AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép.

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép.

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH VĨNH PHÚ
Số: 1084/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 1996                          
UBND tỉnh

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚ

Ban hành quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước

trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép.

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ban hành ngày 21/6/1994.

Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 23/01/1995 của Chính phủ về tổ chức nhiệm vụ công tác quản lý thị trường.

Căn cứ Quyết định số 96/TTg ngày 18/02/1995 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế và sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý thị trường.

Theo đề nghị của Sở thương mại và Du lịch.

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚ

Về trách nhiệm quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước

trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và các hành vi kinh doanh trái phép

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1084/QĐ-UB ngày 8/6/1996 của UBND tỉnh)

Chương I

Những quy định chung

Điều 1: Quy định này xác định những nguyên tắc, trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành, thị trong công tác chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, chốn lậu thuế và các hành vi kinh doanh trái phép khác (sau đây gọi tắt là quản lý thị trường).

Điều 2: Các ngành có chức năng quản lý thị trường thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về thực hiện công tác quản lý thị trường trên địa bàn theo các nội dung sau đây:

- Điều hành lưu thông hàng hoá trên thị trường.

- Chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng cấm kinh doanh.

- Chống sản xuất và buôn bán hàng giả.

- Chống chốn lậu thuế và các hành vi kinh doanh trái phép khác.

Điều 3: Sở thương mại và Du lịch là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh.

Sở Thương mại và Du lịch có nhiệm vụ:

1. Chủ trì tổ chức sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp trong tỉnh có chức năng quản lý thị trường. Chi Cục quản lý thị trường thường trực giúp Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tổ chức sự phối hợp hoạt động này.

2. Theo dõi đôn đốc các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của UBND tỉnh về công tác quản lý thị trường.

Tổng hợp tình hình thị trường, hoạt động quản lý thị trường để báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo và giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời thông báo cho các cơ quan liên quan biết và phối hợp thực hiện.

Điều 4: Các cơ quan thuộc tỉnh có chức năng quản lý thị trường theo lĩnh vực và UBND các huyện, thành, thị có nhiệm vụ:

Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thị trường trong phạm vi chuyên ngành theo thẩm quyền được giao.

Phối hợp với các cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý thị trường, UBND các cấp để tổ chức công tác quản lý thị trường theo lĩnh vực ngành hàng. Kịp thời ngăn ngừa và xử lý các diễn biến xấu xẩy ra trên thị trường về lĩnh vực, ngành, hàng đó.

- Xử lý nghiêm về hành chính - kinh tế theo đúng thẩm quyền và pháp luật đối với các hoạt động đầu tư, buôn bán hàng cấm kinh doanh, hàng lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, chốn lậu thuế và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Kịp thời kiến nghị với các cơ quan pháp luật có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Chương II

Những quy định cụ thể về trách nhiệm và quan hệ phối hợp của các cơ quan Nhà nước

trong công tác quản lý thị trường

Điều 5: Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phối hợp điều hành lưu thông hàng hoá trên thị trường.

Sở Thương mại và Du lịch chủ trì cùng các ngành Tài chính vật giá, UB Kế hoạch, Các Sở quản lý sản xuất chuyên ngành và UBND các huyện, thành, thị tổ chức phối hợp điều hành lưu thông hàng hoá trên thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, theo dõi diễn biến của thị trường để đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp ngăn chặn và khắc phục các biến động xấu xảy ra trên thị trường, tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hoá phát triển.

Điều 6: Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc chống buôn lậu hàng nhập lậu, hàng cấm kinh doanh.

1. Công an Tỉnh chủ trì phối hợp cùng Chi cục quản lý thị trường, chống buôn bán các mặt hàng cấm kinh doanh.

2. Sở Thương mại chủ trì và chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường phối hợp cùng Công an tỉnh, Cục thuế chống hàng nhập lậu đang lưu thông trên thị trường.

3. Đề nghị Hải quan thị trường chủ trì phối hợp cùng Chi cục quản lý thị trường, Công an tỉnh, Cục thuế chống hàng xuất khẩu, nhập khẩu trái phép của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn.

Điều 7: Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc chống sản xuất buôn bán hàng giả.

1. Sở Thương mại chủ trì và chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường phối hợp cùng Công an tỉnh, Cục thuế, Sở KHCN Môi trường và các Sở quản lý chuyên ngành chống sản xuất và buôn bán các loại hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường.

2. Sở Y tế chủ trì phối hợp cùng các ngành chức năng chống sản xuất, kinh doanh thuốc dùng cho người trái phép theo quy định tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 08/3/1996 của UBND tỉnh.

3. Sở Nông lâm nghiệp chủ trì phối hợp cùng Chi cục quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở KHCN Môi trường chống sản xuất và kinh doanh các loại thuốc thú y, thuốc dùng cho thực vật, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi trái phép.

4. Các Sở quản lý sản xuất chuyên ngành khác chủ trì phối hợp cùng Chi cục quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở KHCN Môi trường chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý.

Điều 8: Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc chống các hành vi kinh doanh trái phép.

1. Sở Thương mại chủ trì và chỉ đạo, Chi cục quản lý thị trường phối hợp cùng Cục thuế, UB Kế hoạch chống các loại hoạt động kinh doanh không đăng ký và kinh doanh sai nội dung đã đăng ký. Phối hợp cùng công an tỉnh, Sở KHCN Môi trường và các Sở quản lý chuyên ngành chống các hành vi vi phạm quy định về hàng hoá dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện trên thị trường.

2. Cục thuế chủ trì phối hợp cùng Công an tỉnh, Chi cục quản lý thị trường chống buôn lậu thuế trong kinh doanh của các đơn vị, tổ chức cá nhân trong tỉnh.

3. Sở Y tế chủ trì cùng Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường chống hành nghề Y dược trái phép.

4. Sở Văn hoá thông tin thể thao chủ trì cùng Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường chống các dịch vụ văn hoá nghệ thuật, in ấn, xuất bản và kinh doanh văn hoá phẩm trái phép.

5. Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ trì phối hợp cùng Công an tỉnh, quản lý thị trường, Cục thuế chống các hoạt động kinh doanh tiền, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý trái phép.

6. Chi cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp cùng Công an tỉnh, Chi cục quản lý thị trường, Cục thuế chống các hoạt động kinh doanh lâm sản trái phép.

Điều 9: Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý thị trường trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các vi phạm.

Các cơ quan có trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường theo chức năng của mình chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát theo chuyên ngành phụ trách.

1. Đối với những vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều địa phương thì cơ quan chuyên ngành chủ động thống nhất với các cơ quan liên quan đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Cơ quan Nhà nước chủ trì sự phối hợp kiểm tra liên ngành có trách nhiệm chính trong việc tổ chức kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định. Đối với những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm thì không được xử lý hành chính và phải lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường không được chồng chéo, trùng lặp, kéo dài gây phiền hà, khó khăn cho đối tượng được kiểm tra. Đối với cùng một việc nếu đã có kết luận kiểm tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan khác không được kiểm tra lại mà phải căn cứ vào kết luận đã kiểm tra xử lý để xem xét. Trường hợp phát hiện có vi phạm khác ngoài thẩm quyền xử lý của mình thì đơn vị kiểm tra kiểm soát phải thông báo và giao lại cơ quan chức năng khác để xem xét xử lý đúng pháp luật.

3. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường phải thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dự báo về công tác quản lý thị trường, về kiểm tra kiểm soát và xử lý các vi phạm đồng thời phối hợp chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp theo quy định của pháp luật để công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép có hiệu quả.

4. Đối với các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý thị trường có liên quan đến quân đội thì cơ quan trực tiếp kiểm tra, kiểm soát phải phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (ở các huyện là Ban chỉ huy quân sự) lập biên bản vi phạm, kiểm kê hàng hoá, phương tiện và thống nhất xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

5. Công an tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ kịp thời lực lượng, phương tiện cho các cơ quan có trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường để xử lý các trường hợp cần thiết.

6. Sở Tài chính vật giá chủ trì phối hợp với các cơ quan trực tiếp kiểm tra, kiểm soát tổ chức bán đấu giá hàng hoá, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm hành chính bị tịch thu. Tiền phạt, tiền bán hàng hoá tịch thu phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

Điều 10: Trách nhiệm của UBND các huyện, thành, thị trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.

1. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, của UBND tỉnh về công tác quản lý thị trường chống buôn lậu và kinh doanh trái phép tại địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường ở huyện thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, thực hiện các biện pháp, các phương án quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép trên địa bàn. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo tình hình quản lý thị trường ở địa phương với UBND tỉnh qua Sở Thương mại và Du lịch.

3. Chỉ đạo UBND các xã phường thực hiện công tác quản lý thị trường tại địa bàn quản lý. Xác định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường trong công tác này.

Điều 11: UBND cấp xã, phường chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện có nhiệm vụ:

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với thị trường hàng hoá tại địa phương.

- Chỉ đạo các cửa hàng, cửa hiệu, cá nhân trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường.

- Phối hợp với các ngành chức năng của cấp huyện tổ chức kiểm tra các điều kiện kinh doanh như: Giấy phép kinh doanh, môn bài các giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện kinh doanh và việc thực hiện các quy định của các đối tượng kinh doanh.

- Phát hiện, xử lý ngăn chặn các vi phạm về quản lý thị trường theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về quản lý thị trường tại địa bàn.

2. Thực hiện chế độ báo cáo công tác quản lý thị trường với UBND huyện.

Chương III

Tổ chức thực hiện

Điều 12: Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan Nhà nước đã được pháp luật quy định và quy định này, Thủ trưởng các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình công tác QLTT của ngành, địa phương mình và tổ chức phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Các cơ quan: Cục thuế, Công an tỉnh, Sở Nông lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Sở KHCN Môi trường, Sở Y tế, Sở Văn hoá Thông tin thể thao và UBND các huyện phân công 1 đồng chí lãnh đạo phụ trách chỉ đạo công tác quản lý thị trường và làm đầu mối quan hệ phối hợp công tác cùng với Sở thương mại Du lịch. Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất Sở Thương mại và Du lịch triệu tập các cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý thị trường kiểm điểm, rút kinh nghiệm bàn biện pháp tổ chức phối hợp công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và kinh doanh trái phép.

- Các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền kịp thời các quy định của pháp luật về QLTT, chống buôn lậu kinh doanh trái phép, các vụ vi phạm quản lý thị trường và kết quả xử lý.

Điều 13:

1. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công tác quản lý thị trường chống buôn lậu, kinh doanh trái phép thực hiện trách nhiệm không đúng quy định của pháp luật và quy định này tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Tổ chức cá nhân có công trong việc cung cấp thông tin, phát hiện và giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường điều tra, bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép sẽ được khen thưởng tuỳ theo kết quả xử lý của từng vụ. Tổ chức cá nhân nào có ý bao che, dung túng các vi phạm về quản lý thị trường sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương IV

Điều khoản thi hành

Điều 14: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 15: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm thi hành./.


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhqtnqhphhgccqqlnntctqlttcblvchvkdtp1119