AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành bản Qui chế về quản lý đầu tư và xây dựng kiên cố hoá kênh tưới sau trạm bơm điện thành phố Hải Phòng

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành bản Qui chế về quản lý đầu tư và xây dựng kiên cố hoá kênh tưới sau trạm bơm điện thành phố Hải Phòng

Thuộc tính

Lược đồ

UBND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Số: 1802/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2000                          
Quyết định

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Về việc ban hành bản Qui chế về quản lý đầu tư

và xây dựng kiên cố hoá kênh tưới sau trạm bơm điện thành phố Hải Phòng

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ ban hành Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương; Thông tư số 72/2000/TT-BTC ngày 19/7/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương;

Căn cứ Nghị quyết số 07/NQ-HĐND12 ngày 20/7/2000 của Hội đồng nhân dân thành phố về chương trình kiên cố hoá kênh mương;

Căn cứ Quyết định số 1789/QĐ-UB ngày 08/10/1999 và Quyết định số 2043/QĐ-UB ngày 10/11/1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Qui chế tạm thời về quản lý đầu tư và xây dựng kiên cố hoá kênh mương tưới sau trạm bơm điện thành phố Hải Phòng;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến tham gia của các ngành: Xây dựng, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư; Uỷ ban nhân dân các huyện và Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Qui chế về quản lý đầu tư và xây dựng kiên cố hoá kênh tưới sau trạm bơm điện thành phố Hải Phòng".

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các ngành, các cấp của thành phố và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này thay thế Quyết định số 1789/QĐ-UB ngày 08/10/1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc ban hành Qui chế tạm thời về quản lý đầu tư và xây dựng kiên cố hoá kênh tưới sau trạm bơm điện thành phố Hải Phòng và Quyết định số 2043/QĐ-UB ngày 16/11/1999 bổ sung và sửa đổi Qui chế trên. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

QUI CHẾ

Về quản lý đầu tư và xây dựng công trình
kiên cố hoá kênh tưới sau trạm bơm thành phố Hải Phòng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1802/QĐ-UB ngày 22/9/2000 của
Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

 

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Qui chế này áp dụng cho các công trình xây dựng kiên cố hoá kênh tưới sau trạm bơm điện trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Điều 2. Cơ cấu đầu tư:

Kinh phí kiên cố hoá kênh được trích từ nguồn ngân sách tập trung, nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, thu thuỷ lợi phí, nguồn vốn vay Trung ương, nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân và các nguồn khác.

a- Đối với các kênh nội đồng, liên thôn trong cùng một xã được thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó thành phố trích nguồn ngân sách (ngân sách tập trung, thuế sử dụng đất nông nghiệp hoặc vốn vay Trung ương) để cấp kinh phí mua 04 loại vật tư chính là: Xi măng, đã, gạch, cát; chi phí vận chuyển số vật tư trên đến xã có công trình và chi phí cho công tác khảo sát thiết kế, quản lý điều hành chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức huy động nhân dân đóng góp toàn bộ chi phí nhân công, chi phí trung chuyển vật liệu, chi phí chung và các vật liệu còn lại theo một trong các phương thức sau:

Thu tiền trên diện tích được hưởng lợi từ công trình.

Thu tiền trên toàn bộ diện tích canh tác của địa phương.

Thu tiền trên tổng số lao động nông nghiệp của địa phương.

Phương thức và mức thu cụ thể do các địa phương (xã, phường, thị trấn) quyết định, trên cơ sở thực hiện đúng Qui chế dân chủ ở cơ sở, được Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn thông qua.

b- Đối với các kênh liên xã, liên huyện trong cùng hệ thống: Ngân sách thành phố đầu tư 70% kinh phí xây dựng công trình, còn lại 30% do các Công ty khai thác công trình thủy lợi trích từ nguồn thu thủy lợi phí hàng năm để đầu tư, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc duy tu bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi và các hoạt động điều hành bình thường cua Công ty.

Điều 3. Chủ đầu tư

Giao cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn là chủ đầu tư đối với công trình kiên cố hoá kênh mương nội đồng, liên thôn trong cùng một xã.

Giao cho các Công ty khai thác công trình thuỷ lợi làm chủ đầu tư đối với các công trình kiên cố hoá kênh mương liên xã, liên huyện (trong cùng một hệ thống).

Điều 4. Chủ đầu tư có trách nhiệm và quyền hạn sau:

a- Đối với chủ đầu tư là Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

Hàng năm Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập kế hoạch kiên cố hoá kênh mương, xây dựng phương án huy động sự đóng góp của nhân dân, báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã xem xét tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tổ chức thực hiện đầu tư: Ký kết hợp đồng khảo sát thiết kế và lập dự toán, giải phóng mặt bằng; Tổ chức thực hiện phương án huy động sự đóng góp của nhân dân, tổ chức thi công, giám sát thi công, quản lý và sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo đúng qui định.

b- Đối với chủ đầu tư là các Công ty khai thác công trình thuỷ lợi:

Hàng năm các Công ty khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch kiên cố hoá kênh mương liên xã, liên huyện trong hệ thống do Công ty quản lý và kế hoạch trích nguồn thu thủy lợi phí để kiên cố hoá kênh mương, thống nhất với Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã; báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tiến hành ký kết hợp đồng với Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn để khảo sát thiết kế và lập dự toán trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các địa phương có công trình đi qua để giải phóng mặt bằng thi công; Tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán và bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng qui định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

Điều 5. Trách nhiệm của các ngành, các cấp:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch, kỹ thuật. Hàng năm tổng hợp kế hoạch kiên cố hoá kênh mương của toàn thành phố trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt và tổng kết kết quả đầu tư báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố; Ban hành thiết kế định hình kênh mương thuộc chương trình nhằm tiết kiệm thiết kế phí và tạo điều kiện thuận lơị cho việc lập dự toán của từng công trình cụ thể.

Sở Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước thành phố có trách nhiệm cấp kinh phí kịp thời cho các địa phương có công trình theo tiến độ thực hiện kế hoạch đúng Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng công trình kiên cố hoá kênh mương, tập hợp giá trị đầu tư báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các ngành khác có liên quan tham gia quản lý và chỉ đạo thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành.

Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã chịu trách nhiệm quản lý toàn diện chương trình kiên cố hoá kênh mương; Tổng hợp xét duyệt kế hoạch của các xã, phường, thị trấn trước khi báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố; Tổ chức phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình kiên cố hoá kênh mương của địa phương mình theo thẩm quyền qui định tại Điều 8 của Qui chế này; Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát chất lượng và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện chương trình trên địa bàn.

 

Chương II

CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ

Điều 6.

Hàng năm, Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, các Công ty khai thác công trình thủy lợi gửi kế hoạch kiên cố kênh mương của địa phương, đơn vị mình về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá dự kiến kế hoạch, trình Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư.

Đối với công trình kiên cố hoá kênh mương có mức đầu tư 1 tỷ đồng trở lên, phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

 

Đối với công trình có mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng, lập báo cáo đầu tư, phê duyệt theo qui định phân cấp.

 

Chương III

THỰC HIỆN ĐẦU TƯ

Điều 7. Thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình.

a- Thiết kế kỹ thuật:

Căn cứ thiết kế định hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, các đơn vị có chức năng thiết kế (Công ty khai thác công trình thủy lợi, Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn) cần phải điều tra, nghiên cứu kỹ hiện trạng, lưu lượng thực tế của từng trạm bơm điện, địa hình, địa chất tại vị trí của từng tuyến kênh tưới, sự giảm lưu lượng sau các nhánh kênh, sau các cửa chia nước để thiết kế cụ thể cho từng tuyến kênh, tránh gây lãnh phí vật tư tiền vốn của Nhà nước và của nhân dân.

b- Dự toán công trình:

Đối với công trình do Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư, dự toán công trình phân thành 02 phần:

Ngân sách thành phố cấp: Dùng để mua 04 loại vật liệu chính (xi măng, cát, gạch, đá), vận chuyển bằng phương tiện cơ giới đến nơi tập kết vật liệu của xã, phường, thị trấn.

Vốn huy động của nhân dân: Dùng để chi phí nhân công và các vật liệu còn lại, chi phí trung chuyển vật liệu từ nơi tập kết vật liệu của xã, phường, thị trấn đến nơi thi công và chi phí chung. Chi phí chung được tính bằng 15% chi phí nhân công (chi phí nhân công để tính chi phí chung có phần chi phí trung chuyển vật liệu và không nhân với hệ số điều chỉnh 1,25 lần theo Thông tư số 02/TT-BXD ngày 19/05/2000 của Bộ Xây dựng).

Đối với các công trình do Công ty khai thác công trình thuỷ lợi làm chủ đầu tư: Dự toán theo chế độ xây dựng cơ bản hiện hành.

Nội dung thiết kế kỹ và dự toán công trình kiên cố hoá kênh mương phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước ban hành, đúng định mức, đơn giá do Nhà nước qui định.

c- Chi phí khảo sát thiết kế và lập dự toán, chi phí quản lý và điều hành của thành phố, huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn (chủ đầu tư) do ngân sách thành phố cấp trong nguồn kinh phí kiên cố hoá kênh mương hàng năm:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập tổng dự toán các chi phí trên trong năm kế hoạch, trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt với tinh thần tiết kiệm đến mức thấp nhất các khoản chi này, nhưng không ảnh hưởng đến sự chỉ đạo và chất lượng công trình.

Điều 8. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình kiên cố hoá kênh mương:

Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các kênh do Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng, trên cơ sở thiết kế định hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật các kênh liên xã và các kênh nội đồng, kênh liên thôn trong cùng một xã có tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng; thẩm định và phê duyệt dự toán các kênh có tổng mức đầu tư từ trên 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá thẩm định trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt dự toán các kênh có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng.

Điều 9. Thi công công trình.

Các công trình kiên cố kênh mương chỉ được khởi công khi bảo đảm các điều kiện sau:

Được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch đầu tư.

Có thiết kế kỹ thuật và dự toán được phê duyệt.

Có phương án cụ thể huy động vốn đóng góp của nhân dân (đối với công trình do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư); Có kế hoạch trích thủy lợi phí để đầu tư kiên cố hoá kênh mương (đối với các công trình do các Công ty khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư).

Đối với các kênh tưới nội đồng, liên thôn trong cùng một xã, Uỷ ban nhân dân thành phố giao Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trực tiếp tổ chức thi công các công trình và không thực hiện vượt quá kế hoạch kinh phí ngân sách thành phố cấp; Lực lượng thi công là các doanh nghiệp, các tổ chức ngành nghề, các đội xây dựng tại địa phương có đủ khả năng chuyên môn để thi công công trình theo đúng thiết kế dự toán được duyệt và bảo đảm chất lượng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã (qua các Phòng, Ban chức năng) và các tổ chức đoàn thể quần chúng tại địa phương có trách nhiệm giám sát việc thi công công trình kiên cố hoá kênh mương.

Đối với các kênh tưới do Công ty khai thác công trình thuỷ lợi làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng, Uỷ ban nhân dân thành phố giao cho các Công ty khai thác công trình thủy lợi tự tổ chức thi công theo đúng thiết kế dự toán được duyệt. Việc giám sát thi công, nghiệm thu công trình theo đúng trình tự qui định trong Qui chế đầu tư và xây dựng các công trình xây dựng cơ bản.

Các công trình còn lại, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ có quyết định riêng.

Điều 10. Công tác cung ứng vật tư:

Các loại vật tư để xây dựng công trình phải bảo đảm chất lượng, chủng loại theo thiết kế được duyệt.

Sau khi có kế hoạch được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt, chủ đầu tư ký hợp đồng mua vật liệu với đơn vị sản xuất hoặc các đại lý để mua xi măng, cát, gạch, đát theo dự toán được duyệt. Hoá đơn mua vật liệu phải là hoá đơn hợp lệ do Bộ Tài chính phát hành; Riêng gạch đá nếu mua tại lò thủ công của tư nhân thì phải bảo đảm chất lượng qui định và được thanh toán theo giá thị trường tại thời điểm do Sở Xây dựng và Sở Tài chính - Vật giá qui định.

Điều 11. nghiệm thu công trình.

Công trình chỉ được nghiệm thu sau khi đã được thực hiện đúng thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Công tác nghiệm thu được chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn thi công xong phần móng và giai đoạn hoàn thành công trình.

Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình theo qui định hiện hành của Nhà nước.

Nghiệm thu công trình gồm có những thành phần sau:

Đại diện Uỷ ban nhân dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế), Phòng Tài chính các huyện, quận, thị xã có công trình.

Chủ đầu tư.

Đơn vị khảo sát.

Đơn vị thi công.

Đơn vị được giao quản lý sử dụng.

Riêng đối với các công trình do Công ty khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư phỉa có thêm thành phần đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 12. Tạm ứng và thanh, quyết toán công trình.

a- Tạm ứng:

Sau khi có kế hoạch được Uỷ ban nhân dân thành phố giao và có thiết kế kỹ thuật dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư được tạm ứng 30% tổng số kinh phí do ngân sách thành phố đầu tư cho công trình.

b- Thanh toán, quyết toán:

Đối với công trình do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư:

Sau khi công trình được nghiệm thu, chủ đầu tư gửi quyết toán về Sở Tài chính - Vật giá, Uỷ ban nhân dân thành phố giao cho Sở Tài chính - Vật giá thẩm định và duyệt quyết toán. Quyết toán công trình không được vượt quá dự toán được duyệt, nếu có phát sinh phải được thẩm định và được cấp có thẩm quyền quyết định mới được thanh toán và sẽ được thanh toán vào nguồn kinh phí năm sau.

Về giải ngân: Căn cứ quyết toán được duyệt với các chứng từ, hoá đơn hợp lệ, Sở Tài chính - Vật giá chuyển phần kinh phí do ngân sách thành phố đầu tư về ngân sách huyện, quận, thị xã; Huyện, quận, thị xã có trách nhiệm chuyển tiền về ngân sách xã, phường, thị trấn để thanh toán cho công trình.

Đối với công trình do Công ty khai thác thuỷ lợi làm chủ đầu tư:

Sau khi công trình được nghiệm thu, chủ đầu tư gửi quyết toán về Sở Tài chính - Vật giá. Uỷ ban nhân dân thành phố giao Sở Tài chính - Vật giá chủ trì cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định quyết toán, trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Quyết toán không được vượt quá dự toán được duyệt, nếu có phát sinh phải được thẩm định và được cấp có thẩm quyền quyết định mới được thanh toán.

Căn cứ vào quyết toán công trình được duyệt với các chứng từ, hoá đơn hợp lệ, Sở Tài chính - Vật giá kiểm tra và thực hiện cấp phát qua Kho bạc Nhà nước thành phố để Kho bạc Nhà nước thành phố thanh toán cho chủ đầu tư.

Điều 13. Thanh, quyết toán kinh phí khảo sát thiết kế các kênh do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư và kinh phí quản lý điều hành chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Kinh phí khảo sát thiết kế được thanh toán khi quyết toán công trình được phê duyệt, Sở Tài chính - Vật giá chuyển tiền về ngân sách huyện, quận, thị xã; Ngân sách huyện, quận, thị xã chuyển kinh phí trên về ngân sách xã, phường, thị trấn để thanh toán cho đơn vị thiết kế.

Kinh phí quản lý điều hành chương trình:

Căn cứ Quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm chuyển kinh phí quản lý điều hành của huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn về ngân sách huyện, quận, thị xã. Ngân sách huyện, quận, thị xã chuyển kinh phí quản lý điều hành của xã, phường, thị trấn về ngân sách xã, phường, thị trấn để thanh toán cho công tác quản lý điều hành chương trình kiên cố hoá kênh mương của xã, phường, thị trấn, do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn duyệt chi. Ngân sách huyện, quận, thị xã thanh toán chi phí cho các công việc quản lý, điều hành chương trình kiên cố hoá kênh mương của huyện, quận, thị xã do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã duyệt chi.

Đối với kinh phí quản lý điều hành của thành phố, Sở Tài chính - Vật giá thực hiện cấp phát qua Kho bạc Nhà nước thành phố để Kho bạc Nhà nước thành phố cấp phát cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo các công việc quản lý điều hành chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Điều 14. Bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

Sau khi nghiệm thu, chủ đầu tư phải bàn giao công trình cho đơn vị có trách nhiệm quản lý sử dụng. Thời gian bảo hành công trình là 12 tháng.

Đơn vị được giao quản lý sử dụng công trình phải đăng ký tài sản và có trách nhiệm bảo trì, khai thác công trình có hiệu quả.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Giao Sở Tài chính - Vật giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương theo đúng các qui định tại bản Qui chế này.

Điều 16. Thủ trưởng các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và các ngành khác có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện bản Qui chế này.

Điều 17. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi, các ngành, các địa phương báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhbqcvqltvxdkchktstbtphp725