AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về việc ban hành bản quy chế bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về việc ban hành bản quy chế bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH BẮC NINH
Số: 76/2000/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2000                          
QUYếT ĐịNH

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Về việc ban hành bản quy chế bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị cuả Giám đốc Sở khoa học - Công nghệ và môi trường,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy chế bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh"

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, UBND các huyện, thị xã trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh (Ban hành theo Quyết định số 76/2000/QĐ-UB

ngày 26 tháng 07 năm 2000 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế này nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường (BVMT) của Nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh.

Công tác BVMT nhằm giữ gìn, cải thiện và bảo vệ môi trường sống, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững.

Điều 2: Uỷ ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, các ngành của tỉnh phải đưa nội dung BVMT vào quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của ngành, địa phương nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Điều 3: Quy chế này được áp dụng đối với mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 4: Giải thích từ ngữ:

1- Nước la canh: Là nước chứa trong các khoang la canh nằm dưới sàn đáy của càc phương tiện vận tải đường thuỷ.

2- Hoạt động phát thải: Là các hoạt động sản xuất, kinh doanh có thải ra môi trường các loại chất thải ở dạng lỏng, rắn, khí...

3- Hệ sinh thái: Là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó.

4- Ô nhiễm môi trường: Là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường.

5- Sự cố môi trường: Là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. Sự cố môi trường có thể xảy ra do:

a. Bão, lũ lụt, hạn hán, nứt đất, động đất, trượt đất, sụt lở đất, núi lửa, mưa a xít, mưa đá, biến động khí hậu và thiên tai khác.

b. Hoả hoạn, cháy rừng, sự cố kỹ thuật gây nguy hiểm về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng.

c. Sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản, dầu khí, sập hầm lò, phụt dầu, tràn dầu, vỡ đường ống dẫn dầu, dẫn khí, đắm tàu, sự cố tại cơ sở lọc hoá dầu và các cơ sở công nghiệp khác.

d. Sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, nhà máy nhiệt điện nguyên tử, nhà máy sản xuất, tái chế nhiên liệu hạt nhân, kho chứa chất phóng xạ.

6- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Là thực hiện các biện pháp xử lý mức độ ô nhiễm xuống tới giới hạn cho phép.

7- Đánh giá tác động môi trường: Là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội , an ninh, quốc phòng và các công trình khác, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường.

8- Xử lý ô nhiễm môi trường: Là các hoạt động của con người nhằm làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường, để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

9- Bảo vệ môi trường: Là những hoạt động giữ gìn cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

10- Xử lý, chế biến chất thải: Là việc áp dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật để chế biến chất thải thành sản phẩm hữu ích hoặc làm giảm ô nhiễm môi trường.

 

Chương II

QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC SỬ DỤNG HỢP LÝ

CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN MÔI TRƯỜNG

Điều 5: Các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thử nghiệm khoa học, nhân tạo, từ thiện, an ninh quốc phòng của tổ chức, cá nhân có thải ra các loại chất thải sinh hoạt, rác thải sản xuất, chất thải chứa vi sinh vật, vi trùng gây bệnh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đến sức khoẻ con người đều phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, xử lý đạt các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Nhà nước.

Điều 6: Bảo vệ tài nguyên nước:

1- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ các nguồn nước: Nước mặt, nước ngầm, ống dẫn nước, nhà máy và trạm cấp nước không bị ô nhiễm.

Nghiêm cấm việc xả rác thải, các loại phế thải vào ao hồ, kênh mương, sông ngòi. Những giếng khoan khai thác nước ngầm đã bị suy thoái, không có khả năng phục hồi phải được hoàn thổ, gia cố đúng yêu cầu quy trình kỹ thuật của cơ quan quản lý chuyên ngành.

2- Tổ chức cá nhân có nhu cầu khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

3- Cấm thải các chất độc hại, phân bắc tươi, phân chuồng tươi chưa được sử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường vào những khu vực nuôi trồng thủy sản, ao hồ, kênh mương, sông ngòi, hệ thống thoát nước đô thị, nông thôn.

4- Phương tiện giao thông đường thuỷ phải có thiết bị thu gom và phân ly dầu mỡ. Nghiêm cấm thải nước la canh, dầu mỡ, chất thải từ các tầu thuyền xuống sông, hồ.

5- Các khu vực kho chứa, bến cảng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xây dựng hệ thống rãnh thu gom nước mưa và bể xử lý cặn dầu, không được để dầu, mỡ chảy tràn trên bề mặt làm ô nhiễm nguồn nước.

6- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn nước thải nhất thiết phải xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam (TCVN) trước khi chảy vào hệ thống tiêu thoát nước chung.

7- Cấm các tổ chức, cá nhân ngăn chặn dòng chảy thoát nước công cộng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

8- Việc xây dựng khu nghĩa địa ở mỗi địa phương phải đặt xa khu dân cư, xa các nguồn nước, thực hiện theo đúng quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nơi chôn cất phải được bố trí thành từng lô.

Sau khi cải táng mộ, hài cốt được đưa vào khu vực ổn định, quy mô cất mộ sau cải táng phải tuân thủ theo đúng quy định của Chính quyền địa phương.

Điều 7: Bảo vệ tài nguyên đất đai:

1. Việc sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích sinh trưởng trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, không làm mất cân bằng sinh thái, khuyến khích sử dụng kỹ thuật tiến bộ sinh học vào trong việc phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng, côn trùng và bệnh hại cây rừng. Nghiêm cấm chặt phá rừng bừa bãi, lấn chiếm đất rừng, khai thác đất đá tuỳ tiện làm tổn hại đến rừng và đất trồng rừng nhất là rừng phòng hộ.

3. Đối với đất trồng cây phân tán nhằm mục đích lấy gỗ, củi, lâm đặc sản phải kết hợp với việc duy trì và tôn tạo cảnh quan môi trường.

Điều 8: Bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản:

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ các giống, loài động thực vật quý hiếm, bảo vệ các loài chim và côn trùng có ích.

Cấm săn bắt và tiêu thụ các loài chim thú, động vật hoang dã, đốn chặt các loại cây nằm trong danh sách các loài động thực vật quý hiếm do Nhà nước quy định.

Nghiêm cấm mọi hành vi, vi phạm cảnh quan thiên nhiên,như bẻ cành, chặt cây nơi công cộng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cây cổ thụ ở các khu di tích lịch sử, văn hóa, vườn hoa, công viên và nơi công cộng.

2. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm dùng trong sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, các loại thuốc diệt chuột có độc tính cao gây chết nhiều thế hệ.

3. Nghiêm cấm việc dùng các loại công cụ, thiết bị khai thác, đánh bắt thuỷ sản có tính chất huỷ diệt như: Thuốc nổ, xung điện trên các sông ngòi, kênh mương, ao hồ.

Điều 9: Bảo vệ môi trường nông thôn:

1- Các xã có làng nghề phải tiến hành thống kê, điều tra, sắp xếp, tổ chức mặt bằng sản xuất theo quy hoạch được phê duyệt.

2- Xây dựng kế hoạch, từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động trong khu dân cư ra khu vực quy hoạch sản xuất công nghiệp của địa phương.

3. Nghiêm cấm việc đổ các chất thải rắn san lấp ao, hồ trong khu vực phải có lực lượng chuyên trách thu gom, vận chuyển chất thải rắn về khu vực quy hoạch chôn lấp.

4- Các thôn, xóm phải thường xuyên quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh đảm bảo tiêu thoát nước dễ dàng, không ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường. Mỗi hộ gia đình phải xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Nghiêm cấm đổ rác thải, nước thải hoặc phóng uế bừa bãi ra nơi sinh hoạt công cộng.

Điều 10: Bảo vệ môi trường đô thị:

1. Bãi chôn lấp, xử lý rác thải đô thị phải được quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc thiết kế, xây dựng phải thoả mãn các yêu cầu kỹ thuật, không ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm phải có hệ thống thu gom nước thải ở bãi chôn lấp, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới được đưa ra hệ thống thuỷ nông.

2. Các phương tiện giao thông vận tải hoạt động trong nội thị phải lắp đặt hệ thống lọc khí thảivà bộ phận giảm thanh đảm bảo tiếng ổn đạt tiêu chuẩn môi trường qui định.

Cấm các loại phương tiện vận tải chạy trên một số tuyến đường trong nội thị, việc phân luồng xe do cơ quan quản lý chuyên ngành quy định.

3- Việc tổ chức thi công xây dựng, cải tạo mở rộng các loại công trình, vận chuyển lưu giữ, buôn bán VLXD phải thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường về khói, bụi, hơi khí độc, độ chấn động, tiếng ồn, cháy nổ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4- Cây xanh đô thị phải được quy hoạch và trồng theo kế hoạch hàng năm.

 

Chương III

QUẢN LÝ VÀ TIÊU HUỶ CHẤT THẢI

Điều 11: Quản lý chất thải rắn:

1. Nghiêm cấm việc đốt các các loại rác thải trong đô thị, để tồn đọng bùn cống rác, thải, chất độc hại, chất gây mùi hôi thối ở các khu vực dân cư tập trung, trên hè phố, lòng đường.

2. Việc thu gom vận chuyển các loại phân, rác thải, các loại súc vật phải tuân thủ theo đúng quy trình, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự công cộng.

3. Tổ chức thu gom kịp thời và triệt để chất thải từng bước tiến tới phân loại chất thải ngay tại nguồn để thuận tiện cho việc tái sử dụng, tái chế và tiêu huỷ. Khuyến khích các tổ chức tham gia thu gom vận chuyển và xử lý chất thải.

4. Các huyện lỵ, thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp tập trung phải tiến hành quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải, tuân thủ theo các quy định về thiết kế, xây dựng và vận hành. Khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong thu gom xử lý.

Điều 12: Quản lý chất thải độc hại:

1- Bãi chôn lấp xử lý chất thải của tỉnh phải có khu vực dành riêng sử lý các loại chất thải độc hại.

2- Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải độc hại, phải được thực hiện nghiêm ngặt bằng hệ thống thiết bị chuyên dụng theo quy định quản lý chất thải.

3- Chất thải có tính phóng xạ phải đựơc quản lý nghiêm ngặt theo Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ.

4- Chất thải có chứa vi trùng gây bệnh và chất thải bệnh viện phải được sử lý theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, theo quy chế quản lý chất thải y tế.

5. Việc tiêu huỷ các chất độc hại, các loại thuốc bảo vệ thực vật có tỉnh độc cao, tồn tại dư lượng trong nông sản, thực phẩm, đất, nước, phải được thông qua phương án tiêu huỷ với cơ quan quản lý chuyên ngành.

6. Trường hợp xảy ra sự cố trong việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu huỷ chất thải nguy hại phải:

a- Tiến hành các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế thiệt hại đối với môi trường và sức khoẻ con người.

b- Thông báo ngay cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và UBND các cấp để chỉ đạo và phối hợp xử lý, đồng thời cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời những thông tin cần thiết về sự cố cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và UBND địa phương nơi xảy ra sự cố và thực hiện các hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường để khắc phục sự cố.

c- Khẩn trương tiến hành khắc phục sự cố do chất thải nguy hại gây ra, nếu gây thiệt hại về sức khoẻ con người, tài sản, môi trường thì phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

d- Trường hợp vận chuyển chất thải nguy hại ra khỏi khu vực sự cố, phải được cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cho phép.

Điều 13: Quản lý khí thải:

Các cơ sở sản xuất có sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu đốt bắt buộc phải xây hệ thống ống khói, có lắp đặt thiết bị lọc khí thải độc hại, lọc bụi đạt tiêu chuẩn môi trường quy định trước khi thải ra ngoài môi trường.

 

Chương IV

PHÒNG CHỐNG Ô NHIỄM SUY THOÁIVÀ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 14: Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình tự thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và Quyết định số 203/UB ngày 06/9/1997 của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Điều 15: Khi trình duyệt các dự án đầu tư, xây dựng mới, cải tạo và mở rộng các công trình có liên quan tới ô nhiễm môi trường, chủ đầu tư phải lập và trình duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường, đối với những dự án được miễn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì phải kê khai các hoạt động phát thải có ảnh hưởng đến môi trường và trình duyệt phương án, thực hiện biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Điều 16: Kiểm soát môi trường:

1. Hệ thống thiết bị phòng chống ô nhiễm môi trường của các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo đều phải thực hiện ở hai giai đoạn thiết kế và thi công.

2. Dự án chỉ được phép xây dựng khi được cấp quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

3. Khi kết thúc xây dựng, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý xây dựng kiểm tra, nghiệm thu hệ thống thiết bị sử lý chất thải đề phòng, chống ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường.

4. Dự án chính thức đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì chủ dự án phải thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.

Điều 17: Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có các nguồn chất thải đều phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đầu tư hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam tương ứng trước khi thải ra ngoài phạm vi quản lý của cơ sở.

Các địa phương có nghề sản xuất gạch ngói thủ công phát triển, cần có biện pháp tổ chức sản xuất để không gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Chỉ được phép đun đốt ở khu vực quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ thời gian quy định của chính quyền địa phương.

Điều 18: Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ, vận chuyển chất độc hại và chất thải phóng xạ, các thiết bị bức xạ phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 19: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong quá trình hoạt động có gây ô nhiễm môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định của Nhà nước. Trường hợp gây ra sự cố môi trường phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục và thông báo khả năng gây ô nhiễm cho các cơ sở và dân cư xung quanh, đồng thời phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý môi trường và có trách nhiệm bồi thường tổn thất do mình gây ra đối với môi trường.

Điều 20:

1. Việc khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường bao gồm các nội dung:

Loại trừ nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái và sự cố phải tổ chức cứu tài sản, cứu người, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, sửa chữa các công trình hư hỏng, phục hồi sản xuất làm sạch khu vực bị ô nhiễm; chống dịch bệnh; điều tra thống kê đánh giá thiệt hại, theo dõi biến động môi trường, phục hồi chất lượng môi trường.

2. Mọi chi phí cho việc khắc phục sự cố môi trường, hoặc bồi thường do bên gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm.

Điều 21:

1. Sự cố môi trường xảy ra ở địa phương nào thì chủ tịch UBND ở địa phương đó có quyền huy động vật tư, nhân lực, phương tiện có tại địa phương để khắc phục sự cố.

2. Chi phí thanh toán cho các tổ chức cá nhân được huy động do cơ quan huy động chi trả theo chế độ tài chính quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Trường hợp mức độ sự cố vượt quá khả năng khắc phục của địa phương thìchủ tịch UBND địa phương nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm báo cáo ngay cho UBND cấp trên trực tiếpvà cơ quan quản lý môi trường để kịp thời giải quyết.

 

Chương V

TỔ CHỨC QUẢN LÝ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 22: Nội dung quản lý Nhà nước về BVMT:

1. UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh bao gồm những nội dung sau:

a. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

b. Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước và của UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trườngvới các nội dung sau:

a. Tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch chiến lược phát triển khoa học công nghệ và môi trường, tham gia quy trình xét duyệt, các dự án đầu tư trên phạm vi toàn tỉnh.

b. Cùng với các Sở, Ban, ngành xây dựng kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn về công tác bảo vệ môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt và giám sát việc thực hiện kế hoạch.

c. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường và các quy định của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường.

d. Hàng năm thực hiện việc quan trắc chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh.

e. Tổ chức Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư, cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo thẩm quyền.

f. Tổ chức thực hiện công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong cộng đồng.

g. Phối hợp với cơ quan quản lý môi trường và các huyện, thị xã trongviệc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của UBND tỉnh về bảo vệ môi trường.

Điều 23: Quản lý môi trường ở cấp huyện, xã:

1. cấp huyện phải bố trí biên chế từ 1 - 2 cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và môi trường để giúp UBND huyện, thị xã quản lý trên địa bàn và chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của Sở KHCN và MT.

2. Ở cấp xã, phường, thị trấn phải có cán bộ kiêm nhiệm theo dõi về khoa học công nghệ và môi trường, giúp UBND cùng cấp trong việc quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương.

3. UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 24: Các Sở, Ban, ngành của tỉnh có trách nhiệm tổ chức và đôn đốc việc thực hiện các văn bản pháp luật về BVMT trong quản lý của ngành theo quy định và các hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.

Điều 25: Các nhà máy, xí nghiệp phải có bộ phận quản lý môi trường sử lý các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và quan trắc ảnh hưởng của các nguồn thải đó đối với môi trường.

 

Chương VI

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN TÀI CHÍNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 26: Các hoạt động quản lý về bảo vệ môi trường được lấy từ các nguồn sau:

1. Nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm.

2. Nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài.

3. Nguồn thu phí, lệ phí và tiền thu phạt vi phạm hành chính trong việc bảo vệ môi trường.

4. Các nguồn thu khác.

Điều 27: Sử dụng nguồn tài chính về bảo vệ môi trường:

Nguồn tài chính do nhiệm vụ bảo vệ môi trường đựơc chi cho các nội dung sau:

1. Điều tra cơ bản các yếu tố về môi trường, chú trọng các môi trường đất, nước, không khí.

2. Điều tra tình hình ô nhiễm môi trường ở các huyện, thị xã, khu công nghiệp, các làng nghề, khu dân cư đông đúc.

3. Các biện pháp bảo vệ khôi phục, cải tạo môi trường, quản lý chất thải, nhất là chất thải độc hại ở khu đô thị và khu công nghiệp.

4. Các dự án bảo tồn, khôi phục các hệ sinh thái có tầm quan trọng cho phát triển bền vững kinh tế xã hội và duy trì sự đa dạng sinh học, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, công trình văn hoá, di tích lịch sử.

5. Xây dựng cơ bản các công trình cần thiết về bảo vệ môi trường.

6. Việc thu chi tài chính cho công tác bảo vệ môi trường tuân thủ theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

 

Chương VI

THANH TRA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 28: Giải quyết đơn thư kiến nghị khiếu nại, tố cáo:

1. Các tổ chức chuyên môn về BVMT có trách nhiệm giúp UBND các cấp tiếp nhận và tư vấn về UBND giải quyết các đơn thư, kiến nghị, khiếu nại tố cáo về gây ô nhiễm môi trường.

2. Tổ chức thanh tra đối với các hoạt động của tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về việc gây ô nhiễm môi trường chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận đơn.

3. Trong trường hợp bên kiến nghị không nhất trí kết luật của UBND huyện, thị xã, xã, phường thì Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và MT giúp UBND tỉnh thành lập đoàn phúc tra để tiến hành kiểm tra, thanh tra.

4. Trường hợp bên bị kiến nghị không nhất trí với kết luận và quyết định xử lý của đoàn thanh tra, thì có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp, trình tự giải quyết tiếp được tiến hành theo Luật Khiếu nại, tố cáo.

Điều 29: Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền:

1- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra.

2- Quyết định đình chỉ hành vi vi phạm hoặc đình chỉ tạm thời trong trường hợp khẩn cấp nếu các hoạt động đó gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây sự cố về môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.

Điều 30: UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường ở những cơ sở thuộc địa bàn ... Ra quyết định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Điều 31: Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải đều phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất về bảo vệ môi trường đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành những yêu cầu của cơ quan quản lý môi trường ghi trong thông báo kết quả.

 

Chương VIII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 32: Tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường và các quy chế về bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Bắc Ninh. Tổ chức, cá nhân sẽ được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 33:

1- Tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các điều khoản của Bản quy chế này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

2- Việc xử lý các vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thực hiện theo Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành.

 

Chương IX

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 34: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện bản quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc gì phản ánh kịp thời về Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vvbhbqcbvmttbn370