AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Thuộc tính

Lược đồ

Download

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 51/2006/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2006                          
THÔNG TU

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP

ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt

vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 85/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục;

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (sau đây gọi là Nghị định 49) về xác định hành vi vi phạm.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 49 và được hướng dẫn tại Thông tư này, trừ các trường hợp được quy định tại các khoản 3, 4 mục I Thông tư này.

3. Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

a) Người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa đủ 14 tuổi;

b) Cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam;

c) Trường hợp được quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 49;

d) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 49;

đ) Hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm (trong trường hợp này chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền).

4. Trường hợp không áp dụng các quy định của Nghị định 49

Đối với những hành vi vi phạm hành chính về giáo dục được quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ thì hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo các quy định tại các Nghị định đó.

II. XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM

1. Xác định các hành vi vi phạm quy định về thành lập cơ sở giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục quy định tại Điều 8 Nghị định 49 cần căn cứ các quy định sau:

a) Đối với nhà trường:

Thẩm quyền thành lập trường công lập và cho phép thành lập trường dân lập, trường tư thục được quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Giáo dục.

Hành vi thành lập nhà trường trái phép quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 49 là hành vi vi phạm khoản 1 Điều 51 Luật Giáo dục.

b) Đối với các cơ sở giáo dục khác:

Đối với các cơ sở giáo dục khác thuộc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông: thủ tục xét duyệt thành lập được quy định tại Điều lệ nhà trường mầm non, phổ thông, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Quy chế về tổ chức và hoạt động của trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp;

Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên: thủ tục thành lập được quy định tại Quy chế về tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên;

Đối với lớp ngoại ngữ, lớp tin học, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tin học ứng dụng, trung tâm ngoại ngữ tin học: thủ tục thành lập được quy định tại các quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về tổ chức và hoạt động của các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tin học ứng dụng, trung tâm ngoại ngữ tin học; các lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền: thủ tục mở lớp được quy định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm, học thêm.

Hành vi thành lập trái phép các cơ sở giáo dục khác quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 49 là hành vi vi phạm điểm b khoản 1 Điều 42 Luật Giáo dục, Quy chế về tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, Quy định về tổ chức và hoạt động của các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tin học ứng dụng, trung tâm ngoại ngữ tin học.

2. Xác định các hành vi vi phạm quy định về đình chỉ hoạt động hoặc giải thể cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 49, căn cứ quy định về thẩm quyền đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường được quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Giáo dục.

3. Xác định các vi phạm quy định về chương trình, nội dung và kế hoạch giáo dục quy định tại Điều 10 Nghị định 49, căn cứ quy định tại các Điều 6, 24, 29, 35 và 41 Luật Giáo dục, các quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình giáo dục.

4. Xác định các vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, chỉ tiêu và thẩm quyền tuyển sinh, về thi, xét công nhận tốt nghiệp, về đánh giá kết quả học tập của người học, về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, về quản lý hồ sơ người học, về hình thức kỷ luật buộc thôi học quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14, 17 và 20 Nghị định 49, căn cứ các quy định của Điều lệ nhà trường, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục, Quy chế tuyển sinh, Quy chế xét công nhận tốt nghiệp, Quy chế thi tốt nghiệp, Quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

5. Xác định các hành vi vi phạm quy định về nhà giáo, sử dụng nhà giáo, về bảo đảm tỷ lệ giáo viên, giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục quy định tại các Điều 15, 16 Nghị định 49, căn cứ quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục, Điều lệ nhà trường, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và các văn bản quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

6. Xác định các hành vi vi phạm quy định về sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục và cung ứng, sử dụng thiết bị giáo dục quy định tại Điều 18 Nghị định 49, căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, về cung ứng, sử dụng thiết bị giáo dục.

7. Xác định các hành vi vi phạm quy định về học phí, lệ phí tuyển sinh quy định tại Điều 19 Nghị định 49, căn cứ quy định tại Chương II Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.

8. Xác định các hành vi vi phạm quy định về phổ cập giáo dục quy định tại Điều 21 Nghị định 49, căn cứ quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Giáo dục và các văn bản quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Nghị định 49 và hướng dẫn tại Thông tư này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, cơ sở giáo dục, các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện đúng các quy định trong khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.

2. Tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Chế độ quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt và việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định của Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2005/NĐ-CP của Chính phủ về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính.

3. Việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính được thực hiện theo Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính và Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18/01/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 72/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

4. Danh mục mẫu biên bản, mẫu quyết định và mẫu thông báo sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại Phụ lục đính kèm Thông tư này.

5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

6. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp giải quyết./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/hdthmscns492005n11t4n2005ccpqvxpvphctlvgd877