AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức

Thuộc tính

Lược đồ

Download

BỘ NỘI VỤ - BỘ TÀI CHÍNH
Số: 01/2005/TTLT/BNV-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2005                          

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới

đối với cán bộ, công chức, viên chức


Thi hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP); sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, liên tịch Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 2 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được chuyển xếp lương cũ sang lương mới bao gồm:

1. Cán bộ, công chức trong biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gồm:

a) Cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo do bầu cử, bổ nhiệm.

b) Chuyên gia cao cấp.

c) Cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát) và nhân viên thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước.

2. Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn.

3. Viên chức giữ chức danh lãnh đạo, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và nhân viên thừa hành, phục vụ trong biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

4. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

II. CHUYỂN XẾP LƯƠNG CŨ SANG LƯƠNG MỚI

1. Đối với các chức danh lãnh đạo thuộc diện xếp lương mới theo bảng lương chức vụ (Bộ trưởng và tương đương trở lên và cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn):

a) Nguyên tắc:

Hiện đang xếp lương theo chức danh lãnh đạo nào thì chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo chức danh lãnh đạo đó và thôi hưởng phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ (sau đây gọi là phụ cấp tái cử, nếu có);

Những chức danh lãnh đạo quy định hai bậc lương, nếu chưa hưởng phụ cấp tái cử thì chuyển xếp lương cũ sang lương mới vào bậc 1 của chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm; nếu đang hưởng phụ cấp tái cử (từ 5% trở lên) thì chuyển xếp lương cũ sang lương mới vào bậc 2 của chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm và thôi hưởng phụ cấp tái cử.

b) Cách chuyển xếp lương cũ sang lương mới:

Căn cứ vào hệ số lương cũ và phụ cấp tái cử (nếu có) của chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm, chuyển xếp vào hệ số lương mới của chức danh lãnh đạo đó theo bảng chuyển xếp số 1 và số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 1. Ông Nguyễn Văn A, Bộ trưởng Bộ B đã xếp lương cũ hệ số 8,20 theo bảng lương chức vụ dân cử, ông A được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Nếu ông A chưa hưởng phụ cấp tái cử thì được chuyển xếp sang lương mới vào bậc 1, hệ số lương 9,70 trong bảng lương chức vụ của chức danh Bộ trưởng; nếu ông A đang hưởng phụ cấp tái cử (5% hoặc 10% trở lên) thì được chuyển xếp sang lương mới vào bậc 2, hệ số lương 10,30 trong bảng lương chức vụ của chức danh Bộ trưởng và thôi hưởng phụ cấp tái cử.

Ví dụ 2. Bà Trần Thị B, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã C đã xếp lương cũ hệ số 1,90 (quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ), bà B được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Nếu bà B chưa hưởng phụ cấp tái cử thì được chuyển xếp sang lương mới vào bậc 1, hệ số lương 2,15 trong bảng lương cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn của chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã; nếu bà B đang hưởng phụ cấp tái cử 5% thì được chuyển xếp sang lương mới vào bậc 2, hệ số lương 2,65 trong bảng lương cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn của chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã và thôi hưởng phụ cấp tái cử.

2. Đối với các chức danh do bầu cử thuộc diện xếp lương mới theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo:

a) Nguyên tắc:

Hiện đang xếp lương theo chức danh bầu cử nào thì căn cứ vào hệ số lương cũ (không gồm phụ cấp tái cử, nếu có) để chuyển xếp vào ngạch, bậc lương mới của công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định đối với chức danh bầu cử hiện đảm nhiệm;

Thời gian giữ hệ số lương cũ theo chức vụ bầu cử hiện đảm nhiệm được tính để xếp vào bậc lương mới hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong ngạch công chức hành chính theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với công chức hành chính và thôi hưởng phụ cấp tái cử (nếu có);

Trong thời gian giữ hệ số số lương cũ, nếu có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật, bị kéo dài thêm 1 năm (đủ 12 tháng) thời gian tính xếp lên bậc lương cao hơn trong ngạch hoặc thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

b) Cách chuyển xếp lương cũ sang lương mới:

Căn cứ vào hệ số lương cũ và thời gian giữ hệ số lương cũ của chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm, chuyển xếp sang lương mới vào ngạch, bậc công chức hành chính theo bảng chuyển xếp số 3 ban hành kèm theo Thông tư này và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh bầu cử hiện đảm nhiệm.

Ví dụ 3. Ông Trần Đăng C, hiện giữ chức danh Trưởng ban chuyên trách Hội đồng nhân dân huyện D, đã xếp lương cũ hệ số 3,40 theo bảng lương chức vụ dân cử từ ngày 01 tháng 12 năm 1999 và đang hưởng 5% phụ cấp tái cử (nhiệm kỳ thứ hai 2004 - 2009), ông C được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ Trưởng ban chuyên trách Hội đồng nhân dân huyện như sau:

Hệ số lương cũ 3,40 của ông C được chuyển xếp vào hệ số lương mới 4,32, bậc 7 ngạch chuyên viên. Thời gian giữ hệ số lương cũ (3,40) của ông C từ ngày 01 tháng 12 năm 1999 đến ngày 01 tháng 12 năm 2002 (đủ 3 năm và trong thời gian này ông C hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm và không bị kỷ luật), ông C được xếp lên 1 bậc vào bậc 8, hệ số lương mới 4,65 ngạch chuyên viên và hưởng phụ cấp chức vụ Trưởng ban chuyên trách Hội đồng nhân dân huyện có hệ số phụ cấp là 0,30. Thời gian nâng bậc lương lần sau của ông C được tính kể từ ngày ngày 01 tháng 12 năm 2002 và ông C thôi hưởng phụ cấp tái cử 5% (cũ).

3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức danh lãnh đạo, đã xếp lương cũ theo ngạch, bậc công chức, viên chức hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo:

Thực hiện nguyên tắc và cách chuyển xếp lương cũ sang lương mới như đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ theo hướng dẫn tại điểm 5 mục II Thông tư này và hưởng phụ cấp chức vụ quy định đối với chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm.

Ví dụ 4. Bà Vũ Thị D, Trưởng phòng Nội vụ - Lao động huyện E, đã xếp lương cũ hệ số 3,31, bậc 7, ngạch chuyên viên từ ngày 01 tháng 6 năm 2002 và hưởng phụ cấp chức vụ trưởng phòng huyện có hệ số phụ cấp cũ là 0,20, bà D được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Hệ số lương cũ 3,31, bậc 7, ngạch chuyên viên của bà D được chuyển xếp sáng hệ số lương mới là 4,32 (thời gian nâng bậc lương lần sau của bà D được tính kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2002) và bà D được hưởng phụ cấp chức vụ Trưởng phòng huyện có hệ số phụ cấp mới là 0,30.

4. Đối với chuyên gia cao cấp:

Thực hiện nguyên tắc chuyển ngang bậc lương cũ sang bậc lương mới theo bảng chuyển xếp số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 5. Ông Lê Văn E đã xếp lương chuyên gia cao cấp bậc 2, hệ số lương cũ là 8,00 từ ngày 01 tháng 5 năm 2003, ông E được chuyển ngang sang bậc 2, hệ số lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 là 9,40 của chuyên gia cao cấp; thời gian nâng bậc lương lần sau của ông E được tính kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2003.

5. Đối với cán bộ, công chức (kể cả công chức cấp xã), viên chức chuyên môn, nghiệp vụ từ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ (đối tượng không giữ chức danh lãnh đạo):

a) Nguyên tắc:

Hiện đang xếp lương ở ngạch công chức, viên chức nào (sau đây viết tắt là ngạch) hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thuộc ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là chức danh) thì căn cứ vào hệ số lương cũ để chuyển xếp sang hệ số lương mới theo ngạch hoặc chức danh đó;

Nếu đã được chuyển xếp vào bậc lương mới cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh thì tùy thuộc vào thời gian đã giữ bậc lương cũ để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định; trong thời gian giữ bậc lương cũ này, nếu có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật, bị kéo dài thêm 1 năm (đủ 12 tháng) thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung;

Chuyển xếp lương cũ sang lương mới không kết hợp với việc nâng ngạch công chức, viên chức. Những người đã xếp lương cũ không đúng ngạch hoặc chức danh theo yêu cầu của công việc hiện đảm nhiệm (trừ trường hợp đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho bảo lưu ngạch hoặc chức danh cũ khi thay đổi công việc) thì phải chuyển xếp lại lương theo đúng ngạch hoặc chức danh quy định đối với công việc đó. Ngạch hoặc chức danh theo yêu cầu của công việc hiện đảm nhiệm và ngạch hoặc chức danh được bảo lưu khi thay đổi công việc sau đây gọi là ngạch hoặc chức danh hiện giữ.

b) Cách chuyển xếp lương cũ sang lương mới:

Căn cứ vào hệ số lương cũ và thời gian giữ bậc lương cũ, chuyển xếp sang lương mới vào ngạch hoặc chức danh hiện giữ và hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) theo bảng chuyển xếp số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ví dụ 6. Bà Đinh Thị H, chuyên viên thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh K đã xếp lương cũ hệ số 4,06, bậc 10 (bậc lương cũ cuối cùng trong ngạch chuyên viên) từ ngày 01 tháng 9 năm 1998, bà H được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Do chế độ tiền lương mới quy định ngạch chuyên viên có 9 bậc, nên bà H được chuyển xếp sang lương mới vào bậc 9, hệ số lương mới là 4,98, ngạch chuyên viên và hưởng 5% phụ cấp thâm niên vượt khung (bậc 10 cũ ở ngạch chuyên viên được tính hưởng 5% phụ cấp thâm niên vượt khung). Thời gian giữ bậc 10 (cũ) trong ngạch chuyên viên của bà H từ ngày 01 tháng 9 năm 1998 đến ngày 01 tháng 9 năm 2004 (đủ 6 năm và trong thời gian này bà H hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm và không bị kỷ luật), bà H được tính hưởng thêm 6% phụ cấp thâm niên vượt khung (1%/1 năm). Như vậy, bà H được chuyển xếp sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 vào hệ số lương 4,98, bậc 9, ngạch chuyên viên và hưởng 11% (5% + 6%) phụ cấp thâm niên vượt khung so với hệ số lương mới 4,98 (bậc lương mới cuối cùng trong ngạch chuyên viên); thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung lần sau của bà H được tính kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2004.

Ví dụ 7. Ông Đào Văn K, cán sự thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện M đã xếp lương cũ hệ số 3,07, bậc 14, ngạch cán sự từ ngày 01 tháng 4 năm 2003, ông K được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Do chế độ tiền lương mới quy định ngạch cán sự có 12 bậc, nên ông K được chuyển xếp sang lương mới vào bậc 12, hệ số lương mới là 4,06 ngạch cán sự và hưởng 7% phụ cấp thâm niên vượt khung (bậc 13 cũ ở ngạch cán sự được tính hưởng 5% phụ cấp thâm niên vượt khung; bậc 14 cũ ở ngạch cán sự được tính hưởng thêm 2% phụ cấp thâm niên vượt khung). Thời gian giữ bậc 14 (cũ) trong ngạch cán sự của ông K từ ngày 01 tháng 4 năm 2003 đến ngày 01 tháng 4 năm 2004 (đủ 1 năm và trong thời gian này ông K hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật), ông K được tính hưởng thêm 1% phụ cấp thâm niên vượt khung. Như vậy, ông K được chuyển xếp sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 vào hệ số lương 4,06, bậc 12, ngạch cán sự và hưởng 8% (7% + 1%) phụ cấp thâm niên vượt khung so với hệ số lương mới 4,06 (bậc lương mới cuối cùng trong ngạch cán sự); thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung lần sau của ông K được tính kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2004.

6. Các trường hợp khác:

a) Cán bộ, công chức, viên chức, nếu đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho bảo lưu mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch hoặc chức danh cũ khi thay đổi công việc, thì được căn cứ vào hệ số lương cũ đã được bảo lưu để chuyển xếp sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo hướng dẫn tại Thông tư này và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Ví dụ 8. Ông Vũ Văn M, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện N, nguyên Trưởng ban chuyên trách Hội đồng nhân dân tỉnh P (đã xếp lương cũ hệ số 5,20 từ ngày 01 tháng 5 năm 2002). Nếu theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 thì ông M xếp lương cũ của chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện hệ số 4,90, nhưng ông M đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,30 để bằng mức lương cũ (4,90 + 0,30 = 5,20), ông M được chuyển xếp lương cũ sang lương mới và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,30 kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Hệ số lương cũ đã được bảo lưu 5,20 của ông M được chuyển xếp vào hệ số lương mới 5,76, bậc 5, ngạch chuyên viên chính (thời gian nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2002) và hưởng phụ cấp chức vụ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện có hệ số phụ cấp mới là 0,70.

Ví dụ 9. Bà Nguyễn Thị N, nguyên Chánh văn phòng huyện P, đã xếp lương cũ hệ số 2,82, bậc 5, ngạch chuyên viên từ ngày 01 tháng 11 năm 2003 và hưởng phụ cấp chức vụ Chánh văn phòng huyện có hệ số phụ cấp cũ là 0,20. Theo yêu cầu nhiệm vụ, bà B được luân chuyển về giữ chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Q và đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho bảo lưu mức lương ở ngạch chuyên viên và phụ cấp chức vụ cũ, bà B được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Hệ số lương cũ 2,82, bậc 5, ngạch chuyên viên được chuyển xếp sang hệ số lương mới là 3,66 (thời gian nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2003) và hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ của Chánh văn phòng huyện có hệ số phụ cấp mới là 0,30.

Ví dụ 10. Ông Nguyễn Xuân P, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đã xếp lương cũ hệ số 5,36, bậc 2 từ ngày 01 tháng 9 năm 2002. Theo yêu cầu nhiệm vụ, ông P được luân chuyển về làm Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh T và đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho bảo lưu mức lương ở chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và hưởng phụ cấp chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh có hệ số phụ cấp cũ là 0,80. Ông P được chuyển xếp lương cũ sang lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Hệ số lương cũ 5,36, bậc 2 được chuyển xếp sang hệ số lương mới trong chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là 6,56 (thời gian nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2002) và hưởng phụ cấp chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh có hệ số phụ cấp mới là 0,95.

b) Cán bộ, công chức, viên chức nguyên là sĩ quan quân đội nhân dân đang hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu lương, thì được tính lại hệ số chênh lệch bảo lưu theo hệ số lương mới. Trong thời gian được bảo lưu lương theo quy định, hệ số chênh lệch bảo lưu sẽ giảm tương ứng bằng hệ số tiền lương được tăng thêm do nâng bậc lương hoặc do hưởng phụ cấp thâm nhiên vượt khung (nếu có).

Ví dụ 11. Ông Nguyễn Văn Q, nguyên Đại úy quân đội nhân dân (hệ số lương cũ là 4,15 được xếp từ ngày 01 tháng 4 năm 2002) được chuyển ngành đến làm việc và được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh T từ ngày 01 tháng 8 năm 2004. Căn cứ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức mà ông Q đảm nhiệm, ông Q được bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch chuyên viên, xếp bậc 6, hệ số lương cũ là 3,06 (thời gian nâng bậc lương lần sau được tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2002) và hưởng phụ cấp chức vụ Phó trưởng phòng thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có hệ số phụ cấp cũ là 0,20, tổng hệ số lương cũ (kể cả phụ cấp chức vụ) của ông Q là 3,26 (3,06 + 0,20). Theo quy định của Luật sĩ quan quân đội nhân dân, ông Q được hưởng hệ số chệnh lệch bảo lưu từ ngày 01 tháng 8 năm 2004 (ngày chuyển công tác) là 0,89 (4,15 - 3,26). Hệ số chênh lệch bảo lưu 0,89 (cũ) của ông Q được tính lại theo lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 như sau:

Cấp bậc quân hàm đại úy được chuyển xếp sang hệ số lương mới là 5,40.

Hệ số lương cũ 3,06, bậc 6, ngạch chuyên viên được chuyển xếp sang hệ số lương mới là 3,99; phụ cấp chức vụ Phó trưởng phòng thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có hệ số phụ cấp mới là 0,30, tổng hệ số lương mới (kể cả phụ cấp chức vụ) của ông Q là 4,29 (3,99 + 0,30). Như vậy ông Q sẽ được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu theo lương mới từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 là 1,11 (5,40 - 4,29). Đến ngày 01 tháng 4 năm 2005 (sau đủ 3 năm giữ bậc và trong thời gian này ông Q hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm và không bị kỷ luật), ông Q được nâng lên bậc 7, hệ số lương mới là 4,32 (tăng thêm 0,33 so với bậc 6) thì hệ số chênh lệch bảo lưu của ông Q giảm tương ứng từ 1,11 xuống còn 0,78 (1,11 - 0,33).

c) Các chức danh Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Trưởng ban, Phó trưởng ban thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

d) Chức danh Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới vào ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ của chức danh hiện đảm nhiệm. Căn cứ vào tương quan vị trí chức vụ của chức danh Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 20 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành kiểm sát để thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới vào ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo bảng chuyển xếp số 6 (6a và 6b) ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Các ngạch công chức, viên chức hoặc các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm soát mới được bổ sung hoặc có thay đổi về phân loại cán bộ, công chức, viên chức và các trường hợp chưa đạt chuẩn theo yêu cầu trình độ đào tạo quy định đối với ngạch hoặc chức danh, các Bộ, ngành quản lý ngạch hoặc chức danh chuyên ngành xây dựng phương án chuyển xếp lương cũ sang lương mới đề nghị Liên Bộ Nội vụ - Tài chính thỏa thuận áp dụng và được truy lĩnh tiền lương mới theo hiệu lực thi hành của Thông tư này.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thực hiện chế độ tiền lương mới trong năm 2004 và các năm tiếp theo là tiếp tục quá trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy khóa VIII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám Khóa IX. Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt các văn bản về chính sách tiền lương mới của Đảng và Nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương, làm cho mọi người hiểu rõ việc cải cách chính sách tiền lương phải có quá trình trong nhiều năm; phải trên cơ sở tăng năng suất lao động, tăng thu nhập quốc dân và sự phát triển của nền kinh tế; đồng thời cải cách chính sách tiền lương lần này có chú trọng nâng thêm mức lương cho các đối tượng hưởng lương trung bình và mức lương thấp; khắc phục một bước sự trùng lặp, phức tạp trong các bảng lương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xếp lương khi điều động, luân chuyển cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; tách rõ bảng lương công chức, bảng lương viên chức, thang lương và bảng lương trong các công ty nhà nước; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy cải cách hành chính.

Để thực hiện tốt việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm sự thống nhất trong cả nước, động viên được cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiểu quả công tác, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần thực hiện:

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức (cấp cơ sở) có trách nhiệm trao đổi với cấp ủy và Ban chấp hành công đoàn cùng cấp thực hiện:

a) Rà soát, sắp xếp biên chế của cơ quan, đơn vị, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của từng bộ phận, trên cơ sở đó bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu của công việc.

b) Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này, lập báo cáo kết quả chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo mẫu số 1a và mẫu số 1b (đối với cơ quan nhà nước), mẫu số 2 (đối với đơn vị sự nghiệp) ban hành kèm theo Thông tư này; đồng thời tổng hợp các trường hợp vướng mắc gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để kiểm tra, tổng hợp.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cấp cơ sở có trách nhiệm:

Kiểm tra, lập báo cáo (theo mẫu số 1a, mẫu số 1b và mẫu số 2) và tổng hợp các trường hợp vướng mắc ở các cơ quan, đơn vị cơ sở trực thuộc gửi Bộ, ngành (nếu thuộc Trung ương quản lý) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu thuộc địa phương quản lý) để phê duyệt, giải quyết.

3. Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (sau đây gọi chung là Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo).

a1) Thành phần Ban chỉ đạo có từ 05 đến 07 thành viên như sau:

Ở Trung ương:

Trưởng Ban chỉ đạo là Thủ tưởng hoặc Phó Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương;

Phó trưởng Ban chỉ đạo là Vụ trưởng (hoặc Trưởng ban) Vụ (hoặc Ban) Tổ chức cán bộ, lao động, tiền lương cơ quan Bộ, ngành Trung ương;

Các thành viên Ban chỉ đạo là người phụ trách bộ phận tài chính, đại diện công đoàn cùng cấp và một số thành viên khác do Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị.

Ở địa phương:

Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Phó trưởng ban chỉ đạo là Giám đốc Sở Nội vụ;

Các thành viên Ban chỉ đạo là Giám đốc Sở Tài chính, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh và một số thành viên khác do Trưởng ban chỉ đạo đề nghị.

a2) Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện:

Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo hướng dẫn tại Thông tư này; xét duyệt, tổng hợp kết quả chuyển xếp lương cũ sang lương mới; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình chuyển xếp lương cũ sang lương mới và đề nghị Liên Bộ Nội vụ - Tài chính xem xét, quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền;

Xác định nhu cầu quỹ tiền lương tăng thêm và nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương mới theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

b) Căn cứ kết quả xét duyệt chuyển xếp lương cũ sang lương mới do Ban chỉ đạo đề nghị, người có thẩm quyền ở Bộ, ngành Trung ương và ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp hiện hành ra quyết định chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của Bộ, ngành, địa phương.

c) Đối với Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cán bộ, công chức, viên chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương (trừ Chủ tịch Hồi đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo tương đương) thuộc biên chế trả lương của các Bộ, ngành, địa phương, thì thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị (kèm theo bản sao quyết định xếp lương cũ gần nhất) gửi về Bộ Nội vụ xem xét, quyết định chuyển xếp lương cũ sang lương mới. Trong thời gian chưa có quyết định chuyển xếp lương cũ sang lương mới của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, được tạm chi lương mới theo hướng dẫn chuyển xếp tại Thông tư này.

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với các chức danh nêu trên là căn cứ để Thủ trưởng Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định nâng bậc lương đối với các chức danh nêu trên.

4. Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thu bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức. Nếu phát hiện việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới không đúng quy định thì Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức chuyển xếp lại lương theo đúng quy định của Nhà nước (đồng gửi Bộ Nội vụ 01 bản để theo dõi và kiểm tra).

5. Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết những vướng mắc trong quá trình chuyển xếp lương cũ sang lương mới ở các Bộ, ngành, địa phương; báo cáo Ban chỉ đạo nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương Nhà nước, Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội những vấn đề vượt thẩm quyền.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về việc chuyển xếp lương và phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

2. Hệ số lương cũ, phụ cấp tái cử, phụ cấp chức vụ và hệ số chênh lệch bảo lưu cũ (nếu có) được dùng để chuyển xếp sang lương mới theo hướng dẫn tại Thông tư này là mức hiện hưởng tại thời điểm ngày 01 tháng 10 năm 2004 và được truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch giữa lương mới (gồm cả phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu có) so với lương cũ từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

a) Trường hợp sau ngày 01 tháng 10 năm 2004 có sự thay đổi hệ số lương cũ thì thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới như sau:

Từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến thời điểm có thay đổi hệ số lương cũ, được chuyển xếp hệ số lương cũ trước khi thay đổi sang hệ số lương mới theo hướng dẫn tại Thông tư này để làm căn cứ truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 cho đến thời điểm có thay đổi hệ số lương cũ;

Từ thời điểm có thay đổi hệ số lương cũ cho đến ngày chuyển xếp lương cũ sang lương mới, được chuyển xếp theo hệ số lương cũ đã thay đổi (hệ số lương hiện giữ) sang hệ số lương mới và được tính hưởng lương mới kể từ ngày có thay đổi hệ số lương cũ.

Quyết định chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải thể hiện rõ sự thay đổi lương cũ sau ngày 01 tháng 10 năm 2004 nêu trên.

b) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã đủ điều kiện thời gian và tiêu chuẩn nâng bậc lương theo quy định trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến ngày chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng chưa có quyết định nâng bậc lương cũ của cơ quan có thẩm quyền, thì cũng thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới như trường hợp có sự thay đổi hệ số lương cũ sau ngày 01 tháng 10 năm 2004 nêu trên.

3. Các đối tượng sau đây được áp dụng chuyển xếp lương cũ sang lương mới kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo hướng dẫn tại Thông tư này để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật:

a) Các trường hợp đi học, thực tập, công tác, điều trị, điều dưỡng ở trong nước và ở nước ngoài thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị.

b) Công chức dự bị, những người đang trong thời gian tập sự trong các cơ quan nhà nước (kể cả tập sự công chức cấp xã) và những người đang trong thời gian thử việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

c) Các trường hợp đang bị đình chỉ công tác, đang bị tạm giữ, tạm giam.

d. Các đối tượng ký kết hợp đồng lao động đã được xếp lương cũ theo bảng lương hành chính, sự nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang.

4. Các trường hợp tuyển dụng, bầu cử, điều động, luân chuyển, chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước sau ngày chuyển xếp lương cũ sang lương mới, thì thực hiện nguyên tắc xếp lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) quy định tại Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

5. Các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước có hướng dẫn riêng.

6. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về liên Bộ Nội vụ - Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

BỘ TÀI CHÍNH
BỘ NỘI VỤ
BỘ TRƯỞNG
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
(Đã ký)
  
Nguyễn Sinh Hùng
Đỗ Quang Trung


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/hdthcxlcslmvcbccvc459