AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành đề án "Thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch, dịch vụ

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành đề án "Thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch, dịch vụ

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
Số: 804/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 1998                          
Uỷ BAN NHÂN DÂN

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

Về việc ban hành đề án "Thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng,

rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch, dịch vụ"

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 14/7/1993; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 12/8/1991; Luật Bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993 và điều 14 Bản Quy định việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản ban hành theo Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ;

Căn cứ văn bản số 07/CP-KTN ngày 06/01/1998 của Chính phủ về việc cho thuê đất và khoán đất thuộc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch tại tỉnh Lâm Đồng,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này đề án "Thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch, dịch vụ.

Điều 2: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành trong tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện: Đơn Dương, Lạc Dương, thành phố Đà Lạt và Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Lâm viên, Ban quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim, Giám đốc Xí nghiệp giống lâm nghiệp Đà Lạt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sinh có trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án kể từ ngày ký ban hành./.

 

ĐỀ ÁN:

"Thực hiện thí điểm việc cho thuê và khoán đất lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch, dịch vụ"

(Ban hành kèm theo Quyết định số 804/QĐ-UB

ngày 1/4/1998 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Mở đầu

Rừng thông và thảm cây xanh là đặc trưng nổi bật của cảnh quan Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận. Nơi đây nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại và du lịch nghỉ dưỡng đem lại nhiều lợi ích, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, cải thiện đời sống và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân.

Trong quá trình quản lý, khai thác cảnh quan môi trường rừng, đất rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá, lấn chiếm, việc trồng rừng chưa có hiệu quả cao. Một số hoạt động du lịch dưới tán rừng hiện nay chỉ mới nhằm khai thác lợi thế sẵn có và các nguồn lợi trước mắt,chưa chú ý đầu tư tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Nhiều danh lam thắng cảnh bị xuống cấp trầm trọng; nguồn thu ngân sách từ việc khai thác cảnh quan, môi trường rừng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của nó.

Các cấp, ngành, các đơn vị trong tỉnh chưa nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về giá trị kinh tế - xã hội, nhân văn của danh lam thắng cảnh, của môi trường rừng, các cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tổ chức quản lý danh lam thắng cảnh và cảnh quan môi trường rừng. Mặt khác cho đến nay, chưa có chủ trương thống nhất cũng như một cơ chế chính sách hợp lý trong lĩnh vực này làm cơ sở triển khai thực hiện và thu hút đầu tư.

Để thực hiện thí điểm việc cho thuê và giao khoán đất lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đưa vào khai thác, tôn tạo cảnh quan môi trường rừng cho kinh doanh du lịch, dịch vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, đề án này nêu lên những định hướng lớn về chủ trương nguyên tắc, biện pháp, cơ chế chính sách, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, trước hết là ở Đàlạt và vùng phụ cận.

 

Phần I

MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

I. Mục Đích:

1. Nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn được tệ nạn chặt phá, lấn chiếm rừng đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đẩy mạnh tốc độ trồng rừng phủ xanh đối với đối tượng này.

2. Tăng cường hiệu lực và năng lực quản lý của các đơn vị quản lý rừng của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng, làm cho rừng thực sự có chủ thông qua thu hút đầu tư của nhiều nguồn vốn, nhiều thành phần kinh tế chăm lo sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng.

3. Tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ có giá trị cao phục vụ nhu cầu du lịch, văn hoá, nghỉ dưỡng..., phát huy tiềm năng, thế mạnh của cảnh quan, môi trường rừng, đa dạng hoá các loại hình du lịch, dịch vụ sử dụng cảnh quan, môi trường, bổ sung nguồn thu cho ngân sách và tạo thêm việc làm cho người lao động nghề rừng.

4. Từ kết quả thực hiện phương án thí điểm này, nhằm rút kinh nghiệm, tìm ra mô hình và phương thức, quản lý bảo vệ, tôn tạo và khai thác sử dụng cảnh quan, môi trường thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vào mục đích du lịch, dịch vụ một cách thích hợp và có hiệu quả nhất. Thực hiện một bước tổ chức sắp xếp lại việc quản lý sử dụng các danh lam thắng cảnh gắn với cảnh quan, môi trường rừng, bảo đảm sử dụng hợp lý theo đúng các quy định của Nhà nước.

II. Yêu cầu:

1. Kinh doanh du lịch, dịch vụ trên rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải bảo đảm kết hợp hài hoà lợi ích của Nhà nước và của nhà đầu tư; giữ được cảnh quan môi trường, bảo vệ, phát triển rừng và tôn tạo thắng cảnh tự nhiên hoặc do con người xây dựng gắn liền với các khu rừng. Việc đưa rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sử dụng vào mục đích du lịch, dịch vụ... phải trên cơ sở qui hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền xét duyệt và phải có phương án hoặc dự án đầu tư cụ thể, có hiệu quả; Đồng thời phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Mỗi danh lam, thắng cảnh gắn với cảnh quan, môi trường rừng phải được qui hoạch xác định rõ phạm vi, ranh giới và phương án đầu tư, khai thác, sử dụng. Việc quản lý, sử dụng, tôn tạo phát triển cảnh quan, môi trường rừng phải theo một cơ chế, chính sách đồng bộ, đặt dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước, thông qua UBND tỉnh Lâm Đồng.

2. Phạm vi, diện tích đất dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch, dịch vụ trên rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải bảo đảm không làm phá vỡ cảnh quan, môi trường tự nhiên và thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng. Hạn chế việc xây dựng các nhà hàng, khách sạn tại các điểm du lịch ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Trồng rừng ở đất chưa có rừng không nhằm mục đích khai thác lâm sản mà phục vụ cho lợi ích là bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, môi trường, để hướng tới sử dụng rừng trồng này cho kinh doanh du lịch, dịch vụ.

3. Cảnh quan môi trường rừng phải được coi là một dạng tài nguyên đặc biệt. Mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng cảnh quan, môi trường rừng nhằm mục đích sinh lợi đều có nghĩa vụ đóng góp về tài chính cho Nhà nước tuỳ theo mức độ sinh lợi. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước đầu tư vốn để bảo vệ, phát triển cảnh quan môi trường rừng.

 

Phần II

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN

THÍ ĐIỂM VIỆC CHO THUÊ VÀ GIAO KHOÁN ĐẤT LÂM NGHIỆP

THUỘC RỪNG PHÒNG HỘ, RỪNG ĐẶC DỤNG ĐỂ KHAI THÁC, ĐẦU TƯ,

TÔN TẠO CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG RỪNG CHO KINH DOANH DU LỊCH, DỊCH VỤ

I. Đối tượng rừng, đất cảnh quan áp dụng cơ chế cho thu và giao khoán:

Tất cả các vùng rừng, cây xanh cảnh quan, mặt đất, mặt nước gắn liền với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... trên phạm vi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có khả năng sinh lợi thông qua hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ đều phải áp dụng cơ chế thuê đất cảnh quan, môi trường rừng.

Đà Lạt là một trong những trọng điểm về tiềm năng phát triển du lịch, đang có nhu cầu rất lớn sử dụng rừng vào mục đích kinh doanh du lịch, dịch vụ. Do vậy địa bàn đưa vào thực hiện thí điểm theo đề án này được xác định là vùng rừng tại thành phố Đàlạt và vùng phụ cận, chủ yếu là rừng đặc dụng Lâm Viên, rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (trừ khu phòng hộ xung yếu).

Chi tiết phạm vi diện tích vùng rừng thực hiện thí điểm theo phụ lục 1 kèm theo.

II. Chính sách cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng để kinh doanh du lịch, dịch vụ:

1. Đối tượng được thuê và nhận khoán đất cảnh quan, môi trường rừng:

Đề án này chủ yếu áp dụng việc cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước. Việc cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng đối với trường hợp có nhân tố nước ngoài áp dụng theo quy định riêng của Luật đầu tư nước ngoài.

Mọi thành phần kinh tế trong nước có chức năng và đủ năng lực đầu tư thuộc lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ thoả mãn các điều kiện sau đây đều được xét cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng:

Có dự án, phương án đầu tư khai thác cảnh quan, môi trường rừng để kinh doanh du lịch, dịch vụ hợp lý, có hiệu quả đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ, phát triển rừng và tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Dự án, phương án phải tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu đã nêu và được UBND tỉnh phê duyệt.

Đồng ý thuê đất cảnh quan môi trường rừng theo quy định chung.

2. Phương thức xét chọn cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng:

Trên cơ sở qui hoạch chung về sử dụng các điểm danh lam thắng cảnh, các vị trí có khả năng kinh doanh du lịch, dịch vụ và phương án, dự án đầu tư của các tổ chức kinh tế, cá nhân; UBND tỉnh sẽ quyết định việc xét chọn đối tượng nhận thuê đất cảnh quan, môi trường thông qua một trong các phương thức sau:

Đấu thầu, chọn thầu, chỉ định thầu.

Việc đấu thầu, chọn thầu, chỉ định thầu thực hiện theo quy định của Nhà nước, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Sở Địa chính và UBND thành phố, các huyện có liên quan kiểm tra, thẩm định các phương án, dự án để tham mưu giúp UBND tỉnh giải quyết cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng cho kinh doanh du lịch, dịch vụ theo một trong các phương thức nói trên, với nguyên tắc là:

Ưu tiên các doanh nghiệp Nhà nước trong tỉnh đang quản lý sử dụng có hiệu quả các danh lam thắng cảnh để kinh doanh du lịch.

Việc xét chọn cho thuê cảnh quan, môi trường để kinh doanh du lịch thực hiện chủ yếu bằng phương thức chọn thầu. Phương thức đấu thầu được thực hiện chủ yếu đối với trường hợp kinh doanh dịch vụ khác trên đất rừng.

Vận dụng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh trong xét chọn cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng.

Căn cứ kết quả chọn đối tượng nhận thuê đất cảnh quan, môi trường rừng theo phương thức trên. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ-Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh phê duyệt dự án, phương án và giao cho Ban Quản lý rừng lập hợp đồng cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng với người, đơn vị được chỉ định thầu, chọn thầu hoặc trúng thầu.

3. Về xác định giá cho thuê đất cảnh quan môi trường:

Đơn giá cho thuê đất cảnh quan, môi trường rừng được xác định trên cơ sở khả năng sinh lợi của vị trí, địa điểm cho thuê có chia ra theo từng mục đích sử dụng và loại, hạng đất. UBND tỉnh giao Hội đồng thẩm định giá của tỉnh do Sở Tài chính vật giá chủ trì xây dựng khung giá để đưa ra đấu thầu, chọn thầu, chỉ định thầu đối với từng điểm danh lam, thắng cảnh. Cụ thể việc xác định giá thuê đất cảnh quan, môi trường dựa trên:

Khung giá cho thuê đất tại quyết định số 1357/TC-QĐ-TCT ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính và giá các loại đất theo quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Các hệ số điều chỉnh về khả năng sinh lợi của cảnh quan, môi trường rừng; về những yếu tố lợi thế khác như: Vị trí, địa điểm, cơ sở hạ tầng, lao động, suất đầu tư.

Riêng đất sử dụng cho mục đích xây dựng cơ bản thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Việc tính toán giá cho thuê được lưu ý vận dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước và của tỉnh Lâm Đồng, nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư đối với địa bàn tỉnh miền núi vùng cao.

Việc xác định phạm vi, tính toán tiền cho thuê đất, cảnh quan, môi trường dựa trên:

Phạm vi diện tích đất tính giá cho thuê là toàn bộ khuôn viên, ranh giới khu cảnh quan được xác định giao cho cá nhân, đơn vị đầu tư, có chia ra theo từng mục đích, cấp độ sử dụng và loại, hạng đất.

Giá trị của môi trường rừng được xác định bởi phạm vi diện tích rừng hiện có trong khu vực. Đối với đất trống mà bên nhận khoán tự trồng rừng thì đương nhiên được hưởng không gian rừng hình thành, không phải trả tiền thuê cảnh quan môi trường rừng.

4. Hợp đồng cho thuê đất cảnh quan môi trường:

Hợp đồng thuê đất cảnh quan, môi trường rừng theo mẫu quy định chung do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thống nhất với các ngành liên quan ban hành. Đơn vị quản lý rừng căn cứ quy định và điều kiện cho thuê đất cảnh quan môi trường rừng để tiến hành ký kết hợp đồng với bên thuê. Hợp đồng này phải được UBND tỉnh phê duyệt.

Giá cho thuê được điều chỉnh 5 năm một lần trên cơ sở hệ số trượt giá. Trường hợp không có biến động lớn về giá cả (không vượt quá 10%) thì giá cho thuê mặc nhiên có hiệu lực 5 năm tiếp theo. Trong quá trình 5 năm đó nếu có chính sách mới, các văn bản luật và dưới luật có liên quan đến lĩnh vực này sẽ được xem xét cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp.

Giá cho thuê được Hội đồng định giá của tỉnh xác lập là giá khi điểm để tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu, chọn thầu. Giá cho thuê chính thức là giá được xác định sau đấu thầu, chọn thầu, chỉ định thầu.

Thủ trưởng đơn vị quản lý rừng được coi là người đại diện quyền lợi của Nhà nước khi đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất cảnh quan môi trường rừng với cá nhân, tổ chức kinh tế khác và phải chịu trách nhiệm về nội dung hợp đồng mình đã ký, nếu để xảy ra thiệt hại quyền lợi Nhà nước do cố ý làm trái các quy định về quản lý bảo vệ rừng, về cho thuê đất cảnh quan môi trường rừng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

5. Thời hạn cho thuê đất cảnh quan môi trường rừng:

Thời hạn tối đa cho thuê đất cảnh quan môi trường rừng không quá 50 năm. Việc xác định thời gian cho thuê đối với từng trường hợp cụ thể do UBND tỉnh quyết định trên cơ sở tính hợp lý và tính hiệu quả của phương án đầu tư.

Hết thời hạn cho thuê, toàn bộ cảnh quan, môi trường, các công trình xây dựng, tôn tạo trong quá trình cho thuê trước đó phải được chuyển giao toàn bộ cho Nhà nước không điều kiện. Trường hợp xét thấy cần thiết và hợp lý, bên thuê được tiếp tục nhận thuê thêm một thời gian nữa. Lúc này giá cho thuê được xác định trên cơ sở toàn bộ cảnh quan, kể cả những diện tích, công trình do đơn vị nhận thuê đất đã xây dựng, tôn tạo trong lần nhận thuê trước.

6. Thanh toán tiền cho thuê:

Tiền cho thuê đất cảnh quan môi trường rừng được thanh toán hàng năm, chia thành hai đợt đầu năm và giữa năm. Nhà nước khuyến khích việc thanh toán trả trước tiền thuê:

Trả trước theo định kỳ 5 năm một lần thì được giảm 10% tổng số tiền phải trả của 5 năm đó.

Trả trước theo định kỳ trên 5 năm 1 lần thì được giảm 10% cho 5 năm đầu và giảm thêm 2% cho mỗi năm từ năm thứ 6 trở đi và tính theo phương pháp luỹ tiến từng phần, nhưng mức giảm tối đa không quá 30% số tiền thuê đất cảnh quan môi trường rừng phải nộp theo hợp đồng.

7. Chính sách quản lý sử dụng tiền thuê đất cảnh quan môi trường rừng:

Toàn bộ số tiền thu được từ cho thuê đất cảnh quan môi trường rừng phải được nộp hết vào ngân sách Nhà nước và được dùng đầu tư trở lại để bảo vệ, phát triển rừng và tôn tạo xây dựng cảnh quan môi trường.

Sở Tài chính vật giá tham mưu giúp UBND tỉnh Lâm Đồng quản lý thu nộp, sử dụng số tiền thu này theo đúng mục đích và chế độ quy định.

 

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Du lịch và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định các điểm danh lam thắng cảnh và các vùng rừng dự kiến đưa vào khai thác kinh doanh du lịch, dịch vụ.

2. Trên cơ sở qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kết quả xác định các điểm danh lam thắng cảnh, các vùng liên quan; Giao đơn vị quản lý rừng lập phương án cụ thể hoá đầu tư, khai thác sử dụng đối với từng điểm danh lam, thắng cảnh để tiến hành kêu gọi đầu tư, đấu thầu, chọn thầu, chỉ định thầu cho thuê hoặc giao khoán đất để trồng rừng.

3. Giao Sở Tài chính vật giá chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xác định giá đất, hệ số điều chỉnh theo mức lợi thế về cảnh quan, môi trường rừng đối với từng điểm danh lam thắng cảnh, cụ thể hoá cách tính giá cho thuê đất cảnh quan môi trường theo quy định của phương án này để làm cơ sở triển khai thực hiện.

4. Quá trình thực hiện, các đơn vị có sơ kết, đánh giá kết quả về tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định.

 

1

ĐỊA BÀN RỪNG ĐẶC DỤNG, RỪNG PHÒNG HỘ

THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM VIỆC CHO THUÊ VÀ GIAO KHOÁN

ĐẤT ĐỂ KHAI THÁC, ĐẦU TƯ TÔN TẠO CẢNH QUAN

MÔI TRƯỜNG RỪNG CHO KINH DOANH DU LỊCH, DỊCH VỤ

 

1. Ban quản lý rừng đặc dụng Lâm viên 19.067 ha

2. Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim 4.627 ha

3. Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Đàlạt 4.730 ha

4. Trung tâm nghiên cứu Lâm sinh 384 ha

Cộng 28.722 ha

 

 

 ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH LÂM ĐỒNG

***

Số: 11/1998/CT-UB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------------------------

Đàlạt, ngày 06 tháng 04 năm 1998

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

"Tổ chức thực hiện về thu ngân sách đối với việc

thu cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng"

Để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 1998 từ thu cấp quyền sử dụng đất theo nghị quyết số 01/1998/NQ-HĐ ngày 31/01/1998 về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 1998. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (UBND cấp huyện) triển khai tổ chức thực hiện, tuy nhiên kết quả đạt còn thấp (đến ngày 31/3/1998 ước tòan tỉnh chỉ mới thu được khoảng 4 tỷ đồng trên 50 tỷ đạt 8%). Qua kiểm tra thì các tồn tại chính hiện nay là vấn đề đền bù, giải tỏa giao đất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, giá đất và qui họach phân lô.

Để triển khai tích cực, có hiệu quả và vững chắc việc thu cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ thị:

1/ Về lập và xét duyệt các đồ án qui họach xây dựng:

Đẩy nhanh tiến độ lập, xét duyệt các đồ án qui họach chi tiết theo qui định hiện hành của Nhà nước. Riêng đối với các khu đất, lô đất nằm xen cấy trong các khu vực đất được qui họach chung hoặc chi tiết xác định là khu dân cư, khu dịch vụ thương mại; UBND tỉnh cho phép UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như: Đội khảo sát thiết kế xây dựng hoặc phòng Xây dựng, phòng Địa chính lập họa đồ phân lô đất trình Sở Xây dựng, Sở Địa chính tỉnh kiểm tra xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện việc giao đất.

2/ Về đền bù, giải tỏa các khu qui họach:

Tại các khu đất đã có qui họach chi tiết hoặc phân lô được duyệt, UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo và làm ngay việc đền bù, giải tỏa; đồng thời phổ biến công khai cho nhân dân biết về qui họach, về giá trị tiền sử dụng đất phải nộp cho từng lô đất, để người có nhu cầu giao đất biết để nộp đơn tham gia. Để thống nhất đầu mối trong việc giải quyết giao đất tại các khu qui họach, khu dân cư cũng như tổ chức thu tiền sử dụng đất; UBND tỉnh giao UBND cấp huyện là đầu mối nhận đơn và tổ chức lập hồ sơ thủ tục cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin giao đất theo quy định tại quyết định số 327/1998/QĐ-UB.

Về chi phí để qui họach phân lô, đền bù, giải tỏa nếu các địa phương không tự giải quyết được thì lập văn bản đề xuất để Sở Tài chính vật giá xem xét trình UBND tỉnh để giải quyết cho ứng từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

3/ Về giao nhận đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất:

Đối với các trường hợp nhân dân đã nộp tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính (theo hình thức đấu giá hoặc giao đất) thì UBND cấp huyện và sở Địa chính tỉnh cần khẩn trương lập hồ sơ giao đất, tổ chức giao nhận đất tại hiện trường, không được để kéo dài; Đồng thời hướng dẫn người sử dụng đất đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở "Sổ đỏ" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được giao đất an tâm và quản lý sử dụng theo qui định.

4/ Về xây dựng cơ sở hạ tầng các khu qui họach:

Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chung của các khu qui họach theo kế họach sử dụng đất hàng năm của tỉnh nhằm đảm bảo lợi ích Nhà nước yêu cầu, khả năng của nhân dân. Trong khi nguồn kinh phí thu từ đất còn hạn chế, trước mắt cần tập trung kinh phí cho việc đền bù, giải tỏa san ủi đường ranh, đường lô để kịp phục vụ cho việc giao đất. Đối với các lô đất chưa có cơ sở hạ tầng chung hòan chỉnh, khi giao đất UBND cấp huyện và ngành chức năng cần xác định giá đất cho phù hợp. Riêng các lô đất nằm xen cấy trong các khu dân cư, lô đất được giao theo qui họach thì tổ chức, cá nhân sử dụng phải xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất được Nhà nước giao theo đúng qui hoạch.

Để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các khu qui họach được duyệt, UBND cấp huyện cần tập trung đền bù, giải tỏa và lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngòai tỉnh có vốn cùng tham gia theo các hình thức: Liên doanh, đổi đất lấy hạ tầng, tự bỏ vốn xây dựng trước để thực hiện theo dự án đầu tư được duyệt nhằm tăng giá trị sử dụng của lô đất.

5/ Về giá đất:

Để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu xin giao đất có điều kiện nộp tiền sử dụng đất, việc xác định giá đất phù hợp với thực tế và hợp lý là rất cần thiết. UBND tỉnh giao Sở Tài chính vật giá tỉnh cùng UBND cấp huyện kiểm tra xem xét khả năng sinh lợi, cơ sở hạ tầng khu đất... để xác định giá đất, có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với giá đất UBND tỉnh đã xác định trước đây.

6/ Về tổ chức thực hiện:

a) Đối với cấp huyện:

Để đảm bảo việc thu ngân sách năm 1998 về thu cấp quyền sử dụng đất, UBND cấp huyện phải chủ động thúc đẩy thực hiện bằng nhiều biện pháp như tìm kiếm bổ sung quĩ đất, tích cực đền bù giải tỏa, ủi đường ranh, phân lô... Tiếp tục cải tiến các thủ tục giao đất của các phòng, ban nghiệp vụ trực thuộc để mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu khi đến liên hệ nộp đơn, nộp tiền, nhận quyết định và nhận bàn giao đất một cách thuận lợi nhất. Tránh đùn đẩy hay tình trạng khi đã nộp đủ tiền sử dụng đất, nhận quyết định giao đất mà trên lô đất được giao chưa giải quyết xong việc đền bù, giải tỏa.

b) Đối với cấp tỉnh:

Giao Sở Tài chính vật giá tỉnh là đối mối chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Địa chính và Cục Thuế tỉnh có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh kiểm tra, thực hiện việc thu ngân sách Nhà nước năm 1998 về thu cấp quyền sử dụng đất trên phạm vi cả tỉnh, tập trung giải quyết các kiến nghị đề xuất của UBND cấp huyện có liên quan đến giá đất, đền bù giải tỏa.

Đối với các Sở Xây dựng và Địa chính cần tập trung giải quyết về qui họach phân lô, hồ sơ giao đất theo qui định hiện hành.

Trên đây là một số nội dung công việc về tổ chức thực hiện về thu ngân sách đối với việc thu cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan: Sở Tài chính vật giá, Xây dựng, Địa chính, Cục Thuế tỉnh và các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện. Trường hợp có gì vướng mắc thì có báo cáo ngay để UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhhtvctvklntrdrphkddldv807