AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và cán bộ của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và cán bộ của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH HÀ TĨNH
Số: 753/1995/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 1995                          
Uỷ ban nhân dân

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Về việc ban hành bản quy định chức năng, nhiệm vụ,

quyền hạn, tổ chức bộ máy và cán bộ của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Nghị định số 181/CP ngày 9 tháng 11 năm 1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 397 TCCP-CB, ngày 23 tháng 8 năm 1993 của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ về ban hành chỉ tiêu nghiệp vụ Trưởng Ban TCCQ tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

Căn cứ Quyết định số 39 QĐ/TU ngày 28/5/1994 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về quản lý cán bộ.

Xét đề nghị của ông Trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy - cán bộ của Ban tổ chức chính quyền tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2: Giao ông Trưởng Ban TCCQ tỉnh xây dựng quy chế hoạt động, mối quan hệ về công tác tổ chức Nhà nước của các cấp về lề lối làm việc của Ban.

Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban TCCQ tỉnh, thủ trưởng các ngành, các cấp có liên quan chịu thi hành quyết định này kể từ ngày ban hành. Những quy định trái với quyết định này đều bãi bỏ./.

 

BẢN QUY ĐỊNH

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,

tổ chức bộ máy và cán bộ của Ban tổ chức chính quyền tỉnh Hà Tĩnh

(Ban hành kèm theo QĐ số 753 QĐ-UB ngày 9/6/1995 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)

Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quy định Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và cán bộ của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh như sau:

I/ Vị trí chức năng:

Ban TCCQ tỉnh là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, Ban có trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, về lĩnh vực tổ chức hệ thống hành chính Nhà nước, công chức viên chức Nhà nước, lập hội quần chúng, Hội nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ ở địa phương.

- Ban chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh đồng thời chịu sự hướng dẫn và chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tổ chức - Cán bộ chính phủ.

Ban có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản tại Kho bạc nhà nước.

II/ Nhiệm vụ và quyền hạn.

1. Tổ chức bộ máy:

- Giúp UBND tỉnh nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách nền hành chính Nhà nước trong phạm vi toàn tỉnh.

- Xây dựng trình UBND tỉnh ban hành, hoặc ban hành các quy định về lĩnh vực công tác được giao và tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các quy định đó.

- Xây dựng trình UBND tỉnh đề án về lĩnh vực tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức sự nghiệp phù hợp với nội dung phân cấp của Chính phủ.

- Thẩm định trình UBND tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy , quy chế làm việc các cơ quan chuyên môn, các tổ chức sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; đề án tổ chức các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã.

- Phối hợp với các ngành thẩm định trình UBND tỉnh quyết định việc thành lập, giải thể các doanh nghiệp Nhà nước.

- Nghiên cứu trình UBND tỉnh quyết định những vấn đề phân công phân cấp quản lý tổ chức bộ máy giữa các ngành cấp tỉnh và giữa các ngành với các huyện, thị xã.

- Thẩm định trình UBND tỉnh cho phép thành lập Hội quần chúng, Hội nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ theo quy định của pháp luật, đồng thời hướng dẫn theo dõi kiểm tra việc tổ chức và hoạt động của các Hội đó.

- Giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi công tác được giao đối với các tổ chức của ngành TW đóng trên địa bàn tỉnh.

2. Biên chế và quỹ tiền lương.

- Giúp UBND tỉnh quản lý biên chế và quản lý tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp. Hàng năm căn cứ vào văn bản hướng dẫn lập kế hoạch của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ, Ban có nhiệm vụ hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị xã lập kế hoạch biên chế quỹ tiền lương để UBND tỉnh thông qua và trình Ban tổ chức cán bộ Chính phủ phê duyệt.

- Sau khi lập kế hoạch biên chế và quỹ tiền lượng được UBND tỉnh quyết định, Ban có nhiệm vụ: Giúp UBND tỉnh thông báo biên chế tiền lương cho các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc các sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, đồng thời phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá theo dõi kiểm tra, quyết toán việc thực hiện biên chế tiền lương theo quy định của Nhà nước.

3. Công tác quản lý cán bộ, công nhân viên chức.

- Giúp UBND tỉnh lập quy hoạch, kế hoạch về công tác bố trí, sử dụng cán bộ theo sự phân cấp quản lý của Thường vụ tỉnh uỷ. Phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh uỷ thực hiện công tác tổ chức và cán bộ theo QĐ 93 của thường vụ Tỉnh uỷ.

- Hướng dẫn việc thực hiện quy định về chức danh, tiêu chuẩn công chức viên chức trong phạm vi thuộc UBND tỉnh quản lý.

- Dựa vào các tiêu chuẩn và ngạch bậc công chức viên chức nhà nước để giúp UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng và tổ chức thi tuyển đánh giá công chức viên chức theo quy định của Nhà nước.

- Dựa vào kế hoạch biên chế được duyệt theo dõi, đề xuất điều động, bố trí, đề bạt, khen thưởng , kỷ luật và các chế độ chính sách... đối với đội ngũ cán bộ thuộc UBND tỉnh quản lý.

- Quyết định tuyển dụng, phân bổ học sinh ra trường, tiếp nhận cán bộ công chức viên chức từ ngoài tỉnh về và thuyên chuyển ra ngoại tỉnh; điều động, thuyên chuyển cán bộ công chức viên chức giữa các cơ quan trong tỉnh (bao gồm: Từ khu vực sản xuất kinh doanh sang khu vực hành chính sự nghiệp, giữa các đơn vị thuộc các ngành, giữa các ngành và các huyện, thị xã.

- Quyết định đề bạt, bổ nhiệm, xếp ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi việc, thông báo nghỉ hưu và thực hiện các chế độ chính sách khác đối với những cán bộ công chức viên chức được Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền quản lý.

- Giúp UBND tỉnh kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện chế độ chính sách cán bộ; ra văn bản tạm hoãn những quyết định của các ngành, các cấp về lĩnh vực tổ chức cán bộ trái với quy định của Chính phủ và trái với quy định của UBND tỉnh, đồng thời trình UBND tỉnh ra quyết định bãi bỏ.

- Nghiên cứu đề xuất và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công chức viên chức về lĩnh vực tổ chức cán bộ thuộc quyền quản lý.

4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:

- Giúp UBND tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức để trình Ban tổ chức cán bộ Chính phủ phê duyệt.

- Căn cứ tiêu chuẩn công chức viên chức Nhà nước, căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ, hàng năm hướng dẫn các ngành cấp tỉnh, UBND các huyện thị xã xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức viên chức nhà nước; bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp.

- Dựa vào quy hoạch, kế hoạch được duyệt, Ban chủ trì phối hợp với Trường đào tạo cán bộ chính trị của tỉnh, với các ngành tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồ dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức viên chức.

5. Công tác xây dựng chính quyền.

Giúp UBND tỉnh thực hiện công tác xây dựng chính quyền địa phương.

- Căn cứ vào Luật tổ chức HĐND và UBND, các văn bản của Chính phủ để nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện việc tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.

- Chuẩn bị mọi cơ sở vật chất và chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp theo luật định.

- Giải quyết khiếu nại, khiếu tố của công dân về thực hiện các quy định của luật bầu cử; Tổng hợp báo cáo kết quả các cuộc bầu cử quốc hội và HĐND, UBND các cấp; Làm thủ tục để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn các chức danh bầu cử chính quyền theo luật định.

- Sau bầu cử HĐND tổ chức học tập quy chế hoạt động cho đại biểu HĐND và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước cho cán bộ chính quyền các cấp.

- Phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã lập kế họch quỹ sinh hoạt phí, quỹ trợ cấp nghỉ việc cho cán bộ xã, phường, thị trấn để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách chế độ đối với cán bộ cơ sở.

- Giúp UBND quản lý địa giới hành chính trong tỉnh, lưu trữ bộ hồ sơ địa giới hành chính từ xã đến tỉnh, chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và các cấp chính quyền giải quyết tranh chấp địa giới hành chính của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Chuẩn bị các thủ tục đề nghị thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính theo quy định để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và Chính phủ quyết định.

- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quyết định của TW về thay đổi địa giời hành chính ở địa phương.

6. Công tác khác

- Hướng dẫn và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức của các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, phòng Tổ chức các huyện, thị xã.

- Báo cáo định kỳ hàng quý, sáu tháng, cuối năm và báo cáo đột xuất cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Tỉnh uỷ và Ban tổ chức cán bộ Chính phủ.

- Quản lý chặt chẽ về tổ chức biên chế cán bộ của Ban. Thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Ban để có đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, thực sự là cơ quan tham mưu của chính quyền nhà nước cấp tỉnh đáp ứng với yêu cầu thực hiện cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn mới.

- Phối hợp với thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện thị xã quản lý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức nhà nước.

- Quản lý kinh phí tài sản của Ban theo quy định của nhà nước.

- Thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác khác được UBND tỉnh giao.

III/ Tổ chức bộ máy của Ban TCCQ tỉnh gồm:

1. Lãnh đạo Ban: có Trưởng ban và 1 đến 2 Phó trưởng ban.

- Trưởng Ban TCCQ tỉnh phải là thành viên UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo công chức viên chức của ban thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức trưởng ban TCCQ tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi trình HĐND tỉnh và thoả thuận với Bộ trưởng, Trưởng ban tổ chức cán bộ Chính phủ.

- Các Phó trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban. Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về công tác phân công.

2. Giúp việc cho lãnh đạo ban gồm các phòng:

- Phòng Tổ chức bộ máy.

- Phòng quản lý đào tạo và bồi dưỡng công chức viên chức.

- Phòng Xây dựng chính quyền.

- Phòng Tổng hợp hành chính.

3. Biên chế của Ban được bố trí từ 18 - 20 người.

Để tổ chức hoạt động có hiệu quả nhằm giúp UBND quản lý tốt về lĩnh vực tổ chức bộ máy cán bộ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao cho ông Trưởng Ban TCCQ tỉnh xây dựng quy chế hoạt động, mối quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ban, đồng thời tham mưu giúp UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Sở, Ban, ngành và ra văn bản hướng dẫn tổ chức nghiệp vụ cho Phòng Tổ chức các huyện, thị xã.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn địa phương, Ban TCCQ tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhbqcnnvqhtcbmvcbcbtccqt675