AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Tình trạng hiệu lực văn bản:  Hết hiệu lực

Thuộc tính

Lược đồ

Download

BỘ TÀI CHÍNH
Số: 23/2007/QĐ-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2007                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Về việc ban hành chế độ bảo hiểm

bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Bộ Luật dân sự ngày 14/06/2005;

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 115/1997/NĐ-CP ngày 17/12/1997 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc, Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều 2. Doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có trách nhiệm trích tối thiểu 2% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thực thu hàng năm để đóng góp vào Quỹ tuyên truyền và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ do Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam quản lý và sử dụng. Quỹ được sử dụng cho các mục đích sau:

a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

b) Tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng hạn chế tai nạn giao thông đường bộ;

c) Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các biển cảnh báo giao thông, đường lánh nạn và các công trình nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm;

d) Hỗ trợ bồi thường nhân đạo những thiệt hại đã xảy ra cho người thứ ba và hành khách chuyên chở trên xe do việc sử dụng xe cơ giới gây ra trong những trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm;

đ) Các nội dung khác nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Mức đóng góp cụ thể, cơ chế quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ tuyên truyền và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ do Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới thống nhất trước khi thực hiện.

Điều 3. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép khuyến mại dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế cho Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC ngày 25/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy tắc, Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành vẫn được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Điều 5. Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành Quyết định này./.

QUY TẮC BẢO HIỂM BẮT BUỘC

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI

(ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC ngày 09/04/2007

của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới (kể cả chủ xe là người nước ngoài) sử dụng xe cơ giới trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

2. Chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong Quy tắc này bao gồm:

- Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xe cơ giới gây ra thiệt hại về người và/hoặc tài sản đối với bên thứ ba;

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy tắc này, các khái niệm dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên thứ ba: là những người bị thiệt hại về thân thể và/hoặc tài sản do việc sử dụng xe cơ giới gây ra, trừ những người sau:

- Lái xe, phụ xe trên chính chiếc xe đó;

- Người trên xe và hành khách trên chính chiếc xe đó;

- Chủ sở hữu xe trừ trường hợp chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.

2. Hành khách: là những người được chở trên xe theo hợp đồng vận chuyển hành khách thuộc các hình thức quy định trong Bộ Luật dân sự.

3. Mức trách nhiệm bảo hiểm: là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả cho thiệt hại về người và/hoặc tài sản trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

4. Hành động cố ý gây thiệt hại: là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Điều 3. Hợp đồng bảo hiểm

Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. Nội dung chính của Giấy chứng nhận bảo hiểm được quy định tại Phụ lục 1 - Nội dung giấy chứng nhận bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 4. Phí bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm theo Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận bảo hiểm theo biểu phí và mức trách nhiệm cao hơn hoặc phạm vi rủi ro bảo hiểm rộng hơn Quy tắc bảo hiểm, Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 5. Thời hạn và hiệu lực bảo hiểm

1. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tối thiểu là một (01) năm.

2. Hiệu lực bảo hiểm bắt đầu và kết thúc theo quy định ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khi chủ xe cơ giới đã đóng đủ phí bảo hiểm (trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản).

3. Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới mà chủ xe cơ giới không có yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.

Điều 6. Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm

Trường hợp có yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm trước mười lăm (15) ngày. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được thông báo huỷ bỏ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không có ý kiến thì hợp đồng bảo hiểm mặc nhiên được hủy bỏ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho chủ xe 80% phí bảo hiểm của thời gian hủy bỏ, trừ trường hợp trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực đã xảy ra sự kiện bảo hiểm liên quan đến chiếc xe yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không phải hoàn phí bảo hiểm.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, lái xe cơ giới

1. Khi yêu cầu bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải thông báo đầy đủ và trung thực những nội dung đã được quy định trong Giấy chứng nhận bảo hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Khi tai nạn giao thông xảy ra, chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới phải có trách nhiệm:

2.1. Tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn, đồng thời báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết và thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất;

2.2. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ khi có lý do chính đáng), chủ xe cơ giới phải gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm thông báo tai nạn theo quy định tại Phụ lục 2 - Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

2.3. Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp làm như vậy là cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

2.4. Bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền đòi bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm trong phạm vi số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường kèm theo toàn bộ chứng từ cần thiết có liên quan.

3. Chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới phải trung thực trong việc thu thập và cung cấp các tài liệu, chứng từ trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu, chứng từ đó.

4. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng xe theo quy định tại Biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm biết để điều chỉnh phí bảo hiểm cho phù hợp.

Chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định trên thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường tương ứng với thiệt hại do lỗi của chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới gây ra.

Điều 8. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để chủ xe cơ giới tham gia bảo hiểm.

2. Cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và giải thích rõ Quy tắc bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho chủ xe cơ giới.

3. Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới và các cơ quan chức năng ngay từ đầu để giải quyết tai nạn. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các bên liên quan để thu thập các giấy tờ cần thiết có liên quan nhằm xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại của vụ tai nạn thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

5. Trong trường hợp xe gây tai nạn đã được bảo hiểm, chủ xe cơ giới chết, doanh nghiệp bảo hiểm phải thay mặt chủ xe bồi thường trực tiếp cho bên thứ ba theo phạm vi và trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Quy tắc bảo hiểm này.

6. Khi nhận hồ sơ bồi thường đầy đủ và hợp lệ, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành giải quyết bồi thường trong thời hạn giải quyết bồi thường quy định tại Điều 13 dưới đây.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 9. Trách nhiệm bảo hiểm

Trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới phải bồi thường cho bên thứ ba và hành khách do việc sử dụng xe cơ giới gây ra. Mức bồi thường cụ thể:

1. Đối với thiệt hại về người:

1.1. Mức bồi thường được xác định căn cứ vào quyết định của tòa án.

1.2. Trong trường hợp không có quyết định của tòa án, mức bồi thường được xác định dựa trên Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người theo quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

1.3. Trường hợp chủ xe cơ giới tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cho cùng một xe cơ giới thì mức bồi thường thiệt hại về người sẽ là tổng mức bồi thường thiệt hại về người của từng hợp đồng bảo hiểm. Tổng mức bồi thường của các hợp đồng không được vượt quá số tiền thực tế chủ xe phải bồi thường cho nạn nhân và được chia đều cho các hợp đồng bảo hiểm.

2. Đối với thiệt hại về tài sản:

2.1. Mức bồi thường được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.

2.2. Trường hợp chủ xe cơ giới tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính trên một hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm cấp hợp đồng bảo hiểm đầu tiên có trách nhiệm giải quyết bồi thường và thu hồi số tiền bồi thường chia đều cho các hợp đồng bảo hiểm.

3. Chi phí cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan tới vụ tai nạn mà chủ xe cơ giới đã chi ra.

Điều 10. Giám định tổn thất

Mọi tổn thất về tài sản thuộc trách nhiệm bảo hiểm sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành giám định thiệt hại hoặc thuê các công ty giám định (trừ khi có thoả thuận khác) với sự chứng kiến của chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên có liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do tai nạn gây ra.

Trường hợp chủ xe cơ giới không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên sẽ thoả thuận chọn giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp thực hiện việc giám định. Kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp là căn cứ để xác định thiệt hại. Trường hợp kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp khác với kết luận của giám định viên bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp trùng với kết luận của giám định viên bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải chịu chi phí giám định.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không thể thực hiện được việc lập biên bản giám định, thì có thể căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các hiện vật thu được (ảnh chụp, lời khai của các bên có liên quan) để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

Điều 11. Loại trừ bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra trong các trường hợp sau:

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe và/hoặc lái xe, hoặc của người bị thiệt hại;

2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe và/hoặc lái xe cơ giới;

3. Lái xe không có giấy phép lái xe hợp lệ đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe;

4. Thiệt hại có tính chất gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;

5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn;

6. Chiến tranh và các nguyên nhân tương tự như chiến tranh;

7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Điều 12. Hồ sơ yêu cầu bồi thường

Hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm các tài liệu sau:

1. Các tài liệu chủ xe cơ giới có trách nhiệm thu thập và cung cấp:

1.1. Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

1.2. Hồ sơ liên quan đến xe và lái xe;

1.3. Các giấy tờ chứng minh thiệt hại về người như giấy chứng thương của nạn nhân, giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, giấy chứng tử của nạn nhân;

1.4. Các giấy tờ chứng minh thiệt hại về tài sản như hoá đơn sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn; các giấy tờ chứng minh các chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Các tài liệu doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập:

2.1. Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh;

2.2. Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn;

2.3. Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông;

2.4. Trong trường hợp không thể thu thập đầy đủ các tài liệu nêu trên, việc bồi thường sẽ căn cứ vào Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc kết luận của giám định viên kỹ thuật chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 10 của Quy tắc này.

3. Các tài liệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải là bản chính. Trong trường hợp không thể có bản chính, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xác minh, đối chiếu với bản chính.

Chương III

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Điều 13. Thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại bồi thường

1. Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới: một (01) năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

2. Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm: mười lăm (15) ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường đầy đủ và hợp lệ và không quá ba mươi (30) ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

3. Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm: ba (03) năm kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên mọi khiếu nại không còn giá trị.

4. Trường hợp bên thứ ba hoặc hành khách vận chuyển theo hợp đồng bị thiệt hại về người và tài sản do xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm gây ra khiếu nại trực tiếp đòi doanh nghiệp bảo hiểm đó bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm liên hệ với chủ xe cơ giới để giải quyết bồi thường theo đúng các quy định tại Quy tắc này.

Điều 14. Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, nếu không giải quyết được bằng thương lượng giữa các bên liên quan sẽ được đưa ra Toà án tại Việt Nam giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
 
 
Trần Xuân Hà


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhcbhbbtndsccxcg368