AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Hiệp định riêng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển về tăng cường đào tạo luật tại Việt Nam giai đoạn 2005 - 2009

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Hiệp định riêng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Thụy Điển về tăng cường đào tạo luật tại Việt Nam giai đoạn 2005 - 2009

Thuộc tính

Lược đồ

CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC THỤY ĐIỂN
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2005                          

HIỆP ĐỊNH RIÊNG

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VÀ CHÍNH PHỦ THỤY ĐIỂN VỀ TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO

LUẬT TẠI VIỆT NAM

GIAI ĐOẠN 2005 - 2009

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Việt Nam) và Chính phủ Thụy Điển (sau đây gọi là Thụy Điển) đã thỏa thuận như sau:

Bộ Tư Pháp Việt Nam và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) đại diện là Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội (Đại sứ quán) được ủy quyền đại diện cho hai chính phủ ký Hiệp định này.

Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU) và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh được giao thực hiện dự án này phối hợp với đối tác tư vấn phía Thụy Điển.

Điều 1. Phạm vi và mục tiêu của Hiệp định.

Việt Nam đang thực hiện Dự án "Tăng cường đào tạo luật tại Việt Nam".

Mục tiêu tổng quát của Dự án là: Thông qua Dự án tăng cường công tác đào tạo luật góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền và đáp ứng đòi hỏi của chính sách đổi mới ở Việt Nam bằng cách hoàn thiện nội dung, phương pháp đào tạo luật và năng lực làm việc của sinh viên luật. Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua việc hoàn thiện chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn cho các giáo viên có chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới; và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu tổng quát của dự án các bên đối tác cũng sẽ chú trọng ảnh hưởng của Dự án tới mục tiêu giảm nghèo, bảo vệ quyền con người, phòng chống HIV-AIDS và vấn đề bình đẳng giới.

Các mục tiêu cụ thể của Dự án là:

1. Phát triển đội ngũ giáo viên có chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại dựa trên chương trình, giáo trình và tài liệu hiện đại

2. Xây dựng thư viện đạt tiêu chuẩn hiện đại và phát huy vai trò của thư viện trong đào tạo luật hiện đại.

3. Tăng cường công tác đào tạo luật, quản lý Dự án và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế

Dự án sẽ được thực hiện theo Văn kiện Dự án "Tăng cường đào tạo luật tại Việt Nam" làm vào tháng 12 năm 2004 sau khi đã được sửa đổi nhiều lần.

Điều 2. Đóng góp của phía Thụy Điển.

Thụy Điển sẽ hỗ trợ việc thực hiện và quản lý Dự án quy định tại Hiệp định này với tổng số kinh phí là bảy mươi mốt triệu, năm trăm ngàn kuron Thụy Điển (71.500.000 SEK).

Ngoài ra, một triệu kuron Thụy Điển (01 triệu kuron) sẽ dành cho công tác kiểm toán và đánh giá các hoạt động có liên quan đến Dự án. Khoản đóng góp nói trên của phía Thụy Điển tối đa là tới mức kinh phí đã được nêu trên tính bằng SEK. Trong bản kế hoạch hoạt động của Dự án số tiền này sẽ được quy đổi thành đô la Mỹ theo tỷ giá giao động.

Khoản đóng góp về tài chính cho Dự án được rút ra từ tổng số viện trợ của Thụy Điển cho Việt Nam trong Hiệp định về Hợp tác và Phát triển.

Điều 3. Trách nhiệm của Việt Nam.

Việt Nam sẽ có trách nhiệm:

1. Thực hiện dự án và cung cấp các nguồn lực được ghi trong Hiệp định này, cụ thể là cung cấp các nguồn lực và/hoặc đóng góp khoản kinh phí là 651.000 USD. Hầu hết khoản đóng góp này dưới dạng nhân sự, văn phòng, phòng hội thảo, thiết bị thư viện và các phương tiện khác cũng như các chi phí nhằm duy trì hoạt động của Dự án.

2. Đảm bảo phần đóng góp của Chính phủ Thụy Điển được sử dụng hiệu quả và chỉ cho các mục đích đã được thống nhất.

3. Đảm bảo thực hiện hợp lý việc quản lý và kiểm soát nội bộ các nguồn lực của dự án.

4. Hoàn thành các nghĩa vụ sau:

- Bố trí cán bộ có trình độ phù hợp để thực hiện dự án.

- Kinh phí hoạt động cho phần quản lý dự án của phía Việt Nam.

- Kinh phí khấu hao, sửa chữa, thay thế các trang thiết bị được cung cấp. Theo Hiệp định này, khấu hao các thiết bị công nghệ được tính là 100% sau 5 năm.

Các hạng mục có thể do phía Việt Nam chi trả từ phần đóng góp của phía Việt Nam được liệt kê trong bảng "Đóng góp tài chính của các bên" đính kèm Văn kiện dự án.

Điều 4. Điều kiện và việc sử dụng nguồn đóng góp của Thụy Điển.

1. Chỉ những hoạt động thực hiện trong giai đoạn từ 01/06/2005 đến 30/11/2009 được tài trợ từ nguồn đóng góp của Chính phủ Thụy Điển. Các hoạt động thực hiện sau sáu tháng kể từ ngày 30/11/2009 sẽ không được thanh toán theo Hiệp định này.

2. Các khoản có thể do phía Thụy Điển chi trả từ phần đóng góp của phía Thụy Điển được liệt kê trong bảng "Đóng góp tài chính của các bên" đính kèm Văn kiện dự án.

3. Điều kiện tiên quyết cho việc sử dụng nguồn tài trợ là tất cả các nguồn lực cho Dự án phía Thụy Điển không cung cấp sẽ do phía Việt Nam đảm nhiệm. Việc đóng góp này được nêu rõ trong Văn kiện Dự án sẽ được chính thức hóa bằng quyết định của cơ quan Việt Nam có thẩm quyền. Nếu Văn kiện Dự án chưa nêu cụ thể thời gian đóng góp thì nguồn đóng góp đó sẽ được thực hiện trước một thời hạn đủ để triển khai nguồn đóng góp của Thụy Điển nhằm thực hiện những hoạt động theo kế hoạch đã được thống nhất.

4. Phía Thụy Điển có thể, tại bất cứ thời điểm nào, từ chối không thanh toán nếu có sự sai lệch so với kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính đã được thông qua nếu: Nguồn kinh phí hoặc các nguồn lực khác không được sử dụng đúng mục đích; Các nguồn lực do phía Việt Nam đóng góp không được cung cấp theo kế hoạch; Mục đích của dự án không thể thực hiện được; Các báo cáo không được cung cấp theo thỏa thuận; Công tác quản lý tài chính của Dự án không tốt; Phía Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ theo Hiệp định trước; hoặc mục tiêu của Dự án hoặc các nội dung quan trọng trong Dự án không được triển khai một cách thuận lợi.

5. Các nguồn vốn đã chuyển cho phía Việt Nam theo Hiệp định này mà không được sử dụng trước ngày 31/12/2010 sẽ được hoàn trả lại cho phía Thụy Điển trong vòng ba tháng sau đó.

6. Nếu có sự sai lệch lớn so với Văn kiện Dự án "Tăng cường đào tạo luật tại Việt Nam" làm vào tháng 12 năm 2004 và/hoặc so với những kế hoạch hoạt động hàng năm, hoặc các điều kiện khác liệt kê trong điều khoản này không được hoàn thành hoặc không được tuân thủ triệt để thì Sida có thể đòi lại một phần hoặc toàn bộ khoản kinh phí đã chuyển cho phía Việt Nam.

7. Ban Giám đốc dự án Việt Nam và/hoặc Thụy Điển từng bước phấn đấu có 1 đến 2 thành viên là nữ.

Điều 5. Mua sắm.

Việc mua sắm hàng hóa, yêu cầu cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện theo những nguyên tắc và thực tiễn mua sắm thịnh hành được quốc tế chấp nhận.

Không một sự chào mời, không một giá trị đền bù hay lợi ích dưới bất cứ dạng nào nếu có thể bị coi là phạm pháp hay tham nhũng được chấp nhận trực tiếp hoặc gián tiếp với tư cách là sự dụ dỗ, trao thưởng cho việc ký kết hay thực hiện hợp đồng được tài trợ trong phạm vi Dự án.

Phía Thụy Điển có thể tiến hành kiểm tra việc mua sắm. Việc kiểm tra có thể được thực hiện dưới hình thức kiểm toán mua sắm. Việt Nam cung cấp cho Thụy Điển tất các những hồ sơ cần thiết liên quan đến việc mua sắm.

Việc mua sắm hàng hóa, yêu cầu cung cấp dịch vụ do Ban Giám đốc Dự án phía Việt Nam thực hiện, sẽ áp dụng theo các quy định của Sida (Phụ lục 1).

Các bên có thể yêu cầu tư vấn về bất cứ vấn đề gì có liên quan tới mua sắm theo Hiệp định này.

Điều 6. Lập kế hoạch, tổng kết, báo cáo và đánh giá.

1. Cuộc họp đánh giá thường niên sẽ được tổ chức hàng năm. Các bên sẽ thống nhất về hình thức và thời gian của các báo cáo và các cuộc họp đánh giá giữa kỳ. Biên bản họp sẽ được chuẩn bị và ký trước khi kết thúc cuộc họp.

2. Bản Báo Cáo Sơ Bộ Tiến Độ Thường Niên phải được cung cấp cho Đại sứ quán Thụy Điển 15 ngày trước khi tổ chức cuộc họp thường niên. Cuộc họp thường niên sẽ xem xét bản báo cáo này, nếu có sửa đổi thì ngày nộp bản báo cáo cuối cùng sẽ được ghi trong Biên bản họp.

3. Dự thảo Kế hoạch hoạt động hàng năm có phần kinh phí cho năm tiếp theo phải được gửi tới Đại sứ quán Thụy Điển 15 ngày trước cuộc họp thường niên. Bản dự thảo sẽ được đưa ra hội nghị thường niên phân tích, thảo luận. Bản Kế hoạch hoạt động cuối cùng đã được sửa đổi theo nội dung đã thống nhất tại hội nghị thường niên phải được trình lên Đại sứ quán để phê duyệt 15 ngày sau khi Hội nghị thường niên kết thúc.

4. Báo cáo tài chính hàng năm phải được gửi tới Đại sứ quán không chậm hơn 20 ngày sau khi năm tài chính kết thúc. Báo cáo này dựa trên các báo cáo tài chính của các tài khoản và bao gồm tất cả các khoản thu, các nguồn thu, các khoản chi trong toàn bộ giai đoạn hoạt động. Việc báo cáo tài chính giữa kỳ sẽ do các bên thỏa thuận trên cơ sở xem xét báo cáo tài chính đã được thông qua như là một điều kiện tiên quyết cho việc giải ngân được đề cập trong Điều 7.

5. Đại sứ quán sẽ thông báo cho Ban Giám đốc Dự án Việt Nam tất cả các khoản do Đại sứ quán chi cho Dự án. Thông tin này sẽ được gửi tới phía Việt Nam không chậm hơn 15 ngày trước khi hết hạn nộp báo cáo của phía Việt Nam.

6. Bản dự thảo Báo cáo hoàn thành sẽ được gửi tới Đại sứ quán không chậm hơn 30 ngày trước cuộc họp tổng kết cuối cùng. Sau khi các bên cùng xem xét, bản dự thảo sẽ được chỉnh sửa và bản cuối cùng phải được gửi tới Đại sứ quán trong vòng 30 ngày sau cuộc họp. Nếu vì một số lý do cuộc họp tổng kết cuối cùng không được tổ chức thì Bản dự thảo Báo cáo hoàn thành sẽ được gửi tới Đại sứ quán 30 ngày trước khi giai đoạn hoạt động của dự án hết hạn và bản cuối cùng của Báo cáo hoàn thành sẽ được gửi tới Đại sứ quán trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được ý kiến của Đại sứ quán.

7. Một năm trước khi kết thúc giai đoạn ba và là giai đoạn cuối của quá trình hợp tác, việc đánh giá Dự án sẽ được thực hiện. Các bên sẽ thống nhất về nội dung và quy trình thực hiện trong cuộc họp thường niên năm trước khi tiến hành.

Thông tin thêm về nội dung và hình thức các báo cáo được cung cấp trong cuốn Hướng dẫn của Sida về việc lập kế hoạch, chế độ báo cáo và kiểm toán. Phía Thụy Điển sẽ cung cấp cho bên Việt Nam cuốn Hướng dẫn này. Hướng dẫn còn có thể xem tại trang điện tử www.sida.se/partnerpoint.

Ban Giám đốc Dự án phải thông báo kịp thời cho Đại sứ quán Thụy Điển trường hợp các báo cáo và kế hoạch không thể gửi đến Đại sứ quán như thỏa thuận. Cuộc họp đánh giá thường niên sẽ không được tổ chức và kinh phí của Dự án hàng năm cũng không được chi cho đến khi Đại sứ quán Thụy Điển nhận được báo cáo. Bên cạnh thủ tục báo cáo định kỳ đã thỏa thuận, các bên phải thông báo kịp thời cho nhau khi phát sinh sự kiện có thể làm cho Dự án không thực hiện được theo kế hoạch đã thống nhất.

Ban Giám đốc Dự án sẽ cung cấp cho Đại sứ quán Thụy Điển những thông tin khác liên quan tới Dự án nếu Đại sứ quán đưa ra yêu cầu một cách chính đáng, đồng thời phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho những đại diện phía Thụy Điển có thể đến thăm, kiểm tra tài sản, hàng hóa, hồ sơ và tài liệu của Dự án. Phía Việt Nam sẽ phối hợp với và hỗ trợ phía Thụy Điển thực hiện các hoạt động đánh giá ảnh hưởng của dự án sau này. Nghĩa vụ này của phía Việt Nam còn áp dụng đối với cả các hỗ trợ trước đây của Thụy Điển cho Dự án.

Điều 7. Đối thoại:

Trong quá trình thực hiện Dự án, Thụy Điển và Việt Nam thường xuyên duy trì đối thoại về những vấn đề sau:

- Vấn đề bình đẳng giới tại hai trường đại học, tại các cơ sở đào tạo luật và trong quá trình thực hiện Dự án.

- Nhận thức trong sinh viên và giáo viên về vấn đề HIV/AIDS, xu thế nhìn nhận vấn đề trong HIV/AIDS đào tạo luật.

- Kết hợp cách tiếp cận dựa trên vấn đề quyền con người trong quá trình thực hiện Dự án và trong công tác đào tạo luật.

Điều 8. Thanh toán.

Phần đóng góp của Thụy Điển được thanh toán như sau:

a. Thanh toán cho Việt Nam

Phần đóng góp của Thụy Điển cho những chi phí phát sinh tại Việt Nam được thanh toán như sau:

- Đối với những khoản chi phí tại địa phương Đại sứ quán sẽ thanh toán qua tài khoản dự án Trường Đại học Luật Hà Nội/Đại học Luật TP. HCM/Sida trên cơ sở đề nghị của Ban Giám đốc Dự án.

- Đại sứ quán sẽ thanh toán trực tiếp cho cơ sở cung cấp dịch vụ/hàng hóa tại địa phương. Ban Giám đốc Dự án phía Việt Nam khẳng định bằng văn bản kết quả cung cấp dịch vụ/hàng hóa trước khi Đại sứ quán thanh toán.

Điều kiện tiên quyết cho việc thanh toán là các yêu cầu tại Điều 4 được thực hiện đầy đủ, Báo cáo tiến độ và Báo cáo tài chính theo quy định tại Điều 4 do Ban Giám đốc Dự án phía Việt Nam chuẩn bị, trình lên và được Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phê duyệt. Yêu cầu thanh toán cần bao gồm hoặc dẫn chiếu tới báo cáo tiến độ và báo cáo tài chính như đã nêu trong Điều 6. Khi Đại sứ quán chưa phê duyệt yêu cầu thanh toán thì không có khoản chi trả nào được thực hiện.

Việc thanh toán từ nguồn đóng góp của Thụy Điển sẽ chỉ được thực hiện dựa trên yêu cầu thanh toán bằng văn bản do cá nhân được ủy quyền đại diện cho Ban Giám đốc Dự án phía Việt Nam ký.

Việc thanh toán từ nguồn đóng góp của Thụy Điển sẽ chỉ được thực hiện dựa trên bản gốc yêu cầu thanh toán của phía Việt Nam. Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho Ban Giám đốc dự án phía Việt Nam ký yêu cầu thanh toán là Giám đốc dự án hoặc đại diện do Giám đốc Dự án ủy nhiệm. Phía Việt Nam sẽ thông báo cho phía Thụy Điển khi có sự ủy nhiệm mới.

Việc thanh toán được thực hiện theo quý dựa trên các khoản đóng góp đã được phân bổ.

Giấy đề nghị thanh toán bao gồm các nội dung sau và việc thanh toán sẽ dựa trên các nội dung đó:

- Cụm từ: "Yêu cầu thanh toán" phải có trong phần tiêu đề.

- Mã số khoản đóng góp của Sida.

- Tên dự án.

- Số tiền đề nghị thanh toán tính bằng USD.

- Ngân hàng nơi nhận, địa chỉ, số tài khoản, chủ tài khoản, mã số, đơn vị tiền tệ của tài khoản.

- Báo cáo việc sử dụng nguồn tài trợ lần trước và các tài liệu có liên quan.

Giấy đề nghị thanh toán phải có chữ ký và gửi tới Đại sứ quán Thụy Điển.

b. Phần phía Thụy Điển thanh toán:

Thụy Điển sẽ thanh toán trực tiếp cho cơ sở cung cấp dịch vụ/hàng hóa, nhà tư vấn và những cá nhân do phía Thụy Điển ký hợp đồng.

Phía Thụy Điển sẽ thanh toán theo hóa đơn hỗ trợ kỹ thuật cho nhà tư vấn trên cơ sở hợp đồng giữa Sida và nhà tư vấn và sẽ thông báo cho ban Giám đốc Dự án phía Việt Nam.

Điều 9. Kiểm toán.

Dự án sẽ được kiểm toán hàng năm. Kiểm toán sẽ được tiến hành bởi một công ty kiểm toán độc lập và có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về kiểm toán. Kiểm toán sẽ được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức quốc tế các Viện kiểm toán cao cấp (INTOSAI) hoặc Hiệp hội kế toán quốc tế (IFAC) đưa ra. Đại sứ quán sẽ quy định nhiệm vụ của kiểm toán và lựa chọn nhà kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán phải đưa ra ý kiến về tính đúng đắn của Báo cáo tài chính hàng năm gửi tới Đại sứ quán, phải đánh giá chính xác và công bằng hoạt động của dự án và việc thực hiện Dự án có phù hợp với những quy định và điều kiện về việc sử dụng nguồn tài trợ được đề cập trong Hiệp định này.

Nhà kiểm toán phải đưa ra Thư đánh giá về Công tác quản lý trong đó xem xét việc quản lý và về hệ thống kiểm soát nội bộ của Dự án. Thư đánh giá sẽ trình bày những biện pháp đã được áp dụng nhằm khắc phục những hạn chế theo kết quả của báo cáo kiểm toán lần trước, đánh giá tính phù hợp của những biện pháp đó.

Nếu Thụy Điển yêu cầu, nhà kiểm toán sẽ xem xét cả báo cáo tiến độ thực hiện của dự án.

Đại sứ quán sẽ gửi Báo cáo kiểm toán và Thư đánh giá công tác quản lý tới Ban Giám đốc Dự án phía Việt Nam ngay sau khi nhận được những tài liệu này từ nhà kiểm toán. Ban Giám đốc Dự án Việt Nam sẽ gửi phúc đáp về công tác quản lý cho Đại sứ quán Thụy Điển trong vòng ba tuần kể từ khi nhận được Báo cáo kiểm toán và Thư đánh giá công tác quản lý.

Ban Giám đốc Dự án phía Việt Nam phải phối hợp và trợ giúp Đại sứ quán Thụy Điển trong khi tiến hành kiểm toán, trong các công việc tiếp sau đó cũng như trong các nghiên cứu tài chính mà phía Thụy Điển yêu cầu.

Điều 10. Công tác giám sát và các chỉ số đánh giá dự án:

Những chỉ số cơ bản sau, cùng với các chỉ số khác, sẽ được sử dụng để giám sát và đánh giá Dự án:

- Một chương trình mới đào tạo thạc sĩ luật được xây dựng, áp dụng cho khóa hai chương trình đào tạo thạc sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, trình Bộ có thẩm quyền phê duyệt thành chương trình chuẩn.

- Một chương trình mới đào tạo tiến sĩ luật được xây dựng, áp dụng cho khóa một chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, trình Bộ có thẩm quyền phê duyệt thành chương trình chuẩn.

- Các phương pháp giảng dạy hiện đại được áp dụng.

- Một số giáo trình mới được biên soạn sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại (số lượng giáo trình cụ thể sẽ được xác định trong quá trình thực hiện dự án).

- Phương thức kiểm tra được xem xét lại để có thể phản ánh phương pháp dạy hiện đại.

- Thành lập Trung tâm Phương pháp sư phạm và Đánh giá chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Các bên sẽ xây dựng kế hoạch duy trì hoạt động của Trung tâm.

- Thư viện Luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh được hiện đại hóa và các bên sẽ xây dựng kế hoạch duy trì sự phát triển của thư viện.

- Tăng phần đóng góp của phía Việt Nam cho mục tiêu phát triển thư viện và hợp tác quốc tế.

Nhóm Giám sát Dự án sẽ được thành lập nhằm tăng cường khả năng giám sát của Sida và Đại sứ quán Thụy Điển đối với tiến độ thực hiện Dự án và các hỗ trợ của Thụy Điển trong lĩnh vực pháp luật. Mục tiêu hoạt động của nhóm là nhằm tăng cường chất lượng và năng lực trong lĩnh vực hợp tác pháp luật thông qua việc theo dõi sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực có liên quan của Dự án. Nhóm sẽ giám sát và đánh giá việc thực hiện Dự án.

Nhóm sẽ cung cấp cho Sida và Đại sứ quán Thụy Điển hỗ trợ phân tích lâu dài việc thúc đẩy sự phát triển pháp luật, quyền con người và nền dân chủ ở Việt Nam. Ngoài ra nhóm sẽ đóng vai trò tư vấn cho Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội. Vai trò ban hành quyết định thuộc về các bên tham gia Hiệp định.

Điều 11. Tham chiếu các Hiệp định khác.

Sự phối hợp hoạt động giữa các bên theo Hiệp định này cũng đồng thời được điều chỉnh bởi:

- Hiệp định về Các điều khoản và điều kiện chung đối với sự hợp tác phát triển giữa Chính phủ Thụy Điển và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2001 - 2006,

- Hiệp định về Hợp tác phát triển giai đoạn 2004 - 2008, và

- Những Hiệp định khác thay thế hoặc sửa đổi những Hiệp định kể trên.

Điều 12. Gửi Hiệp định.

Các bên cam kết gửi bản sao của Hiệp định này đến tất cả các Bộ, các cơ quan và các tổ chức khác có liên quan đến Dự án hợp tác hoặc những chủ thể cần thông tin trong nội dung bản Hiệp định này.

Điều 13. Chấm dứt Hiệp định.

Hiệp định này có giá trị đến ngày 31 tháng 5 năm 2010, trừ trường hợp một trong hai bên chấm dứt Hiệp định trước thời hạn với sự báo trước 6 tháng bằng văn bản. Trong trường hợp phía Thụy Điển là bên chấm dứt Hiệp định thì việc chấm dứt này không áp dụng đối với các khoản chi mà Việt Nam đã cam kết một cách thiện chí với bên thứ ba trước thời điểm được thông báo về việc chấm dứt Hiệp định, với điều kiện là những cam kết đó được thực hiện theo đúng Hiệp định này.

Nếu có sự vi phạm nghiêm trọng Hiệp định thì phía Thụy Điển có thể chấm dứt Hiệp định ngay lập tức.

Trong trường hợp Việt Nam là bên chấm dứt Hiệp định, không có bất cứ hoạt động nào thực hiện sau khi Hiệp định hết hạn được thanh toán.

Điều 14. Hiệu lực thi hành.

Hiệp định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2005.

Hiệp định được ký gồm hai bản gốc bằng tiếng Anh, mỗi bên giữ một bản./.

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
(Đã ký)
 
 
Uông Chu Lưu


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/hrgcpnchxhcnvnvcptvtctltvng20052009817