AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành Quy định tạm thời về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành Quy định tạm thời về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng

Thuộc tính

Lược đồ

Download

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 08/2006/QĐ-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2006                          
QUY?T Đ?NH C?A B? TRU?NG B? LAO Đ?NG - THUONG BINH VÀ XÃ H?I

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Ban hành Quy định tạm thời về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá

nhập khẩu theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm

hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ Quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá;

Căn cứ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng".

Điều 2. Cục An toàn lao động phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng và các Tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

Về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu theo Quyết định số

50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành

danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BLĐTBXH

ngày 20 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

1. Quy định về nội dung, phương thức, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu, thuộc mục 7, Danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng ban hành kèm theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

2. Quy định quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu theo Phụ lục 4.

2. Quy định này không áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu là hành lý cá nhân, hành lý ngoại giao, hàng mẫu, hàng triển lãm hội chợ, hàng trao đổi của cư dân biên giới và các loại hàng hoá không nhằm mục đích kinh doanh.

3. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhập khẩu (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp) có sản phẩm, hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan, Tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá (sau đây gọi tắt là Tổ chức kiểm tra) tại Phụ lục 4 kèm theo Quy định này.

4. Sản phẩm, hàng hoá theo danh mục từ số 7 đến số 12 thuộc Phụ lục 4 của Quy định này đã kiểm tra về chất lượng, khi đưa vào sử dụng vẫn phải đăng ký, kiểm định theo quy định tại Thông tư số 23/2003/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Chương II

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU

Điều 3. Căn cứ kiểm tra

Các quy định của pháp luật liên quan đến các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, môi trường và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, được quy định trong các Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng với từng loại sản phẩm, hàng hoá (theo Phụ lục 4).

Điều 4. Cách thức kiểm tra

1. Kiểm tra tại bến đến (nơi nhập khẩu), thực hiện theo hai hình thức sau:

- Kiểm tra mẫu hàng nhập khẩu: áp dụng khi lô hàng chưa về cửa khẩu, doanh nghiệp có mẫu hàng gửi kiểm tra trước.

- Kiểm tra lô hàng nhập khẩu: áp dụng khi lô hàng đã về cửa khẩu.

2. Kiểm tra tại bến đi (nơi xuất khẩu): thực hiện theo phương thức thừa nhận đa phương, song phương giữa Chính phủ Việt Nam và các nước xuất khẩu (hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp).

Điều 5. Phương thức kiểm tra

1. Thông quan trước, kiểm tra chất lượng sau.

2. Đối với sản phẩm, hàng hoá từ 01 đến 06 theo danh mục của Phụ lục 4 thì thử nghiệm mẫu điển hình.

3. Đối với sản phẩm, hàng hoá theo thứ tự từ 7 -12 của Phụ lục 4 (kèm theo quy định này) thì kiểm định toàn bộ sản phẩm,hàng hoá. Nếu là bộ phận, cụm chi tiết nhập rời về để lắp ráp tại Việt Nam thì thử nghiệm mẫu điển hình.

Điều 6. Nội dung và thủ tục kiểm tra mẫu hàng hoá tại bến đến

1. Trước khi lô hàng về cửa khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu lập hồ sơ đăng ký kiểm tra cùng mẫu hàng hoá gửi đến Tổ chức kiểm tra (biên bản được lập theo mẫu tại Phụ lục 5).

Hồ sơ đăng ký kiểm tra bao gồm:

- Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo mẫu (Phụ lục 1);

- Hợp đồng nhập khẩu;

- Tài liệu kỹ thuật liên quan đến chất lượng hàng hoá.

Để đảm bảo các yêu cầu kiểm tra và lưu mẫu, doanh nghiệp nhập khẩu phải gửi đến Tổ chức kiểm tra với số lượng mẫu hàng hoá (cùng loại trong một lô sản phẩm) như sau:

- 06 mẫu, nếu lô hàng có từ 3000 sản phẩm cùng loại trở xuống.

- 12 mẫu, nếu lô hàng có trên 3000 sản phẩm cùng loại.

2. Tổ chức kiểm tra tiếp nhận hồ sơ và mẫu hàng hoá, thực hiện việc kiểm tra theo các chỉ tiêu chất lượng đã quy định tại các Tiêu Chuẩn Việt Nam tương ứng với từng loại sản phẩm, hàng hoá và thông báo kết quả kiểm tra cho doanh nghiệp nhập khẩu biết để xử lý. Kết quả kiểm tra mẫu hàng hoá đạt yêu cầu là căn cứ để đối chiếu với các lô hàng nhập khẩu sau này của chính doanh nghiệp đó.

3. Trường hợp kết quả kiểm tra mẫu hàng hoá phù hợp yêu cầu, khi hàng hoá nhập về cửa khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu thông báo cho Tổ chức kiểm tra biết, đồng thời gửi bổ sung các hồ sơ sau đây:

- Bản liệt kê hàng hoá (nếu có);

- Hoá đơn, vận đơn (bản sao có dấu, chữ ký của chủ doanh nghiệp);

- Các chứng thư chất lượng của lô hàng cấp từ bến đi (nếu có).

Sau khi nhận được các hồ sơ bổ sung nêu trên, Tổ chức kiểm tra sẽ kiểm tra bao gói, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài khác của hàng hóa thực tế nhập về cửa khẩu. Trường hợp phù hợp với mẫu hàng đã được kiểm tra trước, trong vòng 02 ngày làm việc, Tổ chức kiểm tra sẽ cấp Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu, với nội dung xác nhận lô hàng phù hợp quy định nhập khẩu (theo mẫu tại Phụ lục 2) cho doanh nghiệp để làm căn cứ hoàn thành thủ tục thông quan.

4. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với mẫu hàng đã được kiểm tra trước về bao bì, ghi nhãn và các dấu hiệu bên ngoài khác, việc kiểm tra lô hàng đó được chuyển sang thực hiện theo trình tự thủ tục kiểm tra lô hàng nhập khẩu nêu tại Điều 7 của Quy định tạm thời này.

Điều 7. Nội dung và thủ tục kiểm tra lô hàng nhập khẩu tại bến đến

1. Trường hợp doanh nghiệp không gửi mẫu hàng kiểm tra trước thì khi hàng hóa về cửa khẩu, doanh nghiệp phải lập hồ sơ đăng ký kiểm tra và gửi đến Tổ chức kiểm tra. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

- Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu (Phụ lục 1);

- Hợp đồng nhập khẩu, bản liệt kê hàng hóa (nếu có); hóa đơn, vận đơn (bản sao có dấu, chữ ký của chủ doanh nghiệp);

- Các chứng thư chất lượng của lô hàng (bản sao có dấu, chữ ký của chủ doanh nghiệp); bản giới thiệu, thuyết minh (Catalogue) hoặc tài liệu kỹ thuật có liên quan về hàng hóa của người bán hàng.

2. Sau khi nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, trong thời gian không quá 01 ngày làm việc, Tổ chức kiểm tra phải thực hiện việc cấp thông báo lô hàng đủ thủ tục quy định đối với hàng hoá nhập khẩu (theo mẫu Phụ lục 3) để doanh nghiệp có căn cứ làm thủ tục thông quan trước.

Tổ chức kiểm tra tiến hành lấy mẫu hàng hóa (trong lô hàng) để kiểm tra sự phù hợp của mẫu hàng hoá với căn cứ kiểm tra tương ứng được quy định tại Điều 3 của Quy định tạm thời này. Thời gian kiểm tra chất lượng một lô hàng là không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu lấy mẫu kiểm tra hoặc tổ chức kiểm tra.

- Nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu nêu trong căn cứ kiểm tra, trong thời gian không quá 01 ngày làm việc, Tổ chức kiểm tra phải cấp Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu, với nội dung xác nhận lô hàng phù hợp quy định về nhập khẩu cho doanh nghiệp (theo mẫu của Phụ lục 2) để làm căn cứ cho việc hoàn thành thủ tục thông quan.

- Nếu kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu nêu trong căn cứ kiểm tra, trong thời gian không quá 01 ngày làm việc, Tổ chức kiểm tra cấp Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu, với nội dung thông báo lô hàng không phù hợp quy định về nhập khẩu cho doanh nghiệp (theo mẫu Phụ lục 2), đồng thời báo cáo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Kết quả kiểm tra hàng hóa được Tổ chức kiểm tra lưu giữ để làm căn cứ xem xét quyết định việc thực hiện chế độ kiểm tra chặt hoặc giảm nhẹ kiểm tra cho các lô hàng cùng loại của doanh nghiệp (cùng tên gọi, ký hiệu, cùng đặc tính kỹ thuật chính, cùng do một tổ chức trực tiếp sản xuất) sau này.

Điều 8. Nội dung kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu tại bến đi.

1. Hàng hoá nhập khẩu nếu đã được kiểm tra chất lượng bởi Tổ chức thử nghiệm hoặc Tổ chức chứng nhận nước ngoài được thừa nhận, thì việc quản lý được thực hiện như sau:

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ công bố danh sách các Tổ chức kiểm tra hoặc Tổ chức chứng nhận (gồm các nội dung liên quan như: tên Tổ chức, nơi đặt trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động, lô gô, mẫu giấy chứng nhận hoặc phiếu kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá ...) và thông báo đến cơ quan Hải quan để phối hợp quản lý.

2. Doanh nghiệp có hàng hoá nhập khẩu đã được kiểm tra tại các Tổ chức kiểm tra hoặc chứng nhận nước ngoài được thừa nhận, xuất trình Hải quan giấy chứng nhận hoặc phiếu kết quả kiểm tra chất lượng hàng hoá do các Tổ chức nêu trên cấp để làm thủ tục thông quan.

3. Hàng hoá nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của các Hiệp định hoặc Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau đa phương, song phương đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước xuất khẩu, được quản lý chất lượng theo quy định riêng của Hiệp định hoặc Thoả thuận đó.

4. Kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá tại bến đi theo đề nghị của doanh nghiệp do hai bên thoả thuận.

Điều 9. Chế độ giảm nhẹ kiểm tra và chế độ kiểm tra chặt đối với hàng hoá nhập khẩu

1. Chế độ giảm nhẹ kiểm tra chất lượng được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu qua quá trình theo dõi có lịch sử chất lượng ổn định và đạt yêu cầu theo các mức chất lượng quy định trong căn cứ kiểm tra (thông qua bảng tổng hợp thống kê kết quả kiểm tra) được quy định cụ thể như sau:

- Giảm tần suất kiểm tra (giảm số lượng lô liên tục lấy mẫu kiểm tra);

- Giảm lượng mẫu lấy kiểm tra;

- Giảm chỉ tiêu kiểm tra.

2. Chế độ kiểm tra chặt (tăng tần suất kiểm tra; tăng lượng mẫu lấy kiểm tra) áp dụng đối với các sản phẩm hàng hoá nhập khẩu trước đó có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu, kết quả kiểm tra trên thị trường hàng hoá cùng loại không đạt yêu cầu hoặc có khiếu nại của người tiêu dùng.

3. Việc áp dụng chế độ giảm nhẹ kiểm tra hoặc chế độ kiểm tra chặt sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu do các Tổ chức kiểm tra đề nghị Cục An toàn xem xét, quyết định.

Điều 10. Phí kiểm tra, phí thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá

Các doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng chịu các khoản phí và lệ phí kiểm tra, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Việc thực hiện chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Nghĩa vụ và quyền hạn của doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hàng hoá

1. Nghĩa vụ

- Thực hiện nhập khẩu hàng hoá theo đúng quy định của pháp luật;

- Chịu sự kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu của các Tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

2. Quyền hạn

- Có quyền khiếu nại hoặc tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Điều 12. Quyền hạn và trách nhiệm của Tổ chức kiểm tra

1. Quyền hạn

- Yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp các tài liệu cần thiết phục vụ cho việc kiểm tra;

- Ra vào nơi lưu giữ, bảo quản và vận chuyển hàng hóa để kiểm tra và lấy mẫu;

- Thực hiện việc kiểm tra hàng hóa theo Quy định;

- Cấp Thông báo kết quả kiểm tra cho doanh nghiệp nhập khẩu;

- Thu phí kiểm tra, phí thử nghiệm theo quy định của Bộ Tài chính;

- Kiến nghị Cục An toàn lao động và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Quy định. Kiến nghị doanh nghiệp các biện pháp xử lý sản phẩm, hàng hóa sau kiểm tra không đạt yêu cầu về chất lượng, theo dõi việc xử lý và kết quả xử lý.

2. Trách nhiệm

- Thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi được chỉ định;

- Đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan khi kiểm tra sản phẩm, hàng hoá. Tuân thủ chặt chẽ các quy định trong các Quy trình kiểm tra do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

- Chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về nghiệp vụ của Cục An toàn lao động;

- Tham gia xây dựng các quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu cho từng loại sản phẩm hàng hoá cụ thể theo phân công hoặc chỉ định;

- Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp nhập khẩu đối với việc kiểm tra chất lượng do đơn vị tiến hành. Trường hợp do lỗi của Tổ chức kiểm tra, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì Tổ chức kiểm tra phải hoàn trả toàn bộ phí thử nghiệm hoặc phí kiểm tra, bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

- Lưu giữ hồ sơ kiểm tra và xuất trình khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

- Hàng quý, lập bản tổng hợp tình hình kiểm tra (gồm các nội dung: số lượng lô hàng hoá đã kiểm tra, phương thức kiểm tra; số lượng lô không đạt chất lượng, cách xử lý; số lượng lô miễn kiểm tra; số lượng lô giảm nhẹ kiểm tra; số lượng lô phải áp dụng biện pháp kiểm tra chặt; tình hình phối hợp giữa các cơ quan có liên quan; tình hình khiếu nại của doanh nghiệp và giải quyết khiếu nại; kiến nghị...), gửi báo cáo về Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Báo cáo bằng văn bản với Cục An toàn lao động, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội khi:

+ Thay đổi phạm vi kiểm tra;

+ Thay đổi, bổ sung trụ sở làm việc;

+ Tạm thời ngừng hoặc chấm dứt hoạt động.

Điều 13. Trách nhiệm quản lý

Cục An toàn lao động có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá; quản lý các hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá; đề xuất chỉ định hoặc đình chỉ các Tổ chức kiểm tra để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định.

Điều 14. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Doanh nghiệp nhập khẩu có quyền khiếu nại về kết luận của Tổ chức kiểm tra đối với sản phẩm, hàng hóa của mình, khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính về quyết định xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khởi kiện và giải quyết đơn kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhqttvktclsphhnktqs502006n0732006cttcpbhdmsphhpktvcl1261