AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về triển khai Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về triển khai Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 54/2002/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2002                          

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND TỈNH NINH THUẬN

Về triển khai Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002

 

Để có thông tin toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội và sự phân bố các đơn vị cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp đang hoạt động trên toàn tỉnh và theo từng huyện, thị xã, làm mốc so sánh, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX - giai đoạn 2001 - 2010; làm căn cứ xây dựng các quy hoạch, phân vùng; đồng thời có số liệu cơ bản làm dàn mẫu tổng thể cho các cuộc điều tra chọn mẫu thống kê hàng năm.

Căn cứ Quyết định số 05/2002/QĐ-TTg ngày 04-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ thị:

1. Tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội: các đơn vị hoạt động sự nghiệp (giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường...), các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp; các chi nhánh của các cơ quan, tổ chức nói trên. Các doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trực tiếp của nước ngoài; các cơ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của các loại hình doanh nghiệp nói trên, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài; các hộ kinh tế cá thể sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi ngành nghề hoạt động. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; (trừ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh tế cá thể hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản đã điều tra trong Tổng điều tra nông thôn nông nghiệp và thủy sản năm 2001; cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; một số hoạt động không có địa điểm cố định) đều phải triển khai thực hiện và tham gia vào việc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002 theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 05/2002/QĐ-TTg ngày 04-01-2002 về Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2002.

2. Nội dung Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp gồm các vấn đề chủ yếu như sau:

Khu vực sản xuất kinh doanh gồm các chỉ tiêu: nhận dạng đơn vị điều tra (tên doanh nghiệp, năm bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, địa chỉ, loại hình doanh nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh); chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh (cơ sở vật chất, tài sản và nguồn vốn, lao động và thu nhập, kết quả kinh doanh, nộp ngân sách...).

Khu vực hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội gồm các chỉ tiêu chung về cơ sở (tên, loại hình tổ chức, ngành hoạt động), một số chỉ tiêu cơ bản về tình hình và kết quả hoạt động (số lao động (giới), doanh thu, trình độ công nghệ thông tin...).

3. Thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (gọi tắt là Ban chỉ đạo Tổng điều tra) các cấp: tỉnh, huyện (thị xã); thành lập tổ thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp

Thành phần Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp do một đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm trưởng ban, cơ quan thống kê làm phó ban trực, các thành viên bao gồm các Sở, ngành, có liên quan như: Kế hoạch đầu tư, Thương mại - Du lịch, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Thuế, Tài chính vật giá và các ngành khác có liên quan.

Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện, tổ chức thực hiện và bàn giao thành quả Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng yêu cầu chất lượng, quy trình, thời gian do Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương quy định tại phương án điều tra.

Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức việc Tổng điều tra ở địa phương, kiểm tra, nghiệm thu kết quả điều tra thuộc phạm vi địa bàn quản lý; bàn giao thành quả cho Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh.

4. Cục Thống kê tỉnh là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Tổng điều tra của tỉnh, chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, kế hoạch và phương án Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ điều tra, báo cáo viên, giám sát viên của các ngành, các địa phương. Phúc tra, xử lý số liệu điều tra, tổng hợp nhanh, nghiệm thu tài liệu điều tra, bảo quản, báo mật tài liệu và bàn giao thành quả. Dự toán kinh phí, sử dụng và quyết toán kinh phí đúng mục đích và theo chế độ tài chính hiện hành.

5. Sở Công nghiệp, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế và các ngành khác có liên quan cử lãnh đạo tham gia Ban chỉ đạo Tổng điều tra cấp tỉnh.

Sở Công nghiệp, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Kế hoạch Đầu tư cử chuyên viên tham gia tổ giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Các cơ quan tại điểm này có trách nhiệm cung cấp tài liệu, số liệu có liên quan đến công tác Tổng điều tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Tổng điều tra của tỉnh.

6. Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn việc cấp phát, sử dụng kinh phí đối với nguồn kinh phí Trung ương cấp.

7. Ban chỉ đạo Tổng điều tra các huyện, thị xã phối hợp với Ban chỉ đạo Tổng điều tra của tỉnh lập kế hoạch Tổng điều tra trên địa bàn mình. Tổ chức mạng lưới điều tra viên thực hiện công tác điều tra. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc Tổng điều tra. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc Tổng điều tra của địa phương mình theo đúng quy trình, tiến độ và đạt yêu cầu chất lượng điều tra.

8. Các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, các doanh nghiệp, hộ kinh tế cá thể nêu tại điểm 1 có trách nhiệm cung cấp thông tin, khai báo nội dung điều tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp.

9. Các cơ quan Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Ninh Thuận phối hợp với cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra (Cục Thống kê tỉnh) để nắm nội dung, thông tin, số liệu nhằm thường xuyên phát tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân, cơ quan Nhà nước hiểu rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc Tổng điều tra và thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc tham gia Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp.

10. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ngành, chính quyền các cấp, các đối tượng điều tra và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này, giúp đợt Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp của tỉnh đạt kết quả cao nhất.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, kịp thời phản ánh về Cục Thống kê tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.

 

 

UBND TỈNH NINH THUẬN


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vtkttccskthcsnn2002434