AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH BẮC NINH
Số: 128/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1997                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BẮC NINH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh

 

UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/6/1994;

 

Căn cứ Quy chế làm việc của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 94/UB ngày 31/3/1997;

 

Căn cứ kết luận của UBND tỉnh Bắc Ninh tại phiên họp ngày 25/3/1997;

 

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh.

 

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

 

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

Về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh (Kèm theo Quyết định số 128/UB ngày 17/5/1997của UBND tỉnh Bắc Ninh)

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh có chức năng giúp Thường trực HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh về công tác đối nội, đối ngoại, tổ chức các hoạt động chung của HĐND, UBND, tham mưu cho Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND trong việc chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh- quốc phòng trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, liên tục và có hiệu lực trong hoạt động của HĐND và UBND tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng.

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VĂN PHÒNG UBND TỈNH

Điều 2: Văn phòng UBND tỉnh có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1- Giúp Thường trực HĐND, UBND và Chủ tịch UBND xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác của Thường trực HĐND và UBND, tổ chức theo dõi, đôn đốc các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các cơ quan liên quan, các đơn vị kinh tế trên địa bàn thực hiện ctương trình đó.

Chuẩn bị các báo cáo về hoạt động của Thường trực HĐND và UBND tỉnh, tổ chức soạn thảo các dự án do Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND trực tiếp giao; phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các báo cáo, dự án trình HĐND, UBND theo Quy chế làm việc của HĐND và UBND tỉnh.

2- Theo dõi, đôn đốc các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, các đơn vị kinh tế trên địa bàn, UBND các huyện, thị xã trong việc chuẩn bị các báo cáo dự án, tham gia ý kiến với các cơ quan khác về nội dung, thể thức trong quá trình soạn thảo các đề án đó.

Thẩm tra lần cuối về mặt thủ tục hành chính các báo cáo, dự án do các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã chuẩn bị trình HĐND, UBND quyết định để Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND trình cấp có thẩm quyền quyết định theo Quy chế làm việc của HĐND và UBND tỉnh. Trong trường hợp các báo cáo, dự án chưa đảm bảo yêu cầu về nội dung, thủ tục theo quy định, Văn phòng UBND tỉnh đề nghị cơ quan chủ đề án bổ sung hoàn chỉnh thêm. Nếu đề nghị đó không được cơ quan chủ dự án nhất trí thì Văn phòng báo cáo Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND quyết định.

3- Được uỷ quyền của Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND tổ chức việc thông báo, truyền đạt các Nghị quyết, Quyết định của HĐND, Thường trực HĐND; các Nghị quyết, Quyết định của UBND và Chủ tịch UBND về công tác chỉ đạo, điều hành lĩnh vực cụ thể hàng ngày đối với các Sở, cơ quan trực thuộc và UBND các huyện, thị xã; theo dõi, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị đó; báo cáo hoặc kiến nghị Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định của HĐND và các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh được quyền yêu cầu các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, các đơn vị kinh tế và các cơ quan có liên quan khác báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, các văn bản của HĐND, UBND, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND để tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND, UBND và cấp trên. Được cử Chuyên viên tham dự các cuộc họp bàn công tác, sơ kết, tổng kết công tác, bàn kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của HĐND, UBND, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản của cấp trên.

4- Nghiên cứu, đề xuất với Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND những vấn đề vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đó trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu, đề xuất với Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh.

5- Tổ chức phục vụ các Kỳ họp HĐND, phiên họp UBND, tổ chức công tác tiếp dân và tổ chức các buổi làm việc của Thường trực HĐND, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh với các ngành, đoàn thể, các Doanh nghiệp; UBND các huyện, thị xã, các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, các đoàn khách nước ngoài đến làm việc tại địa phương theo Quy chế làm việc của HĐND, UBND tỉnh. Khi được uỷ quyền, lãnh đạo Văn phòng được thay mặt UBND tiếp và làm việc trực tiếp với các đoàn khách trong nước cũng như các đoàn khách của nước ngoài.

Biên tập và quản lý hồ sơ, biên bản các Kỳ họp HĐND, phiên họp UBND, các buổi làm việc của Thường trực HĐND, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

6- Quản lý thống nhất việc ban hành các văn bản của Thường trực HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh; chỉnh lý lần cuối về mặt thủ tục hành chính các dự thảo văn bản do các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh trình Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND ký ban hành.

Phối hợp với Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã trong việc ban hành các văn bản pháp quy. Nếu phát hiện văn bản của các cơ quan này có sai sót hoặc trái với pháp luật, trái các quy định của HĐND, UBND, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND thì kiến nghị với HĐND, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

7- Nghiên cứu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các quy định về thủ tục hành chính trong xử lý công việc về quản lý công văn, giấy tờ trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương theo quy định, đảm bảo đúng pháp luật, đơn giản. Tổ chức công bố công khai các thủ tục hành chính đó.

8- Đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến các cơ quan lãnh đạo, thông tin đại chúng, cơ quan hữu quan phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND về công tác quản lý Nhà nước ở địa phương theo Quy chế của HĐND và UBND tỉnh.

Được quyền yêu cầu các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, các Doanh nghiệp Nhà nước và các cơ quan khác có liên quan gửi đến Văn phòng UBND tỉnh các văn bản pháp quy do các cơ quan đó ban hành hoặc cung cấp thông tin số liệu cần thiết theo yêu cầu của Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, nếu yêu cầu đó không được chấp thuận hoặc không kịp thời Văn phòng UBND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND có biện pháp xử lý.

9- GiúpThường trực HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì mối quan hệ làm việc thường xuyên với UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo Quy chế hoạt động của HĐND và UBND tỉnh.

10- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác văn thư lưu trữ đối với Văn phòng các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Văn phòng UBND các huyện, thị xã theo qui định.

11- Bảo đảm các điều kiện về vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội khu vực Bắc Ninh, Thường trực Hội đồng TĐKT và các cơ quan khác làm việc tại Văn phòng UBND tỉnh theo qui định của Nhà nước.

12- Quản lý công tác tổ chức, cán bộ, kinh phí tài sản thuộc cơ quan Văn phòng UBND tỉnh, Nhà khách tỉnh theo qui định của Nhà nước và phân cấp của UBND tỉnh. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức thuộc Văn phòng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của tình hình mới (Chỉ đạo hoạt động của Nhà khách Bắc Ninh).

Thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể khác do Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ CŅNG TÁC

Điều 3: Tổ chức bộ máy của Văn phòng UBND tỉnh gồm:

1- Lãnh đạo Văn phòng:

Chánh văn phòng do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Văn phòng UBND tỉnh trước Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Văn phòng thực hiện theo Điều 9, Quy chế làm việc của UBND tỉnh.

Giúp việc Chánh Văn phòng có các Phó Văn phòng (số lượng do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định). Các Phó Văn phòng do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh Văn phòng và Trưởng ban Tổ chức chính quyền. Nhiệm vụ của các Phó Văn phòng do Chánh Văn phòng phân công.

2- Các phòng, tổ nghiệp vụ gồm có:

Phòng Hành chính quản trị gồm Nhà khách.

Nhà khách tỉnh Bắc Ninh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh hoạt động theo nguyên tắc "gán thu bù chi"; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Nhà khách tỉnh Bắc Ninh do Chánh Văn phòng UBND tỉnh qui định, sau khi thống nhất với Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh và các cơ quan hữu quan.

Phòng Lưu trữ.

Đội xe.

Tổ chuyên viên giúp việc Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Tổ chuyên viên thi đua-khen thưởng

Tổ chuyên viên Văn phòng gồm các chuyên viên: Tổng hợp, Nội chính, Văn xã, Nông-Công nghiệp-XDCB, Kinh tế- đối ngoại.

Các phòng, tổ nghiệp vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh có Trưởng, Phó phòng.

Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các Phòng, Tổ nghiệp vụ trên do Chánh Văn phòng quy định cụ thể. Việc bổ nhiệm Trưởng phòng do Chánh Văn phòng UBND tỉnh thoả thuận với Ban Tổ chức chính quyền.

3- Biên chế: Biên chế của Văn phòng UBND tỉnh nằm trong tổng biên chế quản lý Nhà nước của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh giao hàng năm.

 

Điều 4: Các mối quan hệ công tác của Văn phòng UBND tỉnh:

1- Quan hệ với Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo với Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ;

Chủ động tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ.

2- Quan hệ với Cục Lưu trữ Nhà nước: Văn phòng UBND tỉnh chịu sự quản lý của Cục Lưu trữ Nhà nước về hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ văn thư lưu trữ, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

3- Văn phòng UBND tỉnh giữ mối quan hệ thường xuyên với các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh để thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo theo quy định của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND. Duy trì quan hệ thường xuyên với Văn phòng Tỉnh uỷ để phối hợp xây dựng chương trình công tác phục vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, làm việc với lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ về thăm và làm việc với địa phương; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn tại tỉnh.

4- Quan hệ với UBND các huyện, thị xã, các Sở và cơ quan trực thuộc UBND tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn về công tác chuyên môn nghiệp vụ Văn phòng, công tác văn thư lưu trữ đối với các huyện, thị xã, các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác văn thư lưu trữ. Phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền, Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Văn phòng cho cán bộ, công chức của Văn phòng UBND huyện, thị xã, các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh. Phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền hướng dẫn UBND huyện, thị xã kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác Văn phòng theo đúng chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ.

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 5: Quy định này được UBND tỉnh thông qua ngày 25/3/1997 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các văn bản quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

 

Điều 6: Căn cứ vào quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm xây dựng Quy chế làm việc của Văn phòng UBND tỉnh. Quy chế này phải trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét trước khi ban hành.

 

Điều 7: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quy định này.

Trong quá trình thực hiện có những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi phải trình UBND tỉnh xem xét quyết định./.

UBND TỈNH BẮC NINH
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
 
Ngô Văn Luật


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/qcnnvqhtcbmvmqhctcvputbn680