luật ở các địa bàn dân cư để phối hợp triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động. Đồng thời thường xuyên tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để bảo đảm việc thực hiện trợ giúp đúng pháp luật, có hiệu quả.

5- Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý bằng hình thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc đã được trợ giúp pháp lý theo Chỉ thị 05/2000/CT-TTg ngày 01/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thực hiện việc đề nghị, đề xuất, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước ban hành không còn phù hợp, góp phần phục vụ công cuộc cải cách hành chính, tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Mặt khác thông báo cho các cơ quan, tổ chức hữu quan về những sai sót, bất hợp lý phát sinh trong hoạt động công vụ mà tổ chức trợ giúp pháp lý phát hiện được trong quá trình thực hiện trợ giúp. Phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và nâng cao dân trí pháp lý, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

6-Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí cho trẻ em, phụ nữ, người già, người mới ra tù nhằm giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tùy theo điều kiện có thể đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp lý miễn phí cho các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và đông đảo nhân dân nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật xúc tiến việc thành lập qũy trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn của Trung ương và tranh thủ sự đóng góp giúp đỡ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với qũy trợ giúp pháp lý để hỗ trợ và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý.

III- Trách nhiệm của các ngành, các cấp đối với hoạt động trợ giúp pháp lý:

1- Sở Tư pháp

Là đầu mối phối hợp với các ngành, các cấp, tổ chức hữu quan có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý.

Phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền, kiện toàn tổ chức bố trí nhân sự của Trung tâm trợ giúp pháp lý đủ sức triển khai các hoạt động.

Phối hợp với UBND các cấp thành lập các Tổ trợ giúp pháp lý; xây dựng, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý; xây dựng đề án, thành lập qũy trợ giúp pháp lý.

Hướng dẫn chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả.

Tổng kết thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và kế hoạch này.

2- Sở Văn hóa- Thông tin, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng có trách nhiệm:

Phối hợp Sở Tư pháp chỉ đạo và thực hiện việc đăng tải, phổ biến rộng rãi miễn phí thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý miễn phí với thời lượng thích hợp trên Báo, Đài Truyền thanh – Truyền hình ở địa phương.

3- Sở Tài chính - Vật giá:

Phối hợp Sở Tư pháp hướng dẫn chế độ tài chính, cấp phát kinh phí, bảo đảm cho Trung tâm trợ giúp pháp lý có cơ sở vật chất, điều kiện làm việc.

Thực hiện chế độ chính sách đối với cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.

4- UBND, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức- có trách nhiệm:

Phối hợp và tạo điều kiện giúp đỡ Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện có hiệu quả chương trình và kế hoạch trợ giúp pháp lý hàng tháng, hàng qúy và cả năm.

Phân công, giới thiệu và tạo điều kiện cho các cán bộ có kiến thức pháp lý và kinh nghiệm công tác của mình làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo đề nghị của Trung tâm trợ giúp pháp lý và Sở Tư Pháp .

Hướng dẫn đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Tạo điều kiện cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nghiên cứu, thu thập, sao chụp hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý phải tuân thủ các quy định có liên quan về việc sử dụng thông tin, tài liệu và nội quy, quy chế làm việc của các cơ quan, tổ chức đó).

5- Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các vụ kiện dân sự, hành chính, lao động nếu bị can, bị cáo, người bị hại hoặc nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể quần chúng yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý cử luật sư đại diện bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật.

6- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được văn bản kiến nghị trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý phải xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị theo quy định tại Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý. Đồng thời theo đề nghị, đề xuất của Trung tâm trợ giúp pháp lý, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cần xem xét thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp và khắc phục những sai sót, bất hợp lý trong hoạt động công vụ.

C- Tổ chức thực hiện:

1- Kế hoạch này được triển khai thực hiện từ năm 2000 đến các năm tiếp theo. Trong quá trình thực hiện có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

2- Các ngành, các cấp, UBND các địa phương có trách nhiệm quán triệt Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch này trong ngành, cấp mình và xây dựng kế hoạch phối hợp, tạo điều kiện cho Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh- tế xã hội, giữ gìn trật tự trị an, ở địa phương.

3- Giao cho Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các ngành, các cấp hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch này và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhkhtkthcts052000n01032000cttcpvvtccttgpl815