AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành "Quy định về thực hiện một số chế độ chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình"

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành "Quy định về thực hiện một số chế độ chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình"

Thuộc tính

Lược đồ

HĐND TỈNH BẮC NINH
Số: 31/NQ - HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1998                          
NGHị QUYếT

NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND TỈNH BẮC NINH

Ban hành "Quy định về thực hiện một số chế độ chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình"

 

HĐND TỈNH BẮC NINH KHOÁ 14 KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 162/HĐBT ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình;

Sau khi nghe UBND tỉnh báo cáo (tại tờ trình số 29/TT-UB ngày 10/10/1998), đề nghị ban hành "Quy định một số chính sách Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình". Thuyết trình của Ban văn hoá - Xã hội và ý kiến thảo luận của Đại biểu,

 

QUYẾT NGHỊ:

1- Tán thành bản "Quy định về thực hiện một số chế độ chính sách Dân số - Kế hoạch hoá gia đình".

2- Giao UBND tỉnh phối hợp với thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của Đại biểu HĐND bổ sung, hoàn chỉnh quy định.

3- UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy định.

4- Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/1998.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khoá 14 thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13 tháng 10 năm 1998./.

 

QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KHHGĐ

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 31/NQ - HĐND

ngày 13 tháng 10 năm 1998, kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh Bắc Ninh khoá 14)

 

Căn cứ Điều 13 Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Điều 6 Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp;

Căn cứ Quyết định số 162/HĐBT ngày 18 tháng 10 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chính sách Dân số – KHHGĐ;

Để thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh quy định cụ thể về thực hiện một số chế độ, chính sách Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh như sau,

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tổ chức thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, gia đình và công dân nhằm xây dựng xã hội công bằng, văn minh trong đó có quy mô gia đình ít con, khoẻ mạnh, tạo điều kiện có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Điều 2: Hằng năm, UBND tỉnh xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch về Dân số - KHHGĐ cho các địa phương. Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh và Trung ương đóng tại địa phương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về Dân số - KHHGĐ.

Điều 3: Các địa phương, cơ quan, đơn vị và công dân thực hiện tốt quy định này được khen thưởng; vi phạm bị xử lý.

 

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Số con của mỗi cặp vợ chồng:

1- Mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp ghi tại khoản 2,3 và 4 của điều này; trường hợp sinh lần thứ nhất mà sinh đôi trở lên thì không được sinh lần thứ 2; trường hợp đã có 1 con, lần thứ 2 sinh đôi trở lên không coi là vi phạm quy định này.

2- Cặp vợ chồng tái kết hôn nếu người vợ, người chồng, đã có con riêng hoặc một trong hai người chưa có con riêng, nay muốn có con chung thì chỉ được sinh 1 con.

3- Người phụ nữ không có điều kiện kết hôn, có nguyện vọng làm mẹ thì chỉ được sinh 1 lần.

4- Cặp vợ chồng dã có 2 con khoẻ mạnh, sau đó 1 trong 2 con không may bị tai nạn hoặc mắc bệnh dẫn đến tàn tật, mất khả năng lao động, nếu có nguyện vọng thì được sinh thêm 1 lần. Trường hợp các con bị mắc bệnh di truyền, nhiễm chất độc hoá học, chất phóng xạ (được xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền) cần giải thích để cặp vợ chồng đó tự nguyện không sinh thêm con.

Điều 5: Tuổi sinh con đầu lòng và khoảng cách các lần sinh đẻ:

1- Khuyến khích phụ nữ đủ 22 tuổi trở lên mới sinh con đầu.

2- Cặp vợ chồng muốn sinh con lần thứ 2 thì sinh con lần thứ hai phải cách sinh con lần thứ nhất, được quy định như sau: Cặp vợ chồng mà người vợ dưới 30 tuổi là 5 năm, từ 30 tuổi trở lên là 3 năm.

Điều 6: Cặp vợ chồng và nữ công dân đã vi phạm một trong các khoản của Điều 4 chương II thì phải thực hiện một biện pháp tránh thai thích hợp cho vợ hoặc chồng.

Điều 7: Thực hiện việc đăng ký, quản lý sinh đẻ:

1- Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và có khả năng sinh đẻ, đều phải đăng ký thực hiện sinh đẻ có kế hoạch theo quy định tại Điều 4 và Điều 5:

a- Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đăng ký tại cơ quan, đơn vị công tác.

b- Công dân đăng ký tại Ban Dân số - KHHGĐ xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

2- Các cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương có trách nhiệm đăng ký kế hoạch sinh đẻ và báo cáo tình hình sinh đẻ của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời chịu sự quản lý và kiểm tra của cơ quan Dân số - KHHGĐ các cấp.

3- Uỷ ban Dân số - KHHGĐ các cấp chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lý và kiểm tra các đối tượng đăng ký thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.

4- Cặp vợ chồng hoặc công dân sau khi sinh con, trong thời gian 1 tháng phải đăng ký khai sinh tại UBND xã, phường, thị trấn theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 8: Khen thưởng:

1- Đối với cá nhân:

a- Cặp vợ chồng hoặc công dân đăng ký và thực hiện các biện pháp tránh thai được cơ sở y tế khám, cấp thuốc (theo quy định của Bộ y tế) không phải trả tiền, được theo dõi sức khoẻ thường xuyên. Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ và chiến sỹ lực lượng vũ trang được hưởng các quyền lợi theo chế độ hiện hành.

b- Cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và có khả năng sinh đẻ (được xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền), nếu 22 tuổi trở lên mới sinh con đầu lòng mà đăng ký chỉ sinh 1 con, thì từ khi con tròn 6 tuổi trở lên, mỗi năm người mẹ được thưởng 150.000 đồng; thời gian được thưởng không quá 10 năm (thời điểm sinh con đầu lòng, được tính theo thời hiệu của Nghị quyết số 41/HĐND - Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ) từ 1/4/1994).

c- Cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và có khả năng sinh đẻ đã có 2 con khoẻ mạnh, nếu vợ hoặc chồng tự nguyện thực hiện đình sản thì được bồi dưỡng và cấp một thẻ bảo hiểm thân thể theo quy định của Nhà nước.

d- Hằng năm, các thôn, xã phường, thị trấn chọn 1 cán bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ ở các thôn, xã, phường, thị trấn có thành tích xuất sắc để khen thưởng, cụ thể:

Trong năm, đơn vị không có người đẻ con thứ 3 trở lên được thưởng bằng 20% so với mức thưởng cho thôn, hoặc xã, phường, thị trấn ghi tại mục a, b khoản 2 điều này.

Trong năm, các xã thực hiện giảm 30% (đối với phường, thị trấn giảm 50%) số người sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước thì được thưởng bằng 10% so với mức thưởng cho xã, phường, thị trấn ghi tại mục c khoản 2 Điều này.

2- Đối với tập thể:

a- Mỗi thôn, khu phố (địa bàn phụ trách của cộng tác viên) trong năm không có người sinh con thứ 3 trở nên, được thưởng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

b- Các xã, phường thị trấn trong năm không có người sinh con thứ 3 trở lên được thưởng từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000đồng.

c- Các xã trong năm có số người sinh con thứ 3 giảm 30% (các phường, thị trấn giảm 50%) so với năm trước, được thưởng 1.000.000đồng.

d- Huyện, thị xã trong năm có số người sinh con thứ 3 giảm 20% so với năm trước, được thưởng 2.000.000 đồng.

e- Các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn có cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong độ tuổi sinh đẻ và có khả năng sinh đẻ, nếu trong năm không có người sinh con thứ 3 trở nên, được thưởng từ 100.000đồng đến 1.000.000 đồng.

Điều 9: Xử lý vi phạm:

1- Cặp vợ chồng vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 5 Chương II, cả vợ và chồng đều bị xử lý như sau:

a- Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ và chiến sỹ lực lượng vũ trang, người làm theo chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính sự nghiệp bị xử lý chậm nâng lương theo kỳ hạn là một năm.

b- Các đối tượng khác không được hưởng một số chính sách ưu đãi về phúc lợi, xã hội.

2- Cặp vợ chồng (hoặc nữ công dân không có điều kiện kết hôn) vi phạm quy định tại một trong các khoản của Điều 4 chương II, cả vợ và chồng (hoặc nữ công dân không có điều kiện kết hôn) đều bị xử lý như sau:

a- Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang phải kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị và bị xử lý (kể cả vợ lẫn chồng): Hạ 1 bậc lương; người đang làm hợp đồng ở cơ quan hành chính sự nghiệp thì không được tuyển dụng biên chế.

b- Các đối tượng không được hưởng mọi chính sách ưu đãi về phúc lợi xã hội và phải đóng góp từ 100.000 - 200.000 đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội của địa phương.

c- Người có chức vụ (được bầu hoặc bổ nhiệm), thành viên cơ quan dân cử thì phải thi hành kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Công chức, viên chức, cán bộ và chiến sỹ lực lượng vũ trang không được bổ nhiệm chức vụ, công dân không được bầu vào thành viên cơ quan dân cử hoặc lãnh đạo các đoàn thể nhân dân và hội nghề nghiệp; không được đào tạo, bồi dưỡng một nhiệm kỳ của cơ quan, tổ chức xã hội đó.

d- Cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên hoặc nữ công dân không có điều kiện kết hôn đẻ con thứ 2 trở lên, không được tiếp nhận vào cơ quan Nhà nước.

3- Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ và chiến sỹ lực lượng vũ trang, công dân trong độ tuổi sinh đẻ không đăng ký thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ là đã vi phạm quy định về chính sách Dân số và bị xử lý như sau: Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ và chiến sỹ lực lượng vũ trang, công dân năm nào không đăng ký thì năm đó không xét tăng lương, không bổ nhiệm chức vụ, không xét danh hiệu thi đua, không được đi đào tạo bồi dưỡng.

4- Những người được phép hành nghề dịch vụ KHHGĐ, nếu để xảy ra tai biến, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật:

a- Nghiêm cấm hành nghề dịch vụ KHHGĐ trái phép (không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hành nghề) những người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

b- Cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định để tham ô, gây ảnh hưởng xấu đến phong trào, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

5- Đối với tậpthể:

a- Các cơ quan, đoàn thể xã hội có người sinh con thứ 3 trở lên, các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên tăng so với năm trước thì năm đó không được xét khen thưởng, không được tặng danh hiệu thi đua. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn không tổ chức tốt đăng ký thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ thì năm đó không được xét khen thưởng.

b- Các cơ quan đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch Dân số - KHHGĐ hàng năm không chính xác hoặc cố ý báo cáo sai sự thật để nhận thưởng thì phải hoàn lại số tiền thưởng đã nhận và bị xử phạt hành chính.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10: Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và công dân cư trú trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm đăng ký thực hiện sinh đẻ kế hoạch, chịu sự quản lý kiểm tra về công tác này của UBND và Uỷ ban Dân số - KHHGĐ các cấp.

Điều 11: Uỷ ban Nhân dân các cấp phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục về Dân số - KHHGĐ và chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ, thuốc men phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh và dịch vụ các biện pháp tránh thai để phục vụ kịp thời, an toàn, thuận tiện cho các đối tượng thực hiện KHHGĐ.

Điều 12: Phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác Dân số - KHHGĐ:

1- Hằng năm, ngoài Ngân sách Trung ương hỗ trợ, Uỷ ban nhân dân các cấp bổ sung Ngân sách chi cho công tác Dân số - KHHGĐ nhằm phấn đấu nhanh chóng đạt các mục tiêu chiến lược Dân số - KHHGĐ do Đảng và Nhà nước đề ra.

2- Các đơn vị sản xuất kinh doanh, thuộc các thành phần kinh tế phải đảm bảo dành phần kinh phí cần thiết cho việc thực hiện tốt chính sách Dân số - KHHGĐ.

3- Tiền thưởng cho tập thể và cá nhân theo quy định này, được bố trí và phân bổ từ Ngân sách của tỉnh cấp cho công tác Dân số - KHHGĐ hằng năm.

4- Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện thường xuyên kiểm tra việc thi hành chế độ thưởng phạt theo đúng thẩm quyền quản lý; sử dụng kinh phí theo đúng quy định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 13: Chế độ báo cáo:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức chính trị xã hội chịu trách nhiệm báo cáo kịp thời, chính xác tình hình công tác Dân số - KHHGĐ của cơ quan, đơn vị với UBND các cấp.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14: Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định này.

Điều 15: Bản quy định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 1998. Các quy định trước đây của địa phương trái với quy định này đều bãi bỏ, Những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên đã có quyết định xử lý kỷ luật trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 không thay đổi. Những trường hợp vi phạm chưa xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định này.

Quá trình thực hiện, nếu cần bổ sung, sửa đổi bản quy định, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhvthmsccsdskhhg441