AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành các Qui định: quản lý giống cây trồng,quản lý giống vật nuôi và quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành các Qui định: quản lý giống cây trồng,quản lý giống vật nuôi và quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Thuộc tính

Lược đồ

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Số: 89/2002/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2002                          

 QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND THÀNH PHỐ

Về việc ban hành các Qui định quản lý giống cây trồng, quản lý giống vật nuôi và quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;

Căn cứ Nghị định số 07/CP ngày 5/2/1996 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng; Thông tư số 02/NN-KNKL/TT ngày1/3/1996 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thi hành Nghị định số 07/CP;

Căn cứ Nghị định số 14/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý giống vật nuôi; Thông tư số 09/NN-KNKL/TT ngày17/9/1998 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thi hành Nghị định số 14/CP;

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi; Thông tư số 08/NN-KNKL/TT ngày17/9/1996 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thi hành Nghị định số 15/CP;

Căn cứ Nghị định số 30/2000/NĐ-CP ngày 11/8/2000 của Chính phủ về bãi bỏ một số giấy phép, chuyển một số giấy phép thành điều kiện kinh doanh;

Xét đề nghị của liên Sở: Nông nghiệp và PTNT - Tư pháp tại Tờ trình số 57/NN-KC ngày 20/5/2002 về việc ban hành các qui định về quản lý cây trồng, vật nuôi và thức ăn gia súc trên địa bàn Thành phố Hà Nội,

         

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này là các văn bản qui định của Uỷ ban nhân dân Thành phố về:

Quản lý Giống cây trồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Quản lý Giống vật nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

 

Điều 2: Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở: Thương mại; Tài chính - Vật giá; Kế hoạch và Đầu tư;  Khoa học Công nghệ và Môi trường; Tư Pháp, Công an Thành phố, Cục Hải quan Hà Nội, các ngành liên quan và UBND các Huyện, Quận hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định này.

 

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các qui định trước đây của Uỷ ban nhân dân Thành phố, trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

 

Điều 4: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính - Vật giá; Thương mại; Kế hoạch và Đầu tư;  Khoa học Công nghệ và Môi trường; Tư Pháp, Công an Thành phố, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, Thủ trưởng các ngành liên quan và UBND các Huyện, Quận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

                                  

 

QUY  ĐỊNH

Về việc quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội

(Ban hành kèm theo quyết định số 89/2002/QĐ-UB ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

 

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG  

Điều 1: Trong qui định này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vật nuôi gồm các loại gia súc, gia cầm, ong, tằm, thủy sản, động vật nghiệp vụ (chó, ngựa...), động vật cảnh (chó, mèo, chim...).

2. Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm đã qua chế biến công nghiệp có nguồn gốc thực vật, động vật, vi sinh vật, hóa chất, khoáng chất cung cấp cho vật nuôi các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho hoạt động sống, sinh trưởng, phát triển và sinh sản.

3. Nguyên liệu thức ăn hay thức ăn đơn là các loại sản phẩm dùng để chế biến thành thức ăn chăn nuôi.

4. Thức ăn bổ sung là loại vật chất cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối thêm các chất cần thiết cho cơ thể vật nuôi.

5. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp nhiều thức ăn đơn được phối chế theo công thức, bảo đảm có đủ chất dinh dưỡng duy trì được đời sống và sức sản xuất của vật nuôi không cần thêm một loại thức ăn nào khác ngoài nước uống.

6. Thức ăn hàng hóa là thức ăn được lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.

 

Điều 2: Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội thống nhất quản lý về sản xuất, lưu thông kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi của các cơ sở trên địa bàn Hà Nội nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sản xuất lưu thông, kinh doanh và người sử dụng thức ăn chăn nuôi.

 

Điều 3: Mọi tổ chức, cá nhân kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội phải chấp hành các qui định của pháp luật có liên quan và nội dung bản qui định này.

 

         

CHƯƠNG II

SẢN XUẤT, LƯU THÔNG, KINH DOANH, SỬ DỤNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI  

Điều 4: Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải tuân thủ qui định hiện hành của Nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp.

 

Điều 5: Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có đủ điều kiện sau:

1. Có địa điểm, nhà xưởng, trang thiết bị, qui trình công nghệ để sản xuất thức ăn chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường.

2. Có điều kiện hoặc phương tiện kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm trước khi xuất xưởng.

3. Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành chăn nuôi hoặc chăn nuôi thú y (đối với cơ sở sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, chim, thú) hoặc thuỷ sản (đối với cơ sở sản xuất thức ăn cho động vật thuỷ sản). Địa điểm sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có biển đề tên cơ sở đã đăng ký. Biển phải rõ ràng, đặt nơi mọi người dễ nhìn thấy.

 

Điều 6: Cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải có cửa hàng, kho chứa, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi, vệ sinh thú y  và vệ sinh môi trường. Kho chứa thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi không được chứa các chất gây độc hại đến nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi.

 

Điều 7: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi chỉ được sản xuất, kinh doanh các loại thứuc ăn chăn nuôi trong danh mục cho phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thủy sản công bố hàng năm.

 

Điều 8: Tổ chức, cá nhân sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa phải công bố tiêu chuẩn chất lượng các loại thức ăn; Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa phải thực hiện đúng các qui định của Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc theo các qui định của Bộ Thuỷ sản đối với các loại thức ăn chăn nuôi thủy sản.

 

Điều 9: Thức ăn chăn nuôi hàng hóa trước khi xuất xưởng phải qua kiểm tra chất lượng và lưu mẫu; phiếu kiểm tra xuất xưởng và mẫu lưu phải giữ tối thiểu 06 tháng đối với các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc; 18 tháng đối với các loại thức ăn bổ sung; 24 tháng đối với các loại thức ăn đặc biệt.

 

Điều 10: Các loại thức ăn chăn nuôi hàng hóa đều phải có bao bì và có nhãn. Việc ghi nhãn hàng hóa phải thực hiện đúng theo Thông tư số 75/2000 TT-BNN-KHCN ngày 17/7/2000 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hoặc Thông tư số 03/2000/TT-BTS ngày 22/9/2000 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về qui chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp giao hàng rời, thì phải có văn bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo hàng hóa.

 

Điều 11: Quá trình vận chuyển, lưu thông thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo không để thức ăn bị nhiễm các chất độc hại, nhiễm khuẩn, không gây biến đổi chất làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn.

 

Điều 12: Nghiêm cấm sản xuất, lưu thông, kinh doanh và sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi sau đây:

1. Thức ăn chăn nuôi kém phẩm chất hoặc quá hạn.

2. thức ăn đựng trong bao bì không đúng qui cách, không có  nhãn hiệu

3. Thức ăn chăn nuôi có hoạt tính hoóc môn hoặc kháng hoóc môn, các độc tố và chất có hại trên mức qui định.

4. Thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thủy sản.

5. Thức ăn chăn nuôi chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng theo qui định.

 

Điều 13: Thức ăn chăn nuôi lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam phải thông qua thử nghiệm, khảo nghiệm. Việc thử nghiệm, khảo nghiệm trên địa bàn Hà Nội phải được sự chấp thuận (bằng văn bản) của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời phải thực hiện đầy đủ qui định về thử nghiệm, khảo nghiệm thức ăn mới do Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc Bộ Thủy sản ban hành.

 

Điều 14: Nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi phải thực hiện đúng các qui định tại Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005; Thông tư 62/2001/TT-BNN ngày 5/6/2001 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp và Hướng dẫn số 377/2001/HD-KNKL ngày 19/6/2001 của Cục Khuyến nông Khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về thực hiện Thông tư 62/2001/TT-BNN; Phải báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội số lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

 

Điều 15: Khi sản phẩm thức ăn chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có quyền đình chỉ sản xuất, đình chỉ việc tiêu thụ sản phẩm. Thức ăn chăn nuôi không đảm bảo an toàn cho vật nuôi thì bị thu hồi và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Điều 16: Cơ quan quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi có quyền cử người đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi tìm hiểu tình hình, lấy mẫu, thu thập các tài liệu cần thiết theo qui định, để đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi. Việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi có giá trị pháp lý kể cả khi vắng mặt chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi: Người lấy mẫu phải lập biên bản lấy mẫu và để lại một mẫu ở nơi lấy mẫu (niêm phong).

 

         

CHƯƠNG III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Điều 17: Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội có nhiệm vụ:

1. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu thông, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội thực hiện các qui định của Nhà nước về sản xuất, lưu thông, kinh doanh và sử dụng, quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc công bố tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi đối với các cơ sở thuộc quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội.

2. Chủ trì việc kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thuộc quyền quản lý của mình. Phối hợp với Cục Khuyến nông Khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa thức ăn chăn nuôi cũng như chất lượng thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở do Cục Khuyến nông Khuyến lâm quản lý đóng trên địa bàn Hà Nội. Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và các ngành liên quan kiểm tra việc kinh doanh, lưu thông, buôn bán, sử dụng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.

3. Có quyền đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như đã công bố đối với các cơ sở thuộc quyền quản lý của mình.

4. Có quyền kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu thông, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có những vi phạm nghiêm trọng gây thiệt hại cho người sử dụng thức ăn chăn nuôi; Khi đã được thông báo tới 03 lần để khắc phục nhưng không thực hiện.

5. Giải quyết các tranh chấp về chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.

6. Phối hợp với các ngành liên quan của Thành phố Hà Nội xây dựng các chính sách khuyến khích sản xuất, lưu thông, kinh doanh thức ăn chăn nuôi để trình Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt và ban hành nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi phục vụ phát triển chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.

 

Điều 18: Các cơ sở sản xuất, lưu thông, kinh doanh, cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi phải chịu sự kiểm tra, thanh tra theo các qui định hiện hành của nhà nước. Nội dung kiểm tra, thanh tra sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi như sau:

1. Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi hoặc giấy phép đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

2. Kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

3. Kiểm tra hồ sơ về công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.

4. Kiểm tra vệ sinh thức ăn chăn nuôi, vệ sinh môi trường nơi sản xuất, bảo quản, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

5. Lấy mẫu phân tích định kỳ để kiểm tra chất lượng hàng hóa thức ăn chăn nuôi không quá  01 lần trong 01 năm đối với các doanh nghiệp được cấp chứng chỉ GMP, ISO, HACCP hoặc hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tương đương; Không quá 02 lần trong 01 năm đối với các cơ sở còn lại. Việc kiểm tra định kỳ và lấy mẫu sản phẩm hàng hóa để phân tích chất lượng được tiến hành đông thời trong một lần. Phân tích  chất lượng sản phẩm chỉ được tiến hành tại các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật hoặc các phòng kiểm nghiệm do Cục Khuyến nông khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chỉ định.

6. Việc kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi chỉ được tiến hành khi có đơn khiếu nại hoặc tố cáo của người tiêu dùng.

 

Nội dung kiểm tra gồm:

Hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng mặt hàng có đơn khiếu nại.

Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi hàng hóa bị khiếu nại để gửi đi phân tích. Việc lấy mẫu phải thực hiện đúng theo TCVN, mẫu được chia thành 02 phần: 01 phần gửi đi phân tích, kiểm tra; 01 phần niêm phong và giao lại cho đơn vị có thức ăn bị kiểm tra lưu giữ. Việc phân tích  chất lượng thức ăn chăn nuôi hàng hóa bị khiếu nại phải được thực hiện tại các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật hoặc phòng kiểm nghiệm do Cục khuyến nông khuyến lâm. Nếu kết quả phân tích kiểm tra, vẫn đảm bảo như trong công bố tiêu chuẩn chất lượng; thì người khiếu nại hoặc tố cáo phải chịu bồi thường mọi phí tổn cho việc kiểm tra.

7. Kiểm tra nhãn mác, bao bì và khối lượng:

8. Khi kiểm tra phải lập biên bản, bên kiểm tra và bên được kiểm tra phải ký vào biên bản. Biên bản được làm thành 4 bản (trong đó gửi về Cục Khuyến nông Khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) 01 bản, Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội 01 bản; đơn vị được kiểm tra 01 bản, đoàn kiểm tra 01 bản). Trong trường hợp bên được kiểm tra không ký vào biên bản mà có người làm chứng thì biên bản vẫn có giá trị.

9. Kết quả phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi hàng hóa phải gửi cho cơ sở được kiểm tra 01 bản.

10 . Xử lý các vi phạm theo pháp luật và báo cáo kết quả xử lý về Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội và Cục Khuyến nông Khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

 

Điều 19: Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh  thức ăn chăn nuôi phải nộp lệ phí, phí tổn cho việc kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi.

 

Điều 20: Nhiệm vụ về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi của UBND các Quận, Huyện:

1. Chủ tịch UBND các Quận, Huyện có nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ qui định của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các qui định pháp luật có liên quan về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thuộc quyền quản lý hành chính của UBND các Quận, Huyện.

2. Để thực hiện nhiệm vụ về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, UBND các Quận, Huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý của mình: phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh, lưu thông, buôn bán và sử dụng thức ăn chăn nuôi; Xử lý các vi phạm theo pháp luật. Mỗi Quận, Huyện bố trí ít nhất 01 cán bộ có trình độ đại học chăn nuôi hoặc đại học chăn nuôi thú y thường xuyên theo dõi, tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.

3. Kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội những vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

 

Điều 21: Sở Thương mại, Sở Tài chính vật giá, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường, Sở Tư pháp, Công an Thành phố có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT  tổ chức thực hiện tốt việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội và xây dựng các văn bản pháp qui cần thiết trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt nhằm thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi phát triển.

  

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH  

Điều 22: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi sẽ được khen thưởng. Người có hành vi vi phạm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi tuỳ theo mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật.      

 

Điều 23: Văn bản này có hiệu lực sau 15 ngày ký quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội chịu trách nhiệm tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.

                                       

 

QUY ĐỊNH

Về việc quản lý giống cây trồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội

(Ban hành kèm theo quyết định số 89/2002/QĐ-UB ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG  

Điều 1: Thuật ngữ về giống cây trồng nêu trong qui định này được hiểu và cụ thể hóa như sau:

1. Giống cây trồng: là tập hợp các cây nông nghiệp, lâm nghiệp cùng một loài có sự đồng nhất về di truyền, có những đặc điểm khác biệt với các cây trồng cùng loài về một hay nhiều đặc tính và khi sản sản (hữu tính hay vô tính) vẫn giữ được đặc tính đó.

Giống bao gồm các nguyên liệu sinh sản của thực vật dùng trong sản xuất nông - lâm nghiệp: Hạt, củ, quả, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô tế bào, bào tử và sợi nấm dùng để làm giống.

2. Giống gốc: (hay còn gọi là giống tác giả, giống siêu nguyên chủng, với cây ăn quả, cây lâm nghiệp gọi là cây mẹ) khi được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận mới được nhân tiếp làm giống cho sản xuất đại trà.

3. Giống nguyên chủng: là giống được nhân ra từ giống gốc theo qui trình sản xuất giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng giống nguyên chủng.

4. Giống xác nhận: là giống của đời cuối cùng của giống nguyên chủng để đưa ra sản xuất đại trà.

5. Giống địa phương: là giống đã tồn tại lâu đời và tương đối ổn định tại địa phương, có những đặc trưng, đặc tính khác biệt với các giống khác và di truyền được cho đời sau.

6. Cây đầu dòng: là những cây ưu tú nhất được tuyển chọn từ những cây hiện có.

7. "Vườn cây đầu dòng": được nhân vô tính từ cây đầu dòng.

 

Điều 2: Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống cây trồng trên địa bàn Hà Nội  phải chấp hành nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật có liên quan và nội dung của bản qui định này.

 

Điều 3: Tất cả các lô giống được sản xuất trong Thành phố hoặc nhập nội để bán, trao đổi trên thị trường đều phải đạt tiêu chuẩn đã được qui định của Nhà nước hoặc của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo đúng cấp, chất lượng đã được công bố.

 

Điều 4: Các giống cây trồng mới chưa được công nhận là giống Quốc gia (giống tiến bộ kỹ thuật, giống địa phương, giống nhập nội) trước khi đưa vào sản xuất đại trà phải qua khảo nghiệm, sản xuất thử và được Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  quyết định công nhận.

 

         

CHƯƠNG II

SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 5: Mọi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.

 

Điều 6: Tổ chức, cá nhân khi đưa ra các loại giống cây trồng vào khảo nghiệm hoặc sản xuất thử trên địa bàn Thành phố phải báo cáo và được sự  chấp thuận của  Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  phải chịu trách nhiệm về chất lượng giống của mình, có hợp đồng bảo hiểm về năng suất cây trồng và chi phí tiến hành khảo nghiệm, sản xuất thử cho người khảo nghiệm.

 

Điều 7: Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải có đủ các điều kiện sau:

1. Giống cây trồng đã có tên trong danh mục giống cây trồng được sử dụng do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố. Phải đăng ký tên cây trồng sản xuất ra với Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội.

2. Đối với cây trồng nhân bằng phương pháp vô tính, phải sản xuất từ nguồn giống gốc đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận.  

3. Cơ sở vật chất và thiết bị sản xuất phải đảm bảo thực hiện đúng qui định sản xuất và bảo quản đối với từng loại cây trồng và từng cấp giống.

4. Có người và thiết bị kiểm nghiệm chất lượng giống cây trồng hoặc hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng kiểm định - kiểm nghiệm để xác định giống cây trồng sản xuất ra.

5. Phải công bố chất lượng giống cây trồng do cơ sở sản xuất ra và bán đúng chất lượng giống cây trồng đã công bố.

6. Cơ sở sản xuất giống cây trồng phải có hoặc thuê cán bộ kỹ thuật trung cấp trồng trọt trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ - kỹ thuật sản xuất giống cây trồng.

 

Điều 8: Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Tổ chức, cá nhân phải đăng ký tên giống cây trồng được đưa ra kinh doanh với Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội.

2. Có địa điểm, kho, bãi đủ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại giống cây trồng và từng cấp giống cây trồng theo qui định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

3. Giống cây trồng khi đưa ra kinh doanh phải ghi nhãn theo qui định hiện hành.

4. Người kinh doanh giống cây trồng phải công bố chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn theo qui định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT; phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do chất lượng giống cây trồng bán ra không đúng với chất lượng đã công bố.

5. Nếu nhập khẩu giống cây trồng ngoài danh mục qui định của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì phải được Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng ý bằng văn bản.

6. Các loại giống cây trồng được bán trên thị trường phải có đủ các điều kiện sau:

Phải đảm bảo chất lượng như đã công bố.

Có nhãn hàng hóa theo qui định.

Người buôn bán giống cây trồng phải thực hiện bảo hành chất lượng giống với người sản xuất, phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng giống do giống không đảm bảo chất lượng gây ra, (được loại trừ các yếu tố không phải do giống).

 

Điều 9: Giống cây ăn quả lâu năm, chỉ được phép nhân từ những giống cây đã được cấp có thẩm quyền công nhận (bằng vô tính hay hữu tính qui định cho từng loại cây), phải có vườn ươm giống gốc hoặc cây đầu dòng.

 

Điều 10: Giống cây trồng để phục vụ trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách phải sử dụng đúng loại giống theo qui định về cơ cấu và  xuất xứ giống.

 

         

CHƯƠNG III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 11: Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội thực hiện quản lý Nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm:

1. Xác định và công bố cơ cấu giống cây trồng, chủng loại giống cụ thể cho các vùng sinh thái trên địa bàn.

2. Lập qui hoạch, kế hoạch, xây dựng hệ thống giống cây trồng, kế hoạch đầu tư cho sản xuất giống, chính sách trợ giá giống gốc, giống dự phòng thiên tai, khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống mới.

3. Tổ chức bộ phận kiểm định, kiểm nghiệm, cấp chứng chỉ chất lượng giống cây trồng hoặc uỷ quyền cho đơn vị chuyên ngành có đủ điều kiện làm nhiệm vụ này.

4. Tiến hành kiểm tra thường xuyên việc sản xuất kinh doanh, dịch vụ sử dụng giống cây trồng trên địa bàn bề chất lượng và cơ cấu, đồng thời thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước đối với cấp huyện, xã; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý giống cây trồng.

5. Phối hợp với các cơ quan, ngành có liên quan, UBND các Quận, Huyện tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi trong nhân dân bản qui định này.

 

Điều 12: UBND các Quận, Huyện thực hiện quản lý Nhà nước đối với giống cây trồng trên địa bàn có trách nhiệm:

1. Xác định cụ thể cơ cấu giống cây trồng của địa phương phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái theo hướng dẫn chung của Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội.

2. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cơ cấu giống, chất lượng giống và qui trình kỹ thuật thâm canh giống cây trồng; các qui định về kinh doanh - dịch vụ giống cây trồng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền.

3. Bố trí cán bộ được đào tạo chuyên ngành trồng trọt về công tác tại phòng Kế hoạch - Kinh tế và PTNT.

 

Điều 13: UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhà nước về giống cây trồng tại địa phương có trách nhiệm:

1. Tuyên truyền sâu rộng các qui định của Trung ương, địa phương về quản lý giống cây trồng để mọi người dân chủ động, tự giác thực hiện.

2. Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống cây trồng, xây dựng vùng sản xuất giống theo qui định.

3. Thành lập các mô hình, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhóm sở thích, hộ nông dân ưu tú sản xuất giống cây trồng.

 

 

CHƯƠNG IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM  

Điều 14: Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý giống cây trồng, chỉ đạo phát triển giống tốt sản xuất và kinh doanh đạt chất lượng, hiệu quả cao, được xem xét khen thưởng.

 

Điều 15: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không thực hiện các qui định trên đây; tuỳ mức độ vi phạm mà bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định hiện hành.

 

Điều 16: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống cây trồng của Thanh tra chuyên ngành, cơ quan Công an, quản lý thị trường theo qui định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

 

 

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17: Bản  qui định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định ban hành thay thế bản qui định của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành kèm theo Quyết định số 53/1999/QĐ-UB ngày 06/7/1999. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mức, Sở Nông nghiệp và PTNT  tổng hợp, báo cáo để trình Uỷ ban nhân dân Thành phố để xem xét, điều chỉnh và bổ sung kịp thời.

  

 

QUY ĐỊNH

Về việc quản lý giống vật nuôi trên địa bàn Thành phố Hà Nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số 89/2002/QĐ-UB ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

  

CHƯƠNG I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG  

Điều 1: Thuật ngữ về giống vật nuôi nêu trong qui định này được hiểu như sau:

1. Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc. Giống vật nuôi phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau:  

2. Giống vật nuôi bao gồm đàn giống gốc, đàn giống ông bà, đàn giống bố mẹ của các giống gia súc, gia cầm, thuỷ sản, ong, tằm, và các sản phẩm giống của chúng như trứng giống, tich dịch, phôi.

3. Giống gốc là giống vật nuôi thuần chủng được chọn lọc và nuôi dưỡng để nhân giống có năng suất, chất lượng ổn định.

4. Đàn giống ông bà là giống vật nuôi nhân từ đàn giống gốc và được chọn lọc có định hướng.

5. Đàn giống bố mẹ là sản phẩm của đàn giống ông bà, sản xuất ra con giống thương phẩm.

6. Phôi là hợp tử đã phát triển đã có các lá mầm và lá phôi.

7. Kiểm tra năng suất qua đời sau để đánh giá năng suất và chất lượng của bản thân con giống cần kiểm tra thông qua đời con của nó.

 

Điều 2: Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoặc vừa sản xuất vừa kinh doanh, xuất nhập khẩu giống vật nuôi, các cơ quan quản lý nhà nước về giống vật nuôi ở Hà Nội phải chấp hành nội dung của bản qui định này và các qui định của pháp luật có liên quan.

 

Điều 3: tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn giống vật nuôi.

Tất cả các giống vật nuôi của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đưa vào sản xuất, kinh doanh trao đổi trên địa bàn Thành phố phải đạt tiêu chuẩn cấp Nhà nước hoặc tiêu chuẩn cấp ngành; phải công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống theo qui định của Nhà nước.

 

         

CHƯƠNG II

SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG GIỐNG VẬT NUÔI  

Điều 4: Đăng ký sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi:

Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải tuân thủ các qui định hiện hành của nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Các Hợp tác xã hoặc hộ nông dân được chọn đưa vào tham gia hệ thống sản xuất giống vật nuôi của Hà Nội, phải có giấy chứng nhận được sản xuất kinh doanh giống vật nuôi do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  (PTNT) Hà Nội cấp.

 

Điều 5: Điều kiện sản xuất giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ: Việc sản xuất giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ ngoài việc bảo đảm các điều kiện chung cho từng loại, phải có các điều kiện cụ thể sau:

1. Giống vật nuôi phải có tên trong danh mục tuyển chọn được công bố hàng năm của Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc của Bộ Thuỷ sản, hoặc do Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định.

2. Có diện tích mặt bằng, chuồng trại phù hợp với kỹ thuật nuôi con giống, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y và môi trường.

3. Người làm kỹ thuật phải có trình độ đại học chăn nuôi (đối với giống gốc, giống ông bà) và trình độ trung cấp chăn nuôi (đối với giống bố mẹ).

4. Phải có hệ thống sổ sách để theo dõi năng suất cá thể, quần thể; ghi chép rõ ràng về huyết thống, sinh trưởng, năng suất sinh sản, về thú y... theo mẫu qui định thống nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Đối với trại giống thuộc doanh nghiệp Nhà nước sản xuất giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ phải có chương trình ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giống.

5. Khi giống vật nuôi được đưa vào lưu thông phân phối cho người sử dụng, người sản xuất giống vật nuôi phải khai báo kiểm dịch động vật với cơ quan thú y có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo qui định.

6. Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống vật nuôi phải đăng ký với Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội về tên giống vật nuôi định buôn bán.

7. Người kinh doanh giống vật nuôi khi bán con giống, phải đảm bảo chất lượng con giống đúng như đã công bố; phải chịu mọi trách nhiệm và bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua do chất lượng giống vật nuôi bán ra không đúng với chất lượng đã công bố.

 

Điều 6: Khảo nghiệm, thử nghiệm giống mới

Các giống vật nuôi mới chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh (do Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc Bộ Thủy sản ban hành) trước khi đưa vào sản xuất, kinh doanh phải qua khảo nghiệm hoặc thử nghiệm theo qui định của Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc Bộ Thuỷ sản. Nếu tiến hành khảo nghiệm hoặc thử nghiệm trên địa bàn Thành phố Hà Nội thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội. Giống vật nuôi qua khảo nghiệm hoặc thử nghiệm, được Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc Bộ Thuỷ sản quyết định công nhận, thì được đưa vào sản xuất kinh doanh.

 

Điều 7:Giống vật nuôi đưa vào kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện qui định tại Quyết định số 34/2001/BNN-VP ngày 30/3/2001 của Bộ Nông nghiệp và PTNT như sau:

1. Con giống phải có chứng chỉ ghi rõ tên hoặc ký hiệu cá thể huyết thống, năng suất, chất lượng, tình trạng sức khoẻ và xử lý thú y.

 

2. Trứng giống phải có lý lịch huyết thống rõ ràng.

 

3. Phải giới thiệu công khai lý lịch con đực giống khai thác tinh dịch.

Nhãn tinh dịch phải ghi rõ tên đực giống hoặc ký hiệu, các chỉ số chất lượng tinh, ngày sản xuất và có bao gói bảo quản theo qui định.

 

4. Phôi giống phải có giấy chứng nhận nguồn gốc bố mẹ và bao gói, bảo quản, vận chuyển đúng qui định.

 

5. Giống qui định tại mục 1.2.3.4 nêu trên phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú  y theo qui định.

 

Điều 8: Qui định về nhãn mác hàng hóa lưu thông trên thị trường

 

Khi giống vật nuôi được bán ra thị trường phải có nhãn hàng hóa (theo Thông tư số 75/2000/TT-BNN-KHCN ngày 17/7/2000 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thông tư số 03/2000/TT-BTS ngày 22/9/2000 của Bộ Thủy sản, hướng dẫn thực hiện quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng chính phủ về qui chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu). Nhãn mác hàng hóa đối với giống vật nuôi gồm các nội dung chủ yếu như sau:

 

1. Tên giống vật nuôi.

2. Định lượng hàng hóa.

3. Ghi rõ chỉ tiêu chất lượng chủ yếu.

4. Ngày, tháng, năm sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản.

5. Hướng dẫn bảo quản và sử dụng.

6. Xuất xứ của giống vật nuôi...

 

Điều 9: Xuất khẩu giống vật nuôi.

1. Cấm xuất khẩu các loại giống vật nuôi quí hiếm nằm trong danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại quyết định số 58/2001/QĐ-BNN-KNKL ngày 23/5/2001 và Bộ Thuỷ sản ban hành tại quyết định số 344/2001/QĐ-BTS ngày 2/5/2001.

2. Các loại giống vật nuôi không thuộc danh mục trên, khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu và phải báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội.

 

Điều 10:  Nhập khẩu giống vật nuôi

1. Các loại giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi được nhập khẩu (do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại quyết định số 58/2001/QĐ-BNN-KNKL ngày 23/5/2001, do Bộ Thuỷ sản ban hành tại quyết định số 344/2001/QĐ-BTS ngày 2/5/2001) khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải: có hồ sơ về nguồn gốc, lý lịch giống, hướng dẫn sử dụng làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu; báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2. Các loại giống vật nuôi không có trong danh mục nói trên, khi nhập khẩu phải báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội; phải được Cục Khuyến nông Khuyến lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT hoặc Bộ Thủy sản đồng ý bằng văn bản và cấp giấy phép khảo nghiệm, thử nghiệm.

3. Đối với phôi, tinh dịch gia súc, trứng giống gia cầm, khi nhập khẩu phải được sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà nội bằng văn bản và phải có giấy phép của Cục Khuyến nông Khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

 

 

CHƯƠNG III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG VẬT NUÔI  

Điều 11: Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội về quản lý giống vật nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giống vật nuôi trên địa bàn Hà Nội, có trách nhiệm như sau:

1. Xây dựng định hướng phát triển, lập qui hoạch, kế hoạch, xây dựng hệ thống sản xuất giống vật nuôi của Thành phố; xây dựng các chương trình, dự án đầu tư cho sản xuất giống; đề xuất chế độ, chính sách trợ giá giống gốc, giống mới.

2. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống vật nuôi trên địa bàn Hà Nội thực hiện các qui định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh, sử dụng, quản lý chất lượng giống vật nuôi; Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc công bố tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi đối với các cơ sở thuộc quyền quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội.

3. Phối hợp với Cục Khuyến nông Khuyến lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra việc thực hiện các qui định về quản lý giống vật nuôi đối với cơ sở trực thuộc Trung ương và các cơ sở thuộc tổ chức cá nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống vật nuôi trên địa bàn Hà Nội.

 

4. Chủ trì và phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, UBND các quận, huyện: Tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ, hoặc kiểm tra đột xuất việc thực hiện các qui định về quản lý giống vật nuôi đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh giống vật nuôi thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

5. Cấp giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi cho các hợp tác xã hoặc hộ nông dân được chọn để tham gia hệ thống sản xuất giống vật nuôi của Thành phố Hà Nội.

6. Kiến nghị việc đình chỉ sản xuất, kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký sản xuất kinh doanh giống vật nuôi đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đình chỉ sản xuất kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh giống vật nuôi đối với các hợp tác xã hoặc hộ nông dân; khi giống vật nuôi của các cơ sở này bán ra không đúng tiêu chuẩn chất lượng như đã công bố, gây thiệt hại cho sản xuất.

7. Tổ chức giám định, bình tuyển, công nhận giống vật nuôi (giống ông, bà) đạt tiêu chuẩn giống gốc ở các cơ sở và các vùng giống thuộc hệ thống sản xuất giống vật nuôi của Thành phố Hà Nội.

8. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn Hà Nội.

 

Điều 12: Kiểm tra, thanh tra về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống vật nuôi phải chịu sự kiểm tra, thanh tra theo các qui định hiện hành của nhà nước.

Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội, UBND các quận, huyện được quyền tổ chức kiểm tra, thanh tra về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống vật nuôi.

Nội dung kiểm tra, thanh tra sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi như sau:

1. Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi hoặc giấy phép đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, kiểm tra nhãn mác hàng hóa theo qui định tại điều 4, điều 5, điều 6, điều 7, điều  8 bản qui định này.

3. Kiểm tra hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng giống vật nuôi.

4. Việc kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi được tiến hành khi có đơn khiếu nại hoặc tố cáo của người sử dụng giống vật nuôi.

Nội dung kiểm tra gồm:

Kiểm tra hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lưọng đối với giống vật nuôi có đơn khiếu nại.

Kiểm tra lý lịch huyết thống, các chỉ tiêu chất lượng của giống; các biện pháp thú y đã thực hiện đối với con giống có đơn khiếu nại.

5. Khi kiểm tra phải lập biên bản, bên kiểm tra và bên được kiểm tra phải ký vào biên bản. Biên bản được làm thành 04 bản (trong đó gửi Cục Khuyến nông Khuyến lâm - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT , đơn vị được kiểm tra, đoàn kiểm tra). Trường hợp bên được kiểm  tra không ký vào biên bản thì Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu người làm chứng ký vào biên bản; biên bản đó vẫn có giá trị.

6. Xử lý vi phạm theo pháp luật hiện hành và báo cáo kết quả xử lý về Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và Cục Khuyến nông Khuyến lâm - Bộ Nông nghiệp và PTNT, hoặc Bộ Thuỷ sản.

 

Điều 13: Trách nhiệm quản lý chất lượng giống vật nuôi của UBND các Quận, Huyện:

1. Chủ tịch UBND các Quận, Huyện có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện qui định của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các qui định của pháp luật có liên quan, xử lý các vi phạm về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống vật nuôi đối với đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

2. Mỗi Quận, Huyện bố trí ít nhất 01 cán bộ có trình độ đại học chăn nuôi hoặc đại học chăn nuôi thú y thường xuyên theo dõi, tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn.

3. Kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội những vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi ở địa phương.

 

Điều 14: Nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan.

Sở Thương mại, Sở Tài chính Vật giá, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường, Sở Công an Thành phố, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức thực hiện các qui định hiện hành về quản lý chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn Hà Nội; soạn thảo, thẩm định các văn bản qui phạm pháp luật cần thiết trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

 

Điều 15:  Chính sách hỗ trợ sản xuất giống vật nuôi:

1. Hàng năm Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội dành một khoản ngân sách để hỗ trợ cho việc tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng giống vật nuôi, bao gồm:

a. Xây dựng hệ thống giống vật nuôi: các Trại giống ông bà, vùng sản xuất giống vật nuôi, trạm truyền tinh nhân tạo gia súc, trạm kiểm tra năng suất đực giống.

b. Trợ giá giống dốc theo Quyết định 125 CT ngày 18/4/1991 của Chính phủ đối với các Trại giống thuộc doanh nghiệp Nhà nước.

c. Cấp kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện các qui định về quản lý giống vật nuôi.

d. Trợ giá cho giống ông bà đạt tiêu chuẩn giống gốc đối với các nông hộ, trang trại được chọn tham gia hệ thống sản xuất giống vật nuôi của Hà Nội.

2. Các tổ chức, cá nhân nuôi giống ông bà, bố mẹ, được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để sản xuất giống vật nuôi theo qui định hiện hành.

 

         

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH  

Điều 16: Khen thưởng, xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý chất lượng giống vật nuôi sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.

Người có hành vi vi phạm về quản lý chất lượng giống vật nuôi tuỳ theo mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 17: Điều chỉnh bổ sung qui định

Quá trình thực hiện các qui định trên đây, nếu có vướng mắc, Sở Nông nghiệp và PTNT  Hà Nội tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
 
Lê Quí Đôn


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhcqqlgctlgvnvqltcntbtphn853