AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành Quy định về phân cấp và ủy quyền trong quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành Quy định về phân cấp và ủy quyền trong quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 52/2003/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2003                          

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Ban hành Quy định về phân cấp và ủy quyền trong quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21-6-1994;

Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08-7-1999 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05-5-2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30-01-2003 của Chính phủ;

Căn cứ Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05-5-2000 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII - kỳ họp thứ 9 về phát triển kinh tế xã hội năm 2003;

Căn cứ thực tế công tác quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh và kết quả cuộc họp tư vấn của các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ngày 04-4-2003;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư và tại Tờ trình số 255/KHĐT ngày 08 tháng 4 năm 2003.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về phân cấp và ủy quyền trong quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01-5-2003 và thay thế Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 21-02-2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ủy quyền và phân cấp một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở và Thủ trưởng các ngành trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP VÀ ỦY QUYỀN TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2003/QĐ-UB ngày 14-4-2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

>

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích yêu cầu:

1. Thực hiện việc phân cấp một cách triệt để, đồng bộ và toàn diện trong lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng từ khâu quyết định đầu tư đến tổ chức thực hiện dự án và quyết toán vốn đầu tư dự án.

2. Tạo quyền chủ động cho các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đồng thời thúc đẩy thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh.

3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tăng cường trách nhiệm kiểm tra giám sát của các ngành chức năng đối với công tác đầu tư và xây dựng.

Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản.

1. Dự án đầu tư bằng nguồn vốn do cấp nào quản lý thì cấp đó ghi kế hoạch chuẩn bị đầu tư và quyết định đầu tư, đồng thời chịu trách nhiệm bố trí vốn để bảo đảm thực hiện dự án.

2. Dự án đầu tư bằng vốn ngân sách do huyện, thị xã quản lý phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm thời kỳ 2001 - 2005 và kế hoạch hàng năm của địa phương.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, ngành không phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn vốn do các huyện, thị xã và Sở, ngành quản lý.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối tượng phân cấp và ủy quyền.

1. Đối tượng được phân cấp là Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

2. Đối tượng được ủy quyền là Giám đốc các Sở và Thủ trưởng các ngành và tương đương thuộc tỉnh.

Điều 4. Phạm vi phân cấp và ủy quyền.

1. Phân cấp cho các huyện, thị xã quản lý sử dụng các nguồn vốn để bố trí đầu tư như sau:

a) Vốn xây dựng cơ bản tập trung được tỉnh phân bổ hàng năm.

b) Vốn kiến thiết thị chính và vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản.

c) Vốn từ nguồn thu ngân sách vượt kế hoạch hàng năm được để lại đầu tư.

d) Vốn do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hỗ trợ trực tiếp cho địa phương để xây dựng công trình hạ tầng và phúc lợi công cộng.

e) Vốn hỗ trợ phòng tránh bão lụt và khắc phục hậu quả thiên tai.

g) Vốn thu từ nguồn huy động nghĩa vụ trong dân theo quy định của Pháp lệnh về nghĩa vụ lao động công ích, sử dụng để bố trí đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển bằng nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương và các nguồn vốn được phân cấp quản lý sử dụng trình Hội đồng nhân dân huyện, thị xã thông qua, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính Vật giá để tổng hợp trong dự toán hàng năm.

2. Ủy quyền cho các Sở, ngành của tỉnh quản lý và sử dụng các nguồn vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản, bao gồm vốn do Trung ương hỗ trợ và vốn thuộc ngân sách tỉnh.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý và sử dụng các nguồn vốn được phân cấp:

1. Các nguồn vốn được phân cấp quản lý phải được phản ánh đầy đủ vào kế hoạch thu, chi của ngân sách các cấp theo qui định của Nhà nước.

2. Việc bố trí sử dụng các nguồn vốn phải bảo đảm kế hoạch và đúng mục tiêu; thực hiện lồng ghép sử dụng các nguồn vốn nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

3. Giám đốc Sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã được điều chỉnh kế hoạch trong phạm vi các nguồn vốn do Sở, ngành và huyện, thị xã quyết định đầu tư.

Điều 6. Chuẩn bị đầu tư.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, ngành bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án do huyện, thị xã và Sở, ngành quyết định đầu tư; dự án đầu tư bằng nguồn vốn nào thì sử dụng nguồn vốn đó để chuẩn bị đầu tư.

2. Dự án có mức vốn dưới 2 tỷ đồng không phải lập và trình duyệt đề cương báo cáo đầu tư, nhưng khi phê duyệt báo cáo đầu tư dự án phải phê duyệt chi phí lập báo cáo đầu tư.

3. Thẩm quyền phê duyệt đề cương nội dung và dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt đề cương nội dung và dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư đối với dự án do huyện, thị xã quyết định đầu tư.

b) Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt đề cương nội dung dự án và dự toán chi phí công tác chuẩn bị đầu tư dưới 100 triệu đồng của dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc các Sở, ngành quyết định đầu tư.

Điều 7. Đối với các dự án quy hoạch.

1. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển các ngành có giá trị dưới 100 triệu đồng.

2. Giám đốc Sở Xây dựng phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập các quy hoạch xây dựng (kể cả xây dựng đô thị và nông thôn) có giá trị dưới 100 triệu đồng.

Điều 8. Phê duyệt dự án đầu tư.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt dự án có mức vốn dưới 2 tỷ đồng được đầu tư bằng các nguồn vốn do tỉnh phân cấp quản lý.

2. Đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã được phê duyệt các dự án thuộc danh mục Ủy ban nhân dân tỉnh có ghi kế hoạch chuẩn bị đầu tư hàng năm.

3. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được phê duyệt dự án có mức vốn dưới 1 tỷ đồng đầu tư bằng các nguồn vốn do tỉnh quản lý.

4. Giám đốc các Sở, ngành thuộc tỉnh được phê duyệt dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng đầu tư bằng các nguồn vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản được tỉnh giao quản lý.

5. Đối với các dự án chưa có trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch xây dựng, dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trước khi phê duyệt Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các Sở, ngành xét thấy cần thiết phải lấy ý kiến bằng văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 9. Phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, ngành phê duyệt bổ sung, điều chỉnh dự án do huyện, thị xã và các Sở, ngành phê duyệt lần đầu; việc điều chỉnh, bổ sung dự án phải đảm bảo nguyên tắc không được làm thay đổi mục tiêu đầu tư, tổng mức đầu tư và phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành về điều chỉnh, bổ sung dự án.

2. Trường hợp tổng mức đầu tư tăng do bổ sung, điều chỉnh dự án thì thực hiện như sau:

a) Tăng do Nhà nước điều chỉnh chế độ chính sách như định mức, đơn giá các khoản mục chi phí của tổng mức đầu tư thì dự án do cấp nào quyết định đầu tư, cấp đó được phê duyệt bổ sung điều chỉnh.

b) Tăng do các nguyên nhân khác thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Điều 10. Phê duyệt thiết kế - dự toán công trình.

1. Các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trước khi tiến hành lập thiết kế - dự toán đều phải có đề cương khảo sát được duyệt.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt đề cương khảo sát, phê duyệt thiết kế - dự toán các công trình thuộc dự án do huyện, thị xã quản lý.

3. Giám đốc Sở Xây dựng và các Sở có xây dựng chuyên ngành phê duyệt đề cương khảo sát và dự toán kinh phí thực hiện có giá trị dưới 100 triệu đồng; phê duyệt thiết kế - dự toán công trình có giá trị dưới 1 tỷ đồng thuộc các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ngành quyết định đầu tư.

4. Các công trình thuộc dự án do huyện, thị xã quản lý có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo đảm an toàn cho công trình, trước khi phê duyệt thiết kế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xét thấy cần thiết thì lấy ý kiến của bằng văn bản của Sở Xây dựng hoặc của Sở có xây dựng chuyên ngành có liên quan.

Điều 11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, ngành khi phê duyệt đề cương dự án và đề cương khảo sát phải thực hiện đúng các quy định về tiêu chuẩn, quy phạm, định mức, khối lượng, đơn giá và các quy định khác về khảo sát do Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ ngành Trung ương ban hành.

Điều 12. Việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán công trình thuộc các dự án do huyện, thị xã và các Sở, ngành quản lý thực hiện như sau:

1. Đối với thẩm định dự án: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các Sở ngành sử dụng cơ quan chuyên môn có đủ năng lực thuộc mình quản lý để thẩm định trước khi phê duyệt. Trường hợp cơ quan chuyên môn không có đủ năng lực thì có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

2. Đối với thẩm định thiết kế - dự toán:

a) Chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân và chứng chỉ hành nghề tư vấn để thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã sử dụng bộ máy chuyên môn của huyện, thị xã để thẩm định; trường hợp bộ máy chuyên môn của huyện, thị xã chưa đủ năng lực để thẩm định thì có văn bản đề nghị Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các Sở ngành của tỉnh sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán công trình thì phải có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

4. Cơ quan cấp phát, thanh toán vốn không thanh toán cho các trường hợp không thực hiện đúng các quy định về thẩm định trên đây.

Điều 13. Chỉ định thầu.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, ngành của tỉnh được chỉ định thầu các gói thầu xây lắp có giá trị dưới 500 triệu đồng và gói thầu tư vấn thuộc dự án do các Sở, ngành và huyện, thị xã quản lý. Việc chỉ định thầu phải thực hiện đúng theo các quy định của Quy chế đấu thầu.

2. Gói thầu xây lắp khác có giá trị dưới 2 tỷ đồng thực hiện đấu thầu theo Quy chế đấu thầu, hoặc theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về chào hàng cạnh tranh.

3. Việc mua sắm thiết bị không thuộc dự án đầu tư thì thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính về mua sắm thiết bị.

Điều 14. Thu hồi đất và bồi thường thiệt hại.

1. Thu hồi đất và giao đất: Việc thu hồi đất thực hiện sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương đầu tư (đối với dự án của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước).

a) Đối với dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định đầu tư và dự án của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trên địa bàn: Ủy ban nhân dân huyện, thị xã sử dụng bộ máy chuyên môn của huyện, thị xã lập thủ tục thu hồi đất và giao đất theo quy định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

b) Đối với dự án do các Sở, ngành của tỉnh quản lý: Chủ đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Địa chính và Ủy ban nhân dân địa phương nơi có dự án thực hiện các thủ tục thu hồi đất và giao đất theo quy định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Bồi thường thiệt hại:

a) Đối với dự án do huyện, thị xã quyết định đầu tư và dự án của các doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thực hiện trên địa bàn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt phương án đền bù và quyết định mức bồi thường thiệt hại theo quy định của Nhà nước.

b) Đối với dự án do các Sở, ngành quản lý đầu tư trên địa bàn các huyện, thị xã: Chủ đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và các Sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm kê, xây dựng phương án và xác định mức bồi thường thiệt hại gửi cho Hội đồng thẩm định phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng của tỉnh để được thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 15. Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án do huyện, thị xã quản lý.

2. Giám đốc Sở Tài chính Vật giá phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc các Sở, ngành của tỉnh quyết định đầu tư.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và của Giám đốc các Sở, ngành phải được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ngành có liên quan trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày ban hành, cụ thể như sau:

Gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư: Quyết định phê duyệt dự án kèm theo hồ sơ dự án; các quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán; phê duyệt quyết toán vốn đầu tư và chỉ định thầu thi công.

Gửi về Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành: Quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán kèm theo hồ sơ thiết kế và dự toán.

Gửi về Sở Tài chính Vật giá: Quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư kèm theo báo cáo quyết toán và quyết định phê duyệt dự toán chi phí bồi thường thiệt hại thu hồi đất.

Gửi về Sở Địa chính: Quyết định kèm theo hồ sơ thu hồi đất và giao đất.

Ít nhất 6 tháng một lần Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá, Sở Địa chính, Sở Xây dựng và các Sở có xây dựng chuyên ngành làm việc với các huyện, thị xã và các ngành về tình hình phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế - dự toán, phê duyệt bồi thường thiệt hại và quyết toán vốn đầu tư, và tình hình thực hiện các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn để kịp thời phát hiện và uốn nắn những thiếu sót. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Điều 17. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, ngành chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về các quyết định của mình được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp và ủy quyền thực hiện theo quy định này.

Điều 18. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01-5-2003 và thay thế cho các quy định tại Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 21-02-2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh; các quy định khác về quản lý đầu tư và xây dựng trước đây trái với quy định này thì bãi bỏ.

Điều 19. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

UBND TỈNH NINH THUẬN


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhqvpcvqtqltvxdtbtnt772