AsianLII Home | Databases | WorldLII | Search | Feedback

Laws of Vietnam

You are here:  AsianLII >> Databases >> Laws of Vietnam >> Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Cảng cá Cửa Hội

Database Search | Name Search | Noteup | Help

Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Cảng cá Cửa Hội

Thuộc tính

Lược đồ

UBND TỈNH NGHỆ AN
Số: 52/2001/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2001                          
Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An số 52/2001/QĐ-UB ngày 26 tháng 6 năm 2001 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban qun l

 QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Cảng cá Cửa Hội

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), ngày 21/6/1994;

Xét đề nghị của Sở Thuỷ sản tại Công văn số 306/CV-TC.TS ngày 29/5/2001 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Cảng cá Cửa Hội,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản"Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Cảng cá Cửa Hội".

Điều 2: Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò; Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Cửa Hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BAN QUẢN LÝ CẢNG CÁ CỬA HỘI

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 52 QĐ/UB ngày 26/6/2001 của UBND tỉnh Nghệ An)

 

Chương I

Những quy định chung

Điều 1: Quy chế này được xây dựng trên cơ sở "Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Cảng cá ngành Thuỷ sản" ban hành kèm theo Quyết định số 988/2000/QĐ-BTS ngày 20/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản và căn cứ vào điều kiện cụ thể của tỉnh Nghệ An.

Ban quản lý Cảng cá Cửa Hội (viết tắt là BQLCC Cửa Hội) được thành lập theo Quyết định số 2876/QĐ-UB ngày 29/9/2000 của UBND tỉnh Nghệ An và được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp cơ sở hạ tầng nghề cá, được Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA do Ngân hàng phát triển châu á (ADB) tài trợ nhằm phục vụ việc neo đậu, bốc dỡ hàng hoá và trú gió bão của các phương tiện nghề cá thuộc mọi thành phần kinh tế.

Điều 2: Ban QLCC Cửa Hội là "Đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu" được sử dụng các nguồn thu của Cảng để đảm bảo các chi phí hợp lý theo quy định hiện hành của Nhà nước. Ban QLCC Cửa Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở đặt tại phường Nghi Hải - thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An.

Điều 3: Nguyên tắc hoạt động của Ban QLCC Cửa Hội:

1. Hoạt động tuân thủ pháp luật, quy chế của ngành thuỷ sản, các quy định của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và Quy chế này.

2. Chịu sự quản lý Nhà nước trực tiếp của Sở Thuỷ sản Nghệ An và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

3. Phục vụ cộng đồng ngư dân theo quy định của loại hình đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu; không vì mục đích lợi nhuận.

Điều 4: Các từ ngữ trong quy chế được hiểu như sau:

1. "Cảng cá" là cảng được mở ra chủ yếu là để các phương tiện nghề cá và phương tiện khác ra vào hoạt động.

2. "Cơ sở hạ tầng Cảng cá" là tổng thể các công trình, hạng mục công trình thuộc hệ thống phao tiêu báo hiệu, hàng rào bảo vệ vùng neo đậu tàu thuyền thuộc cảng quản lý như: cầu bến, kè chắn bờ sông, đường nội bộ, nhà chọn cá có mái che, trụ sở làm việc, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc và các tài sản khác.

3. "Phương tiện nghề cá" bao gồm: tàu, thuyền thủ công, thuyền gắn máy, phương tiện di động và không di động trong khu vực quản lý cảng cá, trong vùng phao tiêu báo hiệu phạm vi cảng cá.

 

Chương II

Tổ chức và hoạt động của Ban QLCC Cửa Hội

Điều 5: Đầu tư và phát triển:

1. Căn cứ vào phương hướng, kế hoạch phát triển của ngành Thuỷ sản Nghệ An, xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm (chia ra tháng, quý) của Cảng cá.

2. Căn cứ vào yêu cầu của công tác quản lý Cảng cá, hàng năm xây dựng kế hoạch tài chính, bao gồm kế hoạch thu, chi theo quy định cho các loại hình "đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu" trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

3. Chủ trì xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, mở rộng Cảng cá, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung về đầu tư và xây dựng các công trình thuộc Cảng cá khi được giao là chủ đầu tư. Quản lý tốt các công trình liên doanh, liên kết, trong khu vực Cảng quản lý theo các quy định của pháp luật.

4. Được quan hệ giao dịch với các đối tác trong và ngoài nước thuộc các thành phần kinh tế về việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuộc cơ sở hạ tầng Cảng cá theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

5. Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan xây dựng các quy định nơi neo đậu tàu thuyền, nơi cung ứng, trao đổi sản phẩm, vật tư, thiết bị nghề cá thuộc phạm vi Cảng quản lý. Phối hợp với các tổ chức cứu nạn, cứu hộ, cảnh báo và hạn chế những rủi ro do thiên tai, địch hoạ gây ra. Có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, giữ gìn trật tự an ninh, vệ sinh, môi trường sinh thái. Xây dựng một bến cảng hiện đại, văn minh, sạch, đẹp.

Điều 6: Về chấp hành luật pháp và các quy định của cấp trên.

1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các quy định có liên quan đến Cảng cá.

2. Thực hiện đúng pháp luật, chế độ, các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn liên quan đến Cảng cá. Được kiến nghị với cấp trên bổ sung, sửa đổi các quy định nói trên khi xét thấy cần thiết.

3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế Cảng cá (sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt). Thiết lập mối quan hệ với các cảng cá, bến cảng, nhân dân, tạo điều kiện cho các tổ chức khai thác, chế biến tham gia vào hoạt động kinh tế của Cảng ngày càng phát triển. Được gọi vốn đầu tư, góp vốn đầu tư, hợp tác, liên doanh, liên kết để thực hiện hiện đại hoá Cảng cá, đa dạng hoá ngành nghề, dịch vụ nghề cá cộng đồng trong khuôn khổ của pháp luật.

Điều 7: Về quản lý khai thác và bảo vệ cơ sở hạ tầng Cảng cá.

1. Khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đất đai mặt nước và các công trình cơ sở hạ tầng mà Cảng cá được giao quản lý.

2. Lập sổ sách theo dõi cập nhật tình hình khai thác, sử dụng tình trạng kỹ thuật các công trình, hạng mục công trình, trang thiết bị thuộc cơ sở hạ tầng Cảng cá theo quy định hiện hành.

3. Lập kế hoạch bảo dưỡng duy tu định kỳ, quản lý, sử dụng có hiệu quả và an toàn thiết bị, tài sản của Cảng. Thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống cháy, nổ, lụt bão và ngăn ngừa các hành vi phá hoại tài sản của Cảng cá.

Điều 8: Về tổ chức bộ máy cán bộ và lao động.

1. Trên cơ sở nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao (theo Quyết định số 2876/QĐ-UB). Ban QLCC Cửa Hội tiến hành xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể, các quy định, nội quy, các mối quan hệ công tác và tổ chức thực hiện cho toàn Cảng, từng bộ phận và từng cán bộ công chức của Cảng.

2. Bố trí sắp xếp hợp lý lao động theo tiêu chuẩn chức danh, ngành nghề đào tạo và sở trường công tác, tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ CNV trong Cảng đảm bảo điều kiện làm việc, chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

3. Ban QLCC Cửa Hội có 1 Giám đốc, 1 Phó Giám đốc. Việc bổ nhiệm miễn nhiệm các chức danh cũng như việc tuyển dụng cán bộ, công chức theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Việc tuyển dụng lao động hợp đồng để phục vụ yêu cầu hoạt động của Ban QLCC Cửa Hội căn cứ nhu cầu công việc, có nguồn thu và phải bảo đảm theo các quy định của Nhà nước.

4. Cán bộ CNV quản lý Cảng cá trong khi làm việc được trang bị đồng phục.

Điều 9: Chức năng nhiệm vụ của Giám đốc Ban QLCC Cửa Hội.

Giám đốc Ban QLCC Cửa Hội là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi mặt hoạt động của đơn vị, có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Tổ chức điều hành toàn bộ công việc của Ban QLCC.

2. Tổ chức xây dựng; trình duyệt quy chế hoạt động của cảng, tổ chức thực hiện tốt quy chế được duyệt.

3. Kịp thời phát hiện xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục các sự cố xảy ra ở cảng cá vượt thẩm quyền và khả năng của Ban QLCC.

4. Đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định, chế độ, có liên quan đến cảng cá và hoạt động của Ban QLCC.

5. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản, vật tư, tiền vốn, lao động được giao, đảm bảo trật tự, an toàn, văn minh, ngày càng hiện đại và hoạt động có hiệu quả của cảng.

6. Thực hiện tạm giữ tàu thuyền ra vào Cảng theo Quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo luật định và Quyết định của cấp trên.

Điều 10: Phó Giám đốc.

Là người được Giám đốc phân công phụ trách 1 hoặc một số lĩnh vực công tác của BQL, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về công việc được phân công, được Giám đốc uỷ quyền thay mặt Giám đốc giải quyết một số công việc khi Giám đốc vắng mặt.

Điều 11: Bộ máy giúp việc Giám đốc có thể tổ chức thành phòng, ban, bộ phận phụ thuộc vào quy mô, khối lượng công việc của Cảng, cơ cấu tổ chức bộ máy biên chế của Ban QLCC do Giám đốc đề nghị lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét và tham mưu trình UBND tỉnh Quyết định.

Điều 12: Về tài chính kế toán.

1. Thực hiện nghiêm chỉnh luật ngân sách, pháp lệnh kế toán thống kê của Nhà nước và các chế độ quy định về tài chính, kế toán thống kê hiện hành, đảm bảo quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn kinh phí được cấp, được thu hoặc được hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.

2. Tổ chức thu đúng, thu đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn thu được giữ lại theo quy định để chi theo dự toán được duyệt, phần còn lại nạp vào ngân sách qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

4. Thực hiện đúng và kịp thời chế độ báo cáo tài chính theo quy định.

5. Chịu sự kiểm tra, thanh tra tài chính, tài sản của cơ quan có thẩm quyền theo luật định.

Điều 13: Về tổ chức và phối hợp hoạt động tại Cảng cá.

Hàng năm Ban QLCC căn cứ kế hoạch hoạt động được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ động phối, kết hợp với các cơ quan hữu quan, các đơn vị trong ngành thuỷ sản về việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Cảng theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực:

1. an ninh quốc phòng, trật tự trị an, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống thiên tai góp phần cứu nạn cứu hộ trong các khu vực Cảng cá.

2. Bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh thực phẩm thuỷ sản, phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng tại Cảng.

3. Cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi, thị trường, tổ chức mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân mua bán trao đổi hàng hoá trong khu vực Cảng.

4. Tổ chức điều tra, xử lý các vụ tai nạn, sự cố hàng hải trong phạm vi cảng và các vụ vi phạm nội quy Cảng cá.

5. Thực hiện thống kê thuỷ sản tại cảng thông qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng hải sản báo cáo cho cơ quan hữu quan theo quy định.

6. Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra mọi tổ chức cá nhân hoạt động trong cảng theo chức năng được pháp luật quy định.

7. Cấp giấy phép ra vào cảng cho tàu thuyền nước ngoài và phối hợp với các ngành chức năng làm thủ tục xuất nhập cảnh cho người nước ngoài đi theo tàu.

Điều 14: Các mối quan hệ công tác.

a. Đối với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

1. Chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp theo quy định của pháp luật.

2. Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và các Quyết định, quy định, chỉ thị có liên quan.

3. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ, đột xuất theo quy định và yêu cầu của công tác quản lý.

b. Chịu sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền liên quan.

c. Đối với các cơ quan, đơn vị khác:

- Xây dựng mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau, nhằm đảm bảo Cảng cá hoạt động có hiệu quả, trật tự, an toàn, sạch đẹp và văn minh.

- Định kỳ 2 tháng 1 lần họp trao đổi đúc rút kinh nghiệm trong việc phối hợp hoạt động tại Cảng cá.

 

Chương III

Điều khoản thi hành

Điều 15: Ban QLCC Của Hội căn cứ quy chế này xây dựng các quy định cụ thể và nội quy cảng cá, tuyên truyền phổ biến cho cộng đồng ngư dân biết thực hiện.

Điều 16: Giao Sở Thuỷ sản và Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Sở Thuỷ sản có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện quy chế và định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện quy chế cho UBND tỉnh và Bộ Thuỷ sản.

Điều 17: Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, sửa đổi Ban QLCC Cửa Hội báo cáo phản ánh bằng văn bản về các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét và Quyết định./.

 


AsianLII: Copyright Policy | Disclaimers | Privacy Policy | Feedback
URL: http://www.asianlii.org/vie/vn/legis/laws/bhqctcvhcbqlccch336