AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Về khu vực phòng thủ

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Về khu vực phòng thủ

Thuộc tính

Lược đồ

CHÍNH PHỦ
Số: 152/2007/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2007                          

NGHỊ ĐỊNH

Về khu vực phòng thủ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Nghị định này quy định nguyên tắc; cơ chế chỉ đạo, chỉ huy và hoạt động; nội dung; ngân sách bảo đảm; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và công dân Việt Nam về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); huyện, quận, thành phố, thị xã, thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).

Điều 2: Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Căn cứ chiến đấu trong khu vực phòng thủ là khu vực địa hình có lợi thế về quân sự, có thiết bị công trình quân sự bảo đảm cho lực lượng tác chiến làm bàn đạp chiến đấu lâu dài, bao gồm các trận địa, vật cản, công trình chiến đấu bảo vệ căn cứ, hầm ẩn nấp, hào giao thông, công trình hậu cần, kỹ thuật.

2. Căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ là khu vực địa hình có thể xây dựng ngay trong thời bình một số hạ tầng kỹ thuật cần thiết bảo đảm cho hoạt động của các cơ sở sản xuất trong thời chiến; một số kho tàng dự trữ hậu cần, kỹ thuật bảo đảm cho cấp tỉnh, cấp huyện tiến hành chiến đấu và phục vụ chiến đấu lâu dài trên địa bàn khi có chiến tranh.

3. Căn cứ hậu cần, kỹ thuật trong khu vực phòng thủ là khu vực bố trí lực lượng hậu cần, kỹ thuật bảo đảm cho các lực lượng vũ trang của khu vực phòng thủ khi chiến tranh xảy ra, gồm: cơ quan chỉ huy căn cứ và các đơn vị phục vụ chỉ huy, các đơn vị quân y, đơn vị vận tải, các đơn vị kho, trạm hậu cần, kỹ thuật.

4. Khu vực phòng thủ then chốt là khu vực địa hình trên hướng hoặc khu vực phòng thủ chủ yếu, quan trọng có ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch hoặc chiến lược; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; mục tiêu quan trọng cần phải kiên quyết giữ vững, bảo đảm thế vững chắc của khu vực phòng thủ.

5. Thế trận khu vực phòng thủ là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí thiết bị chiến trường, công trình quốc phòng để tiến hành các hoạt động tác chiến. Thế trận phải phù hợp ý định tác chiến, bảo đảm sử dụng có hiệu quả mọi lực lượng, tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ khu vực phòng thủ.

6. Mục tiêu trọng yếu là những mục tiêu chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa quan trọng cần phải tập trung bảo vệ.

7. Lực lượng của khu vực phòng thủ là tổng hợp các lực lượng, được tổ chức chặt chẽ dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của cấp ủy, chính quyền và người chỉ huy quân sự, công an của từng địa phương, bao gồm: lực lượng của các tổ chức quần chúng nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực, công an đóng quân trên địa bàn.

Điều 3: Vị trí, vai trò của khu vực phòng thủ

Khu vực phòng thủ được tổ chức theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh nằm trong hệ thống phòng thủ chung của các quân khu và cả nước, là bộ phận hợp thành của nền quốc phòng toàn dân, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được xây dựng vững mạnh về chính trị, tinh thần, kinh tế, xã hội, quân sự, an ninh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, tạo thành sức mạnh tổng hợp, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, đánh bại chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch.

Điều 4: Nguyên tắc xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ

1. Xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và tuân thủ pháp luật Nhà nước.

2. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo kế hoạch thống nhất.

3. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân để xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện, làm thất bại âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ trong thời bình, sẵn sàng đánh bại địch trong chiến tranh xâm lược.

4. Phát huy tính tích cực, chủ động, của địa phương trong mọi tình huống; tạo thế và lực cho các đơn vị chủ lực tác chiến.

5. Chủ động hiệp đồng, sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác tạo thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc, giữ vững khu vực phòng thủ trong mọi tình huống.

Điều 5: Nội dung quản lý nhà nước về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ

1. Nội dung quản lý nhà nước về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ;

b) Lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, kế hoạch xây dựng và hoạt động của các lực lượng trong khu vực phòng thủ;

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về khu vực phòng thủ;

d) Chỉ đạo, điều hành xây dựng về hoạt động của khu vực phòng thủ;

đ) Quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bảo đảm cho xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ;

e) Thực hiện thanh tra, kiểm tra về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ;

g) Sơ kết, tổng kết về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Bộ Quốc phòng chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Điều 6: Ban Chỉ đạo về khu vực phòng thủ

1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ theo quy định của pháp luật; khi xét thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về khu vực phòng thủ.

2. Ban Chỉ đạo quân khu về khu vực phòng thủ:

a) Ban Chỉ đạo quân khu về khu vực phòng thủ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, giúp Bộ tư lệnh quân khu đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ trên địa bàn quân khu theo quy định của Bộ quốc phòng;

b) Thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo quân khu về khu vực phòng thủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định;

c) Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo quân khu về khu vực phòng thủ do Trưởng Ban Chỉ đạo quân khu về khu vực phòng thủ quy định;

d) Ban Chỉ đạo quân khu về khu vực phòng thủ có cơ quan thường trực đặt tại Bộ Tư lệnh quân khu. Nhiệm vụ quyền hạn, quy chế làm việc của cơ quan thường trực do Trưởng ban Chỉ đạo quy định.

3. Chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng ở khu vực phòng thủ thực hiện theo Nghị định số 116/2006/NĐ-CP ngày 6 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về động viên quốc phòng.

Điều 7: Sơ kết, tổng kết về xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ

1. Kết quả xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ hàng năm được tổng hợp trong tổng kết công tác quốc phòng của các Bộ, ngành và địa phương.

2. Định kỳ 5 năm, sơ kết công tác xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ ở các cấp, các ngành.

3. Việc tổng kết nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ được tiến hành tùy thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của đất nước từng thời kỳ.

4. Nội dung, quy mô tổ chức sơ kết, tổng kết về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ ở các cấp do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn.

Chương 2:

NỘI DUNG XÂY DỰNG KHU VỰC PHÒNG THỦ

Điều 8: Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần

1. Phối hợp xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thuộc khu vực phòng thủ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, tạo sức mạnh về chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ.

2. Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân trong khu vực phòng thủ, chú trọng giáo dục về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ của Đảng và Nhà nước.

3. Xây dựng chương trình phối hợp thực hiện chính sách về dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; thực hiện đồng bộ các chính sách và luật pháp của Nhà nước nhằm phát huy dân chủ và giữ vững kỹ cương xã hội trong khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng và chính sách hậu phương quân đội theo quy định của pháp luật.

4. Phát triển công tác đối ngoại nhân dân ở các địa phương thuộc khu vực phòng thủ có chung đường biên giới với các nước láng giềng theo quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng.

5. Phát triển giáo dục và đào tạo, đẩm mạnh công tác thông tin, văn hóa văn nghệ, phát thanh, truyền hình, thể dục, thể thao để nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho quốc phòng, an ninh. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; ngăn chặn sự xâm nhập các văn hóa phẩm độc hại; phòng, chống các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong khu vực phòng thủ.

Điều 9: Xây dựng tiềm lực kinh tế

1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong từng thời kỳ phải gắn với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh.

2. Quy hoạch phát triển công nghiệp trên phạm vi cả nước, trong từng vùng và ở các địa phương phải gắn kết với quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng; các dự án phát triển công nghiệp dân sinh trong thời bình phải đáp ứng yêu cầu sẵn sàng tiếp nhận công nghiệp, chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển chương trình trọng điểm quốc gia về công nghiệp quốc phòng.

3. Quy hoạch phát triển nông nghiệp phải bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và bảo đảm tích luỹ cho nhu cầu của khu vực phòng thủ năm đầu chiến tranh. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải tạo thế bố trí lực lượng trong khu vực phòng thủ. Thực hiện chính sách di dân và bố trí dân cư theo quy hoạnh; xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trong khu vực phòng thủ góp phần hoàn chỉnh thế trận khu vực phòng thủ.

4. Quy hoạch xây dựng vùng, xây dựng đô thị, nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch xây dựng thế trận quận sự trong khu vực phòng thủ.

5. Quy hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm kết hợp phục vụ dân sinh với phục vụ quốc phòng - an ninh khu vực phòng thủ; có kế hoạch phòng, chống tác chiến điện tử của địch, bảo đảm thông tin vững chắc trong mọi tình huống.

6. Quy hoạch xây dựng phát triển mạng lưới giao thông phải đáp ứng yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ; ưu tiên tập trung ở các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ then chốt và giữa các thành phần của thế trận quận sự trong khu vực phòng thủ.

7. Quy hoạch sử dụng đất, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường phải gắn với quy hoạch xây dựng thế trận khu vực phòng thủ.

8. Quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ gắn với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu của khu vực phòng thủ.

9. Quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao trình độ, năng lực khoa học và công nghệ của các lực lượng trong khu vực phòng thủ.

10. Xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng dự bị động viên để bổ sung lực lượng cho các đơn vị quân đội thuộc khu vực phòng thủ.

11. Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên gắn với quản lý, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm trong khu vực phòng thủ.

12. Quy hoạch phát triển hệ thống y tế kết hợp quân y và dân y, thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân trong khu vực phòng thủ.

13. Quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu phòng thủ của các địa phương theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

14. Xây dựng kế hoạch bảo đảm nhu cầu năm đầu chiến tranh theo yêu cầu của phương án tác chiến phòng thủ đơn bản, nhu cầu của các lực lượng hoạt động trong khu vực phòng thủ.

15. Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 10: Xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh

1. Xây dựng lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ vững mạnh về chính trị - tư tưởng.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ.

3. Xây dựng nghệ thuật tác chiến trong khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu của chiến tranh công nghệ cao.

4.  Xây dựng cơ sở vật chất hậu cần và lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ.

5. Xây dựng kế hoạch bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ.

6. Tổ chức lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ thực hiện theo quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14 và 15 Nghị định này.

8. Xây dựng công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh trong khu vực phòng thủ thực hiện theo Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.

9. Bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự trong khu vực phòng thủ thực hiện theo Nghị định số 04/CP ngày 16 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự.

Điều 11: Thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ

1. Thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ gồm:

a) Làng, xã, phường, thị trấn; cụm làng, xã, phường, thị trấn; các đơn vị kinh tế;

b) Khu vực phòng thủ cấp huyện;

c) Khu vực phòng thủ then chốt cấp tỉnh, cấp huyện;

d) Căn cứ chiến đấu cấp tỉnh, cấp huyện;

đ) Căn cứ hậu phương cấp tỉnh, cấp huyện;

e) Căn cứ hậu cần, kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện;

g) Sở chỉ huy các cấp;

h) Các mục tiêu trọng yếu;

i) Các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội Biên phòng (nếu có), bộ đội địa phương, dân quân tự vệ;

k) Các khu kinh tế - quốc phòng.

2. Căn cứ vào Quyết tâm tác chiến phòng thủ của quân khu và Kế hoạch phòng thủ quốc gia, có thể xác định thêm một số thành phần khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Các thành phần thế trận quân sự của khu vực phòng thủ gắn kết với hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương và quốc gia, tạo thành thế trận liên hoàn vững chắc trong thời bình và thời chiến.

Điều 12: Nội dung quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ

1. Xác định địa điểm, diện tích đất sử dụng theo quy hoạch xây dựng thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

2. Xác định phương án bố trí tổng thể các công trình quốc phòng, an ninh và chỉ giới xây dựng các công trình đó.

3. Xây dựng danh mục và dự kiến nguồn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ.

4. Lập bản đồ quy hoạch xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ.

5. Việc quy hoạch xây dựng hệ thống các công trình quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.

Điều 13: Căn cứ lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ

1. Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Quyết tâm tác chiến phòng thủ cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp về công tác quốc phòng, an ninh.

Điều 14: Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ

1. Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập quy hoạch tổng thể về xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, dưới sự hướng dẫn của Bộ Tư lệnh quân khu.

2. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập quy hoạch tổng thể về xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, dưới sự hướng dẫn của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh.

3. Căn cứ phương án tác chiến phòng thủ cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ các cấp.

Điều 15: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ

1. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ khi nhiệm vụ của khu vực phòng thủ có thay đổi, biến động khách quan về địa lý, tự nhiên.

2. Cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ là cấp phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU VỰC PHÒNG THỦ

Điều 16. Cơ chế chỉ đạo, chỉ huy trong hoạt động của khu vực phòng thủ

1. Hoạt động của khu vực phòng thủ trong các trạng thái quốc phòng đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân. Chi huy trưởng cơ quan quân sự địa phương chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang khi có chiến sự. Cơ quan quân sự, Cơ quan công an, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể ở địa phương tham mưu và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Hoạt động sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Nguyên tắc sử dụng lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Hoạt động của khu vực phòng thủ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống khủng bố, gây rối, bắc cóc con tin, biểu tình chính trị, khi có nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân. Người đứng đầu cơ quan Công an ở địa phương chỉ huy lực lượng Công an phối hợp với lực lượng quân sự và các lực lượng khác tiến hành theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết nghị, giám sát nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, quyết nghị chủ trương, biện pháp chuyển hoạt động kinh tế - xã hội ở các địa phương trong khu vực phòng thủ sang thời chiến theo quy định của Luật Quốc phòng.

4. Quan hệ chỉ huy, hiệp đồng giữa các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thực hiện theo Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Điều 17. Nội dung hoạt động của khu vực phòng thủ trong các trạng thái quốc phòng

1. Khi đất nước ở trạng  thái thời bình (trạng thái thường xuyên) các địa phương phải nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời mọi tình huống về quốc phòng, an ninh xảy ra; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các phương án tác chiến, kế hoạch hoạt động của các lực lượng cho phù hợp với tình hình. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh phải tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ ít nhất 1 lần trong một nhiệm kỳ. Các cơ quan ở Trung ương phải chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tham gia xây dựng khu vực phòng thủ và diễn tập khu vực phòng thủ.

2. Huy động tiềm lực quốc phòng, chuyển hoạt động của các cơ quan, tổ chức ở địa phương trong các trạng thái quốc phòng thực hiện theo Nghị định số 116/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về động viên quốc phòng.

3. Quy chế hoạt động của các lực lượng trong khu vực phòng thủ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Chương 4:

NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM

Điều 18: Nguồn ngân sách bảo đảm

Nguồn ngân sách bảo đảm cho xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ gồm:

1. Ngân sách nhà nước.

2. Các doanh nghiệp bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Đóng góp tài chính của các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 19: Cơ chế bảo đảm ngân sách cho xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ

1. Ngân sách nhà nước chi cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Các doanh nghiệp bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ thực hiện theo Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương.

3. Các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp tài chính cho nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 20: Nhiệm vụ chi cho xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ

1. Nhiệm vụ chi của Bộ Quốc phòng:

a) Chi soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ;

b) Chi cho khảo sát, thẩm định quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ các địa phương;

c) Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp về khu vực phòng thủ;

d) Chi xây dựng các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ;

đ) Chi cho công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết về khu vực phòng thủ được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp quân khu;

e) Chi cho việc chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ;

g) Các nhiệm vụ chỉ khác thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

2. Nhiệm vụ chi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương:

a) Chi cho hoạt động phối hợp chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ ở các địa phương;

b) Chi cho chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ theo chức năng, nhiệm vụ của ngành;

c) Chi cho kiểm tra, sơ kết, tổng kết về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ theo nhiệm vụ được giao;

d) Các nhiệm vụ chi khác thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 7 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

3. Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương:

a) Chi cho khảo sát, lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ ở cấp tỉnh, cấp huyện;

b) Chi cho soạn thảo, điều chỉnh các phương án tác chiến và các kế hoạch bảo đảm cho hoạt động của khu vực phòng thủ;

c) Chi cho diễn tập khu vực phòng thủ ở cấp tỉnh, cấp huyện và hoạt động của các lực lượng khi có các tình huống về quốc phòng, an ninh;

d) Chi cho việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện;

đ) Chi cho đầu tư các dự án kết hợp quốc phòng với kinh tế;

e) Chi cho quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, sở chỉ huy của khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

g) Các nhiệm vụ chi khác thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21: Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ quyết định quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước làm căn cứ để từng địa phương lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch cho các địa phương bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; chỉ đạo thực hiện xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, tập trung, có hiệu quả.

Điều 22: Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng  và hoạt động của khu vực phòng thủ. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước, Quy hoạch tổng thể các khu kinh tế - quốc phòng làm cơ sở để các địa phương xây dựng quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Quy chế kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, Quy chế hoạt động của các lực lượng trong khu vực phòng thủ, trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khảo sát, lập kế hoạch động viên quốc phòng của Nhà nước, xác định chỉ tiêu động viên cho cấp tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Nghị định số 116/2006/NĐ-CP ngày 6 tháng 10 năm 2006 về động viên quốc phòng.

4. Chủ trì chỉ đạo xây dựng bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên theo quy định của pháp luật.

5. Căn cứ đề án bảo đảm trang bị cho Quân đội và tổ chức lực lượng dân quân tự vệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định cụ thể về trang bị cho bộ đội địa phương, bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ trong khu vực phòng thủ.

6. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

7. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình hoạt động thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chính sách đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ.

8. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh bảo đảm gắn kết với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

9. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh chính sách di dân thực hiện quy  hoạch, bố trí dân cư để củng cố thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

10. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện khoản 1 Điều 25 Nghị định này.

11. Hướng dẫn các địa phương về công tác tham mưu tác chiến trong khu vực phòng thủ; chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ, công tác nghiên cứu khoa học về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

12. Chỉ đạo hoạt động của khu vực phòng thủ theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này.

13. Hàng năm, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ; chỉ đạo các quân khu tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ theo quy định của pháp luật.

14. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành giúp Chính phủ chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Điều 23: Bộ Công an

1. Chỉ đạo cơ quan công an địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong các khu vực phòng thủ.

2. Chỉ đạo, chỉ huy cơ quan công an các địa phương phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp và các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan Công an các địa phương phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, gây rối, biểu tình, khủng bố, bắt cóc con tin, bạo loạn lật đổ và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về Công an nhân dân và An ninh nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của khu vực phòng thủ trong thời bình và thời chiến.

5. Tham gia thẩm định các đề án quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ và các dự án kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành địa phương có liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh trật tự và tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ.

7. Chỉ đạo hoạt động của khu vực phòng thủ theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này và tham gia chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ.

Điều 24: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điểu chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng kinh tế và từng địa phương gắn với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm căn cứ để từng địa phương lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trung khu vực phòng thủ.

3. Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, hướng dẫn các địa phương lập Kế hoạch xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên, Kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, Kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân bảo đảm cho nhu cầu quốc phòng và các hoạt động của xã hội, Kế hoạch chuyển các địa phương vào các trạng thái quốc phòng, Kế hoạch phòng không nhân dân, Kế hoạch hiệp đồng phòng thủ của các địa phương và tham gia chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ.

4. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện khoản 2 Điều 22 Nghị định này.

Điều 25: Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch và cơ chế sử dụng các mặt hàng trong hệ thống kho dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu của khu vực phòng thủ, trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định về cơ chế, chính sách tài chính đảm bảo nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, địa phương trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách đảm bảo cho xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 26: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chỉ đạo những vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, việc làm liên quan đến xây dựng lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương quản lý, bồi dưỡng, huy động nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

3. Chủ trì hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách cho các địa phương góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ.

4. Trong phạm vị quản lý nhà nước của Bộ, chỉ đạo các địa phương thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Điều 27: Bộ Công thương

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ gắn với các quy hoạch xây dựng khu vực phòng thủ.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng phương án và thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp khi địa phương chuyển vào các trạng thái quốc phòng.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng đầu tư trang thiết bị, dây chuyền công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp được giao nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị cho lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ.

Điều 28: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các quy hoạch khác thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ gắn với quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, điều chỉnh chính sách di dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư nhằm tăng cường củng cố lực lượng và thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

2. Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Điều 29: Bộ Xây dựng  

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù, trình Chính phủ.

2. Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, xây dựng đô thị bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành liên quan trong việc quản lý đầu tư xây dựng các dự án và công trình trọng điểm quan trọng về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về xây dựng.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các công trình dân dụng có liên quan đến quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ và các văn bản hướng dẫn về quản lý đầu tư công trình đặc thù quốc phòng, an ninh.

Điều 30: Bộ Giao thông vận tải

1. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông trên phạm vi cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển giao thông bảo đảm nhu cầu xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện chế độ đăng ký, quản lý phương tiện giao thông thuộc diện huy động cho khu vực phòng thủ theo Nghị định số 168/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ quy định danh mục và chế độ, thủ tục đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội.

Điều 31: Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Căn cứ kế hoạch động viên quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong hoạt động của khu vực phòng thủ.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng  và các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin bảo đảm nhu cầu quốc phòng trong phạm vi cả nước và từng địa phương, bao gồm phương án bảo đảm thông tin dự phòng và cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện thông tin.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương việc tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng  - an ninh cho các đối tượng.

4. Chỉ đạo việc quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, không để các thế lực phản động lợi dụng nhằm xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Điều 32: Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng và các quy hoạch khác thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ gắn với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ, trình Chính phủ.

2. Trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Điều 33: Bộ Y tế

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng đề án kết hợp quân y và dân y ở các cấp để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới bảo đảm y tế cho các lực lượng của từng khu vực phòng thủ.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng lực lượng dự bị động viên theo quy định của pháp luật về dự bị động viên.

3. Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Điều 34: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đấu tranh xoá bỏ các loại văn hóa phẩm độc hại, các hoạt động thể thao, du lịch trái pháp luật, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong khu vực phòng thủ.

Điều 35: Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định của pháp luật về giáo dục quốc phòng - an ninh.

2. Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, hướng dẫn ngành và địa phương xây dựng kế hoạch động viên quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực phòng thủ.

Điều 36: Các Bộ, ngành khác

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật về khu vực phòng thủ.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch động viên quốc phòng, kế hoạch bảo đảm trong tác chiến phòng thủ; tham gia chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ và phối hợp chỉ đạo hoạt động của khu vực phòng thủ.

3. Trong phạm vị chức năng quản lý nhà nước của Bộ, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng khu vực phòng thủ.

4. Phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Điều 37: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

2. Xây dựng bộ máy nhà nước và công chức ở địa phương trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ.

3. Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách và luật pháp của Nhà nước về phát huy dân chủ, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, chính sách hậu phương quân đội để góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ.

4. Các địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giềng vận động nhân dân hợp tác với nhân dân nước bạn, tạo điều kiện xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định.

5. Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền rà soát, điều chỉnh, phê duyệt theo thẩm quyền các quy hoạch quy định tại Điều 9 Nghị định này; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng thực lực và tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ.

7. Chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương; tổ chức luyện tập, diễn tập nâng cao khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng trong khu vực phòng thủ.

8. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quyền xây dựng Kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, Kế hoạch chuyển các hoạt động của địa phương vào các trạng thái quốc phòng và các kế hoạch động viên quốc phòng khác theo Nghị định số 116/2006/NĐ-CP ngày 6 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về động viên quốc phòng.

9. Chỉ đạo xây dựng thế trận khu vực phòng thủ; chỉ đạo xây dựng các công trình quốc phòng, khu quân sự, bố trí thiết bị chiến trường phù hợp với quyết tâm, kế hoạch tác chiến trong khu vực phòng thủ.

10. Chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình địa bàn và xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.

11. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ theo quy định của pháp luật.

12. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng khu vực phòng thủ, động viên, tập hợp lực lượng tham gia xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ.

Chương 6:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 38: Khen thưởng

1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Quốc phòng ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản thực hiện chính sách về thi đua khen thưởng đối với nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ theo quy định của pháp luật.

Điều 39: Xử lý vi phạm

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40: Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Không đăng Công báo và thông đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các quy định trước đây trái Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 41: Tổ chức triển khai thực hiện

1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
 
 
Nguyễn Tấn Dũng


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/vkvpt148