AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành bản quy định về cấp dự báo cháy rừng và quy trình phòng cháy chữa cháy rừng.

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành bản quy định về cấp dự báo cháy rừng và quy trình phòng cháy chữa cháy rừng.

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 1121/1997/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 1997                          
UBND Tỉnh Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Về việc ban hành bản quy định về cấp dự báo cháy rừng và quy trình phòng cháy chữa cháy rừng.

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994.

Căn cứ luật bảo vệ và phát triển rừng ban hành ngày 19/8/1991.

Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Phú Thọ.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về cấp dự báo cháy rừng và quy trình phòng cháy chữa cháy rừng.

Điều 2: Giao trách nhiệm cho Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành Tư pháp, Công an, Tài chính vật giá hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3: Quyết định này thay thế Quyết định số 391/QĐ-UB ngày 15/3/1995 và Quyết định số 283/QĐ-UB ngày 14/4/1990 của UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, các chủ rừng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thực hiện.

Cấp dự báo cháy rừng và quy trình phòng cháy chữa cháy rừng

(Ban hành kèm theo QĐ số 1121/QĐ-UB ngày 5/8/1997)

Chương I

Điều khoản chung

Điều 1: Rừng là một bộ phận của môi trường sống, là tài sản quý giá của nước ta, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân. Việc phòng cháy chữa cháy rừng là nghĩa vụ của mỗi công dân. UBND địa phương nơi có rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 2: Cấp dự báo cháy rừng và quy trình phòng cháy chữa cháy rừng quy định những yêu cầu về nghiệp vụ kỹ thuật, các tiêu chuẩn, biện pháp PCCCR áp dụng cho các đối tượng trong toàn tỉnh. Các chủ rừng, ngành kiểm lâm các cấp từ tỉnh, huyện, xã đến thôn xóm, các cơ quan đơn vị căn cứ quy trình này để chỉ đạo thực hiện công tác PCCCR trong phạm vi thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý.

Điều 3: Lực lượng kiểm lâm thường xuyên có nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy rừng ở những vùng thường xảy ra cháy lớn. Cơ quan kiểm lâm phải có tổ chức các đội, tổ chuyên trách phòng cháy và chữa cháy rừng, có trang bị kỹ thuật cần thiết, đồng thời phải xây dựng hệ thống thông tin và quan sát lửa rừng (chòi canh, đài quan sát...) để phát hiện và dập tắt kịp thời những đám cháy rừng. Chi cục kiểm lâm, các Hạt kiểm lâm căn cứ vào tình hình xu thế thời tiết hàng ngày và hàng tuần trong mùa khô hanh và khả năng ảnh hưởng đến vật liệu cháy rừng, để dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp và thông tin đại chúng, thông tin vô tuyến từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm, các đơn vị kinh doanh suốt mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Điều 4: Các chủ rừng, các cơ quan, xí nghiệp công nông lâm trường và các lực lượng vũ trang đóng ở nơi sát rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng phòng cháy và chữa cháy rừng. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có trách nhiệm giáo dục, đôn đốc cán bộ nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị thực hiện những quy định hiện hành về phòng chống cháy rừng và tích cực tham gia chữa cháy rừng.

Chương II

Quy định cấp dự báo cháy rừng, Nhiệm vụ PCCCR

Điều 5: Báo động cấp I, mới bắt đầu vào mùa cháy, ít có khả năng xảy ra cháy rừng. Hạt kiểm lâm phải phối hợp giúp đỡ UBND các xã và chủ rừng triển khai phương án PCCCR, phải tổ chức kiểm tra hướng dẫn quy vùng sản xuất nương rẫy. Trưởng ban phòng cháy chữa cháy rừng của các xã và các chủ rừng trực tiếp tổ chức lựu lượng PCCCR của đơn vị mình và chỉ huy việc PCCCR trên địa bàn. Các ban PCCCR trên địa bàn huyện có trách nhiệm:- Xây dựng phương án PCCCR trình UBND phê duyệt:- Tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong nhân dân về phòng cháy chữa cháy rừng và hướng dẫn phát đốt nương rẫy đúng kỹ thuật;- Mua sắm dụng cụ PCCCR;- Xây dựng tu sửa và bảo vệ các công trình PCCCR;- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huy động mọi lực lượng để triển khai thực hiện phương án PCCCR đã được phê duyệt.

Điều 6: Báo động cấp II, thời tiết khô, những khu rừng có lá khô rụng nhiều có khả năng xảy ra cháy rừng nhưng tốc độ cháy lan chậm, dễ chữa. Hạt kiểm lâm phải phối hợp với UBND các xã chỉ đạo ban PCCCR và các chủ rừng tăng cường kiểm tra đôn đốc việc PCCCR, trực tiếp chỉ huy các lực lượng PCCCR để kịp thời dập tắt khi xảy ra cháy rừng, hướng dẫn bà con nông dân làm nương rẫy. Khi có cháy rừng cần tìm rõ nguyên nhân đề nghị xử lý kịp thời người vi phạm, khắc phục hậu quả và tăng cường biện pháp PCCCR ở địa phương.

Điều 7: Báo động cấp III, thời tiết khô hanh có khả năng xảy ra cháy rừng dễ dàng, tốc độ lan tràn của đám cháy ở mức độ trung bình, có khả năng gây hại cho rừng. Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ huy việc PCCCR, các ban PCCCR của xã, các chủ rừng và cán bộ kiểm lâm phải kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng ổ lửa vào các giờ cao điểm từ 12 đến 18 giờ trong ngày, nhất là đối tượng rừng dễ cháy như rừng thông. Kiểm tra xung quanh bìa rừng, đình chỉ ngay những hoạt động có thể gây ra cháy rừng. Khẩn trương huy động mọi lực lượng cứu chữa kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Hạt kiểm lâm tăng cường đôn đốc các chủ rừng coi trọng việc phòng cháy chũa cháy rừng, cấm đốt phát rừng làm nương rẫy.

Điều 8: Báo động cấp IV, thời tiết khô nóng, gió mùa đông bắc mạnh và kéo dài có khả năng gây cháy lớn ở tất cả các loại rừng ở mức độ nghiêm trọng. Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ huy việc PCCCR nhất là tại vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Các ban PCCCR của xã của chủ rừng cùng với lực lượng kiểm lâm đôn đốc lực lượng PCCCR thường xuyên tuần tra nghiêm ngặt từng tiểu khu rừng dễ cháy và cử người thường trực trên các chòi canh đảm bảo 10 giờ trên ngày (từ 10 giờ đến 20 giờ trong ngày). Khi xảy ra cháy rừng Chủ tịch UBND huyện, xã được phép huy động mọi lực lượng phương tiện để cứu chữa cháy và ngăn chặn kịp thời không để lửa rừng lan tràn rộng, đề nghị tỉnh tăng cường lực lượng chữa cháy khi cần thiết, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây cháy rừng theo quy định của pháp luật.

Điều 9: Báo động cấp V, thời tiết khô hanh kéo dài, gió mùa đông bắc mạnh và kéo dài, khả năng có thể cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn của đám cháy rất nhanh, tác hại cháy rừng rất nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ huy về PCCCR trong toàn tỉnh. Chi cục kiểm lâm, các huyện, xã, các chủ rừng phải tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt các vùng trọng điểm cháy, không cho người và phương tiện ra vào rừng tuỳ tiện, nghiêm cấm đốt lửa trong rừng và ven rừng. Đôn đốc lực lượng PCCCR thường trực trên các chòi canh và thường xuyên tuần tra ở các tiểu khu rừng dễ cháy, đảm bảo 24 giờ trên ngày để kịp thời phát hiện những điểm cháy trong rừng, huy động mọi lực lượng phương tiện cần thiết để chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Chương III

Phòng cháy rừng

Mục I- Tổ chức lực lượng PCCCR

Điều 10: Lực lượng kiểm lâm các cấp tham mưu giúp cho UBND các cấp, các chủ rừng xây dựng phương án và thành lập ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, kiểm lâm làm phó ban thường trực, đại diện các ngành hữu quan tham gia làm Uỷ viên. Các ban này có chức năng giúp chính quyền các cấp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc PCCCR ở các cơ sở trên địa bàn quản lý trong suốt mùa khô hanh, đặc biệt vùng trọng điểm cháy ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hoà, Sông Thao.

Điều 11: Lực lượng kiểm lâm ở Hạt, đội kiểm lâm cơ động ở vùng trọng điểm cháy vào thời kỳ cao điểm dễ cháy phải được tổ chức thành các nhóm công tác từ 2 - 3 người có nhóm trưởng. Từ 3 - 5 nhóm hợp thành tổ do tổ trưởng phụ trách, lực lượng này được triển khai đến tận các thôn, xóm, xã chỉ đạo thành lập các đội tình nguyện bảo vệ rừng ở cơ sở từ 15 - 20 người để cùng nhóm kiểm lâm đặc trách phòng chữa cháy rừng. Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông lâm trường, đơn vị lực lượng vũ trang đóng sát nơi có rừng hoặc có đặt những bộ phận ở trong rừng phải thành lập các đội PCCCR.

Điều 12: Mỗi đội tình nguyện bảo vệ rừng ở thôn, xóm gồm 15 - 20 người, các nông lâm trường, đơn vị vũ trang ở trong rừng và ven rừng gồm 15 - 30 người, lực lượng này phải được trang bị các dụng cụ, phương tiện PCCCR và được huấn luyện nghiệp vụ kỹ thuật, cùng lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm soát, canh gác diện tích rừng được giao khoán bảo vệ khoanh nuôi.

Điều 13: Hàng năm vào mùa khô lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những quy định về PCCCR và bảo vệ rừng trong nhân dân, thông báo tình hình lửa rừng và cấp cháy rừng kịp thời đến từng xã, đến các chủ rừng nhất là những vùng dễ xảy ra cháy rừng. Chỉ đạo các trạm PCCCR để cung cấp tin tức dự báo cấp cháy chính xác cho từng vùng, mua sắm dụng cụ, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc PCCCR, làm đường ranh cản lửa, lập chòi canh lửa đặt ở các điểm cần thiết, thường xuyên kiểm tra việc PCCCR định kỳ, tổ chức sơ kết đánh giá việc PCCCR trong tỉnh, phối hợp với các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm PCCCR.

Mục II: Dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp và thông tin cấp dự báo cháy

Điều 14: Để chủ động PCCCR có hiệu quả, Chi cục kiểm lâm phối hợp với Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh tiến hành dự báo cháy rừng theo phương pháp tổng hợp trong mùa khô hanh bao gồm 4 nội dung sau:

1. Xây dựng trạm dự báo cháy rừng để tính các nhân tố môi trường liên quan đến vật liệu cháy hàng ngày và dài ngày (Tuần khí tượng Đài khí tượng thuỷ văn cung cấp).

2. Xác định thời kỳ dễ phát sinh cháy phục vụ cho việc lập kế hoạch phòng và chữa cháy rừng trong mùa khô hanh.

3. Đo tính chỉ tiêu cấp dự báo cháy hàng ngày và dài ngày theo 5 cấp (từ I - V)

4. Phải đảm bảo thông tin thông suốt cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong mùa khô hanh trên quy mô toàn tỉnh.

Điều 15: Phải xây dựng hệ thống trạm dự báo cháy rừng gồm trạm chính và các trạm phụ, bố trí lực lượng dự báo và thông tin cấp cháy. Trạm chính hàng ngày đo 3 lần vào hồi 7h, 13h, 19h đo và vào sổ sách các số liệu về nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm vật liệu cháy, độ ẩm đất, tốc độ gió, mưa... Chú ý đo lúc 13 h thu thập các số liệu T°13, Dn 13, lượng mưa ngày... để tính toán cấp cháy rừng theo công thức (1) ở điều 16 và thông tin cấp cháy hàng ngày để các cơ sở có biện pháp phòng và sẵn sàng chữa cháy.

- Trạm phụ đặt ở các hạt kiểm lâm, các lâm trường có nhiệm vụ đo bổ sung các yếu tố: lượng mưa, nhiệt độ lúc 13h, gió, vật liệu cháy... để bổ sung số liệu cung cấp cháy cho trạm chính, góp phần nâng cao độ chính xác của dự báo chung toàn vùng.

Điều 16: Dự báo cháy rừng hàng ngày theo công thức 1:

Pi = K

Trong đó: K: hệ số điều chỉnh theo lượng mưa hàng ngày a

K có 2 giá trị: K = 1 khi a< 5mm

K = 0 khi a> 5mm

T°13: nhiệt độ đo lúc 13 h giờ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng trong ngày.

Dn13: độ chênh lệch bão hoà lúc 13h

n: số ngày không mưa, hoặc mưa dưới 5 ly tiếp theo.

Điều 17: Dự báo dài ngày (tuần khí tượng 7 - 10 ngày) và hàng ngày theo công thức 2 tính chỉ số ngày khô hạn liên tục (H) và thông tin cấp cháy:

Hi = K( Hi - 1 + n) (2)

Trong đó:

- Hi: số ngày khô hạn liên tục không mưa

- K: có cùng ý nghĩa với công thức (1)

- n: số ngày không mưa, hoặc mưa dưới 5 ly tiếp theo

Điều 18: Trong suốt mùa khô hanh phải duy trì sự hoạt động đều đặn thông suốt của hệ thống thông tin vô tuyến từ Chi cục kiểm lâm đi các Hạt, trạm kiểm lâm.

Điều 19: Đơn vị dự báo cháy rừng và các trạm kiểm lâm ở cơ sở có trách nhiệm giữ gìn bảo dưỡng máy móc trang thiết bị vật tư đúng nội quy bảo đảm việc đo tính cấp cháy thông suốt thường xuyên.

Mục III: Xây dựng hệ thống đường băng cản lửa

Điều 20: Băng trắng và băng xanh nhằm ngăn cách, hạn chế lửa giữa rừng với nương rẫy, ruộng, vườn, điểm dân cư, đường giao thông, kho tàng... phân chia khu rừng dễ cháy thành những lô, khoảnh ở rừng thông và rừng dễ cháy khác ở Thanh Sơn, Yên Lập, Sông Thao, Hạ Hoà, Tam Thanh, Thanh Ba, Phong Châu, Đoan Hùng.

Điều 21: Các chủ rừng khi thiết kế trồng rừng nhất thiết phải thiết kế, thi công ngay hệ thống đường băng trắng hoặc băng xanh gắn với quy hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông trong các khu rừng. Nếu độ dốc trên 25 độ thì không được làm băng trắng mà phải trồng ngay cây xanh trên băng cùng với việc trồng rừng ngay năm đó. Không được để đất trống gây xói mòn, rửa trôi đất.

Điều 22: Nguyên tắc làm đường băng trắng: Làm đường băng trắng chỉ áp dụng một, hai năm đầu ở rừng tự nhiên nơi có độ dốc dưới 25 độ. Vì chưa có đủ điều kiện lao động, kinh phí, giống cây để trồng băng xanh, năm sau phải tiến hành trồng ngay băng xanh để tiết kiệm đất, bảo vệ đất. Băng trắng ở rừng tự nhiên có độ rộng từ 10 - 15 m, khi xây dựng băng trắng phải xử lý toàn bộ thực bì, phơi khô, vun thành giải, cách bìa rừng từ 5 - 8 m. Giải vật liệu này làm thành từng đoạn dài 8 -10 m, đầu đoạn nọ cách cuối đoạn kia 3 -5 m, đốt vào đầu mùa khô, khi đốt phải có người canh gác và kiểm soát lửa trên băng, đốt lúc gió nhẹ vào buổi sáng hoặc chiều tối, không được đốt vào ban trưa, tuyệt đối không để lửa cháy lan vào rừng. Đốt xong phải kiểm tra toàn bộ đường băng cho tới khi lửa tắt.

Điều 23: Xây dựng hệ thống đường băng xanh: Phải xây dựng hệ thống đường băng xanh hỗn giao bằng nhiều loại cây tạo thành vành đai xanh có kết cấu nhiều tầng để ngăn cháy lan mặt đất và cháy dưới tán rừng, bao gồm:

1- Đường băng chính: Phải kết hợp với việc xây dựng đường giao thông nông thôn, đường dân sinh kinh tế.

a) Đối với rừng tự nhiên lá rộng: Đường băng chia rừng ra nhiều khoảnh, cự ly các đường băng chính cách nhau 2 -3 km.

b) Đối với rừng trồng và rừng lá kim tự nhiên: Đường băng chính có cự ly cách nhau 1 - 2 km.

2- Đường băng nhánh (phụ)

a) Đối với rừng tự nhiên lá rộng: Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng nơi mà cự ly cách nhau giữa các đường băng từ 1 - 2 km.

b) Đối với rừng trồng và rừng lá kim tự nhiên: Căn cứ vào điều kiện từng nơi mà cự ly xây dựng giữa các đường băng cách nhau 300 - 500 m.

Điều 24: Độ rộng của đường băng:

Đối với rừng trồng đã khép tán và rừng tự nhiên độ rộng của đường băng phải lớn hơn chiều cao của cây rừng.

a/ Đường băng chính: Đối với cả hai loại rừng tự nhiên và rừng trồng có độ rộng từ 10 - 20 m và phải trồng cây xanh.

b/ Đường băng nhánh (phụ) kể cả hai loại rừng: Rừng tự nhiên và rừng trồng phải có độ rộng tối thiểu từ 8 - 10 m và phải trồng cây xanh.

Điều 25: Hướng của đường băng:

a/ Nơi có độ dốc dưới 15 độ: hướng đường băng phải vuông góc với hướng gió hai chiều trong mùa khô hanh.

b/ Nơi độ dốc lớn trên 15 độ: thì băng bố trí trùng với đường đồng mức, trường hợp có thể lợi dụng đường mòn, khe suối, động núi, đường dân sinh kinh tế miền núi để làm đường băng thì dọc hai bên đường băng đó phải xây dựng một hoặc hai vành đai cây xanh cản lửa, mỗi bề rộng 5 - 8 m hàng năm phải chăm sóc tu bổ băng cây xanh theo kỹ thuật chăm sóc rừng trồng.

Điều 26: Loài cây trồng trên băng cản lửa:

Lựa chọn tập đoàn loài cây ở địa phương có sức sống chịu lửa giỏi, cây chứa nhiều nước, có khả năng chịu nhiệt cao, vỏ dày, không rụng lá trong mùa khô, cây có sức tái sinh hạt và chồi mạnh, sinh trưởng phát triển nhanh, không có cùng loài sâu bệnh hại với cây trồng rừng hoặc không là ký chủ của các loại sâu bệnh haị cây rừng, cây trồng tạo thành đai rừng phòng chấy, phải quy hoạch, cải tạo và lợi dụng các thung, khe, đầm, hồ, ao sẵn có để dự trữ nguồn nước cho chữa cháy rừng.

Mục IV: Xây dựng chòi canh gác lửa rừng

Điều 27: Nguyên tắc bố trí chòi canh:

a/ Chòi canh phải đặt ở vị trí có tầm nhìn xa nhất để dễ dàng phát hiện các đám khói hoặc lửa bốc lên, dự báo được mức độ lửa cháy to hay nhỏ để huy động kịp thời lực lượng và phương tiện đến dập tắt lửa rừng ngay tại chỗ không để lửa cháy lan.

b/ Chòi canh phải có độ cao hơn chiều cao của khu rừng, gồm hai loại chòi:

- Chòi chính: Đặt ở vị trí trung tâm của khu rừng dễ cháy, có tầm nhìn xa 10 - 15 km, làm chòi bằng sắt hoặc nguyên liệu bền chắc sẵn có ở địa phương đảm bảo sử dụng lâu bền.

- Chòi phụ: Được bố trí trong toàn bộ hệ thống chòi canh tầm nhìn xa 3 - 5 km.

c/ Phải đảm bảo an toàn cho việc sử dụng, khi xây dựng chòi chính và chòi phụ phải có thang lên xuống, xung quanh chân chòi phải dọn sạch cây trong phạm vi bán kính 20 - 30 m, có một gian nhà có 4 cửa để qun sát 4 phía, có bản đồ khu vực rừng cần bảo vệ, ống nhòm, kẻng báo động, cờ hiệu, bộ đàm để thông tin về cháy rừng.

Điều 28: Tổ chức hoạt động của chòi canh:

Mỗi chòi có từ 2 - 3 người thay nhau làm việc. Vào thời kỳ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hanh (tháng 11,12, 1, 2) dự báo cháy rừng ở cấp 4, 5 chòi phải có người làm việc thường xuyên đảm bảo 24/24 giờ/ngày. Khi nhân viên quan sát phát hiện thấy cháy rừng phải xác định rõ toạ độ của đám cháy, mức độ lửa rừng, báo cáo ngay về trung tâm chỉ huy và báo động kịp thời lực lượng phương tiện để cứu chữa không để lửa tràn lan lớn.

Mục V: Biện pháp kỹ thuật xử lý thực bì làm giảm vật liệu cháy rừng

Điều 29: Dọn thực bì:

Hàng năm khi bước vào đầu mùa khô hanh (tháng 10) ở những khu rừng dễ cháy (rừng trồng và rừng tự nhiên) dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật, nghiệp vụ của Kiểm lâm, chủ rừng phải thực hiện dọn thực bì theo dải, theo băng, rộng từ 10-15 m dọc các đường giao thông, đường mòn, khu dân cư, kho tàng... vật liệu khô vun thành dải từ 6-8 m ở ngoài bìa rừng. Khi đốt phải có người canh gác, đốt vào sáng sớm hoặc buổi chiều lúc gió nhẹ, đốt ngược chiều gió, không được đốt vào ban trưa và lúc gió mạnh.

Điều 30: Nguyên tắc xử lý thực bì:

a/ Đối với rừng trồng: chủ rừng sử dụng dụng cụ thủ công hoặc cơ giới chăm sóc rừng, phải cày hoặc cuốc úp đất phủ lên lớp thảm tươi, cây bụi và chăm sóc cuốc gốc lần thứ nhất 0,6 - 0,8 m, chăm sóc lần hai cuốc xung quanh gốc rộng 1 - 1,2 m. Sang năm thứ hai phát thực bì và cuốc lật đất đồng thời tán cây rừng dần dần phát triển khép tán tiêu diệt lớp thảm tươi ở dưới. Trên các đất trồng rừng tuỳ theo độ dốc và tính chất đất rừng phải thực hiện trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày cho phù hợp.

b/ Đối với rừng trồng đã khép tán và rừng tự nhiên dễ cháy chủ rừng phải tiến hành chặt, phát thảm tươi cây bụi theo đám hoặc theo dải, thu dọn cành nhánh, chặt cây chết, cây sâu bệnh, thu đốt. Vật liệu còn lại kéo ra bìa rừng tạo nên các dải rồi đốt lúc gió nhẹ, có người canh gác.

Mục VI: Bảo vệ rừng trong sản xuất nương rẫy

Điều 31: Quy vùng thống kê, quản lý sử dụng đất đai làm nương rẫy

a/ Đối với các vùng cao xa, đồng bào các dân tộc thuộc huyện Thanh Sơn, Yên Lập vẫn còn tình trạng phát nương làm rẫy thì các Hạt kiểm lâm hàng năm phải thực hiện tốt việc thống kê quản lý quy vùng sử dụng đất đai tạm thời của dân. Nương rẫy phải thực hiện đúng quy hoạch, phân vùng vạch rõ ranh giới, có các bảng niêm yết ngoài thực địa, lập bản đồ quy hoạch phân loại đất đai dành cho sản xuất nương rẫy.

b/ Trong những vùng được phép sản xuất nương rẫy, Hạt kiểm lâm phải hướng dẫn đồng bào phát dọn toàn bộ thực bì, phơi khô vun thành dải rộng 2-3 m, dải nọ cách dải kia 5-6 m. Dải sát bìa rừng phải cách xa rừng 6-8 m, đốt lúc gió nhẹ vào buổi chiều tối hoặc buổi sáng, đốt lần lượt từng dải thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi, nơi đất bằng thì đốt lần lượt từ dải vật liệu cuối chiều gió cho đến dải vật liệu cuối cùng.

c/ Khi đốt phải có người canh gác cứ 10-15 m phải có một người canh gác băng không để lửa cháy lan vào rừng, khi đốt phải báo cáo với ban lâm nghiệp xã và tổ, đội bảo vệ rừng gần thôn, bản. Đốt xong phải kiểm tra toàn bộ nương, khi tắt lửa mới ra về.

Điều 32: Phải kết hợp chặt chẽ giữa quy vùng sản xuất nương rẫy với giao khoán rừng, định canh định cư, xây dựng kinh tế vườn đồi, trang trại đến hộ gia đình, xây dựng nương ruộng bậc thang chống xói mòn đất, bảo vệ rừng an toàn về lửa trong suốt mùa cháy rừng. Hàng năm vào thời kỳ từ tháng 9 đến tháng 4 các Hạt kiểm lâm phải tăng cường kiểm tra hướng dẫn đồng bào làm nương đúng kỹ thuật trên những vùng đất đai đã được quy hoạch, không để đồng bào phát, đốt rừng tràn lan trái phép.

Chương IV:

Chữa cháy rừng

Mục I: áp dụng phương pháp giới hạn đám cháy để chữa cháy rừng

Điều 33: Phát hiện cháy và huy động lực lượng cứu chữa: Khi phát hiện được cháy rừng, Chủ tịch UBND xã và các chủ rừng phải huy động kịp thời lực lượng, phương tiện tại chỗ, sử dụng nguồn nước, đất cát, cành cây tươi... dập tắt ngay, không để lửa lan tràn. Nếu lực lượng và phương tiện tại chỗ không có khả năng cứu chữa, Chủ tịch UBND xã báo cáo ngay về cấp trên để có biện pháp hỗ trợ lực lượng, phương tiện để cứu chữa. Đội hình chữa cháy phải giới hạn đám cháy bằng cách tạo ra các băng trắng ngăn cản lửa có độ rộng từ 15-20 m. Nếu tốc độ gió lớn, lửa lan tràn quá nhanh phải làm băng chứng có độ rộng từ 20-40 m.

Điều 34: Biện pháp giớ hạn đám cháy.

a/ Trong điều kiện thời tiết hạn kiệt, vật liệu trong rừng khô nỏ, độ ẩm vật liệu từ 20% trở xuống, khi cháy rừng phải:

Tạo ngay băng trắng đón đầu ngọn lửa theo một cự ly sao cho phù hợp, thi công xong trước khi ngọ lửa tràn đến, trên băng phải dọn và vun hết vật liệu cháy vào giữa băng và đốt cho hết các vật liệu trên băng.

Cự ly của hai tuyến dọn sạch vật liệu cháy quy định như sau:

1. Nếu tốc độ gió 3-5 m/s thì khoảng cách giữa hai tuyến dọn sạch vật liệu cháy là 20-30 m.

2. Nếu tốc độ gió trên 6m/s thì khoảng cách giữa hai tuyến dọn sạch vật liệu cháy là 30-50 m.

b/ Trong trường hợp có nguồn vật liệu lớn, chịu ảnh hưởng của nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, gió thổi mạnh... cả những cây còn sống cũng bị khô héo, khi chữa cháy phải làm nhiều đai cản lửa dự phòng để ngăn lửa làm giảm tốc độ lan truyền của ngọn lửa. Khoảng cách giữa các đai cách nhau 50m, đai có hướng vuông góc với hướng gió chính trong thời kỳ cháy.

Mục II: An toàn trong chữa cháy rừng

Điều 35: An toàn lao động khi chữa cháy:

a/ Khi chữa cháy, lực lượng chữa cháy phải chuẩn bị đủ nước uống, bông băng thuốc bỏng, cáng; trường hợp bị thương phải sơ cứu và đưa đi cấp cứu. Nếu bị thương nặng hoặc tử vong phải lập biên bản để sau này tiện việc giải quyết chính sách chế độ.

b/ Lực lượng chữa cháy phải được tập huấn nghiệp vụ, khi chữa cháy phải được bố trí theo tổ, nhóm có người điều hành thống nhất, có bộ đàm chỉ huy. Lực lượng chữa cháy phải tập kết phía sau ngọn lửa, cách xa đám cháy trên 100m. Xung quanh nơi tập kết phải làm băng trắng ngăn cách có độ rộng trên 50m. Nếu dùng cành cây tươi chữa cháy phải phát hết cành cây non và có đoạn cán tay cầm dài 40-50 m. Phải có chế độ bồi dưỡng vật chất và khen thưởng cho người tham gia chữa cháy.

c/ Nguyên tắc bố trí lực lượng, phương tiện khi chữa cháy:

Nếu ngọn lửa có xu hướng phát triển và lan tràn chậm, cháy về cả hai phía trái và phải thì đội hình phải bố trí thành từng tiểu đội gồm 8-10 người, lực lượng chữa cháy tiến từ phía sau đám cháy về cả hai phía dùng nước hoặc đất cát hay bàn dập, cành cây tươi dập lửa bao vây không cho lửa lan tràn. Đội hình cứ thế tiến đến bao vây khép kín về phía đầu ngọn lửa và dập cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn.

Nếu tốc độ gió mạnh trên 6m/s ngọn lửa lan tràn nhanh về phía trước thì đội hình phải bố trí để phát băng, cuốc đất hoặc dội nước từ phía trước ngọn lửa tiến về phía sau theo hai cánh cung cho đến khi khép kín và dập cho lửa tắt hẳn không còn than lửa cháy lại.

Sử dụng các công cụ chữa cháy như: cào, cuốc, xẻng, cưa, dao, bình đeo vai, xe ô tô chữa cháy, máy bay, xe ủi để lợi dụng nguồn nước, đất cát hoặc hoá chật như P2O5, K2PO4, CO2... để làm suy yếu ngay một trong ba yếu tố tham gia quá trình cháy: vật liệu, ô xy và nhiệt.

Điều 36: Những vụ cháy rừng xảy ra ở địa phương, kiểm lâm sở tại phải chủ động phối hợp với các ngành chức năng điều tra xác minh tìm nguyên nhân thủ đoạn gây cháy và lập biên bản có biện pháp xử lý nghiêm minh và báo cáo về cấp trên theo mẫu thống nhất.

Chương V

Điều khoản thi hành

Mục I: Kinh phí cho công tác PCCCR

Điều 37: Những diện tích rừng do kiểm lâm quản lý hàng năm Chi cục kiểm lâm lập kế hoạch PCCCR trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Tài chính vật giá cân đối và chi kịp thời cho công tác PCCCR từ nguồn kinh phí sự nghiệp đối với những khu rừng do Kiểm lâm quản lý.

Đối với những diện tích rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng thì chủ rừng phải lập kế hoạch PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với rừng trồng, chỉ tiêu về PCCCR được hạch toán vào giá thành trồng rừng hàng năm.

Mục II: Thưởng phạt

Điều 38: Đơn vị hoặc cá nhân có thành tích trong việc phòng cháy và chữa cháy rừng sẽ được khen thưởng. Đối với những người ngoài biên chế Nhà nước khi tham gia PCCCR thì được trừ vào ngày công lao động công ích trong năm, người nào tham gia chữa cháy rừng mà bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng thì được bồi thường, trợ cấp tiền thuốc chữa thương tích và hưởng chế độ khác theo quy định hiện hành.

Điều 39: Người nào vi phạm quy định hiện hành của Nhà nước về PCCCR và nội dung bản quy định này tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ sẽ bị xử lý thi hành kỷ luật hành chính, bị xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc truy tố trước pháp luật.

Mục III: Tổ chức thực hiện

Điều 40: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, các chủ rừng có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.

Điều 41: Chi cục kiểm lâm phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Sở Tài chính vật giá, UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện bản quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc phát sinh, các cấp, các ngành, các chủ rừng đề xuất ý kiến (qua Chi cục kiểm lâm) báo cáo UBND tỉnh xem xét để bổ sung kịp thời.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhbqvcdbcrvqtpcccr601