AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Hướng dẫn về nội dung và quy trình xây dựng điều lệ Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập và điều lệ Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ - Công ty con

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Hướng dẫn về nội dung và quy trình xây dựng điều lệ Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập và điều lệ Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ - Công ty con

Thuộc tính

Lược đồ

Download

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 03/2005/TT-BKH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2005                          

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về nội dung và quy trình xây dựng điều lệ Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập và điều lệ Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ - Công ty con

Thực hiện Nghị định 153/2004/NĐ-CP ngày 09/8/2004 của Chính phủ về tổ chức, quản lý Tổng công ty nhà nước và chuyển đổi Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con (sau đây gọi tắt là Nghị định 153/2004/NĐ-CP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xây dựng điều lệ của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập và điều lệ Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ  Công ty con như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn về nội dung và quy trình xây dựng điều lệ của Tổng công ty do  Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập (sau đây gọi tắt là Tổng công ty) và điều lệ của Công ty mẹ là công ty nhà nước trong mô hình Công ty mẹ  Công ty con (sau đây gọi tắt là Công ty mẹ).

Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm:

a) Các Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập, bao gồm: các Tổng công ty đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; các Tổng công ty đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình Công ty mẹ  Công ty con mà trong cơ cấu thành viên vẫn còn đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; các Tổng công ty thành lập mới.

b) Các Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập, các công ty thành viên của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập, công ty nhà nước độc lập đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đã hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

- Có cơ cấu gồm Công ty mẹ là công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003; các công ty con, công ty liên kết hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc thành lập, đăng ký và hoạt động theo pháp luật nước ngoài.

2. Yêu cầu của nội dung điều lệ

Điều lệ Tổng công ty (Công ty mẹ) quy định về địa vị pháp lý của Tổng công ty (Công ty mẹ); chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức quản lý của Tổng công ty (Công ty mẹ); quan hệ trong nội bộ Tổng công ty (Công ty mẹ); quan hệ của Tổng công ty (công ty mẹ) với các đơn vị thành viên (công ty con, công ty liên kết); quan hệ của Tổng công ty (Công ty mẹ) với Đại diện chủ sở hữu nhà nước và các cơ quan nhà nước.

Điểu lệ cụ thể của từng Tổng công ty, Công ty mẹ có thể quy định chi tiết hơn hoặc rút gọn về nội dung cho phù hợp với cơ cấu đơn vị thành viên (đối với Tổng công ty) hoặc cơ cấu công ty con, công ty liên kết (đối  với Côn g  ty mẹ) ; đặc điểm linh vực, ngành nghề hoạt động của mỗi Tổng công ty, Công ty mẹ và các quy định khác của pháp luật; nhưng phải có các nội dung cơ bản như trong hướng dẫn này và không được trái với các quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước  năm 2003 và Nghị định 153/2004/NĐCP.

II. NỘI DUNG ĐIỀU LỆ

1. Phần quy định chung

a) Điều lệ ghi rõ tên tiếng Việt, tên giao dịch, tên tiếng Anh (nếu có), địa chỉ trụ sở chính, điện thoại, số Fax, website (nếu có) và các đặc điểm định danh khác của Tổng công ty, Công ty mẹ.

b) Địa vị Pháp lý của Tổng công ty, Công ty mẹ: là công ty nhà nước, hoạt  động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tiền Đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của phập luật; có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản của mình; có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với vốn, tài sản, tên gọi, biểu tượng, thương hiệu theo quy định của pháp luật.

c) Tổng số vốn điều lệ của Tổng công ty Công ty mẹ: là số vốn của chủ sở hữu (tính bằng tiền Việt Nam) đầu tư vào Tổng công ty, Công ty mẹ tại thời điểm điều lệ có hiệu lực. Việc xác định rõ tổng số vốn điều lệ tại điều lệ nhằm giới thiệu về quy mô của Tổng công ty, Công ty mẹ và để xác định trách nhiệm hữu hạn của chủ sở hữu đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của  Tổng công ty, Công ty mẹ trong phạm vi số vốn này.

d) Người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty, Công ty mẹ là Tổng Giám đốc Đại điện chủ sở hữu của Tổng công ty Công ty mẹ là Bộ quản lý ngành hoặc UBND cấp tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp Công ty mẹ được chuyển đổi từ công ty thành viên của Tổng công ty thì Đại diện chủ sở hữu của Công ty mẹ là Tổng công ty.

Đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại Tổng công ty, Công ty mẹ là Hội đống quản trị.

đ) Mục tiêu hoạt động của Tổng công ty (Công ty mẹ) là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu, hoàn thành các nhiệm vụ do Đại điện chủ sở hữu giao trong đó có chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tối đa hóa hiệu quả hoạt động chung của toàn Tổng công ty (Công ty mẹ) và các đơn vị thành viên (các công ty con). Việc ghi rõ mục tiêu hoạt động của Tổng công ty (Công ty mẹ) trong điều lệ nhằm tránh tình trạng Tổng công ty (Công ty mẹ) hoạt động chệch khỏi mục tiêu của chủ sở hữu giao.

e) Thời hạn hoạt động: ghi số năm hoạt động theo quyết định của cấp có thấm quyền về thành lập, tổ chức lại Tổng công ty (Công ty mẹ), hoặc ghi cụ thể ngày bắt đầu và kết thúc hoạt động, hoặc không ghi thời hạn nếu trong quyết định của cấp có thẩm quyền về thành lập, tổ chức lại Tổng công ty (Công ty mẹ) không xác định thời hạn hoạt động.

g) Ngành, nghề kinh doanh: trường hợp Tổng công ty (Công ty mẹ) trực tiếp sản xuất kinh doanh thì ghi các ngành, nghề theo đăng ký kinh doanh; trường hợp Tổng công ty (Công ty mẹ) không trực tiếp sản xuất kinh doanh mà thực hiện vai trò của cổ đông, thành viên góp vốn tại các đơn vị thành viên (các công ty con và doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ) thì chỉ ghi thực hiện đầu tư tài chính và quản lý vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác; trường hợp vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện đầu tư tài chính và quản lý vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác thì ghi cả hai loại.

h) Phần giải thích từ ngữ nhằm thống nhất quan niệm và sử dụng những từ ngữ được dùng nhiều trong điều lệ nhưng có thể gây nhiều cách hiểu khác nhau bao gồm: Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, quyền chi phối, cổ phần chi phối, đơn vị thành viên, công ty con, công ty liên kết, đơn vị trực thuộc, v.v. Đối với những từ ngữ đã có các văn bản giải thích riêng hoặc đã sử dụng ở các văn bản khác, được các đối tượng áp dụng hiểu rõ và chính xác thì khi xây dựng điều lệ của Tổng công ty (Công ty mẹ) không cần đưa vào mục giải thích từ ngữ của điều lệ.

i) Các vấn đề khác nếu thấy cần thiết, nhưng không trái với các quy định pháp luật.

2. Quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty, Công ty mẹ

a) Quyền của Tổng công ty, Công ty mẹ đối với vốn, tài sản, tài chính và trong hoạt động kinh doanh: Căn cứ quy định tại các Điều 18, 15, 17 và 19 Luật Doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 153/2004/NĐ-CP, Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (sau đây gọi tắt là Nghị định 199/2004/NĐ-CP), các quyền của đại diện chủ sở hữu quy định tại điều lệ này và đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty (Công ty mẹ) để cụ thể hóa các quyền của Tổng công ty (Công ty mẹ).

b) Nghĩa vụ của Tổng công ty, Công ty mẹ đối với vốn, tài sản, tài chính và trong hoạt động kinh doanh: Căn cứ quy định tại các Điều 14, 16, 18 và 19 Luật doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 153/2004/NĐ-CP, Nghị định 199/2004/NĐ-CP, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu quy đinh tại điều lệ này và đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty, Công ty mẹ để cụ thể hóa các nghĩa vụ của Tổng công ty, Công ty mẹ.

c) Nghĩa vụ và trách nhiệm của Tổng công ty (Công ty mẹ) đối với các đơn vị thành viên (công ty con) bao gồm: Định hướng chiến lược kinh doanh theo chiến lược kinh doanh của Tổng công ty (Công ty mẹ) và phù hợp với điều lệ của đơn vị thành viên (công ty con) ; phối hợp giữa các đơn vị thành viên (công ty con) để  tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ mà từng đơn vị thành viên (công ty con) không có khả năng thực hiện, thực hiện không có hiệu quả hoặc hiệu quả kinh doanh thấp hơn so với có sự phối hợp của toàn Tổng công ty (của Công ty mẹ); hạn chế tình trạng đầu tư, kinh doanh trùng lặp hoặc cạnh tranh nội bộ dẫn đến phân tán, lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả kinh doanh của toàn Tổng công ty (tổ hợp Công ty mẹ và các công ty con); thực hiện hoạt động nghiên cứu, tiếp thị, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các đơn vi thành viên (các công ty con) mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thực hiện các quyền chi phối đối với đơn vị thành viên (công ty con) theo điều lệ của đơn vị (công ty) đó, nhưng không được lạm dụng quyền chi phối, làm tổn hại đến lợi ích của các đơn vị thành viên (các công ty con), các chủ nợ, các cổ đông, thành viên góp vốn khác và các bên có liên quan đến đơn vị (công ty con) đó.

d) Khi Tổng công ty, Công ty mẹ thực hiện các hoạt động sau đây mà: Tổng công ty không có sự thỏa thuận với đơn vị thành viên là công ty thành viên hạch toán độc lập, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối; Công ty mẹ không có sự thỏa thuận với công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối; Tổng công ty (Công ty mẹ) gây thiệt hại cho đơn vị thành viên (công ty con) đó và các bên liên quan, thì Tổng công ty (Công ty mẹ) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đơn vị thành viên (công ty con) đó và các bên liên quan:

- Buộc đơn vị thành viên (công ty con) phải ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế không bình đẳng và bất lợi đối với các đơn vị (công ty con) này.

- Điều chuyển vốn, tài sản của đơn vị thành viên là công ty thành viên hạch toán độc lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (đối với Tổng công ty) công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (đối với Công ty mẹ), gây thiệt hại cho đơn vị (công ty) bị điều chuyển, trừ các trường hợp: điều chuyển theo phương thức thanh toán; quyết định tổ chức lại công ty; thực hiện mục tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều chuyển một số hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có lãi từ đơn vị thành viên (công ty con) này sang đơn vị thành viên (công ty con) khác không có sự thỏa thuận với đơn vị (công ty) bị điều chuyển, dẫn đến đơn vị (công ty) bị điều chuyển bị lỗ hoặc lợi nhuận bị giảm sút nghiêm trọng.

- Quyết định các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đối với các đơn vị thành viên (công ty con) trái với điều lệ và pháp luật giao nhiệm vụ cho đơn vị thành viên (công ty con) không dựa trên cơ sở ký kết hợp đồng kinh tế với các đơn vị (công ty) này.

- Buộc đơn vị thành viên (công ty con) cho Tổng công ty (Công ty mẹ), đơn vị thành viên khác (công ty con khác) vay vốn với lãi suất thấp với điều kiện vay và thanh toán không hợp lý hoặc phải cung cấp các khoản tiền vay để Tổng công ty (Công ty mẹ), đơn vị thành viên khác (công ty con khác) thực hiện các hợp đồng kinh tế có nhiều rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của các đơn vị (công ty) đó.

3. Chủ sở hữu của Tổng công ty, Công ty mẹ

a) Căn cứ vào các quyền và nghĩa vụ cửa chủ sở hữu quy định tại mục II, Chương VI của Luật Doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 153/2004/NĐ-CP, điều lệ của Tổng công ty (Công ty mẹ) và quy định của Chính phủ về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty nhà nước và đặc điểm của Tổng công ty (Công ty mẹ) để qụy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, bao gồm: quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu do cơ quan, tổ chức được cử làm Đại diện chủ sở hữu đối với Tổng công ty (Công ty mẹ) thực hiện; các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu do Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện.

Quyền hạn của Đại diện chủ sở hữu có thể quy định chi tiết phân theo nhóm vấn đề bao gồm: Những vấn đề Đại diện chủ sở hữu tự quyết định; những vấn đề Đại diện chủ sở hữu quyết định trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng quản trị; những vấn đề Đại diện chủ sở hữu ủy quyền hoặc phân cấp cho Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc quyết định; những vấn đề Đại diện chủ sở hữu trình Chính phủ; những vấn đề Đại diện chủ sở hữu phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện.

b) Quyền hạn của Đại diện chủ sở hữu bao gồm:

- Quyền phê duyệt, sửa đổi, bổ sung điều lệ; mức vốn điều lệ ban đầu; tăng, giảm vốn điều lệ; việc tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu Tổng công ty (Công ty mẹ).

Giá trị của các dự án đầu tư, bán tài sản, mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khác; sử dụng vốn, tài sản của Tổng công ty (Công ty mẹ) để góp vốn liên doanh với chủ đầu tư nước ngoài; đầu tư ra nước ngoài; mua công ty thuộc thành phần kinh tế khác; các hợp đồng vay, cho vay cần có sự phê duyệt của Đại diện chủ sở hữu hoặc Tổng công ty (Công ty mẹ) có quyền tự quyết định hoặc quyết định theo phân cấp của Đại diện chủ sở hữu.

- Thẩm quyền tuyển chọn, bổ. nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, chế độ lương, thưởng, phụ cấp và các quyền lợi khác của Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị; việc tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Tổng giám đốc.

- Thẩm quyền giám sát, theo dõi và đánh giá hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, Công ty mẹ, hoạt động quản lý của Hội đồng quản trị.

- Thẩm quyền phê duyệt quy chế tài chính, báo cáo tài chính hàng năm và phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của Tổng công ty, Công ty mẹ.

- Các quyền hạn khác theo quyết định của pháp luật.

c) Nghĩa vụ của Đại diện chủ sở hữu bao gồm: Bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của Tổng công ty (Công ty mẹ); không trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh doanh của Tổng công ty (Công ty mẹ), các công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và bộ máy quản lý của Tổng công ty (Công ty mẹ); trách nhiệm đầu tư đủ vốn điều lệ cho Tổng công ty (Công ty mẹ); chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Tổng công ty (Công ty mẹ) trong phạm vi số vốn điều lệ của Tổng công ty (Công ty mẹ); tuân theo các quy định của pháp luật về hợp đồng trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê và cho thuê giữa Tổng công ty (Công ty mẹ) và Đại diện chủ sở hữu; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

d) Điều lệ có thể tách riêng các quy định về quyền hạn và về nghĩa vụ của Đại diện chủ sở hữu hoặc có thể quy định đồng thời quyền hạn với nghĩa vụ của Đại diện chủ sở hữu.

4. Tổ chức quản lý và điều hành của Tổng công ty, Công ty mẹ

Tổ chức bộ máy quản lý và điều hành Tổng công ty (Công ty mẹ) bao gồm Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng, bộ máy giúp việc.

a) Hội đồng quản trị:

- Chức năng của Hội đồng quản trị: là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở  hữu nhà nước tại Tổng công ty (Công ty mẹ), có quyền nhân danh Tổng công ty (Công ty mẹ) để quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu nhiệm vụ và quyền lợi của Tổng công ty (Công ty mẹ), trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu.

Căn cứ vào các quy định trong Luật Doanh nghiệp nhà nước và Nghị định 153/2004/NĐ-CP, điều lệ cụ thể hóa quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị và phân thành các quyền do Hội đồng quản trị tự quyết định theo pháp luật; các quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Tổng Giám đốc; các quyền kiến nghị của Hội đồng quản trị lên Đại diện chủ sở hữu để xem xét quyết định. Nội dung các quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị bao gồm các vấn đề sau đây:

+ Quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, kế hoạch kinh doanh hàng năm, về ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty (Công ty mẹ);

+ Quyết định việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện, phương án phối hợp kinh doanh của Tổng công ty (Công ty mẹ) với các đơn vị thành viên (công ty con, công ty liên kết);

+ Quyết định các dự án đầu tư, góp vốn mua cổ phần, bán tài sản của Tổng công ty (Công ty mẹ); các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác; phương án huy động vốn để hoạt động kinh doanh nhưng không làm thay đổi hình thức sở hữu (điều lệ ghi rõ thẩm quyền và mức quyết định theo đơn vị tỷ lệ % tổng giá trị tài sản hoặc giá trị tuyệt đối theo đơn vị triệu đồng); thông qua báo cáo tài chính hàng năm của Tổng công ty (Công ty mẹ); phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh;

+ Xây dựng phương án tổ chức quản lý tổ chức kinh doanh, biên chế và sử dụng bộ máy quản lý, quy chế quản lý, quy hoạch, đào tạo lao động; tuyển chọn, ký hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và quyết định mức lương đối với Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và kế toán trưởng; đầu tư thành lập đơn vị thành viên (công ty con) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khác, tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty liên kết;

+ Kiểm tra, giám sát Tổng giám đốc Tổng công ty (Công ty mẹ); kiểm tra, giám sát Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc đơn vị thành viên (công ty con) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty (Công ty mẹ) ở doanh nghiệp khác trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước và điều lệ công ty, v.v.

+ Các quyền hạn  và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Thành viên Hội đồng quản trị: Quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị, số lượng thành viên kiêm nhiệm, số lượng thành viên chuyên trách; cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm,  khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Quản trị; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Quản trị; những trường hợp miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng Quản trị; cơ chế chịu trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên Hội đồng quản trị trước Đại diện chủ sở hữu và trước pháp luật về các quyết định của Hội đồng quản trị.

- Chủ tịch Hội đồng quản trị có nhiệm vụ: Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; chuẩn bị chương trình, nội dung, các tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa các cuộc họp Hội đồng quản trị; tổ chức việc thông qua quyết định của Hội đồng quản trị; theo dõi quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị, v.v.

- Chế độ lành việc của Hội đồng quản trị: Quy định cụ thể số lần hoặc số lần tối thiểu Hội đồng quản trị họp trong một quý; thẩm quyền, cơ chế triệu tập và nội dung của các cuộc họp thường kỳ và bất thường; cơ chế thông qua các quyết định của Hội đồng quản trị (ghi rõ là theo số lượng hoặc tỷ lệ % thành viên Hội đồng quản trị tán thành); chế độ trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp bảo lưu ý kiến khi Hội đồng quản trị thông qua nghị quyết, quyết định; nội dung biên bản, chế độ lưu biên bản và trách nhiệm của những người có liên quan; nguyên tắc tính chi phí hoạt động của Hội đồng quản trị, kể cả tiền lương và phụ cấp của các thành viên Hội đồng quản trị; điều kiện tham gia quản lý doanh nghiệp khác của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc.

b) Ban Kiểm soát:

- Ban Kiểm soát do Hội đồng quản trị thành lập để giúp Hội đồng quản trị kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, chính xác và trung thực trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong ghi chép sổ kế toán, báo cáo tài chính và việc chấp hành Điều lệ Tổng công ty (Công ty mẹ), nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

- Điều lệ quy định rõ số lượng và cơ cấu thành viên Ban Kiểm soát, gồm: Trưởng Ban Kiểm soát do một thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm; một đại diện tổ chức công đoàn đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định do điều lệ quy định; các thành viên khác do Hội đồng quản trị quyết định. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc không được kiêm Trưởng Ban Kiểm soát. Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành thành viên Ban Kiểm soát, chi phí hoạt động tiền lương và điều kiện làm việc của Ban Kiểm soát phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước.  

- Cơ chế hoạt động của Ban Kiểm soát do Hội đồng quản trị quy định trong quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát. Hội đồng quản trị ban hành quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát.  

c) Tổng giám đốc:

- Là người đại diện theo pháp luật, điều hành hoạt động hàng ngày của Tổng công ty (Công ty mẹ) theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, phù hợp với Điều lệ Tổng công ty (Công ty mẹ); chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

- Hội đồng quản trị quyết định tuyển chọn, bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng, thời hạn bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Tổng giám đốc, sau khi được Đại diện chủ sở hữu chấp thuận. Điều lệ quy định rõ cơ chế bổ nhiệm  hay ký hợp đồng đối với Tổng giám đốc; quy định thời hạn tối đa và tối thiểu bổ nhiệm, ký hợp đồng nhưng tối đa không quá 5 năm; các tiêu chuẩn và điều kiện đối với người được bổ nhiệm, ký hợp đồng làm Tổng giám đốc; điều kiện miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và các căn cứ xác định để miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng (hoặc được loại trừ không xem xét để miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng), bao gồm: tình trạng doanh nghiệp lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được, các trường hợp bất khả kháng mà doanh nghiệp bị lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu mà Đại diện chủ sở hữu thấy không thể khắc phục được; quy mô, mức độ đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ mà trên mức đó sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; các chỉ tiêu có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hoặc kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Căn cứ vào các quy định trong Luật Doanh nghiệp nhà nước và Nghị định 153/2004/NĐ-CP, điều lệ quy định rõ các vấn đề do Tổng giám đốc tự quyết định theo pháp luật; các vấn đề do Hội đồng quản trị phân cấp cho Tổng giám đốc và các vấn đề Tổng giám đốc phải báo cáo Hội đồng quản trị. Các vấn đề được cụ thể hóa trong điều lệ và xác định rõ mức độ tham gia của Tổng giám đốc bao gồm:

+ Xây dựng kế hoạch hàng năm của Tổng công ty (Công ty mẹ), phương án huy động vốn, dự án đầu tư, phương án liên doanh, đề án tổ chức quản lý, quy chế quản lý nội bộ của Tổng công ty (Công ty mẹ), quy hoạch đào tạo lao động, phương án phối hợp kinh doanh giữa các đơn vị thành viên hoặc với các doanh nghiệp khoác trình Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

+ Quyết định các dự án đầu tư, bán tài sản, các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác của Tổng công ty (Công ty mẹ); quyết định phương án sử dụng vốn, tài sản của Tổng công ty (Công ty mẹ) để góp vốn, mua cổ phần của các công ty trong nước.

+ Tuyển chọn, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, mức lương và phụ cấp đối với: Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng Tổng công ty (Công ty mẹ); Giám đốc đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp, công ty thành viên hạch toán độc lập sau khi có sự phê duyệt của Hội đồng quản trị; Phó giám đốc đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp, công ty thành viên hạch toán độc lập theo đề nghị của Giám đốc đơn vị đó; trưởng, phó phòng (ban) Tổng công ty (Công ty mẹ); Phó giám đốc công ty thành viên và đơn vị sự nghiệp của Tổng công ty (Công ty mẹ) theo đề nghị của Giám đốc công ty thành viên và đơn vị sự nghiệp; cử người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty (Công ty mẹ) ở doanh nghiệp khác; các chức danh khác theo phân cấp của Hội đồng quản trị.

+ Xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương; kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá quy định trong nội bộ Tổng công ty (Công ty mẹ).

+ Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư; quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; điều hành hoạt động của Tổng công ty (Công ty mẹ) nhằm thực hiện các nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị; áp dụng các biện pháp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp; báo cáo trước Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động kinh doanh của Tổng công ty (Công ty mẹ); thực hiện việc công bố công khai các báo cáo tài chính theo quy định của Chính phủ.

+ Ký kết các hợp đồng dân sự, kinh tế của Tổng công ty (Công ty mẹ) .

+ Chế độ lương theo năm tương ứng với hiệu quả kinh doanh; thanh toán, quyết toán tiền lương, tiền thưởng.

+ Các quyền và nghĩa vụ khác theo điều kiện cụ thể của Tổng công ty (Công ty mẹ).

d) Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng:

- Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng do Hội đồng quản trị tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng theo đề nghị của Tổng giám đốc.

- Các Phó tổng giám đốc giúp Tổng giám đốc điều hành Tổng công ty (Công ty mẹ) theo phân công và ủy quyền của Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền. Việc ủy quyền có liên quan đến việc ký kết hợp đồng kinh tế hoặc liên quan tới việc sử dụng con dấu của Tổng công ty (Công ty mẹ) đều phải thực hiện bằng văn bản. Điều lệ quy định cụ thể số lượng Phó Tổng giám đốc.

- Kế toán trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán của Tổng công ty (Công ty mẹ); giúp Tổng giám đốc giám sát tài chính tại Tổng công ty (Công ty mẹ) theo pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền.

- Thời hạn bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng do Hội đồng quản trị quyết định, nhưng không quá số năm được điều lệ quy định. Điều lệ quy định cụ thể thời hạn bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, nhưng tối đa không quá 5 năm.

đ) Các phòng chuyên môn nghiệp vụ: Điều lệ ghi chi tiết tên các phòng (ban) giúp việc Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc; bộ phận thường trực tham mưu, giúp việc cho Hội đồng quản trị, thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng quản trị phân công (điều lệ ghi cụ thể số lượng người, nhưng không quá 5 người). Cơ cấu biên chế, số lượng và chức năng, nhiệm vụ của các phòng (ban) chuyên môn, nghiệp vụ điều chỉnh phù hợp với nhu cầu hoạt động kinh doanh. Nhiệm vụ cụ thể của các phòng (ban) chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại quy chế quản lý nội bộ của Tổng công ty (Công ty mẹ).

5. Quan hệ giữa Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc trong quản lý và điều hành:

Điều lệ phải quy định rõ mối quan hệ về quyền và trách nhiệm giữa Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty (Công ty mẹ):

a) Tổng giám đốc phải tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; trách nhiệm báo cáo của Tổng giám đốc đối với Hội đồng quản trị; phương thức, nội dung, thời hạn báo cáo.

b) Chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị có quyền tham gia vào các cuộc họp giao ban, các cuộc họp chuẩn bị các đề án trình Hội đồng quản trị do Tổng giám đốc chủ trì. Tổng giám đốc không là thành viên Hội đồng quản trị được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng quản trị, được quyền phát biểu nhưng không có quyền biểu quyết.

c) Nguyên tắc giải quyết khi có vướng mắc trong quá trình hoạt động: Trường hợp phát hiện những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc phải báo cáo với Hội đồng quản trị để xem xét điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định; nếu Hội đồng quản trị không điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định thì Tổng giám đốc vẫn phải thực hiện nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và kiến nghị lên Đại diện chủ sở hữu.

d) Nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc khi Tổng công ty (Công ty mẹ) không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.

6. Tập thể người lao động trong Tổng công ty, Công ty mẹ

Căn cứ vào mục VI chương IV của Luật Doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 153/2004/NĐ-CP, Quy chế dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và các quy định khác của pháp luật, nội dung điều lệ quy định các hình thức và các nội dung tham gia quản lý Tổng công ty (Công ty mẹ) của người lao động. Nội dung tham gia quản lý của người lao động bao gồm việc thảo luận, góp ý kiến về: nội dung thỏa ước lao động tập thể; quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng; các chỉ tiêu kế hoạch của Tổng công ty (Công ty mẹ) có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; bầu và đánh giá về Ban Thanh tra nhân dân.

7. Nguyên tắc xác định nội dung quan hệ của Tổng công ty với đơn vị hạch toán phụ thuộc, các đơn vị thành viên và doanh nghiệp không có vốn góp chi phối của Tổng công ty; quan hệ của Công ty mẹ với đơn vị hạch toán phụ thuộc, các công ty con và công ty liên kết

a) Nội dung quan hệ của Tổng công ty, Công ty mẹ với các đơn vị này bao gồm: nội dung các quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty đối với từng loại hình đơn vị thành viên và các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp không chi phối của Tổng công ty; hoặc nội dung các quyền và nghĩa vụ của Công ty mẹ đối với từng loại công ty con, đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ và các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp không chi phối của công ty mẹ.

b) Căn cứ xác định nội dung quan hệ:

- Căn cứ vào quyền và nghĩa vụ của Tổng công ty (Công ty mẹ); quyền, nghĩa vụ và địa vị pháp lý của từng loại đơn vị theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Căn cứ vào các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.

- Căn cứ vào các quyền hạn và nghĩa vụ của các chức danh đại diện cho Tổng công ty (Công ty mẹ) được cử hoặc bầu vào các chức danh quản lý, điều hành tại các đơn vị đó.

- Căn cứ vào tỷ lệ vốn góp chi phối hoặc không chi phối của Tổng công ty (Công ty mẹ) tại các đơn vị này.

8. Các quy định cụ thể

8.1. Quan hệ của Tổng công ty, Công ty mẹ với đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc

Đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc bao gồm các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty (Công ty mẹ); chi nhánh, văn phòng đại diện. Nội dung điều lệ bao gồm các quy định về địa vị pháp lý, nguyên tắc hoạt động và quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa Tổng công ty (Công ty mẹ) và các đơn vị này. Cơ chế hoạt động cụ thể của đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc được quy định trong điều lệ hoặc quy chế hoạt động của đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc do Hội đồng quản trị Tổng công ty (Công ty mẹ) phê chuẩn.

Đối với các Tổng công ty có tổ chức đơn vị sự nghiệp, điều lệ xác định địa vị pháp lý nguyên tắc hoạt động và quan hệ của Tổng công ty với đơn vị sự nghiệp. Đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ phân cấp hạch toán do Tổng công ty quy định. Cơ chế hoạt động cụ thể của đơn vị này được quy định trong điều lệ hoặc quy chế do Hội đồng quản trị Tổng công ty phê chuẩn.

8.2. Quan hệ của Tổng công ty (Công ty mẹ) với đơn vị thành viên (công ty con) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hội đồng quản trị Tổng công ty (Công ty mẹ) là Đại diện chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Quan hệ của Tổng công ty (Công ty mẹ) với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực hiện thông qua việc sử dụng quyền hạn, nghĩa vụ của Hội đồng quản trị Tổng công ty (Công ty mẹ) đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thông qua các chức danh quản lý, điều hành của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tổng công ty (Công ty mẹ) cử gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám  đốc (Giám đốc) công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Các quyền, nghĩa vụ trong quan hệ với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà điều lệ Tổng công ty (Công ty mẹ) quy định đối với Hội đồng quản trị Tổng công ty (Công ty mẹ) và các chức danh do Tổng công ty (Công ty mẹ) cử tham gia ban quản lý, điều hành tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quy định pháp luật về chuyển đổi công ty nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

8.3. Quan hệ của Tổng công ty (Công ty mẹ) với các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Tổng công ty (Công ty mẹ)

Đơn vị thành viên (công ty con) là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty liên doanh, công ty ở nước ngoài mà Tổng công ty (Công ty mẹ) nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động theo quy định của pháp luật về công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty liên doanh, công ty ở nước ngoài và theo điều lệ của các doanh nghiệp này. Tổng công ty (Công ty mẹ) thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cổ đông hoặc thành viên, bên liên doanh, bên góp vốn chi phối tại các doanh nghiệp này.

Quyền chi phối của Tổng công ty (Công ty mẹ) thông qua người trực tiếp quản lý phần vốn của Tổng công ty (hoặc Công ty mẹ) tại các doanh nghiệp này (gọi tắt là người đại diện). Người đại diện là người được Tổng công ty (Công ty mẹ) đề cử và được bầu làm Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Trưởng Ban Kiểm soát, thành viên Ban Kiểm soát của các doanh nghiệp này.

Nội dung điều lệ phải quy định cụ thể về người đại diện, gồm:

- Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh tại đơn vị thành viên.

- Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đại diện.

- Chế độ và quyền lợi của người đại diện.

8.4. Quan hệ của Tổng công ty với công ty có vốn góp dưới mức chi phối; quan hệ của Công ty mẹ với công ty liên kết

Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty liên doanh, công ty ở nước ngoài mà Tổng công ty (Công ty mẹ) nắm giữ từ  50% vốn điều lệ trở xuống được gọi là công ty có vốn góp dưới mức chi phối (đối với Tổng công ty) hoặc công ty liên kết (đối với Công ty mẹ). 

Công ty có vốn góp dưới mức chi phối, công ty liên kết hoạt động theo quy định của pháp luật về công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, công ty liên doanh, công ty ở nước ngoài và theo điều lệ của các công ty đó.

Tổng công ty (Công ty mẹ) thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cổ đông hoặc thành viên, bên liên doanh, bên góp vốn thông qua người trực tiếp quản lý phần vốn (gọi tắt là người đại diện) của Tổng công ty (Công ty mẹ) tại các công ty này.

Nội dung điều lệ phải quy định cụ thể về người đại diện đối với trường hợp người đại diện không giữ chức danh quản lý, điều hành và trường hợp được Tổng công ty (Công ty mẹ) đề cử và được bầu vào chức danh quản lý, điều hành tại các công ty này (Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát, thành viên Ban Kiểm soát). Nội dung quy định bao gồm:

- Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh tại công ty.

- Tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đại diện.

- Chế độ và quyền lợi của người đại diện.

8.5. Quan hệ của Tổng công ty với công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty

a) Công ty thành viên hạch toán độc lập có tư cách pháp nhân; có quyền tự chủ hoạt động và thực hiện nghĩa vụ của công ty nhà nước độc lập nhưng chịu sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ với Tổng công ty theo điều lệ của Tổng công ty.

Các ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của công ty thành viên hạch toán độc lập với Tổng công ty phải được quy định trong điều lệ của công ty. Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt điều lệ của công ty

b) Điều lệ của công ty thành viên hạch toán độc lập gồm có các nội dung như của điều lệ công ty nhà nước độc lập, trừ các quan hệ ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa công ty thành viên hạch toán độc lập và Tổng công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định khác của pháp luật.

Các quan hệ ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa công ty thành viên hạch toán độc lập và Tổng công ty bao gồm:

- Công ty thành viên hạch toán độc lập quản lý và chủ động sử dụng số vốn của công ty và vốn do Tổng công ty đầu tư; chịu trách nhiệm trước Tổng công ty về hiệu quả sứ dụng vốn và các nguồn lực do Tổng công ty đầu tư; tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm dân sự bằng toàn bộ tài sản của công ty. Vốn của công ty thành viên hạch toán độc lập bao gồm vốn do Tổng công ty đầu tư tại  công ty, vốn do công ty tự huy động và các nguồn vốn khác.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chuyển lỗ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, trích lập quỹ dự phòng tài chính, phần lợi nhuận còn lại được phân chia theo vốn Tổng công ty đầu tư và vốn của công ty tự huy động. Phần lợi nhuận phân chia theo vốn Tổng công ty đầu tư được dùng để tái đầu tư tăng vốn nhà nước tại công ty hoặc hình thành quỹ tập trung của Tổng công ty theo quy định của Nghị định 199/2004/NĐ-CP. Phần lợi nhuận phân chia theo vốn công ty tự huy động được trích bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển của công ty theo tỷ lệ do Nghị định 199/2004/NĐ-CP quy định; phần còn lại do công ty tự quyết định việc phân phối vào quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.

- Công ty thành viên hạch toán độc lập có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch kinh doanh chung của Tổng công ty, chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh phối hợp với Tổng công ty, thực hiện các hợp đồng kinh tế do Tổng công ty ký kết và giao công ty thực hiện. Trường hợp Tổng công ty giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cho công ty thì phải ký kết hợp đồng kinh tế với công ty.

- Tổng công ty phân cấp cho công ty thành viên hạch toán độc lập quyết định các dự án đầu tư; mức phân cấp phải được quy định trong cả điều lệ của Tổng công ty và điều lệ của công ty thành viên hạch toán độc lập. Khi công ty thành viên hạch toán độc lập tự nguyện tham gia các hình thức đầu tư cùng Tổng công ty hoặc được Tổng công ty giao tổ chức thực hiện các dự án đầu tư theo kế hoạch của Tổng công ty thì Tổng công ty phải ký kết hợp đồng với công ty. Công ty thành viên hạch toán độc lập có quyền đầu tư, góp vốn vào công ty khác theo mức được Tổng công ty phân cấp; được tự chủ tiến hành các hoạt động kinh doanh, ký kết các hợp đồng kinh tế trong mức phân cấp hoặc không thuộc phạm vi điều tiết của Tổng công ty.

- Công ty thành viên hạch toán độc lập có quyền đề nghị Tổng công ty quyết định hoặc được Tổng công ty ủy quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, sáp nhập các đơn vị phụ thuộc và quyết định bộ máy quản lý của các đơn vị phụ thuộc. Phạm vi ủy quyền phải được quy định trong cả điều lệ của Tổng công ty và điều lệ của công ty.

- Khi được Nhà nước yêu cầu, đặt hàng hoặc tham gia đấu thầu thực hiện hoạt động công ích, công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 19 của Luật Doanh nghiệp nhà nước và theo yêu cầu, đặt hàng hoặc hợp đồng giao thầu của Nhà nước.

- Công ty thành viên hạch toán độc lập chịu sự giám sát, kiểm tra của Tổng công ty; định kỳ báo cáo chính xác, đầy đủ các thông tin về công ty và báo cáo tài chính của công ty với Tổng công ty.

9. Tổ chức lại

9.1. Tổ chức lại Tổng công ty

a) Việc tổ chức lại được áp dụng cho các đối tượng là Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty.

b) Các hình thức tổ chức lại bao gồm:

- Sáp nhập công ty thành viên hạch toán độc lập vào công ty thành viên hạch toán độc lập khác trong Tổng công ty hoặc vào công ty nhà nước khác ngoài Tổng công ty;

- Hợp nhất các công ty thành viên hạch toán độc lập trong cùng Tổng công ty hoặc hợp nhất công ty thành viên hạch toán độc lập với công ty nhà nước khác ngoài Tổng công ty;

- Chia công ty thành viên hạch toán độc lập thành nhiều đơn vị thành viên;

- Tách công ty thành viên hạch toán độc lập thành nhiều đơn vị thành viên;

- Chuyển công ty thành viên hạch toán độc lập, bộ phận của công ty thành viên hạch toán độc lập thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên;

- Khoán, cho thuê công ty thành viên hạch toán độc lập;

- Hợp nhất, sáp nhập Tổng công ty với Tổng công ty khác; chia, tách Tổng công ty; chuyển Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập thành Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập;

- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

c) Người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại đối với Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty quy đinh tại Nghị đinh số 180/2004/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2004 về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 180/2004/NĐ-CP).

d) Điều kiện thực hiện các hình thức tổ chức lại:

- Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên áp dụng đối với công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc danh mục Nhà nước củng cố, phát triển, duy trì 100% sở hữu theo các tiêu chí của Quyết đinh 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Quyết định 155/2004/QĐ-TTg).

- Chuyển thành Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập trong trường hợp xác định được công ty mẹ và công ty mẹ đáp ứng được tất cả các điều kiện sau đây:

+ Thuộc danh mục Nhà nước củng cố, phát triển, tiếp tục duy trì 100% sở hữu nhà nước ở công ty mẹ;

+ Đang có vốn góp chi phối ở nhiều công ty khác hoặc có kế hoạch cổ phần vốn, bán các công ty thành viên Tổng công ty, các bộ phận của công ty nhà nước nhưng công ty nhà nước giữ cổ phần chi phối, vốn góp chi phối;

+ Kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có một ngành kinh doanh chính; có nhiều đơn vị phụ thuộc ở trong và ngoài nước;

+ Có quy mô vốn lớn để thực hiện việc đầu tư vốn vào các công ty khác;

+ Có khả năng phát triển.

+ Sáp nhập, hợp nhất, chia tách Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty theo các  tiêu chí của Quyết định 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004.

9.2. Tổ chức lại Công ty mẹ

a) Các hình thức tổ chức lại bao gồm:

- Sáp nhập Công ty mẹ vào công ty nhà nước khác hoặc ngược lại;

- Hợp nhất Công ty mẹ với công ty nhà nước khác;

- Chia Công ty mẹ thành nhiều công ty nhà nước;

- Tách Công ty mẹ thành nhiều công ty nhà nước;

- Chuyển Công ty mẹ, bộ phận của Công ty mẹ thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên;

- Khoán, cho thuê Công ty mẹ;

- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

b) Người có thẩm quyền quyết định tổ chức lại đối với Công ty mẹ theo quy định tại Nghị định 180/2004/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2004.

c) Điều kiện thực hiện các hình thức tổ chức lại:

- Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên áp dụng đối với công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc danh mục Nhà nước củng cố, phát triển, duy trì 100% sở hữu theo các tiêu chí của Quyết định 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Công ty mẹ nhà nước (sau đây gọi tắt là Quyết định 155/2004/QĐ-TTg).

- Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách Công ty mẹ theo các tiêu chí của Quyết định 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004.

10. Giải thể, phá sản Tổng công ty, Công ty mẹ

a) Giải thể được áp dụng đối với các đối tượng là Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty, Công ty mẹ.

b) Giải thể Tổng công ty là giải thể bộ máy quản lý Tổng công ty, chuyển Tổng công ty thành các công ty nhà nước độc lập

c) Điều kiện giải thể Tổng công ty, Công ty mẹ bao gồm:

- Kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản;

- Không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết;

- Việc tiếp tục duy trì Tổng công ty, Công ty mẹ là không cần thiết.

d) Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty,  Công ty mẹ thực hiện việc giải thể theo trình tự, thủ tục giải thể do pháp luật quy định.

đ) Đại diện pháp luật của Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập, Công ty mẹ là người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập, Công ty mẹ trong trường hợp chủ nợ có yêu cầu thanh toán các khoản nợ đến hạn nhưng Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập, Công ty mẹ không có khả năng thanh toán, hoặc không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và đang lâm vào tình trạng phá sản. Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập, Công ty mẹ tiến hành các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

11. Cơ chế hoạt động tài chính của Tổng công ty, Công ty mẹ

Cơ chế hoạt động tài chính của Tổng công ty, Công ty mẹ bao gồm các nội dung sau:

a) Các cơ chế quy định trong Quy chế quản lý tài chính của Tổng công ty, Công ty mẹ.

Mục tiêu của Quy chế quản lý tài chính nhằm cụ thể hóa các quy định về cơ chế tài chính của Luật Doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 199/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với Tổng công ty, Công ty mẹ. Quy chế do Hội đồng quản trị ban hành sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính. Các nội dung của Quy chế phải phù hợp với các quy định pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của công ty nhà nước và các nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước đối với công ty nhà nước. Nội dung Quy chế quản lý tài chính bao gồm các quy định về quản lý tài chính của Nhà nước đối với Tổng công ty, Công ty mẹ; quan hệ về tài chính giữa Tổng công ty (Công ty mẹ) với các đơn vị thành viên (công ty con); cơ chế quản lý vốn, tài sản, doanh thu, chi phí, giá thành, kết quả hoạt động kinh doanh, phân phối lợi nhuận, các quỹ và mục đích sử dụng các quỹ của Tổng công ty, Công ty mẹ.

b) Cơ chế xác lập vốn điều lệ, tăng, giảm vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của Tổng công ty, Công ty mẹ là vốn của chủ sở hữu đầu tư tại Tổng công ty, Công ty mẹ tại thời điểm thành lập và đăng ký kinh doanh của Tổng công ty, Công ty mẹ hoặc tại các thời điểm chủ sở hữu điều chỉnh mức vốn đầu tư tại Tổng công ty, Công ty mẹ. Nguồn tăng vốn điều lệ Tổng công ty, Công ty mẹ là từ lợi nhuận sau thuế; chủ sở hữu bổ sung từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn khác; chủ sở hữu giao, ủy quyền thực hiện chức năng chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của đơn vị thành viên hoặc công ty con, các công ty có vốn góp dưới mức chi phối của Tổng công ty hoặc công ty liên kết của Công ty mẹ. Việc điều chỉnh tăng hay giảm vốn điều lệ do Đại diện chủ sở hữu quyết định sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính.

c) Cơ chế trách nhiệm của chủ sở hữu về vốn điều lệ

Chủ sở hữu chỉ được rút vốn đã đầu tư vào Tổng công ty, Công ty mẹ trong trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ nhưng phải đảm bảo khả năng thanh toán của Tổng công ty, Công ty mẹ; trường hợp không điều chỉnh vốn điều lệ thì chỉ được rút vốn thông qua chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn cho các tổ chức, cá nhân khác. Chủ sở hữu có trách nhiệm đầu tư đủ vốn, bổ sung vốn theo đúng thời hạn đã cam kết; nếu sau 2 năm mà không đầu tư đủ và đúng hạn thì phải điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty, Công ty mẹ.

d) Cơ chế xây dựng và phê duyệt kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính hàng năm của Tổng công ty, Công ty mẹ.

Tổng giám đốc có trách nhiệm xây dựng các kế hoạch này trình Hội đồng quản trị phê duyệt. Hội đồng quản trị có trách nhiệm báo cáo Đại diện chủ sở hữu làm căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc.

đ) Cơ chế giám sát nội bộ trong Tổng công ty, Công ty mẹ.

Tổng giám đốc có trách nhiệm trình báo cáo tài chính để Hội đồng quản trị thẩm tra. Hội đồng quản tri chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu báo cáo tài chính. Sau khi thẩm tra, Tổng công ty, Công ty mẹ trình Đại diện chủ sở hữu phê duyệt báo cáo tài chính quý, năm và gửi đến các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

12. Sổ sách, hồ sơ và thông tin

a) Căn cứ vào Luật Doanh nghiệp nhà nước và các quy định khác của pháp luật mà Hội đồng quản trị có trách nhiệm gửi cho Đại diện chủ sở hữu; thời gian và định kỳ gửi tài liệu; hồ sơ, tài liệu gửi đột xuất cho Đại diện chủ sở hữu theo yêu cầu bằng văn bản của Đại diện chủ  hữu; trách nhiệm gửi yêu cầu bằng văn bản của Đại diện chủ sở hữu.

b) Trách nhiệm của Tổng giám đốc về lưu giữ hồ sơ, sổ sách và chuẩn bị cung cấp thông tin:

- Tổ chức chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đại diện chủ sở hữu và báo cáo Hội đồng quản trị; Hội đồng quản trị cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Đại diện chủ sở hữu.

- Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và cung cấp cho Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị tại cuộc họp thường kỳ của Hội đồng quản tri.

- Tổ chức việc lưu giữ và bảo mật hồ sơ, tài liệu của Tổng công ty, Công ty mẹ,

- Thực hiện các quy định của pháp luật  và Điều lệ về công khai thông tin; chịu trách nhiệm về thực hiện công khai thông tin. Biểu mẫu, nội dung và nơi gửi thông tin thực hiện theo các quy định của pháp luật. Bộ phận lưu giữ hồ sơ, tài liệu chỉ được cung cấp thông tin ra bên ngoài theo quyết định của Tổng giám đốc hoặc người được Tổng giám đốc ủy quyền.

- Tổ chức cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

c) Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, các cán bộ quản lý của Tổng công ty, Công ty mẹ cung cấp mọi hồ sơ, tài liệu liên quan đến tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị.

d) Người lao động trong Tổng công ty (Công ty mẹ) có quyền tìm hiểu thông tin về Tổng công ty (Công ty mẹ) thông qua Đại hội công nhân viên chức và Ban Thanh tra nhân dân. Điều lệ quy định cụ thể loại thông tin người lao động có quyền tìm hiểu thông qua Đại hội công nhân viên chức và Ban Thanh tra nhân dân.

13. Sửa đổi, bổ sung điều lệ

Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty (Công ty mẹ) có quyền kiến nghị Đại diện chủ sở hữu về phương án sửa đổi, bổ sung điều lệ. Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ Tổng công ty do Đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định và phê duyệt. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc có quyền kiến nghị Đại diện chủ sở hữu về phương án sửa đổi, bổ sung điều lệ.

Trường hợp có các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động của Tổng công ty (Công ty mẹ) mới được ban hành hoặc chưa được đề cập trong điều lệ này thì Tổng công ty (Công ty mẹ) phải áp dụng các quy định đó để điều chỉnh đối với hoạt động của mình.

Trường hợp cơ cấu thành viên Tổng công ty chuyển theo cơ cấu của mô hình công ty mẹ - công ty con thì phải sửa đổi lại điều lệ và chuyển sang hoạt động theo điều lệ công ty mẹ - công ty con. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

14. Giải quyết tranh chấp nội bộ

Việc giải quyết tranh chấp nội bộ hoặc tranh chấp liên quan đến quan hệ giữa Đại diện chủ sở hữu và Tổng công ty (Công ty mẹ), giữa Đại diện chủ sở hữu và Hội đồng quản trị, giữa Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, bộ máy giúp việc được căn cứ theo điều lệ Tổng công ty (Công ty mẹ). Trường hợp không được các bên chấp thuận, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đưa ra các cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp để giải quyết.

15. Về điều khoản thi hành

Quy định cụ thể về thời điểm điều lệ có hiệu lực, trách nhiệm tổ chức thực hiện, nơi ban hành, chữ ký của Đại diện chủ sở hữu.

III. QUY TRÌNH XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ

1. Căn cứ để xây dựng điều lệ bao gồm

- Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003, Nghị định 153/2004/NĐ-CP, Nghị định 199/2004/NĐ-CP, Nghị định 180/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản có liên quan.

- Quyết định của cấp có thẩm quyền về thành lập mới, sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty hoặc quyết định sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

- Các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành.

- Các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Điều lệ hiện hành của Tổng công ty (nếu là sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc tổ chức lại Tổng công ty); điều lệ hiện hành của Công ty mẹ (nếu là sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc tổ chức lại Công ty mẹ) .

- Cơ cấu của các đơn vị thành viên và kế hoạch sắp xếp đổi mới các đơn vị thành viên (đối với Tổng công ty); cơ cấu của Công ty mẹ, các công ty con, công ty liên kết (đối với mô hình Công ty mẹ - Công ty con).

- Căn cứ vào Thông tư này và mẫu điều lệ Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập quy định tại Phụ lục 1 (đối với trường hợp xây dựng điều lệ Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập); Thông tư này và mẫu điều lệ Công ty mẹ quy định tại Phụ lục 2 (đối với trường hợp xây dựng điều lệ Công ty mẹ).

2. Các bước tiến hành

a) Đối với trường hợp Tổng công ty (Công ty mẹ) đã được thành lập, đang hoạt động, Tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập chuyển đổi theo Nghị định 153/2004/NĐ-CP:

Bước 1. Hội đồng quản trị Tổng công ty (công ty mẹ) thành lập Tổ xây dựng điều lệ gồm các thành viên từ các bộ phận có liên quan của Tổng công ty (Công ty mẹ) hoặc mời thêm chuyên gia tư vấn ở ngoài.

Tổ xây dựng điều lệ do Tổng giám đốc làm Tổ trưởng hoặc Hội đồng quản trị cử một thành viên làm Tổ trưởng, hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị trực tiếp làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ là tập hợp các căn cứ để xây dựng điều lệ; xây dựng đề cương điều lệ; thảo luận và thống nhất trong Tổ về đề cương điều lệ; trình Hội đồng quản trị đề cương điều lệ.

Bước 2. Hội đồng quản trị thảo luận và quyết định đề cương điều lệ; giao Tổ xây dựng điều lệ triển khai xây dựng dự thảo điều lệ.

Bước 3. Tổ xây dựng điều lệ tiến hành xây dựng dự thảo điều lệ; thảo luận trong nội bộ Tổ; lấy ý kiến các chuyên gia (nếu cần); lấy ý kiến của các phòng, ban, các đơn vị trong Tổng công ty, Công ty mẹ. Trọng tâm lấy ý kiến là các nội dung của dự thảo điều lệ và đối chiếu, so sánh về sự nhất quán của các quy định trong điều lệ Tổng công ty (Công ty mẹ) với các quy định trong điều lệ của từng đơn vị thành viên (công ty con, công ty liên kết), với Luật Doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 153/2004/NĐCP, Nghị định 199/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với các đơn vị thành viên mà Tổng công ty không nắm giữ 100% vốn điều lệ, các công ty con, công ty liên kết của Công ty mẹ, thì chỉ lấy ý kiến của người đại diện phần vốn của Tổng công ty, Công ty mẹ hoặc có thể lấy thêm ý kiến của các công ty này về phần nội dung có liên quan của điều lệ.

Bước 4. Tiếp thu ý kiến thảo luận góp ý:

Tổ xây dựng điều lệ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh lại dự thảo điều lệ trình Hội đồng quản trị xem xét.

Bước 5. Hội đồng quản trị thảo luận về dự thảo điều lệ, quyết định việc trình hay chưa trình dự thảo điều lệ lên Đại diện chủ sở hữu.

Trường hợp quyết định trình lên Đại diện chủ sở hữu, Hội đồng quản trị tổ chức việc lập hồ sơ về xây dựng điều lệ để gửi lên Đại diện chủ sở hữu. Hồ sơ tối thiểu gồm có:

- Dự thảo điều lệ Tổng công ty hoặc dự thảo điều lệ Công ty mẹ.

- Bản thuyết minh về việc phân cấp quyền hạn của Tổng công ty (Công ty mẹ) đối với các đơn vị thành viên (công ty con), đối với người đại diện phần vốn của Tổng công ty (Công ty mẹ) tại các doanh nghiệp thành viên (công ty con, công ty liên kết); xác định vốn điều lệ của Tổng công ty (Công ty mẹ) và vốn đầu tư của Tổng công ty (Công ty mẹ) tại các doanh nghiệp thành viên (Công ty con, công ty liên kết).

- Các kiến nghị với Đại diện chủ sở hữu về phân cấp quyền hạn của Đại diện chủ sở hữu đối với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty (Công ty mẹ) về các vấn đề cần được phân cấp theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; kèm theo là Bản thuyết minh về các kiến nghị và các vấn đề có ý kiến khác nhau.

- Biên bản tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, các phòng, ban và đơn vị thành viên trong Tổng công ty; các chuyên gia, các phòng, ban trong Công ty mẹ; người đại diện phần vốn của Tổng công ty (Công ty mẹ) tại công ty con, công ty liên kết.

- Các tài liệu có liên quan khác.

Trường hợp chưa đủ cơ sở trình dự thảo lên Đại diện chủ sở hữu, Hội đồng quản trị giao Tổ xây dựng điều lệ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Hội đồng quản trị, hoàn chỉnh lại dự thảo điều lệ, trình Hội đồng quản trị xem xét tiếp.

Bước 6. Đại diện chủ sở hữu xem xét, thẩm định hồ sơ do Hội đồng quản trị Tổng công ty (Công ty mẹ) trình và quyết định nội dung của điều lệ theo thẩm quyền do pháp luật quy định như sau:

- Thẩm định tính phù hợp của các nội dung dự thảo điều lệ với các quy định pháp luật có liên quan gồm: Luật Doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 153/2004/NĐ-CP, Nghị định 199/2004/NĐ-CP, quy định của Chính phủ về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản có liên quan thuộc lĩnh vực chuyên ngành.

-  Thẩm định việc phân cấp và các quy định về quan hệ giữa Tổng công ty với các đơn vị thành viên; giữa Công ty mẹ với công ty con, công ty liên kết.

- Quyết định mức phân cấp của Đại diện chủ sở hữu cho Tổng công ty (Công ty mẹ) về: quyết định dự án đầu tư, mua bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản, sử dụng vốn, tài sản của Tổng công ty (Công ty mẹ) để góp vốn, mua cổ phần của các công ty khác.

- Quyết định mục tiêu, danh mục ngành nghề kinh doanh, thời hạn hoạt động, vốn điều lệ; số lượng thành viên và nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng quản trị, các tiêu chuẩn được cụ thể hóa hoặc bổ sung đối với Hội đồng quản trị; số lượng thành viên Ban Kiểm soát, tiêu chuẩn được cụ thể hóa hoặc bổ sung đối với Ban Kiểm soát; tiêu chuẩn được cụ thể hóa hoặc bổ sung đối với bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng với Tổng giám đốc, nhiệm kỳ của Tổng giám đốc, thời gian tối thiểu Tổng giám đốc không được tiết lộ các bí mật của Tổng công ty (Công ty mẹ); tiêu chuẩn được cụ thể hóa hoặc bổ sung đối với người trực tiếp quản lý phần vốn góp chi phối của Tổng công ty (Công ty mẹ) ở các doanh nghiệp khác, chế độ lương, thưởng hoặc thù lao, phụ cấp trách nhiệm của họ; các nghĩa vụ, trách nhiệm được cụ thể hóa của Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc; các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Thẩm định về việc xác định vốn điều lệ của Tổng công ty và vốn đầu tư của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên hoặc vốn điều lệ của Công ty mẹ và vốn đầu tư của Công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.

Bước 7. Phê duyệt điều lệ

Sau khi xem xét, thẩm định dự thảo điều lệ và hồ sơ do Hội đồng quản trị trình, nếu đáp ứng yêu cầu thì Đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt.

b) Đối với trường hợp thành lập mới Tổng công ty, Công ty mẹ:

Bước 1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là người đề nghị thành lập mới Tổng công ty, Công ty mẹ) thành lập Tổ xây dựng điều lệ.

Thành phần Tổ xây dựng điều lệ gồm các thành viên Tổ xây dựng đề án thành lập Tổng công ty (Công ty mẹ); có thể mời thêm các thành viên của các bộ phận khác có liên quan đến thành lập Tổng công ty (Công ty mẹ) hoặc chuyên gia tư vấn ở ngoài. Nhiệm vụ của Tổ là tập hợp các căn cứ để xây dựng điều lệ; xây dựng đề cương điều lệ; thảo luận và thống nhất trong Tổ về đề cương điều lệ; trình người đề nghị thành lập mới Tổng công ty (Công ty mẹ) đề cương điều lệ.

Bước 2. Người đề nghị thành lập mới Tổng công ty (Công ty mẹ) xem xét và quyết định để cương điều lệ; giao Tổ xây dựng điều lệ triển khai xây dựng dự thảo điều lệ.

Bước 3. Tổ xây dựng điều lệ tiến hành xây dựng dự thảo điều lệ; thảo luận trong nội bộ Tổ; lấy ý kiến các chuyên gia (nếu cần).

Bước 4. Tiếp thu ý kiến thảo luận góp ý

Tổ Xây dựng điều lệ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh lại dự thảo điều lệ, trình người đề nghị thành lập mới Tổng công ty (Công ty mẹ) xem xét.

Bước 5. Người đề nghị thành lập mới Tổng công ty (Công ty mẹ) xem xét dự thảo điều lệ và quyết định đưa hay chưa đưa vào hồ sơ thành lập mới Tổng công ty Công ty mẹ.

Bước 6. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập mới, người đề nghị thành lập mới Tổng công ty (Công ty mẹ) lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục thành lập mới Tổng công ty (Công ty mẹ) theo quy định của Nghị định 180/2004/NĐ-CP; trình Đại diện chủ sở hữu phê duyệt điều lệ Tổng công ty (Công ty mẹ) .

Bước 7. Phê duyệt điều lệ

Sau khi xem xét, thẩm định dự thảo điều lệ và hồ sơ do người đề nghị thành lập mới Tổng công ty (Công ty mẹ), nếu đáp ứng yêu cẩu thì Đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định và hướng dẫn trước đây trái với quy định và hướng dẫn tại Thông tư này đều bị bãi bỏ.

2. Các Tổng công ty, Công ty mẹ thành lập mới; các Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty đang chuyển đổi theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con căn cứ vào Thông tư hướng dẫn này xây dựng điều lệ.

3. Các Tổng công ty thành lập trước  ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành; các Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty đã hoàn thành việc chuyển đổi theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiến hành sửa đổi, bổ sung điều lệ của mình cho phù hợp với quy định tại Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty và công ty nhà nước phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, hướng dẫn./.

BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
 
 
Võ Hồng Phúc


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/hdvndvqtxdltctdnnqtvtlvlctmtmhctmctc1169