AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành qui định tạm thời về việc tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tây

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành qui định tạm thời về việc tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tây

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH HÀ TÂY
Số: 167/2002/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2002                          

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY

Ban hành qui định tạm thời

về việc tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tây

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TÂY

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân do Quốc hội khoá IX thông qua ngày 21/6/1994;

Căn cứ Luật Thương mại do Quốc hội khóa IX thông qua ngày 10/5/1997;

Căn cứ thông tư số 15/TM-CSTTTN ngày 16/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn về tổ chức và quản lý chợ;

Để cụ thể hoá quy hoạch phát triển Thương mại đến năm 2010 đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt tại Quyết định 236/1998/QĐ-UB ngày 17/3/1998;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại tờ trình số 156/TM ngày 20/4/2001 về quy định việc thành lập, công nhận, phân loại phân cấp và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tây,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản qui định tạm thời "Về việc tổ chức và quản lý chợ" tỉnh Hà Tây.

Điều 2: Giao Giám đốc Sở Thương mại tổ chức hướng dẫn thực hiện.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2002. Các qui định trước đây trái với qui định này đều bãi bỏ.

Điều 4: Thủ trưởng các ngành: Thương mại, Du lịch, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Cục thuế, Xây dựng, Địa chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Công nghiệp, Công an, Quân sự, Thống kê, Văn hoá thông tin. UBND huyện, thị xã, các cấp, các tổ chức, các thành phần kinh tế có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

Về việc tổ chức và quản lý chợ tỉnh Hà Tây

(Ban hành kèm theo Quyết định số 167/2002/QĐ/UB

Ngày 4 tháng 2 năm 2002 của UBND tỉnh Hà Tây)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

Chợ là mạng lưới thương nghiệp được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, là nơi tập trung mua bán, trao đổi sản phẩm, hàng hoá - dịch vụ của các thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư.

Chợ bao gồm chợ thường xuyên, chợ không thường xuyên (chợ phiên), chợ đã được xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đã được hình thành nhưng chưa xây dựng, chợ đã có hoặc chưa có bộ máy quản lý chợ (Ban quản lý) đều điều chỉnh theo quy định này.

Điều 2:

2.1. Chợ đủ điều kiện là chợ được UBND cấp có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc công nhận (được quy định theo điều 3 dưới đây).

2.2. UBND tỉnh thống nhất quản lý về tổ chức hoạt động của các chợ trong tỉnh và khuyến khích các thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong và ngoài tỉnh, kể cả tổ chức kinh tế và người nước ngoài (có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam) tham gia tổ chức quản lý chợ và kinh doanh thương mại dịch vụ ở các chợ, không hạn chế về quy mô, hình thức.

 

Chương II

THÀNH LẬP, CÔNG NHẬN, PHÂN LOẠI, PHÂN CẤP

VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHỢ

Điều 3: Thành lập và công nhận

3.1. Điều kiện và thủ tục thành lập, công nhận chợ.

3.1.1.Điều kiện

3.1.1.1. Địa điểm xây dựng chợ phải là nơi thực sự có nhu cầu về mua bán trao đổi sản phẩm, hàng hoá - dịch vụ của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành và địa phương. Bảo đảm khoảng cách hợp lý cần thiết không quá gần với các chợ đang hoạt động trong cùng địa phương, thuận tiện về giao thông, vệ sinh môi trường bảo đảm quy định về bảo vệ công trình giao thông, công trình thuỷ lợi, công trình Quốc phòng an ninh, khu di tích lịch sử, văn hoá và công trình phúc lợi công cộng, bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ.

3.1.1.2. Địa điểm xây dựng chợ phải được cấp có thẩm quyền quyết định.

3.1.1.3. Thành lập chợ phải có dự án khả thi (báo cáo nghiên cứu khả thi) và có vốn đầu tư xây dựng phù hợp với dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.1.2. Thủ tục, hồ sơ:

3.1.2.1. Nơi có nhu cầu thành lập chợ thì chính quyền nơi đó phải làm đơn xin thành lập kèm theo dự án khả thi (đối với chợ loại 1 và loại 2), báo cáo đầu tư (đối với các chợ loại 3).

3.1.2.2. Hồ sơ xin cấp đất xây dựng theo quy định của pháp luật gửi cơ quan có trách nhiệm thẩm định hoàn chỉnh thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của luật đất đai.

3.1.2.3. Sở Thương mại giúp UBND tỉnh trong việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh xét duyệt theo phân cấp lại điều 5 dưới đây.

3.1.2.4. Phòng Kinh tế và hạ tầng Nông thôn (phòng Kinh tế và hạ tầng đô thị) giúp UBND huyện, thị xã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình UBND huyện, thị xã xét duyệt theo phân cấp tại điều 5 dưới đây.

3.2. Thẩm quyền thành lập chợ và cấp đất xây dựng chợ.

3.2.1. Đất xây dựng chợ phải được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo qui định của luật đất đai hiện hành.

3.2.2. Các chợ loại 1 thuộc phạm vi địa giới hành chính huyện, thị xã nào thì do UBND huyện, thị xã đó hoàn chỉnh hồ sơ, sở Thương mại thẩm định trình UBND tỉnh quyết định thành lập chợ mới hoặc công nhận chợ đang hoạt động.

3.2.3. UBND huyện, thị xã quyết định thành lập chợ mới, công nhận chợ đang hoạt động của tất cả các chợ loại 2, loại 3 trên địa bàn huyện, thị xã, sau khi thống nhất với sở Thương mại.

3.2.4. Chợ đang hoạt động chưa có quyết định thành lập, quyết định cấp đất thuộc chính quyền cấp nào quản lý theo phân cấp thì cấp đó hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chỉ khi nào đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền duyệt cấp đất thì sau đó mới ra quyết định thành lập hoặc quyết định công nhận chợ.

3.2.5. Khi không có nhu cầu hoặc thay đổi quy hoạch do yêu cầu khác cần giải thể hoặc di chuyển chợ, UBND cấp nào ra quyết định thành lập, công nhận thì UBNĐ cấp đó quyết định việc giải thể, di chuyển chợ. Khi quyết định giải thể chợ thì đồng thời phải làm thủ tục thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Điều 4: Phân loại chợ

Căn cứ vào quy mô chợ được phân thành ba loại như sau:

Chợ loại 1: Là chợ có trên 500 hộ kinh doanh lập cửa hàng, quầy hàng, sạp hàng buôn bán cố định, thường xuyên.

Chợ loại 2: Là chợ có từ 100 đến 500 hộ kinh doanh lập cửa hàng, quầy hàng, sạp hàng buôn bán cố định, thường xuyên.

Chợ loại 3: Là những chợ còn lại.

Điều 5: Phân cấp quản lý chợ

Quản lý Nhà nước về các hoạt động của chợ được phân cấp như sau:

5.1. Sở Thương mại: Là cơ quan chức năng giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về các hoạt động chợ trên các mặt:

5.1.1. Lập quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh, kiến nghị những biện pháp (về vốn đầu tư, về địa điểm xây dựng chợ, về tổ chức quản lý...) để hình thành mạng lưới chợ theo quy hoạch.

5.1.2. Thẩm định các đề án của UBND huyện, thị xã trình UBND tỉnh quyết định thành lập, giải thể các chợ loại 1 và các chợ mà hoạt động của nó liên quan đến cả vùng (liên tỉnh, liên huyện).

5.1.3. Chủ trì phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai các quy định của Nhà nước về tổ chức, quản lý chợ, về thực hiện các chính sách lưu thông hàng hoá trong chợ.

5.1.4. Theo dõi, tổng hợp và đánh giá kết quả hoạt động của chợ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý chợ. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh.

5.2. UBND huyện, Thị xã:

5.2.1. UBND huyện, thị xã quản lý mọi hoạt động của các chợ trên địa bàn. (bao gồm cả chợ loại 1, 2 và 3).

5.2.2. Phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn (phòng kinh tế và hạ tầng đô thị) giúp UBND huyện, thị xã quản lý các hoạt động của chợ, cụ thể là:

5.2.2.1. Lập qui hoạch và kế hoạch phát triển, xây dựng, cải tạo chợ theo sự hướng dẫn của sở Thương mại và các ngành chức năng đúng với qui hoạch chung của tỉnh.

5.2.2.2. Phân loại các chợ và trình UBND huyện, thị xã quyết định việc phân cấp quản lý một số chợ loại 3 cho xã, phường, thị trấn.

5.2.2.3. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra việc thực hiện cac quy định của Nhà nước về tổ chức và quản lý chợ và các quy định có liên quan đến hoạt động của chợ.

5.2.2.4. Theo dõi tổng hợp và đánh giá kết quả hoạt động của chợ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý chợ.

5.3. UBND xã, phường, thị trấn.

5.3.1. Tổ chức và quản lý sự hoạt động của các chợ được phân cấp cho xã, phường, thị trấn theo đúng quy định của Nhà nước.

5.3.2. Có kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất của chợ trong phạm vi quản lý.

5.3.3. Theo dõi, tổng hợp và đánh giá kết quả hoạt động của chợ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý chợ.

Điều 6: Tổ chức bộ máy quản lý chợ: (Bao gồm ba hình thức: Ban quản lý chợ - Doanh nghiệp quản lý chợ - Tổ quản lý chợ).

Ban quản lý chợ: Là hình thức chủ yếu trong tổ chức quản lý các hoạt động chợ.

6.1.1. Tất cả các loại chợ 1 và loại 2 đều phải lập ban quản lý chợ để tổ chức quản lý các hoạt động kinh doanh trong chợ.

6.1.2. Chợ thuộc cấp nào quản lý thì UBND cấp đó ra quyết định thành lập hoặc giải thể Ban quản lý chợ.

6.1.3. Ban quản lý chợ là một đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản giao dịch tại kho Bạc Nhà nước. Ban quản lý chợ chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn của Phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn (kinh tế và hạ tầng đô thị huyện, Thị xã).

6.1.4. Ban quản lý chợ gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban, và một số cán bộ giúp việc. Biên chế của Ban quản lý chợ căn cứ vào qui mô, tính chất hoạt động của từng loại chợ và tình hình cụ thể của từng địa phương) do UBND cấp quản lý qui định.

Riêng nhân viên bảo vệ chợ, Ban quản lý chợ phải thoả thuận với lực lượng công an sở tại trước khi có hợp đồng lao động.

Trưởng ban quản lý chợ có các nhiệm vụ sau:

Tổ chức điều hành công việc của ban quản lý chợ

Quản lý đội ngũ cán bộ nhân viên của ban, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, tạo điều kiện để cán bộ nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Xử lý các vi phạm nội qui của chợ. Những vi phạm khác chuyển cho cơ quan chức năng theo qui định của pháp luật.

6.1.5. Nhiệm vụ của ban quản lý chợ

6.1.5.1. Soạn thảo nội qui hoạt động của chợ, trình UBND huyện, thị xã phê duyệt và tổ chức thực hiện.

6.1.5.2. Sắp xếp nơi mua bán hàng hoá - dịch vụ theo yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và văn minh thương nghiệp phù hợp với đặc điểm hàng hoá - dịch vụ của mỗi chợ.

6.1.5.3. Quản lý toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của chợ, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc sửa chữa và xây dựng mới, bảo đảm cho hoạt động của chợ an toàn, văn minh, hiệu quả.

6.1.5.4. Hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc những người buôn bán - dịch vụ tại chợ thực hiện đúng và đầy đủ các qui định của Nhà nước về kinh doanh thương mại và dịch vụ.

6.1.5.5. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giữ trật tự, trị an, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, xử lý các vi phạm về nội qui hoạt động chợ.

6.1.5.6. Nắm vững tình hình hàng hoá lưu thông, hoạt động dịch vụ tình hình biến động thị trường và giá cả trên địa bàn chợ, báo cáo đầy đủ kịp thời cho cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chuyên môn ngành dọc

6.1.6. Quyền hạn của Ban quản lý chợ

6.1.6.1. Xem xét và quyết định việc chấp thuận hay không chấp thuận đơn xin đặt cửa hàng, quầy hàng, sạp hàng... Buôn bán tại chợ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh tại chợ.

6.1.6.2. Được yêu cầu các tổ chức kinh tế, hộ tư nhân kinh doanh trong chợ xuất trình các giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Các trường hợp: Không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh, vi phạm nội quy chợ sẽ không bố trí điểm kinh doanh hoặc thu hồi điểm kinh doanh hoặc thôi hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.

6.1.6.3. Tổ chức các hoạt động dịch vụ trong chợ.

Tổ chức việc cho thuê địa điểm và phương tiện kinh doanh phục vụ cho mua bán hàng hoá và dịch vụ.

Trông giữ, bảo quản tài sản và phương tiện của người mua, người bán tại chợ.

Tổ chức bảo vệ hàng hoá ngoài giờ, dịch vụ nghỉ trọ, y tế, bảo vệ môi trường... Tại chợ theo yêu cầu của người kinh doanh.

Tổ chức bán vé chợ cho các tổ chức, cá nhân không hoạt động kinh doanh cố định tại chợ.

6.2. Loại hình doanh nghiệp quản lý chợ có thể được áp dụng ở các thành phố, thị xã, các khu kinh tế tập trung khi có đủ các điều kiệm sau đây:

6.2.1. Có số hộ kinh doanh cố định thường xuyên trên 1.000 hộ và có địa điểm để mở rộng qui mô của chợ.

6.2.2. Có khả năng huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng hoặc cải tạo theo hướng văn minh hiện đại và đạt hiệu quả kinh tế xã hội.

6.2.3. Có đội ngũ cán bộ đủ năng lực quản lý.

Doanh nghiệp quản lý chợ (bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, HTX...) là tổ chức kinh tế được thành lập theo các qui định của pháp luật để quản lý một hoặc một số chợ, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính và hoạt động kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình.

Doanh nghiệp quản lý chợ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý chợ trong qui định này trừ nhiệm vụ nói tại 6.1.5.4 được chuyển giao cho Phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn (Phòng Kinh tế và hạ tầng đô thị) hoặc các cơ quan chức năng khác của huyện, thị xã.

6.2.4. Loại hình này phải có dự án khả thi, được thẩm định chặt chẽ trình UBND tỉnh xem xét quyết định cụ thể mới được thực hiện.

6.3. Tổ chức bộ máy quản lý tại các chợ loại 3, UBND xã, phường, thị trấn căn cứ tình hình cụ thể để chọn một trong các hình thức sau:

6.3.1. Những chợ họp thường xuyên, có từ 50 đến 100 hộ kinh doanh cố định lập ban quản lý chợ trực thuộc UBND xã, phường, thị trấn.

6.3.2. Những chợ nhỏ dưới 50 hộ kinh doanh cố định, họp không thường xuyên, lập tổ quản lý chợ hoạt động bán chuyên do UBND xã, phường, thị trấn quyết định và phân công.

6.3.3. Đối với một số chợ nhỏ hoạt động trong phạm vi thôn, xóm, làng, bản có thể cho đấu thầu quản lý theo nguyên tắc: Tập thể, cá nhân tham gia đấu thầu phải tuyệt đối chấp hành các qui định về quản lý chợ; thực hiện đúng và đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật về thu chi tài chính theo qui định của Nhà nước.

Phòng Kinh tế và hạ tầng nông thôn giúp UBND huyện hướng dẫn việc đấu thầu quản lý chợ.

Điều 7: Quản lý tài chính của chợ

7.1. Vốn để xâv dựng chợ được xác lập từ các nguồn chủ yếu sau:

7.1.1. Nguồn vốn ngân sách: Căn cứ vào yêu cầu xây dựng chợ, UBND huyện, thị xã đề xuất. Sở Thương mại chủ trì phối hợp các ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính - Vật giá thẩm định trình UBND tỉnh, mức vốn đầu tư, xây dựng và cải tạo chợ từ ngân sách của Nhà nước, chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu (san lấp mặt bằng xây dựng, hệ thống cấp thoát nước, công trình vệ sinh...) nhất là các chợ trung tâm của xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa để UBND tỉnh quyết định theo hướng: Chợ cấp nào quản lý thì ngân sách cấp đó đầu tư và phù hợp khả năng của ngân sách cấp đó.

7.1.2. Nguồn vốn do nhân dân đóng góp:

Để tạo vốn xây dựng chợ, UBND cấp nào quản lý chợ, cấp đó xem xét và phê duyệt phương án huy động sự đóng góp của dân - trước hết là những người buôn bán cố định trong chợ theo phương thức tự nguyện ứng trước khoản tiền cho thuê điện tích bán hàng để xây dựng chợ, sau đó trừ dần cho người kinh doanh.

7.1.3. Vốn vay theo qui định của Nhà nước.

7.1.4. Các nguồn vốn khác.

7.2. Nguồn thu - áp dụng cho mô hình Ban quản lý chợ:

7.2.1. Tiền thuê diện tích bán hàng - dịch vụ đối với những người có cửa hàng, quầy hàng, sạp hàng buôn bán cố định, thường xuyên tại chợ.

7.2.2. Tiền bán vé vào chợ hàng ngày đối với những người buôn bán không thường xuyên, không cố định tại chợ.

7.2.3. Tiền thu từ các khoản dịch vụ khác do ban quản lý chợ tổ chức và quản lý.

UBND huyện, thị xã căn cứ vào qui định thu phí và lệ phí của UBND tỉnh để cụ thể hoá mức thu nói tại các điểm 7.2.1 và 7.2.2 trên.

Khoản thu 7.2.3 do Ban quản lý chợ căn cứ vào giá cả thị trường xây dựng mức giá cụ thể, báo cáo UBND huyện, thị xã để huyện, thị xã báo cáo Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá thẩm định trình UBND tỉnh quyết định theo qui định của Nhà nước. Khoản thu này được quản lý theo chế độ hạch toán kinh doanh dịch vụ hiện hành của Nhà nước.

7.3. Các khoản chi- áp dụng cho mô hình ban quản lý chợ...

7.3.1. Chi hành chính phục vụ công tác quản lý chợ theo chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

7.3.2. Chi sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của chợ, mua sắm, bổ sung phương tiện phục vụ cho hoạt động của chợ, trên cơ sở dự toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7.3.3. Hoàn trả vốn vay (nếu có) và nộp ngân sách.

Các khoản chi 7.3.1 và 7.3.2 do Ban quản lý chợ căn cứ vào nhu cầu xây dựng và phát triển chợ, cân đối với các nguồn thu trong từng thời gian, xây dựng kế hoạch chi trình UBND huyện, thị xã phê duyệt và thực hiện khoản chi 7.3.3 chi theo chế độ Nhà nước:

Điều 8: Quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia kinh doanh trong chợ

8.1. Quyền lợi

8.1.1. Người tham gia kinh doanh trong chợ được quyền lựa chọn ngành nghề, mặt hàng kinh doanh phù hợp với đăng ký kinh doanh, được dùng các hình thức quảng cáo phù hợp với nội qui chợ và qui định của Nhà nước.

8.1.2. Được hợp đồng thuê nhà, điểm bán hàng, phương tiện dụng cụ của chợ. Được quyền kiến nghị xử lý khi ban quản lý chợ vi phạm hợp đồng.

8.1.3. Được bình đẳng trong kinh doanh, nộp thuế và các khoản thuê mượn khác giữa các tổ chức và người kinh doanh trong chợ.

8.1.4. Được tham gia các tổ chức đoàn thể, hội nghề nghiệp để giúp đỡ lẫn nhau trong kinh doanh và đời sống.

8.2. Trách nhiệm.

8.2.1. Xuất trình giấy tờ có liên quan đến các hoạt động kinh doanh cho ban quản lý chợ và các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát.

8.2.2. Thực hiện nghiêm chỉnh chính sách pháp luật trong hoạt động kinh doanh, nộp đúng, nộp đủ và kịp thời các khoản thuế, lệ phí qui định.

8.2.3. Chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ nội qui chợ và các qui định về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ, an ninh trật tự công cộng...

8.2.4. Hưởng ứng, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua do các cấp phát động hoặc do Ban quản lý chợ tổ chức, để xây đựng chợ thành chợ tiên tiến kiểu mẫu.

8.2.5. Không được kinh doanh các mặt hàng Nhà nước cấm, không vi phạm các tệ nạn xã hội.

Điều 9: Kiểm tra, kiểm soát, khiếu nại tranh chấp trong hoạt động chợ:

9.1. Cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong chợ thường xuyên phối hợp với ban quản lý chợ để tuyên truyền, hướng dẫn các yêu cầu quản lý kinh doanh của Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức kinh tế và người kinh doanh biết và thực hiện đúng pháp luật.

9.2. Giải quyết khiếu nại tranh chấp về hoạt động, thành lập, công nhận và giải thể chợ.

9.2.1. Khiếu nại về ban quản lý chợ, tranh chấp giữa các tổ chức và người kinh doanh trong chợ thuộc UBND cấp nào quản lý thì cấp đó xem xét giải quyết.

9.2.2. Các khiếu nại về thành lập, công nhận, giải thể chợ loại 2, chợ loại 3 do UBND huyện, thị xem xét giải quyết.

9.2.3. Các khiếu nại về thành lập, công nhận, giải thể chợ loại 1 do UBND tỉnh xem xét giải quyết.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10:

10.1. Sở Thương mại có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi phù hợp thực tế.

10.2. Các ngành kinh tế - kỹ thuật, các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan đến các hoạt động của chợ, chịu trách nhiệm hướng dẫn quy định này theo chuyên ngành.

10.3. UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra và soát xét lại chợ theo quy định. Chợ không có đủ điều kiện theo văn bản này (kể cả các tụ điểm hoạt động như chợ) UBND huyện, thị xã chỉ đạo các ngành liên quan, UBND xã, phường, thị trấn giải tán, trả lại mặt bằng cho cơ quan quản lý./.

UBND TỈNH HÀ TÂY
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
 
Nguyễn Thị Mùi


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhqttvvtcvqlctbtht494