AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành quy định về đăng kiểm tầu biển Việt Nam

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành quy định về đăng kiểm tầu biển Việt Nam

Thuộc tính

Lược đồ

Download

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 51/2005/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2005                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ban hành quy định về đăng kiểm tầu biển Việt Nam


BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về đăng kiểm tầu biển Việt Nam".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Khoa học công nghệ, Pháp chế, Vận tải, Tổ chức cán bộ, Tài chính, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết đinh này./.


QUY ĐỊNH

Về đăng kiểm tầu biển Việt Nam

(Ban hành theo Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12/10/2005

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định nội dung, nguyên tắc, thủ tục đăng kiểm tầu biển Việt Nam và tầu công vụ Việt Nam (sau đây gọi là tầu biển).

Tầu biển không quy định đăng ký trong Sổ đăng ký tầu biển quốc gia của Việt Nam (sau đây gọi chung là tầu biển cỡ nhỏ) cũng phải được đăng kiểm phù hợp với Quy đinh này.

2. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đăng kiểm tầu biển trong quản lý nhà nước, quản lý khai thác, thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chủ tầu biển bao gồm chủ sở hữu tầu, người quản lý tầu, người khai thác tầu hoặc người thuê tầu trần.

2. Công ước quốc tế bao gồm các công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế và Tổ chức Lao động quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và đo dung tích tầu biển mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hệ thống quản lý an toàn là hệ thống quản lý được xây dựng phù hợp với các quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn.

4. Hệ thống an ninh là hệ thống được xây dựng phù hợp với các quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tầu biển và cảng biển.

5. Tài liệu hướng dẫn là tài liệu được xây dựng theo quy định của quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế nhằm chỉ dẫn thuyền viên đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tầu biển.

6. Đánh giá là hoạt động mà tổ chức đăng kiểm phải thực hiện để cấp hoặc xác nhận hiệu lực các giấy chứng nhận theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn và Bộ luật quốc tế về an ninh tầu biển và cảng biển.

7. Tuyến quốc tế là tuyến hành trình của tầu biển từ một cảng của Việt Nam đến cảng của nước ngoài hoặc ngược lại hoặc giữa hai cảng của nước ngoài.

Chương II

ĐĂNG KIỂM TẦU BIỂN

Điều 3. Nội dung công tác đăng kiểm tầu biển

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường làm cơ sở cho việc thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, quản lý, khai thác và đăng kiểm tầu biển trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành hoặc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Tham gia xây dựng và sửa đổi, bổ sung công ước quốc tế.

3. Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền quy định về nghiệp vụ đăng kiểm, hướng dẫn, phổ biến, áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế.

4. Duyệt thiết kế tầu biển và tài liệu hướng dẫn:

a) Duyệt thiết kế tầu biển bao gồm: thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thiết kế hoàn công, các quy trình công nghệ trong đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển, trang thiết bị lắp đặt trên tầu biển;

b) Duyệt tài liệu hướng dẫn.

5. Kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và phân cấp tầu biển trong quá trình đóng mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế, phù hợp với hồ sơ thiết kế được duyệt.

6. Kiểm tra tầu biển trong quá trình hoạt động, bao gồm:

a) Kiểm tra lần đầu là kiểm tra được thực hiện sau khi tầu biển hoàn thành đóng mới, nhập khẩu hoặc thay đổi tổ chức đăng kiểm, để chứng nhận tầu và trang thiết bị lắp đặt trên tầu thỏa mãn các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam, công ước quốc tế và phù hợp với mục đích sử dụng của tầu.

b) Kiểm tra chu kỳ là kiểm tra được thực hiện theo chu kỳ để xác nhận tầu và trang thiết bị lắp đặt trên tầu được bảo dưỡng và duy trì ở trạng thái thỏa mãn các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam, công ước quốc tế và phù hợp với mục đích sử dụng của tầu.

Kiểm tra chu kỳ bao gồm: kiểm tra hàng năm, kiểm tra trung gian, kiểm tra trên đà và kiểm tra định kỳ.

c) Kiểm tra bất thường hoặc kiểm tra bổ sung là kiểm tra được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế.

7. Cấp giấy chứng nhận phân cấp, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tầu biển theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế sau khi hoàn thành việc duyệt thiết kế, tài liệu hướng dẫn và kiểm tra theo quy định tại khoản 4, 5 và 6 Điều này.

8. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật cho vật liệu máy móc và trang thiết bị trong quá trình chế tạo và nhập khẩu để sử dụng trong đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển.

9. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật cho công-te-nơ trong quá trình chế tạo và sử dụng.

10. Đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho hệ thống quản lý an toàn, hệ thống an ninh, duyệt kế hoạch an ninh tầu biển, đào tạo và cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý an toàn, sỹ quan an ninh tầu biển, cán bộ an ninh công ty theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn và Bộ luật quốc tế về an ninh tầu biển và cảng biển.

Đánh giá hệ thống quản lý an toàn và hệ thống an ninh tầu biển bao gồm: đánh giá lần đầu, đánh giá hàng năm, đánh giá trung gian, đánh giá định kỳ và đánh giá bổ sung.

11. Đo, xác định và cấp giấy chứng nhận dung tích tầu biển theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc công ước quốc tế.

12. Giám định kỹ thuật và điều tra xác định nguyên nhân tai nạn, sự cố liên quan đến trạng thái kỹ thuật của tầu biển.

13. Xây dựng và duy trì hệ thống quản lý dữ liệu về trạng thái kỹ thuật tầu biển, hàng năm xuất bản Sổ đăng ký kỹ thuật của đội tầu biển Việt Nam.

Điều 4. Nguyên tắc đăng kiểm tầu biển

1. Tầu biển phải được kiểm tra, phân cấp, đánh giá và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường một cách hệ thống, liên tục trong suốt quá trình hoạt động nhằm đảm bảo luôn có trạng thái kỹ thuật thỏa mãn các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế.

2. Việc kiểm tra, đánh giá tầu biển được thực hiện tại nơi tầu biển đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, neo đậu hoặc đang hành trình, kể cả ở nước ngoài.

3. Tầu biển không hoạt động tuyến quốc tế được kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam.

4. Tầu biển hoạt động tuyến quốc tế được kiểm tra, phân cấp, đánh giá và cấp giấy chứng nhận theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế liên quan.

5. Tầu biển hoạt động tuyến quốc tế có thể được kiểm tra, phân cấp theo quy phạm, tiêu chuẩn của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền, nhưng các yêu cầu về chất lượng, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường không được thấp hơn các yêu cầu tương ứng của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam.

Việc ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận được thực hiện cho từng tầu biển, theo một hoặc các nội dung sau đây:

a) Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận phân cấp theo quy phạm của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền;

b) Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam;

c) Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của công ước quốc tế.

Điều 5. Duyệt thiết kế tầu biển, tài liệu hướng dẫn

1. Hồ sơ đề nghị duyệt thiết kế tầu biển bao gồm:

a) Giấy đề nghị duyệt thiết kế;

b) Nhiệm vụ thư thiết kế;

c) Hồ sơ thiết kế theo quy định.

2. Hồ sơ đề nghị duyệt tài liệu hướng dẫn bao gồm:

a) Giấy đề nghị duyệt tài liệu hướng;

b) Tài liệu hướng dẫn theo quy định.

3. Chậm nhất hai mươi ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị duyệt thiết kế, tổ chức đăng kiểm phải hoàn thành việc duyệt và cấp giấy chứng nhận duyệt thiết kế cho tổ chức, cá nhân đề nghị duyệt thiết kế. Trường hợp thiết kế loại tầu biển mới hoặc phức tạp, thời gian hoàn thành duyệt thiết kế được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức đăng kiểm với tổ chức, cá nhân đề nghị duyệt thiết kế.

Chậm nhất ba ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị duyệt tài liệu hướng dẫn, tổ chức đăng kiểm phải hoàn thành việc duyệt và cấp giấy chứng nhận duyệt tài liệu hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đề nghị duyệt tài liệu hướng dẫn.

Điều 6. Kiểm tra, đánh giá, cấp hồ sơ đăng kiểm về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tầu biển

1. Khi có nhu cầu kiểm tra, đánh giá và cấp hồ sơ đăng kiểm về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tầu biển, chủ tầu biển hoặc cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển phải gửi giấy đề nghị cho tổ chức đăng kiểm.

2. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị kiểm tra, tổ chức đăng kiểm phải cử đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra theo thời gian và địa điểm đã thỏa thuận. Nếu kết quả kiểm tra thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế, tổ chức đăng kiểm phải cấp hồ sơ đăng kiểm theo quy định cho tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm tra theo thời hạn sau đây kể từ khi kết thúc kiểm tra:

a) Ba ngày làm việc đối với kiểm tra lần đầu và định kỳ;

b) Một ngày làm việc đối với kiểm tra hàng năm, trên đà, trung gian, bất thường và bổ sung.

3. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị đánh giá, tổ chức đăng kiểm phải cử đánh giá viên thực hiện đánh giá theo thời gian và địa điểm đã thỏa thuận. Nếu kết quả đánh giá thỏa mãn các quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn, Bộ luật quốc tế về an ninh tầu biển và cảng biển, tối đa một ngày làm việc kể từ khi kết thúc đánh giá, tổ chức đăng kiểm phải cấp hồ sơ đăng kiểm theo quy định cho tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá.

4. Chủ tầu biển có nhu cầu để tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tầu biển, phải có giấy đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy định này gửi cho cơ quan có thẩm quyền. Chậm nhất một ngày làm việc kể từ khi chấp nhận đề nghị, cơ quan có thẩm quyền phải gửi văn bản ủy quyền theo mẫu quy định ở Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy định này cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài và chủ tầu biển để thực hiện.

5. Khi có nhu cầu kiểm tra, đánh giá bất thường hoặc bổ sung nhằm duy trì khả năng an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tầu biển, tổ chức đăng kiểm phải thông báo nội dung kiểm tra, đánh giá và thỏa thuận với chủ tầu biển về thời gian, địa điểm thực hiện.

6. Khi tầu biển không thỏa mãn các quy định của văn bản quy phạm pháp luật quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế dẫn đến việc phải hạ cấp tầu, xóa cấp tầu hoặc mất hiệu lực của giấy chứng nhận, tổ chức đăng kiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ tầu biển và các cơ quan nhà nước liên quan.

Điều 7. Hồ sơ đăng kiểm cấp cho tầu biển

1. Tầu biển không hoạt động tuyến quốc tế thỏa mãn các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam được cấp hồ sơ đăng kiểm, bao gồm:

a) Giấy chứng nhận phân cấp;

b) Giấy chứng nhận dung tích;

c) Các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

d) Giấy chứng nhận khả năng đi biển;

đ) Các phụ lục đính kèm giấy chứng nhận, biên bản kiểm tra và hồ sơ tài liệu liên quan.

2. Tầu biển hoạt động tuyến quốc tế, ngoài hồ sơ đăng kiểm quy định tại điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều này, được cấp giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của công ước quốc tế liên quan.

3. Mẫu hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này do tổ chức đăng kiểm quy định. Mẫu hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này phù hợp với quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế và Tổ chức Lao động quốc tế.

Điều 8. Đăng kiểm tầu biển cỡ nhỏ.

1. Nội dung đăng kiểm tầu biển cỡ nhỏ bao gồm: duyệt thiết kế, tài liệu hướng dẫn, đo dung tích, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễu môi trường trong quá trình đóng mới hoán cải, sửa chữa, phục hồi, kiểm tra trong quá trình tầu hoạt động và cấp hồ sơ đăng kiểm.

2. Công tác đăng kiểm tầu biển cỡ nhỏ được thực hiện theo quy định tại khoải 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12 Điều 3; khoản 1, 2, 3 Điều 4; Điều 5 và khoản 1, 2, 5, 6 Điều 6 của Quy định này.

2. Tầu biển cỡ nhỏ thỏa mãn các qui định của văn bản quy phạm pháp luật quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam được cấp hồ sơ đăng kiểm, bao gồm:

a) Sổ kiểm tra kỹ thuật tầu chạy ven biển;

b) Giấy chứng nhận khả năng đi biển;

c) Biên bản kiểm tra và hồ sơ tài liệu liên quan.

3. Mẫu hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này do tổ chức đăng kiểm quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức đăng kiểm tầu biển

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng "Tổ chức Đăng kiểm Việt Nam", có trách nhiệm tổ chức hệ thống đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước để thực hiện công tác đăng kiểm tầu biển theo Quy định này, được thu phí và lệ phí theo quy định và có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải định kỳ 6 tháng, hàng năm.

2. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tầu biển theo quy định tại khoản 5 Điều 4 và khoản 4 Điều 6 của Quy định này.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền

1. Thực hiện kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo ủy quyền cho tầu biển đúng quy định của pháp luật Việt Nam, công ước quốc tế và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận của mình;

2. Thực hiện chế độ trao đổi thông tin, báo cáo theo thỏa thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam;

3. Chấp hành các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 11. Trách nhiệm của chủ tầu biển, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải phục hồi, sửa chữa tầu biển và cơ sở chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị lắp đặt trên tầu biển

1. Chủ tầu biển có trách nhiệm thực hiện các quy định về đăng kiểm tầu biển nêu trong Quy định này khi tầu biển được đóng mới, nhập khẩu, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và trong quá trình tầu biển hoạt động; đảm bảo duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật, an ninh tầu biển và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tầu biển thỏa mãn các quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn và công ước quốc tế liên quan giữa hai kỳ kiểm tra, đánh giá.

2. Cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển, cơ sở chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị lắp đặt trên tầu biển phải:

a) Thực hiện các quy định về hồ sơ thiết kế và duyệt hồ sơ thiết kế;

b) Tuân theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường áp dụng đối với tầu biển và hồ sơ thiết kế được duyệt;

c) Chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đăng kiểm về chất lượng, an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi tầu biển và trang thiết bị lắp đặt trên tầu biển.

Điều 12. Phí và lệ phí đăng kiểm

1. Chủ tầu biển, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển, cơ sở chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị lắp đặt trên tầu biển có trách nhiệm trả phí duyệt thiết kế, duyệt tài liệu hướng dẫn, kiểm tra, phân cấp, đánh giá và lệ phí cấp giấy chứng nhận theo quy định của Việt Nam khi tầu biển chịu sự kiểm tra, phân cấp, đánh giá của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Chủ tầu biển, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa tầu biển, cơ sở chế tạo, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị lắp đặt trên tầu biển có trách nhiệm trả phí duyệt thiết kế, duyệt tài liệu hướng dẫn, kiểm tra và phân cấp theo quy định của tổ chức đăng kiểm nước ngoài khi tẩu biển chịu sự kiểm tra, phân cấp của tổ chức đó./.

BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
 
 
Đào Đình Bình


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhqvktbvn325